Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

16 tháng 7, 2011

Cảm động người 38 năm yêu mãi vợ điên


     Đêm trên miền sơn cước thanh vắng, mưa bắt đầu nặng hạt dần, cả vùng đồi đã chìm sâu trong giấc ngủ. Một tiếng hét từ đâu vọng lại đập vào vách đá phía xa kéo tôi ra khỏi giấc ngủ. Ông Chuân nằm bên khẽ cựa mình thở dài: "Khổ cho ông Hoa, lại đội mưa đi tìm vợ...".
     Và tiếp đó là câu chuyện cảm động chập chờn trong giấc ngủ của tôi. Sáng hôm sau tôi đòi ông Chuân đưa sang căn nhà của người đàn bà điên đã chạy suốt đêm mưa hôm qua.
Có lẽ căn nhà lợp lá kè này là căn nhà lá còn lại cuối cùng ở cái làng phần nhiều là dân lên khai hoang. Mùi khai nồng từ đâu bay tới làm nên cảm giác khó chịu khi bước vào căn nhà. Hiểu cảm giác của tôi, ông Chuân giải thích: "Mùi của bà ấy đấy!". Ngồi trước mặt chúng tôi là người đàn ông mang khuôn mặt khắc khổ với nước da sạm nắng. Ông là Trương Như Hoa ngụ tại thôn Đồng Hải (xã Hải Long, huyện Như Thanh, Thanh Hóa).
     Ông kể: Quê ông ở huyện Triệu Hải (tỉnh Bình Trị Thiên, nay là Quảng Trị). Năm 1954, ông tập kết ra Bắc làm công nhân ở Nông trường Trịnh Môn (Nghệ An); 2 năm sau chuyển về Lâm trường Như Xuân (Thanh Hóa) làm lái xe. Năm 1959 ông cưới vợ qua sự mai mối của một đồng nghiệp và chấp nhận cảnh hai vợ chồng ở cách xa nhau vì vợ ông làm ở nhà máy Dệt Nam Định.
     Sau này, khi nhà máy bị đánh phá nặng nề ông Hoa xin cho vợ về Lâm trường Như Xuân làm công nhân. Cuộc sống của gia đình công nhân nhỏ bé cứ thế trôi, hai ông bà hạnh phúc bên 6 đứa con. Nhưng đến năm 1973 bà phát bệnh, căn bệnh thần kinh do di chứng của 2 lần chịu sức ép của bom. Điều trị tại bệnh viện tỉnh 2 năm thì bệnh thuyên giảm và bà cũng về mất sức. Hàng ngày thuốc thang, tưởng có thể chiến thắng được bệnh tật, nhưng đến năm 1978 thì bệnh của bà trở nên trầm trọng, các bác sỹ lắc đầu. Và từ đó đến nay, ông Hoa đã viết nên một chuyện tình cảm động.
     Ông Hoa chỉ vào chiếc ấm nhôm trên bàn: "Chiếc ấm ni tôi mua theo phân phối từ xưa. Chú xem, tôi phải gò lại hàng trăm lần rồi đấy. Bà ấy lên cơn là đập hết đồ trong nhà". Rồi ông chỉ những song cửa gãy đôi, chiếc mâm méo mó và cả những vết sẹo trên khuôn mặt của mình. Tất cả là tác phẩm của những khi bà lên cơn điên loạn.
     Những ngày bà mới phát bệnh các con còn nhỏ, một mình ông phải gồng mình trông vợ, chăm con. Rồi liên tục những đêm hàng xóm phải nghe tiếng la hét: "Cháy, cháy, máy bay kìa" và những lời than khóc: "Con ni cháy đen tề, thằng tê chết rồi!". Bà bị ảnh hưởng quá lớn của trận bom ngày trước. La hét, bà chạy khắp làng, chui vào trốn trong các lùm cây, cống rãnh. Mỗi lần như vậy người ta lại thấy ông cầm đèn chạy theo tìm. Khi bà còn khỏe, còn chạy được thì hầu như hôm nào dân làng cũng chứng kiến cảnh đó, lâu dần thành quen.
     Ông còn nhớ, một đêm mùa hè năm 1980, bà bỏ chạy ra ngoài nhưng không la hét. Khi ông phát hiện ra chạy theo thì chẳng thấy đâu. Mấy người con ông nước mắt ngắn nước mắt dài cùng cha thắp đuốc đi tìm mẹ. Gần nửa đêm, đám thanh niên đi chơi nghe tiếng người thở dưới chân cây cầu vào làng nên bỏ chạy tán loạn. Ông tìm được bà về. Cả đêm đó ông thức trắng canh, sợ bà chạy ra ngoài.
     Nhiều lần ông tìm thấy bà đang ngồi thu lu ngoài đồng, nơi góc vườn, trong chuồng lợn. Vào những ngày mưa, sấm chớp bệnh của bà càng phát mạnh. Theo ông thì bà nghe tiếng sấm sét tưởng tiếng bom nên tâm thần sinh ra hoảng loạn. Căn nhà tranh của ông bà then cài cửa không đủ chắc chắn để cản lại cơn điên bà gánh chịu.
     Một đêm đông giá lạnh, bà lên cơn chạy ra ngoài và rơi xuống chiếc giếng mới đào chưa kịp xây thành. May mắn, vùng đồi núi nên nước trong giếng không sâu, chỉ ngang ngực. Khi ông lao theo thì bà đã vùng vẫy dưới giếng, không kịp suy nghĩ, ông nhảy theo xuống giếng và cho bà ngồi trên cổ. Hồi đó làng xóm còn thưa thớt, nhà nhà cách nhau xa nên tiếng kêu giúp đỡ của ông vọng lên chỉ màn đêm nghe được. Lúc này các con ông đã đi làm ăn xa, chỉ còn đứa con gái út đang tuổi ăn tuổi ngủ nên không nghe được tiếng cha gọi. Vậy là cả một đêm ông đội bà đứng dưới làn nước lạnh cóng. Sáng sớm đứa con gái tỉnh dậy phát hiện, bà mới được đưa lên khỏi giếng.
     Ngày ông bà còn ăn cơm chung mâm, nhiều khi đang ăn bà cầm bát cơm ném thẳng vào mặt ông rồi hét toáng lên. Chuyện mâm cơm bay từ trong nhà ra ngoài sân dường như đã thành quen thuộc với ông. Có lần bà hắt nước sôi vào người ông đến giờ còn để lại dấu tích. Sau ông phải mua bát nhựa cho bà dùng để khi bà lên cơn mặt ông bớt chịu đựng. Trong nhà ông không dám để những đồ mà bà có thể biến nó thành "vật thể bay" bất cứ lúc nào. Theo lời ông Hoa, khổ nhất là chuyện vệ sinh của bà, rồi mỗi lần tắm rửa, cắt tóc, cắt móng chân móng tay ông phải ngồi "nịnh" hàng giờ đồng hồ bà mới đồng ý.
     Ông Hoa ngập ngừng kể tôi nghe chuyện người bố vợ của ông đến thăm con cách đây 18 năm. Ở chơi gần một tháng, chứng kiến cảnh người con rể chịu cực khổ với người vợ điên loạn, đập phá suốt ngày ông không cầm được lòng. Khi bước chân lên xe về quê, ông gọi ông Hoa lại và nhắn nhủ: "Tuy đó là con gái của bố nhưng nó bệnh nặng quá rồi, cứ để thế khổ cho con quá. Không ai trách con đâu!". Người cha gạt nước mắt nhìn anh con rể đang đứng bần thần nơi bến xe. Ông hiểu ý người cha vợ. Ông chạy về nhà mở tủ đem toàn bộ số thuốc ngủ còn lại vứt xuống ao, số thuốc bệnh viện cấp để dùng cho bà mỗi khi bà lên cơn. Hôm đó ông ôm bà khóc cả một ngày.
     Đôi mắt bất thần của ông nhìn vào phía sau cánh cửa căn buồng. Nay tôi phải đút cơm cho bà ấy ăn no trước rồi mình mới ăn được, không bà ấy lại đập phá. Sáng nào ông cũng đi chợ mua bún, bánh đúc cho bà, đấy là những món bà thích từ thời con gái. Ông Hoa trầm ngâm: "Hôm nào không có hai món đấy là bà ấy đòi, không chịu ăn cơm và ông lại ngồi tỉ tê hàng giờ đồng hồ bà mới chịu ăn.
Nay bà ít chạy nhảy la hét lung tung hơn ngày trước, mà có chạy cũng không được lâu, đôi mắt ông Hoa ngân ngấn nước: "Bà ấy yếu rồi, sức khỏe kém lắm rồi!". Không khí căn nhà lắng xuống khi ông Hoa đưa tay thấm giọt nước mắt nơi gò má. Hình như ông đã quá quen với cảnh la hét đập phá của bà, giờ vắng nó ông thấy buồn. Buồn hơn khi ông nhận ra bà không đập phá được như ngày trước là do sức khỏe của bà đã cạn kiệt.
     Với hai suất lương hưu ít ỏi cặp vợ chồng già đang sống những ngày cơ cực của mình. Căn nhà gỗ lợp lá kè vẫn ấp ủ trong nó câu chuyện tình có một không hai trong suốt bao năm qua.
(24h.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét