Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

30 tháng 11, 2012

ƠN CỨU ĐỘ ĐÃ ĐẾN GẦN

Tin Mừng Lc 21,25-28.34-36           
Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc"…Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người".

BẢO CHỨNG CỦA TRƯỜNG SINH BẤT TỬ


Công chúa Touwan bên Trung Quốc từ trần vào khoảng năm 104 Trước Công Nguyên, nhưng được những người sinh sống đồng thời tin tưởng là bà sẽ trường sinh bất tử vì bà được an táng trong một quan tài bằng ngọc thạch. Chồng bà nhắm mắt lìa đời 9 năm trước đó cũng được an táng trong một quan tài tương tự.
Ðôi vợ chồng được an nghỉ trong hai ngôi mộ xây cất trong vùng đồi núi hoang vu. Mãi đến năm 1969 người ta mới khám phá ra và cả thế giới ngạc nhiên trước sự giàu sang của thời đại ấy được biểu lộ qua 2,800 của lễ được dâng tặng lúc cử hành lễ an táng, nhưng đặc biệt nhất là hai cái quan tài, mỗi cái gồm tất cả hai ngàn mảnh ngọc nhỏ được kết chung lại bằng những sợi chỉ bằng vàng.
Những người sinh sống vào thời đại ấy quan niệm rằng: vàng và ngọc thạch không bị thời gian làm hư  hại vì thế chúng ta bảo chứng cho sự trường sinh bất tử.
Trên ba vòng bán nguyệt của khung cửa chính ở nhà thờ chánh tòa Milanô bên Italia có khắc ba dòng chữ:
- Phía dưới hình một hoa hồng được chạm trổ tinh vi của một vòng bán nguyệt, người ta đọc được hàng chữ: "Mỗi hạnh phúc chỉ kéo dài trong khoảnh khắc".
- Bên vòng bán nguyệt của khung cửa kia, dưới hình một cây thập giá có ghi hàng chữ: "Mỗi đau khổ chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc".
- Ở vòng nguyệt của khung cửa giữa dẫn vào lòng chính của vương cung thánh đường có khắc dòng chữ: "Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng".
Ở giữa một bên là quan niệm đi tìm thuốc tiên hay sử dụng quan tài bằng ngọc thạch để được trường sinh bất tử và bên kia là quan niệm cuộc đời con người chấm cùng bằng cái chết, những người Kitô hữu xây dựng cuộc sống vĩnh cửu bằng những giây phút hiện tại và tin tưởng rằng cái chết là ngưỡng cửa dẫn vào cuộc sống đời đời và chính cuộc sống này mới thực sự quan trọng.
Vì thế họ chọn thái độ "sống gửi thác về". Họ thu nhặt những giá trị qúi như vàng ngọc bằng cách sống tốt, sống thật những giây phút hiện tại, bằng cách áp dụng "hai đạo luật vàng: mến chúa yêu người", vì họ biết rằng chỉ có những gì được làm vì tình yêu mới có giá trị vĩnh cửu.
Vì thế họ quan niệm đời sống là một cuộc hành trình, phải luôn cất bước ra đi: nước mắt, nụ cười chỉ có giá trị tương đối, để mỗi ngày họ bắt đầu lại, mỗi ngày họ cất một bước chân mới đi về nhà cha. Năm phụng vụ đã gần kết thúc. Giáo hội mời gọi chúng ta tiếp tục sống, nhưng với chú tâm sống tốt, sống thật từng phút giây hiện tại vì chúng là những hạt cát, những viên gạch xây dựng cho cuộc sống mai sau.



Tác giả Veritas

CÁI DŨNG CỦA THÁNH NHÂN


Thánh Clêmentê Hofbauer, nổi tiếng là một người nóng tính.
Ngài được cử làm bề trên một cô nhi viện. Một hôm trong nhà không còn lương thực, Clêmentê đã phải đích thân đi xin ăn. Ngài vào nhà một người giàu có đang tổ chức  một sòng bạc. Người chủ nhà vừa gặp cơn đen lại vừa bị người hành khất quấy rầy. Ông không kiềm nổi cơn bực bội nên đã nhổ tung nước bọt vào mặt thánh nhân. Bình thường có lẽ Clêmentê đã có phản ứng mạnh. Nhưng vốn luyện tập nhẫn nại, nên ngài đã đứng lên lau mặt rồi vui vẻ nói với người đã phỉ nhổ mình: "Ðó là qùa ông dành cho tôi, xin cảm ơn ông. Thế còn qùa của các trẻ mồ côi đâu?". Bị đánh động bởi cử chỉ điềm nhiên vui vẻ của thánh nhân, người chủ nhà đành  phải lấy tiền trao cho ngài để giúp đỡ các em mồ côi.
Cái dũng của thánh nhân chính là biết dùng sự thinh lặng, nhẫn nhục để biến cải tâm hồn con người. Cổ nhân thường nói: "Một câu nhịn bằng chín câu lành". Không có sức mạnh nào có thể thắng nổi sự bất bạo động. Bởi vì, khí giới dù có tối tân và có sức đe dọa đến đâu cũng không thể thuyết phục được tâm hồn con người. Chỉ có lòng tha thứ mới có thể bẻ gãy được thứ vũ khí ác hại nhất là hận thù.

Tác giả Veritas

BÀ VỢ CỦA SOCRATE


Nhà hiền triết Hy Lạp Socrate chẳng may có một người vợ khó tính như chằng tinh. Nhưng ông đã chịu đựng tất cả những dở chứng của bà một cách kỳ diệu. Một ngày nọ, ông đang làm đạo với các môn sinh ngay trước cửa nhà, bà vợ bắt đầu dùng một lời lẽ thô tục để rủa sả ông. Nhưng ông vẫn một mực điềm nhiên như không nghe biết gì. Bà vợ không cầm nổi cơn giận, đã múc một gáo nước tạt vào người ông. Nhà hiền triết cũng không để lộ một phản ứng. Mãi một lúc sau, ông mới bỗng đùa với đám môn sinh: "Sau cơn sấm sét thì lại có mưa giông".
Thánh Basiliô khuyên dạy như sau: "Ðừng ăn miếng trả miếng". Kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến phi lý là người bất hạnh nhất, bởi vì người đó sẽ mang theo tất cả phần lỗi� Hãy để cho kẻ thù ta là thầy dạy ta. Ðừng bắt chước điều ta ghét bỏ. Ðừng trở nên gương soi cho một kẻ đang giận dữ bằng cách phản chiếu chính khuôn mặt giận dữ của người đó.



Tác giả Veritas

27 tháng 11, 2012

TIẾNG VỌNG RỪNG SÂU


Có một cậu bé ngỗ nghịch thường bị mẹ khiển trách. Ngày nọ, giận mẹ nhưng không thể xúc phạm một cách trực tiếp, cậu chạy đến một thung lũng cạnh một khu rừng rậm. Cậu lấy hết sức mình và thét lên: "Tôi ghét người". Câ�u ngạc nhiên vô cùng vì từ khu rừng có tiếng vọng lại: "Tôi ghét người". Cậu hoảng hốt quay về với mẹ và khóc nức nở. Cậu không thể hiểu được từ trong rừng đã có người thù ghét cậu.
Người mẹ nắm tay đưa cậu trở lại khu rừng và bảo cậu hãy hét lên: "Tôi yêu người". Lạ lùng thay, cậu vừa dứt tiếng thì cũng có người nói vọng lại: "Tôi yêu người". Lúc đó người mẹ mới giải thích cho cậu như sau: "Con ơi, đó là định luật  trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhâ�n điều đó. Ai gieo gió thì người đó gặt bão. Nếu con thù ghét người, thì người cũng sẽ thù ghét con. Nếu con yêu thương người, thì người cũng sẽ yêu thương con".
Hận thù lúc nào cũng kéo theo hận thù, bạo động lúc nào cũng sinh ra bạo động. Chỉ có tình yêu mới làm phát sinh tình yêu. Bạo động và hận thù không thể là phương thế để cải tạo xã hội. Chỉ có tình yêu đích thực mới cải đổi được lòng người. Bạn hãy sống cao thượng. Bạn hãy lấy tình yêu để đáp trả lại hận thù. Tiếng vọng cao đẹp nhất của một nghĩa cử yêu thương lúc nào cũng là tiếng vọng của bình an tự trong đáy tâm hồn chúng ta.

Tác giả Veritas

26 tháng 11, 2012

VUI VỚI NGƯỜI VUI, KHÓC VỚI KẺ KHÓC


Cha Pierre, người sáng lập phong trào Emmaus, chuyên giúp những người không nhà không cửa tìm được nơi cư ngụ và tự lực cánh sinh từ việc chế biến những đồ phế thải, đã ôn lại một trong những kỷ niện mà ngài cho là ý nghĩa nhất trong cuộc đời như sau: Gia đình tôi gồm có tất cả 8 anh chị em. Một ngày thứ năm nọ, chúng tôi muốn tập trung lại với nhau để đi đến thăm một gia đình bà con của chúng tôi. Nhưng cha mẹ tôi đã phạt tôi bằng cách bắt tôi phải ở nhà. Buổi chiều hôm đó, các anh em tôi trở về, ai cũng nói huyên thuyên vì một ngày được chơi đùa thỏa thích. Thái độ đó càng làm tôi bực tức thêm. Không kềm hãm được sự ghen tức, tôi đã nói với một người anh như sau:" Không có tôi thì kể như cuộc chơi cũng không có ý nghĩa gì". Tôi trút hết cả giận dữ cũng như sự kiêu hãnh của tôi và bỏ đi nơi khác.
Ba tôi đang đau liệt trong phòng của ông. Tình cờ nghe được lời phát biểu ngạo mạn của tôi, ông cho gọi tôi vào� Lúc đó tôi mới hiểu được sai trái của tôi cũng như nỗi khổ tâm của cha tôi. Nhưng cha tôi đã không la rày tôi. Ông chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi:" Con không biết rằng con vừa nói một lời lẽ xấu xa ư ? Con nghĩ rằng chỉ có con là người quan trọng nhất sao? Tại sao con không bằng lòng khi những người khác được sung sướng?"
Lúc đó tôi mới hiểu rằng ba tôi đau khổ trong thân xác đã đành, nhưng ông còn đau khổ gấp bội trong tinh thần vì tính xấu xa của tôi.
Tôi không bao giờ quên được câu chuyện trên đây� Và có lẽ đây là câu chuyện đánh dấu cả cuộc đời còn lại của tôi.
Ba nguyên tắc cơ bản hướng dẫn đời sống của các cộng đồng Emmaus do cha Pierre sáng lập, trước hết đó là lao động. Các thành phần của cộng đồng Emmaus không chấp nhận bất cứ một sự dâng cúng nào. Tay làm hàm nhai, mỗi người trong cộng đồng đều ý thức về giá trị của việc làm và sự đóng góp của mình.
Nguyên tắc thứ hai đó là đời sống cộng đoàn. Tất cả mọi tiền của kiếm được đều bỏ vào quỹ chung của cộng đoàn. Từ 30 năm nay, tất cả tiền của thu tích được đều được chi dùng cho đời sống của cộng đồng cũng như được bố thí cho những người nghèo khổ túng thiếu hơn.
Nguyên tắc thứ ba là phục vụ. Ðây là nguyên tắc tổng hợp mọi nguyên tắc khác của đời sống cộng đoàn. Phục vụ có nghĩa là sống cho người khác, lấy đau khổ của người khác làm chính đau khổ của mình, lấy niềm vui của người khác làm chính niềm vui của mình.
Có lẽ nguyên tắc cơ bản mà cha Pierre đang áp dụng trong các cộng đoàn Emmaus của ngài chính là bài học mà ngài tiếp thu được từ thân phụ của mình: "Con không bằng lòng khi thấy những người khác được hạnh phúc ư?".
Nguyên tắc trên đây cũng là lời khuyên mà thánh Phaolô thường nhắn nhủ các tín hữu của ngài:"Vui với người vui, khóc với kẻ khóc".
Dù sống trong địa vị nào trong xã hội, dù sống dưới hình thức gia đình nào, độc thân hay có đôi bạn, mọi người đều được mời gọi để sống chung với những người xung quanh. Nguyên tắc đơn sơ và cơ bản nhất trong cuộc sống chung vẫn là:" Lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của chính mình, lấy niềm đau của người khác làm nỗi khổ của chính mình".


Tác giả Veritas

KHÔNG QÚA MUỘN ÐỂ NÊN THÁNH


Người Nhựt Bản có kể một câu chuyện như sau:
Zenkai là một thanh niên con của một hiệp sĩ Samourai. Anh được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ.
Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.
Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.
Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy.
Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời.
Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại trước kia bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van xin:
"Tôi xin sẵn sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi".
Người thanh niên ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha.
Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai.
Con đường đã được hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng.
Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:
"Làm sao tôi có thể chém đầu được thầy của tôi?"
Câu chuyện trên đây hẳn hàm chứa được nhiều bài học. Ngạn ngữ Latinh thường nói:" Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường tình của con người, nhưng ngoan cố trong sai lầm là bản chất của ma quỉ". Nét đẹp quí phái nhất nơi lòng người đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhậ�n ra lỗi lầm và từ đó quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong câu chuyện trên đây hẳn phải là hình ảnh của sự phục thiện mà Thiên Chúa vẫn luôn khơi dậy trong lòng người.
Nhưng bài học đáng chú ý hơn trong câu chuyện trên đây có lẽ là: tình liên đới xóa tan được hận thù trong lòng người. Người thanh niên đã khám phá ra giá trị ấy khi bắt tay làm việc với Zenkai, con người mà trước đó anh đã quyết tâm tiêu diệt cho bằng được. Quả thực, tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ, sự hiện diện bên nhau có sức tiêu diệt được hận thù trong lòng người.



Tác giả Veritas

24 tháng 11, 2012

CHÚA NHẬT XXXIV: AI ĐANG LÀ VUA CỦA ĐỜI TÔI?

    Một trong những khao khát của con người được làm vua làm chúa, chính vì thế, mà trong xã hội người ta gìanh giật nhau để làm vua, người nào hơi nổi bật một chút thì đều được báo chí tôn làm vua: vua phá lưới, vua bếp, vua lốp, vua nhạc rock …
 Tại Campuchia, trong những ngày này người dân đang vô cùng đau xót khi nghe tin đức vua của họ Norodom Sihanuk băng hà, cả quốc gia như chìm ngập trong tang tóc, và họ đã tổ chức tang lễ cho ông kéo dài trong 3 tháng; Người dân Campuchia đã coi nhà vua như là một vị thánh, là người đem lại cuộc sống hạnh phúc cho dân, và là chỗ dựa tinh thần cho cả dân tộc. Hai hình ảnh vua nêu trên hoàn toàn khác nhau, là vua theo cách thứ nhất chỉ là những vua không ngai, những vị vua ảo, còn những vị vua theo cách thứ hai là những vị vua thực sư được tôn sùng và đi vào trái tim của người dân.
Thưa quý OBACE, hôm nay, tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, chúng ta cùng với Giáo Hội tôn kính Chúa Giêsu là vua. Chắc chắn, Ngài không phải là vị vua theo những cách nêu ở trên, mà Ngài thực sự là vua, là Chúa, là chủ tể của mọi vật mọi loài, và Ngài hiện diện ở trong tâm của mọi vật mọi loài và ảnh hưởng, chi phối mọi vật mọi loài.
Bài Tin Mừng cho thấy hình ảnh tương phản về Chúa Giêsu, lúc Chúa thành công trong việc rao giảng, thu hút cả hàng ngàn người đi theo, lúc Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn no, người ta muốn tôn Chúa lên làm vua thì Ngài đã trốn lên núi một mình. Khi Chúa vào thành Giêrusalem cách trọng thể dưới một rừng cành lá chào mừng, cùng với tiếng reo hò phấn kích của dân chúng: Hoan hô Con Vua Đavít, thì Đức Giêsu hoàn toàn giữ thinh lặng, vậy mà hôm nay khi đức trước mặt quan Philatô, lúc tay chân đang bị trói, ngoài kia thì tiếng la hét phản đối của người Do Thái đòi đóng đinh nó đi…, thì Đức Giêsu đã dõng dạc xác nhận câu hỏi của Philatô: Ông có phải là vua dân Do Thái không? Phải, như Ngài đã nói, tôi là vua.
Nguyên sự tương phản ấy đã cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là vua, nhưng Ngài là vua hoàn toàn khác với các vua trần gian mà chúng ta đã thấy. Ngài là vua, vì Ngài là Thiên Chúa, và cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Ngài là Đấng tạo dựng nên mọi vật mọi loài và con người, chính vì thế, mọi loài mọi vật phải nhìn nhận và vâng phục vương quyền của Ngài. Ngài là vua, vì Ngài vẫn đang nắm giữ giềng mối của mọi vật mọi loài, và điểu khiển vũ trụ này theo sự quan phòng kỳ diệu của Ngài, nếu Ngài ngừng tay thì mọi vật mọi loài sẽ tiêu tan và trở về hư không. Chíng vì thế, Ngài vẫn đang là vua cai trị và điều khiển vũ trụ này.
Hơn thế nữa, Ngài là vua vì Ngài là Đấng đã hy sinh cả mạng sống để cứu chuộc mọi loài và con người khỏi cảnh chết chóc và khỏi sự ràng buộc của ma quỷ và sự chết, Ngài đã thực sự đem lại sự sống mới cho con người và vũ trụ, Ngài còn tiếp tục đem lại lương thực để nuôi dưỡng toàn dân, lương thực ấy chính là máu thịt của Ngài. Ngài còn là Đấng đem lại hòa bình cho thế giới và cho tâm hồn của con người, tất cả những ai đón nhận Lời của Ngài vào trong tâm hồn, để cho vương quyền của Ngài chi phối cuộc đời, thì người ấy sẽ có được sự bình an trong tâm hồn, và trở thành người đem bình an đến cho người khác. Khi từ cõi chết sống lại, Đức Giêsu đã hoàn toàn chiến thắng sự chết và về trời vinh quang, Ngài đã được Thiên Chúa cha đặt làm chủ tể mọi loài, và mọi loài phải quy phục Ngài, và chỉ những ai quy phục Ngài thì mới được vào trong vương quốc của Ngài đó là điều Sách Khải Huyền đã mô tả.
Đó cũng là điều Chúa Giêsu muốn giải thích cho Philatô, khi thấy ông vẫn cứ thắc mắc về sư nghịch lý trứơc mặt ông ta, Chúa Giêsu đã xác nhận câu hỏi của Philatô, song Ngài đã giài thích thêm về địa vị làm vua và vương quốc của Ngài, Ngài là vua nhưng lại không phải là vua theo kiểu của thế gian, mà là vua tình yêu, là vua trời đất: Nước tôi không thuộc thế gian này, vì nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì thuộc hạ của tôi đã chiến đấu, không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng Nước tôi không thuộc chốn này. Chính vì thế, Ngài cho thấy, Ngài không tranh giành quyền lực hay ảnh hưởng với Philatô và các vua thế gian, Ngài cũng không sử dụng quân đội hay sức mạnh của vũ khí, nhưng Ngài sử dụng sức mạnh và quyền lực của tình yêu thương để chinh phục và điều khiển mọi loài.
Cũng trong lời giải thích với Philatô: Tôi sinh ra và đã đến thế gian để làm chứng cho sư thật, và ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi. Như thế sứ mạng của Chúa Giêsu là làm chứng cho sư thật, sự thật về Thiên Chúa yêu thương con người, sự thật về con đường đích thật đưa tời sư sống hạnh phúc ở đời này và sự thật về hạnh phúc đời sau của mỗi người. Sự thật ấy được bày tỏ qua chính con người và lời giảng dạy, và cả đời sống, sống yêu thương cho đến cùng của Chúa Giêsu. Như thế những người dám đứng về phía sự thật của Tin Mừng, dám đón nhận vương quyền yêu thương và đem quyền lực của tình yêu này vào trong cuộc đời và trong xã hội, thì những người ấy mới thực sư là công dân của Nước Thiên Chúa và là thần dân, tôi trung của vua Giêsu.
Tiên tri Đaniel đã cho thấy vương quyền của Thiên Chúa không hề bị giới hạn mởi một ranh giới hữu hình hay vô hình nào, mà vương quyền của Ngài bao phủ trên mọi dân tộc, mọi quốc gia, và mọi ngôn ngữ; Vương quyền của Ngài sẽ vô cùng vô tận không bao giờ bị suy vong.
Thưa quý OBACE, thông thường, ai là vua của ta, thì ta thờ vua ấy, ai làm chủ thống lĩnh đời ta, thì ta phò người ấy, thế nhưng vấn đề là ngày hôm nay có qua nhiều thứ vua, thì chúng ta đang phò vị vua nào? Ai đang làm vua, là người chi phối và điều khiển cuộc đời chúng ta?
Mặc dù là người tin Chúa theo Chúa, song chúng ta lại làm tôi hai chủ, chúng ta vẫn để cho những thứ vua kia chi phối làm chủ đời ta, đó là những thứ quyền lực của ngẫu tượng, của ma quỷ mê tín đang ảnh hưởng trên đức tin của nhiều người, khiến cho nhiều người chạy theo những thứ cúng bái, bói toán của vua ma quỷ. Nhiều người khác đã để thần chết đùa giỡn trên cuộc đời của mình, khi họ lao vào cuộc sống buông thả, để mình sống trong tội lỗi, hoặc là lười biếng từ chối đón nhận vương quyền và sự điều khiển của Người.
Là công dân chúng ta được mời gọi phải tuân theo luật pháp của Chúa, luật pháp của Thiên Chúa không trói buộc con người nhưng giải thoát và đem đến tự do đích thực cho con người, bồi bổ tâm can, gia tăng sức mạnh. Là Thần dân của vua Giêsu, Chúng ta phải sống theo sự chỉ dạy của Ngài, Ngài muốn tất cả mọi người được hạnh phúc, Ngài muốn chúng ta đạt tới hạnh phúc bằng con đường Tám Mối Phúc Thật, bằng con đường hy sinh từ bỏ của Tin Mừng. Là công dân của vương quốc Giêsu, chúng ta được mời gọi sống niềm tin của chúng ta vào nơi Thiên Chúa, phó thác cuộc đời chúng ta cho tình yêu quan phòng của Ngài, và có quyền tự hào về niềm tin ấy.
Là công dân của Vua Sự Thật, chúng ta cũng phải dám sống và bênh vực cho công bình và sự thật, và còn phải chiến đấu để loại trừ khỏi tâm hồn và cuộc sống chúng ta mọi hình thức của sự gian dối bất công, góp phần làm cho môi trường xã hôi thực sư trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Hãy loại trừ sư gian dối trong suy nghĩ trong lời nói và hành động, sống ngay thẳng trong tâm hồn, nơi gia đình, ở nơi công sở, nơi buôn bán làm ăn.
Là gia đình Công Giáo, các bậc cha mẹ hãy đặt vua Giêsu làm trọng tâm gia đình mình, hãy tôn Ngài làm vua, làm chủ của gia đình qua các giờ kinh sớm tối và để Ngài điều khiển công việc làm ăn của gia đình. Hãy để Ngài phân giải những bất hòa bất đồng giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, và để Ngài đem đến bình an và niềm vui cho gia đình.
Các bạn trẻ cũng cần đặt lại cho mình câu hỏi: Ai đang làm vua trong cuộc đời tôi? Tôi đang phò vua nào? Có thể rằng nhiều người đã đầu hàng trước những thứ vua của thế gian, vua vật chất và kể cả vua quỷ và để những thứ vua ấy đang thống lĩnh trong cuộc đời mình. Nhiều người đang quay cuồng vì mong làm giàu, để cho vua tiền bạc sai khiến, người khác thì bị cuốn hút bởi các thứ vua công nghệ và kỹ thuật khiến họ không còn thời gian cho Vua Giêsu, nhiều người khác đánh đổi linh hồn mình, đánh đổi cả vua Giêsu để tìm kiếm địa vị, bằng cấp…. Tôn vinh Vua Giêsu hôm nay đòi mỗi người cần tái khẳng định lòng tin và sự trung thành của chúng ta đối với Ngài mỗi ngày, và quyết tâm sống theo sự dẫn dắt của Ngài.
Xin vua Giêsu luôn mãi làm chủ tâm hồn và điều khiển cả con người và cuộc đời chúng ta. Amen


Tác giả bài viết: Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

ÐÂY BÀI CA NGHÌN TRÙNG


Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, từ dạo Ðức Giêsu gục đầu tắt thở trên thập giá, cuộc sống và cái chết của Ngài đã trở nên một bài ca nghìn trùng, một bản tình ca muôn thuở nói lên mối tình Thiên Chúa yêu thương nhân loại, được thể hiện qua cái chết tự ý thực tình của Ngài để sống trọn từng chữ lời mình tuyên bố:
"Không có Tình Yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình". 
Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài ca nghìn trùng, bài ca muôn thuở của một cuộc đời sống cho tình yêu và một cái chết, chết cho cuộc tình. Vì thế, cuộc sống khó nghèo, khiêm tốn, lam lũ để dấn thân rao giảng Tin Mừng và cứu nhân độ thế của Ðức Giêsu phải kết thúc bằng cái chết tang thương, tất tưởi, cái chết đầy đau đớn, tủi nhục trên thập giá, để ngàn đời hai bàn tay bị đinh đâm thâu qua không thể nào nắm lại được nữa, nhưng muôn thuở một bàn tay luôn xòe ra như muốn nói: "Vâng, Con hoàn toàn yêu mến và vâng phục thánh ý Cha", và bàn tay kia luôn mở rộng như muốn nói: "Vâng, Ta chọn tình thương yêu và sẵn sàng phục vụ mọi người cho đến khi đổ giọt máu cuối cùng".
Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài ca nghìn trùng của cuộc sống dấn thân phục vụ được kết thúc trên thập giá để từ dạo ấy thập giá là biểu tượng cho một quy luật muôn thuở của Tin Mừng do Ðức Giêsu rao giảng: "Nếu hạt lúa gieo xuống đất không mục nát đi, nó cứ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó mục nát đi, nó sinh ra được nhiều hạt khác".
Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, đây bài ca tình thương muôn thuở được sướng lên để chờ đợi những câu đáp trả. Ngày hôm nay, nhân ngày lễ mừng thánh Andrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo, chúng ta hãy hân hoan dâng lên Thiên Chúa cuộc sống và cái chết vì đức tin, vì tình yêu của các bậc đàn anh, đàn chị, của chúng ta như những câu đáp lại điệp khúc bản tình ca của Chúa Giêsu: "Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".
Một điểm son nổi bật nhất trong những thành tích vẻ vang chứng tỏ niềm tin sắt đá được các thánh tử đạo Việt Nam ghi vào những trang sử của Giáo Hội là: Lòng tôn kính thập giá.
Không hiểu vì lý do gì mà các vua quan Việt Nam thời đó đã dùng thập giá làm phương tiện để thách đố niềm tin của các vị tử đạo. Họ gọi đó là "Quá khóa" để dùng thập giá vạch ranh giới giữa cái sống và cái chết. Nhưng trăm ngàn hình khổ đã không làm cho các vị anh hùng đức tin Việt Nam tự ý bước qua thập giá, dấu hiệu của Ðấng đã rao giảng và đã thực hiện lời mình xác quyết: "Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".
Không bước qua thập giá để chứng tỏ mình không chối bỏ đạo, không chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa, không chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với mình dù phải chịu tan xương nát thịt, dù phải chịu kìm kẹp, giam cầm, dù phải chịu voi dày ngựa xéo, dù phải chịu đầu rơi máu đổ, các vị tử đạo Việt nam đã nêu gương đáp lại tình yêu của Ðấng chết treo trên thập giá để:
- Nợ máu, các ngài đã trả bằng máu.
- Nợ tình, các ngài đã trả bằng tình.
- Nợ mạng sống, các ngài đã trả bằng những cái đứnng lặng im, không qua khóa, nhưng cái đứng bất động này là những cử chỉ hùng hồn dẫn các ngài đến cái chết vì một niềm tin, chết cho một cuộc tình như Ðức Giêsu đã nêu gương.

Tác giả Veritas

TẤM GƯƠNG TRONG LÂU ÐÀI VERSAILLES

    Lâu đài Versailles ở ngoại ô Paris là một trong những danh lam thu hút nhiều du khách nhất. Trong lâu đài, nơi mà du khách cảm thấy bị giữ chân lâu nhất đó là phòng khánh tiết bằng pha lê, được trang bị bằng hàng ngàn tấm kính từ trên trần nhà đến các vách tường. Du khách sẽ ngỡ ngàng vì một hiện tượng lạ lùng: Nếu bạn đưa tay ra và chỉ về một phía nào đó, bạn sẽ thấy có hàng trăm ngàn cánh tay và hàng ngàn khuôn mặt đang hướng về bạn như đang ngắm nhìn bạn. Bạn sẽ cảm thấy như mọi người đang chú ý đến bạn. Nhưng nhìn cho kỹ thì tất cả những cánh tay, tất cả những khuôn mặt đó đều là của bạn. Ðó là hình ảnh của mỗi người trong chúng ta. Ai trong chúng ta cũng cho mình là quan trọng nhất. Tất cả mọi hành động, mọi ý nghĩ, mọi lời nói, đều tập trung vào bản thân chúng ta và trong lòng chúng ta không còn một chỗ trống nào dành cho người khác. Cái tôi trong chúng ta có thể là một trở ngại cho tương giao giữa chúng ta và người khác cũng như tương giao giữa chúng ta và Chúa. Sự sống của Chúa chỉ có thể lớn mạnh trong chúng ta và sự sống của chúng ta chỉ có thể triển nở là lúc chúng ta thực sự sống cho Chúa. Lời của Ngài phải tiêu diệt cái tôi ích kỷ trong chúng ta để chúng ta có thể lớn lên trong Người. Nói như thánh Gioan Tẩy Giả khi gặp chúa Giêsu: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại". Thưa bạn, đó là bí quyết trong cuộc sống của người Kitô chúng ta.
Tác giả Veritas

23 tháng 11, 2012

QUAN NÓI ĐÚNG TÔI LÀ VUA!


Tin Mừng Ga 18,33b-37       
Khi ấy, quan Phi-la-tô nói với Đức Giê-su rằng: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?" Đức Giê-su đáp: "Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?" Ông Phi-la-tô trả lời: "Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?" Đức Giê-su trả lời: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này." Ông Phi-la-tô liền hỏi: "Vậy ông là vua sao?" Đức Giê-su đáp : "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”

CHÚA GIÊSU KYTÔ LÀ VUA ?

Lúc còn thiếu nhi, hoạt động trong hội đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, đoàn chúng con do anh Nguyễn Văn Vinh làm trưởng , anh tập bài hát “: Lạy Chúa Kytô là Vua, là Vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các Chúa. vì Chúa đã phán ngày xưa trước mặt quan trấn hỏi Chúa : thật đúng như lời quý quan : Ta là Vua.

1. Mừng lễ Chúa Kitô bằng tước hiệu Vua, là ta tuyên xưng Chúa Kitô là Vua, tuyên xưng Ngài có quyền vua trên vũ trụ, trên muôn loài muôn vật và tất cả đều thuộc Ngài.
Chúa Kitô làm Vua không theo cách thế một ông vua trần gian. Vua trần gian nắm hết mọi quyền bính trong tay, bắt người khác phục vụ, bắt người khác làm nô lệ mình. Trái lại, Chúa Kitô làm Vua, đem sự thật đến giải thoát nhân loại khỏi sai lầm, đem ơn cứu độ đến phân phát cho kẻ tin được sống đời đời, đem tình thương, ơn bình an đến cho nhân loại, quy tụ muôn loài, muôn vật lại, kéo cả vũ trụ lên tới ngài. Chúa  Kytô là vua Chân lý, vua Sự thật .
Vậy tại sao Hội Thánh dùng đoạn Phúc âm của thánh Gioan mô tả Chúa bị quan Philatô hỏi cung, xét xử ? Đọc bản văn nầy trong lễ tôn vinh Chúa làm Vua xem ra cũng kỳ, hình như không thích hợp với “ngôi vua”, điều nầy muốn nói Chúa Kitô làm Vua khác hẳn quan niệm trần gian. Bản văn nầy giúp ta hiểu Chúa Kitô làm Vua thế nào, cải chính những ai nghĩ rằng đạo Công giáo còn dùng những “tước hiệu phong kiến”.
Philatô đón tiếp Chúa Kitô bằng một thái độ khinh bỉ, mở miệng hỏi một câu đầy mỉa mai : Ông có phải là Vua Do Thái không ?  Dân Do thái là dân bị trị , Philatô là quan lớn nhưng ông cũng biết dân nầy sẵn sàng chống ông mặc dầu ông đã thẳng tay đàn áp kể nổi dậy. Ông hiểu thủ lãnh của dân nầy nộp cho ông  “một người tự xưng là vua Do thái” tức là chống lại hoàng đế Roma, tức là nhà ái quốc : sao họ lai nộp nhà ái quốc của minh ? Đây cò thể  họ nộp cho ông “một thằng điên” để ông rơi vào cảm bẫy xét xử một thằng diên, làm trò cười cho thiên hạ !
Câu trả lời của Chúa Kitô mặc nhiên xác nhận “là Vua Do Thái” vì Chúa muốn Philatô xác định rõ quan điểm của ông : Tự mình quan nói thế hay có ai khác nói với quan về tôi ? Nghe Chúa nói như vậy, Philatô đâm ra cáu kỉnh vì theo thói thường người bị hỏi cung chỉ trả lời theo câu hỏi chứ không được phép hỏi lại, vì thế, Philatô trả lời : Há tôi lại là người Do Thái sao ? Dân tộc ông cùng các Thượng tế đã nộp ông cho tôi. Vậy, ông đã làm gì ? Lần nầy Chúa Kitô trả lời rõ ràng về  Nước của Ngài, một Nước không thuộc về thế gian nầy, và Ngài quả quyết mình là Vua, đến thế gian để làm Vua, để làm chứng cho sự thật . Ai đứng về sự thật  thì nghe tiếng tôi . (Gioan 18,33b-37)
Như vậy, không phải Chúa Kitô về trời vinh hiển mới làm Vua, thật sự Chúa đến thế gian để làm Vua một Nước không thuộc về thế gian  nhưng làm vua thi hành sự thật trên thế gian nầy. Điều nầy Philatô không hiểu nhưng đã làm ông phải công nhận con người của Chúa.
Sứ mệnh của Chúa Kitô là mạc khải Thánh Ý Chúa Cha, kêu gọi mọi người tin và thi hành Lời Ngài giảng dạy, tức là nói về sự thật, giảng về sự thật. Sự thật nầy dân Israen đã bác bỏ, đã lên án và đang nộp Đấng chân thật cho tòa án Rôma.
Philatô khơng hiểu sự thật của Chúa nói. Phái khắc kỷ (sống tu hành bằng kiêng khem nhiều) xem các nhà hiền triết là vua sự thật . Người Hy lạp định nghĩa sự thật là khi tư tưởng đúng hợp với sự vật (veritas est adaequatio rei  et intellectus) 
Sự thật nơi Chúa Kitô là sự thật về Chúa Cha, về ý định của Chúa Cha muốn cứu rỗi mọi người, và Chúa Kitô là Con Chúa Cha xuống làm người, rao giảng cho mọi người. Ai tin Chúa Cha thì cũng phải tin Chúa Kitô và thi hành giáo lý của Ngài tức là để cho tư tưởng, việc làm của mình đúng hợp với Lời Chúa dạy, họ đạt tới chân lý, tới sự  thật. Ai không tin, họ đi trong lầm lạc, tội lỗi. Chính Lời Chúa là lời chân thật vừa soi dẫn vừa phát xét hành động của mỗi người.
Mừng lễ Chúa Giêsu Kitô làm Vua, ta xin Chúa làm vua tâm hồn, tư tưởng và hành động của ta. Chúa  chịu chết để làm chứng cho Giáo lý của Ngài rao giảng, cho sự thật, đến lượt ta cũng phải dùng đời sống của mình làm chứng cho Chúa Sự Thật.

                                                    Lm Fx Nguyễn Hùng Oánh

Có phải ông tự ý nói hay chỉ là nghe người khác nói?

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN – NĂM B ĐỨC KI-TÔ VUA Suy niệm Tin Mừng Ga, 18, 33b-37

Khẩu hiệu này chẳng lạ lẫm gì đối với bất cứ ai. Là Ki-tô hữu chúng ta đã chẳng ngàn lần tuyên xưng, đặc biệt trong những ngày cuối năm phụng vụ, khi chúng ta nhận ra rằng mọi quyền bính đều có thể sụp đổ như cái vũ trụ bao la rộng lớn này… duy chỉ có quyền bính độc nhất của Thiên Chúa là sẽ tồn tại đến muôn đời muôn kiếp. Thế nhưng khi tuyên xưng như thế, riêng tôi lại thấy mình chẳng có liên quan gì nhiều cho lắm. Tôi đâu có nhiều quyền bính, nên có gì phải sợ quyền uy Ngài, như Phi-la-tô hay Hê-rô-đê ngày xưa. Thản hoặc khi nghe mọi người xưng tụng, tôi thấy mình cũng phải suy tôn thôi, hoặc để khỏi bị uy quyền Ngài trừng phạt, hoặc để được hưởng một mối lợi nào đó nhờ việc suy tôn này, tương tự như khi người ta huy động ra đứng đường, phất cờ đón rước một ông lớn đi ngang qua. Tôi chỉ nghe người khác tung hô, người khác vạn tuế, và tôi hùa theo… chỉ có thế, hoàn toàn hời hợt bên ngoài.
Có phải ông tự ý nói?” Đức Giê-su đã từng hỏi Phi-la-tô như vậy, và ông lớn này ấp úng. Nếu Người cũng lập lại câu hỏi ấy hôm nay thì tôi sẽ trả lời sao đây? – Dạ, con nghe Giáo hội dạy con thế, mọi người khác đều nói như thế! Trả lời như thế liệu có ổn không?
Đã rất nhiều lần chúng ta được nghe các cha công bố trên tòa giảng: ‘Chúa Giê-su là Vua Tình Yêu!’. Ôi danh hiệu thật cao quí! Nhưng ngay cả tôi, một linh mục, cũng có thể hô hào như thể một cán bộ hô khẩu hiệu, còn có một kinh nghiệm thiết thân về điều này thì chưa chắc tôi đã thật sự được nếm cảm trong cuộc sống mình. Quả thực đã lần nào trong cuộc sống, từ thâm sâu cõi lòng, tôi từng nghiệm thấy rằng Đức Giê-su yêu tôi, yêu tha thiết, yêu hết mình? Gio-an đã cảm nghiệm được và đã tuyên xưng: “Chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta” (1 Ga 3.16). Để có thể tự mình mở miệng tung hô ‘Chúa Giê-su là Vua Tình Yêu’, tôi cần phải có cùng một rung cảm đó. Niềm tin Ki-tô hữu của tôi sẽ chẳng có giá trị gì nếu nó không đưa tôi tới cái nhận thức rất cá nhân và thâm sâu rằng: Chúa yêu thương tôi và hiến mình cho tôi? Toàn bộ việc giữ đạo, nhất là cử hành bí tích Thánh Thể và Cáo Giải chỉ có một mục đích duy nhất là để ‘chính tay mình chạm được vào tình yêu thẳm sâu đó’ (1 Ga 1,1). Chỉ Ki-tô hữu mới có thể là thần dân thực sự của Vua Tình Yêu Giê-su, không như một quyền lợi để loại trừ kẻ khác, nhưng như các chiến sĩ sẵn sàng bảo vệ lẽ sống quí giá nhất của đời mình, sẵn sàng loan truyền lẽ sống tuyệt diệu đó cho nhiều người khác nữa. Điều này tôi không thể thi hành nếu như chính tôi chưa từng bao giờ nếm cảm thấy lòng nhân hậu xót thương Chúa dành cho tôi. Đã từng phạm rất nhiều tội lỗi trong đời ư? Đừng lo! Tôi càng có thể cao giọng tuyên xưng: ‘Đức Giê-su là Vua Tình Yêu!’ sau khi, qua chính các lỗi phạm đó, tôi lại nghiệm ra lòng thương xót tha thứ của Người càng vĩ đại hơn. Và chính lúc đó tôi mới đích thực trở thành thần dân của Người hơn khi nào hết. Phải chăng đó là lý do Người đã chọn giờ phút hiến tế gánh lấy tội trần gian để công bố: “Tôi là Vua”, và thành viên đầu tiên được Người chấp nhận gia nhập Vương Quốc lại chính là tên cướp cùng bị tử hình;? Tên cướp này rất xứng bị án tử vì đã phạm không biết bao nhiêu tội ác, nhưng hắn quá may mắn vì đã chân thành thốt lên: ”Lạy Ngài, xin thương nhớ đến tôi!” Như vậy thât quá hiển nhiên: ai chính mình đã từng nghiệm thấy lòng nhân ái xót thương vô bờ bến của Thiên Chúa, người đó mới đích thị là thành viên của vương quốc tình yêu của Vua Giê-su, và chỉ có họ mới xứng đáng mở miệng tung hô Người.
Đặc biệt hôm nay, tôi không chỉ ‘hòa mình’ với Giáo Hội để tung hô Người ngoài môi miệng, hiểu theo nghĩa cùng người khác tung hô. Nhưng tôi muốn, với trọn buồng phổi và con tim, hét lên rằng “Giê-su Ki-tô là Vua, Tình Yêu”, Vua của cõi lòng tôi. Thực tình tôi muốn, ngay từ bây giờ trên cõi đời này, đã là thành viên của Vương Quốc tình yêu, để giờ chết đến tôi sẽ vĩnh viễn gia nhập Vương Quốc đó.
Lạy Chúa Giê-su - Vua Tình Yêu, chớ gì vào ngày sau hết, khi tới trước Thánh Nhan, có lẽ là với tất cả sự yếu hèn tội lỗi của mình, con vẫn có thể kêu lên tự thâm sâu cõi lòng mình: Ngài là Giê-su, Vua Tình Yêu. Và con sẽ được nghe Chúa phán: “Chính con tuyên xưng rằng ‘Ta là Vua Tình Yêu’ chứ không phải chỉ nghe người khác nói!” Con đã làm chứng cho chân lý, đã đứng về phía sự thật lớn lao nhất này… thì con hãy vào Vương Quốc thiên đàng với Ta nội ngày hôm nay!”. Amen.
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

"Nước tôi không thuộc về thế gian này”

Trong những lời đối thoại với ông Philatô mà bài Tuin Mừng hôm nay (Ga 18,33b-37) thuật lại, Đức Giêsu khẳng định một cách rõ ràng vương quyền của Người và nêu ra hai đặc trưng quan trọng của vương quyền đó, khác hẳn với quan niệm mà ông Philatô có thể có về vương quyền và sứ mệnh của các vị vua trên thế gian này.
1. Đức Giêsu nói rõ với ông Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (c.36a). Trước đây, khi tranh luận với người Pharisêu về lời chứng liên quan đến bản thân Người, Đức Giêsu đã từng nói: “Tôi không thuộc về thế gian này” (8,23), trong ngữ cảnh là lập tức ngay sau đó Người khẳng định “Tôi Hằng Hữu” (Êgo êimi) (8,24.30). Cái “thế gian này” được đề cập đến ở đây chính là cái hệ thống bất chính, cái hệ thống đang áp đặt sự thống trị gian ác của nó trên con người, cái hệ thống mà sự gắn kết với nó bị coi là tội lỗi. Đối ngược với cái hệ thống ấy, Đức Giêsu phục vụ con người và từ khước việc người ta suy tôn mình (x. 6,15). Trong tư cách là vua của “Nước không thuộc về thế gian này”, Đức Giêsu sẽ là Con Người bị giương cao lên, Đấng hiến ban mạng sống để cứu độ nhân loại.

2. Đức Giêsu xác định với ông Philatô: “Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái” (c.36b). Lời này giả thiết cách hiểu rằng một trong những đặc trưng của các ông vua của thế gian này là họ sử dụng sức mạnh để thiết lập và bảo vệ quyền thống trị của họ. Nhưng Đức Giêsu thì không như vậy. Người coi việc sử dụng bạo lực là một thành phần của cái hệ thống bất chính và tội lỗi. Chính ở điểm này mà vương quyền của Đức Giêsu khác hẳn vương quyền của vua chúa thế gian. Người tự nguyện chấp nhận bị nộp vào tay người Do Thái và ngăn cản ông Phêrô dùng sức mạnh chống lại những kẻ đến bắt Người (18,11). Người từ chối sử dụng sức mạnh, chứng tỏ Người không làm vua như những người khác. Người chấp nhận bị nộp cho người Do Thái thay vì huy động lực lượng để thoát khỏi số phận bi tương của một kẻ bị kết án tử hình.

3. Vương quyền của Đức Giêsu không đặt nền hay bắt nguồn từ bất cứ nền tảng pháp lý hay chính trị hay kinh tế hay ý thức hệ nào của cái thế gian này. Người nói rõ: “Thật ra, Nước tôi không thuộc chốn này” (c.36c). Vương quyền của Người có nền tảng hoàn toàn khác. “Không thuộc chốn này” tức là “không thuộc về thế gian này”. Vương quyền của Đức Giêsu thuọc “thượng giới” chứ không phải “hạ giới” (x. 8,23), tức là thuộc cảnh vực của Cha và của Thánh Thần. Đó là vương quyền mang lại sự sống (x. 4,47.49) chứ không phải sự chết.

4. Lời tuyên bố của Đức Giêsu đã khiến ông Philatô ngạc nhiên. Ông không thể hiểu một vị vua mà lại tuyên bố như vậy. Ông không thể quan niệm một vị vua mà lại từ chối sử dụng sức mạnh để bảo vệ uy quyền của mình. Vì thế, ông hỏi thẳng Đức Giêsu: “Vậy ông là vua sao?”. Thực ra, khộng chỉ ông Philatô ngạc nhiên. Mọi người đều phải nạc nhiên khi nghe công bố về vương quyền của Đức Giêsu như Người đã nói ở c.36 trong bài Tin Mừng hôm nay, nếu họ nghe bằng đôi tai của những con người thuộc hạ giới. Thế giới hôm nay, và cả cái phần thuộc về thế giới này trong các thực tại và tập thể Kitô giáo nữa, vẫn không thể hiểu được vương quyền của Đức Giêsu và vẫn phải ngạc nhiên mà chất vấn Người: “Ông là vua sao?”

5. Đức Giêsu trả lời: “Tôi là vua” (c.37a). Hoàn toàn phù hợp với những gì được nói ở câu 36, Đức Giêsu tường minh khẳng định về vương quyền của mình. Rồi lập tức Người nói rõ: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian chính là để làm chứng cho sự thật” (c.37b). Người giải thích sứ mệnh làm vua của Người. Sứ mệnh đó không hệ tại ở sự thống trị hay cai quản, theo kiểu các vị vua của thế gian này. Sứ mệnh làm vua của Đức Giêsu trước hết và trên hết là “để làm chứng cho sự thật”.

“Đã đến thế gian” là kiểu nói đã hai lần được Ga áp dụng cho ánh sáng : 3,19 và 12,46. Đáng chú ý là ở 12,46 Đức Giêsu khẳng định một cách tỏ tường ánh sáng là chính bản thân Người. Đàng khác, sự thật là chính bản thân Đức Giêsu như Người đã nói : “Chính Thầy là sự thật” (14,6). Như thế, sự thật mà Đức Giêsu đã đến để làm chứng được đồng nhất hóa với ánh sáng, tức là ánh rạng ngời của sự sống (“sự sống là sự sáng...” : 1,4).

Về lời chứng của mình, Đức Giêsu đã từng nói : “Chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy” (3,11). “Người làm chứng về những gì Người đã thấy và đã nghe” (3,32). Đó cũng là lời chứng về sự từ khước của Người đối với thế gian vì cách hành xử xấu xa của nó : “Tôi làm chứng rằng các việc thế gian làm thì xấu xa” (7,7). Đó còn là lời chứng về chính bản thân Người trong liên hệ với sứ mạng của Người (8,14).

Trong khía cạnh tích cực, sự thật mà Đức Giêsu - Vua đến để làm chứng, là kinh nghiệm của chính bản thân Người (3,11.32), kinh nghiệm về Thần Khí là tình yêu và là sự sống. Đó là sự thật về tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian : "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”  (3,16). Tình yêu đó được thể hiện nơi con người và hoạt động của Đức Giêsu. Đức Giêsu là sự thật về Thiên Chúa bởi vì Người thể hiện tình yêu của Thiên Chúa, và Người là sự thật về con người xét như là sự thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa về con người. Đó chính là sự thật mà Đức Giêsu – Vua làm chứng.

6. Đức Giêsu làm chứng cho sự thật bằng chính cái chết của Người trên thập giá. Và quả thực, cách nói “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian là để làm chứng cho sự thật” (c.37b) cho thấy sứ mệnh của Vua Giêsu được thực hiện trong lịch sử. Vương quyền của Đức Giêsu hoàn toàn khác với vương quyền của cái thế gian xét như là một hệ thống bất chính, nhưng vương quyền đó cũng vẫn phải được thực hiện ngay trong lịch sử nhân loại, và hơn nữa, phải là yếu tố định hướng lịch sử nhân loại. Vì thế, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu cầu nguyện với Cha cho những kẻ thuộc về Người trằng : “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (17,15-19).

Kết luận: Có hai đặc trưng của Đức Giêsu – Vua được khắc họa trong những lời Đức Giêsu nói với ông Philatô trong bài Tin Mừng hôm nay : (1) sự từ khước sử dụng sức mạnh, (2) sứ mệnh làm chứng cho sự thật. Tôn thờ Đức Giêsu – Vua, chúng ta được mời gọi phải xây dựng cuộc sống và cộng đoàn của mình cho phù hợp với hai đặc trưng quan trọng đó.

Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

ĐỨC KITÔ, VUA NIỀM TIN

Năm phụng vụ mở đầu bằng mầu nhiệm Nhập thể, tiếp nối qua hành trình rao giảng Tin mừng rồi cuộc Tử nạn, Phục sinh và kết thúc bằng vương quyền viên mãn của Đức Kitô. Như vậy, năm phụng vụ tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt đầu từ Đức Kitô và cuối cùng trở về với Ngài. Đức Kitô chính là khởi đầu và là cùng đích của vũ trụ và lịch sử nhân loại.
Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở rằng, Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là Chủ của thời gian, Chủ của lịch sử nhân loại và là Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta. Chúa Kitô vượt trên thời gian để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu.
Phải hiểu tước hiệu Vua Kitô như thế nào ? Việc tuyên xưng Đức Kitô là vua mang lại ý nghĩa gì cho cuộc sống người Kitô hữu ?
1.Vua Trong Lịch Sử
Sau thế giới đại chiến lần thứ I, chế độ Quân chủ (Vua cai trị) không còn nữa. Chỉ còn mấy ông vua bà hoàng “làm kiểng” như ở Thái Lan, Anh Quốc, Nhật Bản...không có thực quyền.
Trong lịch sử loài người, có một số vị vua có tài, giỏi đánh giặc và trị nước, nhưng hầu hết các vị vua đều độc tài độc đoán (vì cha truyền con nối), không có khả năng trị quốc an dân, chỉ biết hưởng thụ ích kỷ, chẳng quan tâm đến bá tánh. Các vị vua bên Tàu còn tự xưng mình là Thiên tử (con Trời) nên làm trời con, bắt ai chết thì người đó phải chết, cho ai sống thì người đó được sống (Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung). Các vua La mã tự xưng mình là Thần, ngang với Thượng đế.
Nhìn chung, các vua trần gian thì tham lam, ích kỷ, dâm ô. Khi đã chiếm được ngai vàng, họ coi thần dân như bầy tôi, giang sơn đất nước là tài sản riêng của họ: “Thần dân của trẫm. Giang sơn của trẫm”. Nghi ngờ kẻ nào có ý phản loạn thì giết ngay tức khắc và còn tru di cả tam tộc cửu tộc nữa.
Nếu muốn đổi triều đại, phải chiến tranh giành giật đẫm máu. Đọc lịch sử Việt Nam, mỗi thay đổi triều vua từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê… toàn là máu và nước mắt. Đến đời Nguyễn Ánh tự xưng là Gia Long hoàng đế, làm vua từ năm 1802, cha truyền con nối kéo dài hơn 100 năm. Năm 1945, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại thoái vị.
2. Vua Trong Kinh Thánh
Vào khoảng thế kỷ thứ 11 trước công nguyên, dân Israel có vua cai trị giống như các dân khác.
Ba vị vua đầu tiên của Israel là Saul, Đavit và Salômôn.
Giavê Thiên Chúa, qua ngôn sứ Samuel đã cảnh cáo dân rằng:
- “Ta hối tiếc vì đã đặt Saul làm vua, nó đã quay lưng lại Ta.” (1S 15, 10).
- “Chính Ta đã xức dầu tấn phong ngươi làm vua Israel . . . Tại sao ngươi dám khinh màng lời Đức Giavê . . . ngươi đã lấy gươm đâm Uria, người xứ Hitit và đoạt lấy vợ nó làm vợ ngươi.” (2S 12, 9).
-Còn Salômôn, vị vua có 700 vợ và 300 hầu thiếp (1V 11, 3). Ông đã bỏ Đức Chúa Giavê để thờ tà thần của các bà vợ. Giavê phán với Salômôn: “Bởi ngươi đã nên thể ấy nơi ngươi . . . Ta sẽ giựt lấy vương quyền của ngươi.” (1V 11, 11).
Trong Tân Ước cũng nhắc đến một ông vua rất tàn ác, đó là Hêrôđê: “Bấy giờ Hêrôđê tức cuồng lên, sai quân giết hết cả trẻ em ở vùng Belem, từ hai tuổi trở xuống. (Mt 12, 6).
3. Đức Giêsu Kitô, Vua Niềm Tin
Giáo Hội suy tôn Đức Giêsu là Vua vũ trụ. Ngài không làm vua theo kiểu vua chúa trần gian. Ngài cũng không làm vua một lãnh vực kinh tế nào. Đức Giêsu là Vua Niềm Tin. Vương quốc của Vua Giêsu là vương quốc của sự thật. “Tôi đến để làm chứng cho sự thật”. Sự thật mà Ngài tuyên bố, đó là ý định cứu rỗi của Chúa Cha: Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến để cứu độ thế gian.
Đức Giêsu thiết lập một Vương quốc phổ quát và vĩnh cửu bằng niềm tin và tình yêu trong sự thật.
Nhiều lần Đức Giêsu đã khước từ làm vua theo kiểu trần thế. Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân Do thái muốn tôn Đức Giêsu làm vua, nhưng Ngài trốn lên núi. Khi trả lời cho những kẻ gài bẫy: “Chúng tôi có phải nộp thuế cho Xêza không?” Đức Giêsu đáp: “Của Xêza hãy trả cho Xêza, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”.
Đặc biệt trong phiên toà xét xứ, Philatô hỏi Đức Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”. Người đã trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Nước Chúa không thuộc về thế gian. Nước Chúa ở trong các tâm hồn khao khát sự thật, tôn trọng sự thật, đón nhận sự thật. Sự thật đó là tình yêu cứu độ Đức Giêsu đem đến cho nhân loại.
Vương quốc Đức Giêsu là vương quốc sự thật thuộc thế giới niềm tin, thế giới tâm linh trong tâm hồn con người. Vương quốc đó hoàn toàn khác biệt với đế quốc của Xêza hay bất cứ đế quốc nào, chủ nghĩa nào. Nuớc của Xêza chỉ cai trị thể xác loài người, còn vương quốc Đức Giêsu chiếm trọn tấm lòng người. Thế lực của Xêza là quân đội, khí giới, nhà tù. Sức mạnh vương quốc Đức Giêsu là niềm tin, là yêu thương, tha thứ. Dù rộng lớn, đế quốc Xêza cũng bị giới hạn. Vương quốc của Vua Giêsu vô biên, được thiết lập mọi nơi. Các triều đại phong kiến, các thể chế chính trị cũng chấm dứt trong dòng thời gian như đế quốc của Xêza. Vương quốc sự thật, niềm tin tồn tại muôn đời.
Trong vương quốc niềm tin, con người tiếp nhận sự sống từ chính nguốn sống là Thiên Chúa như trái đất nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời. Thiếu ánh sáng mặt trời thì không có sự sống trên trái đất.Thiên Chúa thông ban sự sống cho con người vì Ngài yêu thương con người. Thiên Chúa yêu thương mọi người ngay cả những ai chối bỏ và thù ghét Ngài. Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch, mỗi người đều là hình ảnh Thiên Chúa.

Khủng hoảng trầm trọng nhất của xã hội hôm nay phải chăng là khủng hoảng về niềm tin và ý nghĩa của cuộc sống?
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhận định: “Chúng ta đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa, một sự mất ý thức tôn giáo là điều tiêu biểu cho một trong những thách thức lớn nhất đối với Giáo Hội ngày nay” (Phát biểu tại Assisi nhân ngày cầu nguyện cho hòa bình 27-10-2011). Theo Đức Thánh Cha, nguyên nhân sâu xa của những thách thức đối với Giáo Hội ngày nay là khủng hoảng Đức Tin. Hơn bao giờ hết, con người cần có Thiên Chúa; nếu không có Thiên Chúa, trần gian sẽ biến thành hỏa ngục. Có lẽ đây là một trong những lý do chính mà Ngài quyết định mở Năm Đức Tin cho toàn thể Giáo Hội hoàn vũ.
Trong buổi tiếp kiến chung ngày 14-11-2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục loạt bài giáo lý về Năm Đức Tin. Thế kỷ trước, chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh và phát triển của chủ nghĩa tục hóa, nhân danh con người có quyền tự chủ tuyệt đối, coi tục hóa là một giải pháp và sự sáng tạo đối với hiện thực. Ngày nay, đức tin đang phải đối diện với những khó khăn, đó là “ít hiểu biết về đức tin, đức tin bị thử thách và chối từ đức tin”. Chủ nghĩa vô thần ‘thực dụng’ là một hiện tượng nguy hại cho đức tin.
Đức Thánh Cha mô tả về ba con đường nhận biết Thiên Chúa: thế giới, con người và đức tin.
- ‘thế giới’: liên quan đến việc “giúp con người ngày nay phục hồi khả năng chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cấu trúc của công trình sáng thế. Thế giới này không phải là một khối hỗn mang không có hình dạng, nhưng càng tìm hiểu, càng khám phá cơ chế lý thú của nó, càng ngắm kỹ một mẫu hình, chúng ta càng thấy đó là cả một trí tuệ sáng tạo”.
- ‘con người’. Thánh Augustinô từng nói: “Chân lý cư ngụ trong trái tim con người”. Theo ĐTC, “đây là một khía cạnh khác, ngày nay trong một thế giới ồn ào, làm chúng ta bị phân tâm, chúng ta có nguy cơ đánh mất khả năng dừng lại và nhìn sâu vào nội tâm mình”.
- ‘đức tin’: đây không chỉ đơn giản là một “hệ thống những giá trị, những lựa chọn và hành động”, nhưng “là sự gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đang nói và hành động trong lịch sử, Đấng biến đổi cuộc sống hằng ngày của chúng ta, biến đổi suy nghĩ, các giá trị, những lựa chọn và hành động của chúng ta”. Ngài kết luận: “Đức tin không phải ảo tưởng, là trốn chạy cuộc sống, là nơi tạm trú đủ tiện nghi, là cảm xúc; nhưng là sự dấn thân vào mọi khía cạnh của cuộc sống và loan báo Tin Mừng, Tin Vui đem lại giải thoát mọi điều thuộc về con người”.(Theo Alessandro Speciale, Vatican Insider, 14-11-2012; WHĐ).
Con người sinh ra trên cõi đời này để làm gì và để đi về đâu?. Đó là câu hỏi lớn mà ngàn đời con người không ngừng đặt ra cho mình khi đứng trước những mâu thuẫn bất trắc của cuộc sống. Nghĩ cho cùng, mỗi người chỉ tìm thấy giải đáp cho câu hỏi ấy nhờ ánh sáng đức tin.

Đức tin là một sự sống. Khi thể hiện niềm tin bằng cuộc sống, tín hữu mới có thể an lòng là thần dân trong Vương quốc của Đức Kitô.Ánh sáng đức tin hướng dẫn nhân loại đến yêu thương và phục vụ. Khi con người biết sống cho người khác họ sẽ tìm thấy chính mình, thấy lý tưởng, thấy ý nghĩa cuộc sống. Sống cho hạnh phúc của tha nhân, đó là sự thật mà mỗi thần dân sống trong vương quốc Vua Giêsu được mời gọi thể hiện mỗi ngày.
Ở Vũng Tàu, có tượng Chúa Kitô Vua thật lớn đứng trên núi cao nhìn về biển đông, đôi tay giang rộng như ôm lấy cả trùng dương. Ngư dân ra khơi, nhìn lên tượng Chúa để xác định phương hướng. Khi gặp sóng gió, họ cũng hướng về tượng Chúa để cầu nguyện xin ơn.
Mừng lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, Vua niềm tin, chúng ta trọn một niềm xác tín, Chúa Kitô là trung tâm lịch sử cứu độ là chuẩn đích cho chúng ta định hướng với tin yêu và hy vọng. Hãy để cho Chúa chiếm trọn tất cả con người mình, tư tưởng, lời nói, việc làm. Chúng ta không còn thuộc về thế giới của bóng tối và tội lỗi. Chúng ta thuộc về vương quyền của Vua Giêsu là vương quyền của sự sống và sự thật, vương quyền của niềm tin và ân sủng, vương quyền của sự thánh thiện, công lý, tình yêu và hoà bình (Kinh Tiền Tụng).
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

GÓP PHẦN KIẾN TẠO “TRỜI MỚI ĐẤT MỚI”

HIỆP SỐNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN B Lễ Đức Giê-su Ki-tô Vua Vũ Trụ Đn 7,13-14 ; Kh 1,5-8 ; Ga 18,33b-37


I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 18,33-37
(33) Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su và nói với Người: “Ông có phải là Vua dân Do thái không?” (34) Đức Giê-su đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về Tôi?”. (35) Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do thái sao? Chính dân của ông và các thương tế đã nộp ông cho tôi. ông đã làm gì?” (36) Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho dân Do thái. Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này”. (37) Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là Vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là Vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: Đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.
2. Ý CHÍNH: Trước tòa án của quan Tổng Trấn Phi-la-tô, Đức Giê-su đã cho ông biết về Vương Quốc của Người. Vương Quốc ấy thiêng liêng và không thuộc về thế gian, không có quân đội và không biên giới. Đức Giê-su cũng khẳng định Người là Vua, nhưng là vị Vua Thiên Sai, đến để làm chứng cho sự thật. Thần dân của Người là những ai sẵn sàng tin theo sự thật của Người.
3. CHÚ THÍCH:
- C 33-34: + Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su: Đức Giê-su đã bị dân quân Đền thờ bắt tại vườn Cây Dầu vào đêm thứ Năm sau bữa tiệc ly Vượt Qua mừng trước. Sau khi bị bắt Đức Giê-su đã bị tòa án tôn giáo xét xử và bị thương tế Cai-pha kết án tử hình(x Ga 18,19-24). Tuy nhiên vì các đầu mục Do thái đã bị người Rôma truất quyền kết án tử hình (x. Ga 18,31), nên sáng hôm sau, họ đã giải Đức Giê-su đến dinh quan Phi-la-tô để yêu cầu ông này kết án tử hình cho Đức Giê-su. Họ đứng ngòai sân chứ không vào trong nhà để tránh bị ô uế theo Luật, mà ai vi phạm sẽ không được ăn mừng lễ Vượt Qua (x Ga 18,28b). Quan Phi-la-tô đã phải ra ngòai hành lang để gặp họ. Sau khi biết rõ ý họ muốn, Phi-la-tô đã vào trong phòng thẩm vấn Đức Giê-su + “Ông có phải là Vua dân Do thái không?”: Người Do thái đã tố cáo gian cho Đức Giê-su tội phạm chính trị là xưng mình là Vua dân Do thái, để yêu cầu quan Phi-la-tô quy tội phản lọan và kết án tử hình cho Người. Do đó Phi-la-tô  tra vấn Người về việc này. + “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”: Đức Giê-su không trực tiếp trả lời câu hỏi của Phi-la-tô, nhưng Người gợi ý để ông tự xét lời tố cáo đó có cơ sở không hay chỉ là sự vu cáo bịa đặt?
- C 35: + Tôi là người Do thái sao?: Phi-la-tô cho biết ông không quan tâm đến những vấn đề tôn giáo, vì ông không phải là người Do thái! + Chính dân của ông và các thương tế đã nộp ông cho tôi. ông đã làm gì?: Phi-la-tô cho biết dân chúng và các đầu mục Do thái đã tố cáo như thế để yêu cầu ông xét xử. Ông hỏi Đức Giê-su đã làm gì chống lại họ để đến nỗi bị họ tố cáo như vậy?
- C 36: + “Nước tôi không thuộc về thế gian này”: Đức Giê-su không chối điều họ tố cáo, nhưng Người xác định mình không phải là ông vua trần tục. Vì Nước của Người không thuộc về thế gian này. + “nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho dân Do thái”: Lời này cho thấy sự khác biệt giữa vương quốc thế gian và Vương Quốc của Thiên Chúa. Khác về tinh thần cai trị (x. Mt 20,24-28), về hiến pháp (x. Mt 5,1-12), về điều kiện gia nhập (x. Mt 7,21), về sự vững bền (x. Mt 25,46), về tương quan giữa vua với dân (x Ga 13,12-15).
- C 37: + “Vậy ông là vua ư?”: Đặt câu hỏi này, Phi-la-tô chỉ tò mò muốn biết thêm về chức vị vua thiêng liêng trong Nước Trời của Đức Giê-su, chứ ông không nghĩ Người là vua thế tục. Phi-la-tô biết rõ Đức Giê-su không làm loạn, vì Người không có quân đội để tự vệ khi bị người Do thái vây bắt. + “Chính ngài nói: tôi là vua”: Đức Giê-su xác nhận Người là Vua. nhưng là Vua Tình Yêu, Vua Mục Tử: Người hiểu biết từng con chiên (x. Ga 10,14), nuôi dưỡng đàn chiên (x. Ga 10,3), đi tìm chiên lạc (x. Ga 10,16), bảo vệ đàn chiên và sẵn sàng hy sinh tính mạng cho đàn chiên (x. Ga 10,11.15). Tóm lại, Người đến “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10,10). + “Tôi đã đến thế gian là để làm chứng cho sự thật”: Sứ mệnh của Đức Giê-su là đến để làm chứng cho sự thật. ** làm chứng theo tiếng Hy Lạp nghĩa là tử đạo. Đức Giê-su làm chứng cho sự thật bằng việc đổ máu ra vì yêu nhân loại đến cùng ** Sự thật không có nghĩa là không gian dối, nhưng chính là Tin Mừng Nước Trời mà Người loan báo. Sự Thật ấy cũng là mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, đã được biểu lộ qua cuộc đời, lời rao giảng và nhất là trong biến cố Tử nạn và Phục sinh của Đức Giê-su. + Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”: Đức Giê-su đến không những để cứu độ dân Do thái là dân được Thiên Chúa ưu tuyển, mà Người còn đến cứu mọi dân nước tin vào Tin Mừng của Người và gia nhập vào Nước Trời là Hội Thánh hôm nay và là Thiên Đàng mai sau.
4. CÂU HỎI: 1)Tại sao các đầu mục Do Thái lại phải giải Đức Giê-su đến tòa án của quan Phi-la-tô? 2)Tại sao người Do thái không vào trong nhà làm cho quan Phi-la-tô phải đi ra ngòai hành lang để tiếp họ đứng dưới sân? 3)Đức Giê-su cho Phi-la-tô biết Nước Trời do Người thiết lập có những đặc tính nào khác với nước thế gian? 4)Khi hỏi Đức Giê-su: “Ông là Vua ư?”, Phi-la-tô có tin những lời các đầu mục Do thái tố cáo Đức Giê-su không? 5)Đức Giê-su nhận mình là Vua nhưng chức vị này có những phẩm chất nào? 6)Đức Giê-su đến để “Làm chứng cho Sự Thật” nào và làm chứng bằng cách nào? 7)Ngòai dân Do thái ra, Đức Giê-su còn đến cứu độ những ai?

II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Tôi là Vua” (Ga 18,37):
2. CÂU CHUYỆN:
Lịch sử nước Anh có câu chuyện về một ông vua có lòng khiêm nhường và đạo đức tên là KÊ-NẮT Đệ Tam (CANUT III). Là vua của một cường quốc, nên chung quanh ông ta lúc nào cũng có những nịnh thần nói lời ca tụng, tâng bốc. Một hôm, trong một buổi triều yết, các nịnh thần đã nịnh hót nhà vua như sau: “Muôn tâu thánh thượng! Thánh thượng là vua trên hết các vua, là chúa trên hết các chúa”.-“Thánh thượng có toàn quyền cả trong đất liền cũng như ngòai biển cả bao la!”
Nghe vậy, nhà vua muốn dạy cho quần thần một bài học, nên đã mời tất cả quan chức triều đình cùng đi du lịch đến một bãi biển dành riêng cho hoàng gia. Khi mọi người đều theo sau nhà vua xuống bãi tắm đang có các cơn sóng vỗ rì rào, nhà vua liền tuyên bố: “Hỡi biển cả kia. Nhiều người nói ta là vua trên hết các vua, là chúa trên hết các chúa, có quyền trên đất liền và trên biển khơi. Vậy hỡi biển cả hãy nghe đây: Ta truyền cho sóng biển không được tràn tới nữa!”. Nhưng dù nhà vua đã ra lệnh, mà nước biển vẫn cứ từng đợt thi nhau đổ tới tấp lên bãi cát làm ướt cả áo cẩm bào của nhà vua cùng quần áo quan chức triều đình! Sau đó nhà vua dẫn quần thần đến một nhà nguyện gần đó. Vua quì gối trước tượng Thánh giá Chúa Giê-su, lấy ra chiếc vương miện bằng vàng đội lên đầu Chúa và cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Giê-su. Chỉ có Chúa mới là “Vua trên hết các vua”, là “Chúa trên hết các chúa”. Chỉ có Chúa mới “có quyền trên cả đất liền cũng như biển khơi” Con xin ngợi khen Chúa. AL-LÊ-LU-IA!”.
3. SUY NIỆM:
1) Hôm nay là ngày Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ. Giáo Hội long trọng mừng kính lễ Chúa Giê-su Ki-tô là Vua Vũ Trụ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su đã khẳng định trước mặt quan Phi-la-tô: “Phải, tôi là Vua”.
2) Đức Giê-su là Vua, vì Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Đấng đã dùng Lời quyền năng sáng tạo nên vũ trụ vạn vật như sau: “Phải có ánh sáng! Liền có ánh sáng” (x. St 1,3). Đức Giê-su thực là Vua, vì Người đã chiến thắng ma quỷ, tội lỗi và sự chết bằng Lời quyền năng như sau: “Câm đi và hãy xuất khỏi người này!” (Mc 1,25-27) ; “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5) ; “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!” (Ga 11,43).
3) Người từng tuyên bố: Nước Người không thuộc về trần gian này. Vương quyền Người không dựa trên sức mạnh của vũ khí quân đội mà dựa trên tình yêu. Bao nhiêu vua chúa, bao nhiêu triều đại xưa đã từng xuất hiện một thời trên trần thế, thì nay đều đã bị diệt vong. Chỉ duy Vương Quyền của Đức Giê-su vẫn luôn tồn tại và hiển trị trong các tâm hồn.
4) Chúa Ki-tô chiến thắng! Chúa Ki-tô trị vì! Chúa Ki-tô hiển trị muôn đời! (“Christus vincit. Christus regnat. Christus... imperat”): Ngày nay các tín hữu chúng ta tôn kính Vua Giê-su không phải chỉ bằng nghi lễ trong nhà thờ, bằng việc ca hát tung hô Người … Nhưng quan trọng hơn: Chúng ta phải tích cực góp phần xây dựng Nước Trời yêu thương an bình hạnh phúc ngay từ trong gia đình đến khu xóm, chợ búa, trường học, xí nghiệp, sở làm và mọi lúc mọi nơi… Chúng ta phải làm thế nào để mọi người nhận biết tôn thờ một Thiên Chúa là Cha, sống chan hòa yêu thương nhau như anh em trong đại gia đình của Thiên Chúa, dưới quyền cai trị của Đức Giê-su Vua vũ trụ, như Người đã phán trước khi lên trời: “Thầy đã được trao tòan quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18b-20)..
4. THẢO LUẬN: 1)Mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì để Chúa Giê-su làm Vua gia đình mình? 2)Chúng ta cần làm gì để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho anh em lương dân, hầu mở rộng Vương Quyền của Vua Giê-su đến tận cùng thế giới?
5. NGUYỆN CẦU
- LẠY CHÚA GIÊ-SU: Ngày nay các bạn trẻ thường hay chọn cho mình một thần tượng để tôn sùng và bắt chước: Người thì mê vua bóng đá Pê-lê; Có người lại chạy theo vua nhạc Rốc Mai-côn Giắc-sân (michael jackson). Có những cô gái cố trang điểm, ăn mặc giống như cô ca sĩ này, hay người mẫu nọ... còn chúng con là môn đệ của Chúa, chúng con có Chúa là vị thần tượng ưu việt duy nhất. Ước chi chúng con nói được như thánh Phao-lô: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1,21)- Từ nay “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
- Lạy Chúa. Xin giúp chúng con biết noi gương Chúa là Vua của sự thật. Xin cho chúng con biết yêu sự thật và nói thật để mưu ích cho tha nhân, (nhưng không phải mọi sự thật đều nên nói ra). Xin cho chúng con tránh những lời dối trá lừa đảo. Trong giao tiếp xã hội, xin cho chúng con tránh thái độ đạo đức giả của các người Pha-ri-sêu và kinh sư đã bị Chúa nặng lời quở trách (x. Mt 23,13-36). Trong quan hệ làm ăn buôn bán, xin giúp chúng con biết buôn ngay bán thật, không nói rước nói thách, không làm hàng gian hàng giả, không cư xử bất công lường gạt người nhẹ dạ dễ tin. Xin Chúa giúp chúng con luôn trung thực trong lời nói việc làm, để xứng đáng là con dân của Vua Giê-su “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH