Trong những năm gần đây, tại Việt Nam bỗng dưng bùng nổ “hiện tượng điện thoại di động”. Người ta gọi chiếc “têlêphôn” nho nhỏ xinh xinh này bằng một danh từ thật dễ thương, đó là…con dế. Từ đứa trẻ nít, đến dân choai choai và ngay cả những nông dân cũng đều muốn trang bị cho mình một…con dế. Và đã xảy ra những chuyện cười rơi nước mắt chung quanh con dế này.
Theo Bách khoa tự điển Universalis 2004, thì vào ngày 14 tháng 2 năm 1876, một người Mỹ gốc Ăng Lê, tên là Alexander Graham Bell đã đệ trình sáng kiến của mình về một hệ thống truyền đạt tiếng nói. Thế nhưng, chỉ vài giờ sau, một người đồng hương với ông, tên là Elisha Gray cũng đã giãi bày một đề tài như thế. Thời bấy giờ, với sự thành công điện tín, người ta tìm cách chuyển đi cùng một lúc nhiều thư từ, nhiều thông tin trên cùng một đường dẫn.
Ngày 10 tháng 3 năm ấy, ông Bell đã thành công trong việc dùng dòng diện truyền đi trọn vẹn một câu nói và Thomas Watson, người tham dự thí nghiệm đang ở phòng bên cạnh, đã nghe được rõ ràng.
Nhưng rồi ông Bell và ông Gray đã tranh chấp với nhau về phương diện pháp lý. Cả hai lôi nhau ra ba tòa quan lớn để được xét xem ai là người sáng chế đích thực. Một người thì tìm cách truyền đi tiếng nói ? Một người thì khai triển những yếu tố kỹ thuật mà sau này sẽ được áp dụng vào điện thoại ? Cuối cùng tòa án đã dành phần thắng cho ông Bell.
Thuở ban đầu, điện thoại được sử dụng như một hệ thống loan báo thông tin theo kiểu truyền thanh, truớc khi trở thành một dụng cụ để mọi người trò chuyện với nhau.
Vào năm 1982, Hội nghị Âu châu về viễn thông đã thành lập một nhóm qui tụ những nhà chuyên môn để nghiên cứu về một hệ thống di động chung cho mọi nước, hầu đáp ứng nhu cầu khẩn thiết mỗi ngày một gia tăng. Cuối cùng, vào tháng giêng năm 1992, hệ thống điện thoại di động đầu tiên được lắp đạt tại Phần Lan. Và từ đó cho đến nay, dế con không ngừng phát triển trên toàn thế giới.
Ngày xưa còn bé, gã cùng bọn nhóc tì trong xóm cũng đã chơi trò…têlêphôn với nhau. Bọn gã lấy hai chiếc lon sữa bò, đục bỏ phần nắp cũng như phần đáy, sau đó lấy da ếch hay bong bóng lợn, gã nhớ không rõ, bọc một đầu mỗi chiếc lon, rồi nối hai đầu này lại bằng một sợi chỉ dài tới mười mấy hai chục mét. Và thế là hoàn thành chiếc điện thoại. Hai đứa đứng cách xa nhau, chõ miệng vào chiếc lon sữa bò và gân cổ lên mà alô, alô loạn cào cào…
Hồi trước năm 1975, điện thoại còn rất hiếm. Chỉ những vị tai to mặt lớn hay những đại gia mới lắp đặt điện thoại tại nhà. Vì thế, mỗi khi cần liên lạc bằng điện thoại với ai, người ta phải chạy ra “nhà dây thép”, tức là bưu điện, vì chỉ ở đây mới có điện thoại công cộng. Gã cũng chẳng rõ tại sao người ta gọi bưu điện là nhà dây thép ? Rất có thể vì tất cả những đường dây điện thoại đều được làm bằng thép và đều được dẫn tới tổng đài nằm ở bưu điện chăng ?
Cách đây hơn chục năm, điện thoại bàn bắt đầu được phát triển, dĩ nhiên là dân thành phố được hưởng dùng trước nhất. Hồi đó cứ mỗi tuần hai lần, gã đi chợ ngoài thị trấn, rồi tới nhà một người quen chờ điện thoại. Bởi vì gã đã thông báo cho đám bạn bè xa gần : Ai muốn liên hệ thì bấm số ấy, từ lúc 9g đến 10g vào những ngày thứ tư và thứ bảy. Như thế, nhà người quen bỗng dưng trở thành…văn phòng hai của gã.
Ngày đầu tiên được lắp đặt điện thoại tại nhà gã cảm thấy thật vui vì thấy mình bỗng dưng văn minh hơn. Và thế là gã bèn gọi đi khắp nơi, vừa để báo số điện thoại của mình, vừa để khoe khoang với bàn dân thiên hạ.
Tại vùng nông thôn, không phải nhà nào cũng có điện thoại, vì thế đôi khi cũng gặp phải những phiền phức nho nhỏ.
Chẳng hạn người hàng xóm có việc cần, chạy sang gọi nhờ một tí. Một tí ấy đôi khi kéo dài tới cả tiếng đồng hồ, như muốn nấu cháo hay ninh nhừ chiếc điện thoại. Nhung rồi sau đó lại lờ tít cái khoản tiền phải thanh toán với nhân viên bưu điện.
Chẳng hạn vào những lúc mưa gió xập xùi, thiên hạ gọi nhờ chuyển lời tới người nọ người kia. Không đi thì nghĩ ngợi, còn đi thì chỉ rước lấy sự nặng nhọc vào thân. Ngán nhất là những cú điện thoại vào lúc đêm hôm khuya khoắt báo tin người chết hay đang hấp hối…
Sau điện thoại bàn, thì tới điện thoại di động. Cách đây ba bốn năm, để tỏ ra mình là dân chơi thứ thiệc, đám choai choai thuộc hàng quí tộc đều tậu cho mình một con dế. Đi tới đâu cũng “Alô”. Ở chỗ nào cũng “Hai, bai” ỏm củ tỏi, nhiều lúc cố tình quên không tắt máy, khiến dế cứ mặc sức kêu inh ỏi trong lớp học và ngay cả trong nhà thờ giữa bầu khí trang nghiêm của một thánh lễ.
Và bây giờ thì…dế đã thực sự lên ngôi. Dế không phải chỉ có mặt tại thành phố, bên cạnh những cô chiêu cậu ấm, mà dế đã bò về làng nằm, trong túi quần, túi áo của những anh chàng nông dân cần cù.
Báo “Tuổi Trẻ Cười” đã ghi nhận như sau :
“Vài năm trở lại đây, khi sóng điện thoại di động phủ gần như kín địa bàn các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thì phong trào “Hai Lúa” sử dụng dế càng trở nên phổ biến. Những anh nông dân tay lấm chân bùn, những chị cấy lúa quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” sau những giờ lao động vất vả trên ruộng đồng về đến nhà là sà ngay vào làm bạn với…ông Táo, cũng bắt đầu tập tành xài điện thọai di động để tỏ ra mình là người…”sành điệu”.
Dế đã trở thành phương tiện liên lạc với nhau vừa gọn nhẹ lại vừa thân mật, chỉ tội hơi bị hao tiền một chút mà thôi. Nơi gã đang ở, có một thời thịnh hành cái nghề không giống ai, đó là là…nghề chiếu chó. Mang chiếu đi để đổi lấy chó về.
Hiện nay, nghề này đã bị tàn lụi vì người ta thích nằm nệm hơn nằm chiếu, nên chẳng còn mấy ai cặm cụi ngồi dệt chiếu nữa. Thế nhưng, nghề lái chó vẫn cứ phất lên trông thấy, bởi vì “mộc tồn” hay “cờ tây” vốn là món khoái khẩu của dân bợm nhậu. Từ thành thị cho đến thôn quê, trên khắp các nẻo đường đất nước, đi tới đâu cũng thấy mọc lên những quán thịt chó với những tên gọi thật thân thương : Nó Kìa, Đây Rồi, Sống Trên Đời…
Dân lái chó bây giờ không còn phải vất vả chèo thuyền, mà cứ phom phom trên chiếc xe Honda với điện thoại di động cầm tay để liên hệ với những người bán chó và những người mua chó. Nếu trúng mánh, thì chỉ cần hú một tiếng vào chiếc điện thoại, lập tức các chiến hữu bạn bè đều có mặt đông đủ bên bàn…nhậu.
Gã không nhớ một nhà thơ nào đã viết : “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Cũng vậy, người ta có thể chơi dế bằng nhiều hình thức khác nhau, nhất là đối với dân mới…nhớn.
Trước hết là chơi…loại dế. Người ta tìm mua những loại dế xịn, dế chiến mới ra lò với nhiều chức năng khác nhau, cho dù những chức năng ấy chẳng bao giờ dùng tới, bởi vì đối với họ, tiền bạc không thành vấn đề, miễn sao chứng tỏ được đẳng cấp và thứ bậc của mình.
Tiếp đến là chơi…số dế. Người ta tìm cách mua cho mình cái thẻ sim bằng bất cứ giá nào, miễn có được những con số tuyệt vời, chẳng hạn số gánh, số chín nút, số hên, số dễ nhớ.
Ngoài ra là chơi…chuông dế. Người ta tìm cách cài đặt cho con dế của những bản nhạc mình ưa thích, thay cho chuông báo điện thoại hay tin nhắn gửi đến.
Có anh chàng đã dùng một giọng nữ thật đỏng đảnh thay cho nhạc chuông :
- Anh ơi anh à, em nhớ anh lắm, nghe diện thoại của em đi…
Cũng vì thế mà anh chàng này đã bị bà vợ hay ghen chửi bới và hạch hỏi cho một trận tơi bời hoa lá, phải cầu cứu bạn bè đến thanh minh thanh nga, mới giải được nỗi oan.
Sau cùng là chơi…hình dế. Người ta tìm cách tải vào bộ sưu tập của điện thoại di động những hình ảnh độc, để lâu lâu mở ra ngắm nhìn và coi chơi. Những hình ành độc này có thể là những hình ảnh khỏa thân và những đoạn phim sex ngăn ngắn.. Xem chán và coi chán, thì “bắn” sang cho bạn bè, gọi là để trao đổi hàng hóa hai chiều. Và như vậy, khó mà lường nổi hậu quả của những hình ảnh và những đoạn phim độc này đã tác hại như thế nào.
Dế con ngày nay đã trở thành vật bất khả ly thân của nhiều người thời nay, vì đó là một phương tiện liên lạc với nhau vừa gọn nhẹ, lại vừa đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, cũng có một số người lại sử dụng dế vào những ý đồ hắc ám.
Chẳng hạn chị vợ sắm cho anh chồng một con dế, cốt để kiểm soát đường đi nước bước của anh chồng, xem anh chồng có thực sự ở công sở hay lại đang xơi…”phở” tái ở một xó góc tăm tối nào đó. Còn anh chồng thì tậu cho mình một con dế, để dễ bề tâm sự và hẹn hò với cô bồ nhí. Những lúc rảnh rỗi anh ta bèn lôi con dế ra để tỉ tê đầy vơi, hay viết những dòng nhắn tin thật lâm ly bi đát mà gửi cho người yêu bé bỏng.
Tới đây, gã xin lượm lặt qua bao chí, những sự việc vui buồn xảy ra cũng vì con dế.
Trước hết là đối với dân nhậu. Chiếc điện thoại di động đã giúp họ liên lạc với nhau một cách kín đáo và mau chóng. Tuy nhiên, khi đã xừng xừng họ mới bày ra những trò nghịch ngợm.
Chẳng hạn thấy bà xã ông nào có máu “Hoạn Thư”, thì liền gửi vào máy của ông ấy những tin nhắn đầy ắp những thương nhớ của một “cô gái ảo” với tên gọi thật mỹ miều. Tin nhắn này chẳng may bị bà xã vớ được, chắc chắn bà ấy sẽ nổi trận lôi đình cho ông ta một vố còn đau hơn cả trời giáng.
Tiếp đến là đối với những người hảo ngọt, mất cảnh giác nên dễ dàng trở thành những nạn nhân bị lừa gạt. Cái chiêu thông thường vốn được xử dụng đó là gọi nhầm máy, sau đó xin làm quen, rồi hẹn gặp gỡ. Trong lúc gặp gỡ, lấy cớ có việc cần, hay vì điện thoại của mình hết pin, bèn mượn tạm dế con để liên lạc, rồi lặn mất tiêu. Gã xin kể lại ba trường hợp “dính chấu” điển hình được đăng tải trên báo “Công An Thành Phố” :
Trường hợp thứ nhất :
Anh S dang ngồi trong phòng làm việc thì nhận được bốn cuộc điện thoại gọi nhầm số của một cô gái lạ có giọng nói dịu dàng. Sau lần thứ tư, cô gái nhẹ nhàng xin lỗi và không quên làm quen :
- Anh em mình hẳn có duyên với nhau nên em mới gọi nhầm số hoài. Vậy khi nào em buồn, cho phép em gọi điện để chia sẽ với anh nhé ?
Anh S tỏ ra ga lăng :
- Được tiếp chuyện người đẹp là một diễm phúc cho anh, chỉ sợ em chê anh nói chuyện vô duyên, nên không gọi nhầm số nữa.
Rồi một ngày kia, anh S chủ động hẹn cô gái đi uống cà phê. Khi gặp mặt, anh S nhận thấy cô gái vừa trẻ lại vừa đẹp, ăn nói lưu loát, đồng thời tỏ ra là người có học thức. Khi hai người đang chuyện trò vui vẻ thì cô gái có điện thoại, rồi máy của cô gái hết pin. Sẵn cơ hội ngàn vàng, anh S bèn móc ngay con dế của mình ra cho cô gái mượn. Mãi không thấy cô gái quay lại, anh S vội ra ngoài tìm, nhưng người giữ xe cho biết cô gái đã đi được một lúc.
Trường hợp thứ hai :
Một tuần liền, chị B liên tiếp nhận được những tin nhắn thân mật như của một người bạn lâu ngày chưa gặp từ một số máy lạ. Rồi một ngày chủ nhân số máy lạ ấy trực tiếp gọi điện cho chị B. Sau vài lời thăm hỏi vồn vã, người ấy xin lỗi vì đã nhầm máy của chị với máy của một người bạn thân và nhận khuyết điểm với một giọng khá chân thành :
-Trước lạ sau quen, từ nay nếu em đồng ý, chúng ta sẽ coi nhau như những người bạn mới được không ?
Sau đó, người ấy thường xuyên điện thoại hay nhắn tin hỏi thăm chị. Rồi một ngày kia, người ấy đột ngột đến thăm chị. Biết chị đang sống đơn côi với cô con gái nhỏ, người ấy ngỏ ý muốn chia sẻ mọi vui buồn…Và những ngày sau đó, người ấy thường xuyên đến nhà đưa cô con gái nhỏ đi học, giúp chị làm một số việc lặt vặt. Tình cảm của họ ngày càng thêm khắng khít…
Một buổi sáng Chúa nhật, trong lúc chị căm cụi trong bếp, thì người ấy tranh thủ sửa lại cầu thang lên gác. Sau bữa cơm trưa, người ấy nói có việc phải về. Chiều đến, cô con gái nhỏ đòi xem phim họat hình, chị lên gác và phát hiện chiếc máy quay phim cùng với một số đồ vật quí giá đã không cánh mà bay. Chị điện thoại thì máy của người ấy luôn ở trong tình trang không liên lạc được.
Nhưng có lẽ đau hơn cả là trường hợp thứ ba sau đây :
Anh T là giám đốc một công ty vận tải đang độ ăn nên làm ra. Một ngày đẹp trời nọ, điện thoại của anh liên tiếp nhận được những tin nhắn xin làm quen. Không chịu nổi trò đùa này, anh quyết định gọi để dạy cho đối phương một bài học. Thế nhưng một giọng nói ngọt ngào vang lên. Cô nàng xưng tên là TH và lên tiếng biện hộ cho mình : sở dĩ cô nàng “dai như đỉa” chỉ vì quá ngưỡng mộ anh trong một bữa tiệc của người bạn, nên cố tình làm quen…
Và thế là cá đã cắn câu và nai đã sập bẫy. Họ hẹn nhau tại một quán cà phê. Cô nàng trong bộ trang phục khá trang nhã, nói chuyện rất lôi cuốn và đã giới thiệu mình là một sinh viên vừa tốt nghiệp, đang tập sự cho một công ty nước ngoài, trong khi chờ hoàn tất thủ tục du học tại Úc. Cô nàng rất ít nói về mình, mà chủ yếu ngồi chớp mắt lắng nghe như bị hút vào câu chuyện của T… Và lẽ dĩ nhiên, các cuộc hẹn hò như thề tiếp diễn liên tục trong những tuần sau.
Điều gì đến phải đến. Một buổi tối cuối tuần, sau một bữa ăn thật lãng mạn với rượu vang, nến, hoa và tiếng dương cầm dặt dìu ở một nhà hàng đắt đỏ nhất Saigon, chàng lưu luyến cho biết muốn ở lại bên nhau trong một không gian khác, ấm cúng hơn, riêng tư hơn. Cô nàng do dự một lúc rồi nhẹ nhàng thưa :
- Em phải về xin phép mới được đi khuya. Anh cứ chọn nơi và đến trước đi. Nếu được mẹ cho phép, em sẽ điện xem anh ở đâu, rồi mình gặp nhau.
Trên đường đến điểm hẹn tình yêu, có đôi lần anh T nghĩ đến hình ảnh vợ và hai đứa con xinh xắn đang ngồi đợi mình ở nhà bên bàn ăn, khiến anh muốn quay trở về…nhưng rồi có gì đó cứ thôi thúc, lòng anh như dậy sóng. Anh T chặc lưỡi, tự trấn an rằng mình đã chu toàn mọi thứ với vợ con ở nhà và tự dối lòng bằng lời hứa “chỉ một lần mà thôi”.
Vừa lấy chìa khóa phòng khách sạn, thì điện thoại reo lên, cô nàng hồ hởi :
- Mẹ cho em đi đến 11g30. Anh ở đâu em đến ngay.
Đọc số phòng và tên khách sạn xong, anh lâng lâng xả nước vừa tắm vừa hát nho nhỏ một bản tình ca. Khoảng 30 phút sau, có tiếng gõ cửa và cô nàng xuất hiện với vẻ e lệ rất con gái, khẽ bước vào và cánh của nhẹ nhàng khép lại phía sau…
Đang lúc họ âu yếm, thì cửa phòng khách sạn bật mở, một gã đàn ông lăm lăm tiến tới. Đèn flash nhá liên tục. Gã đàn ông vừa thao tác vừa luôn miệng chửi bới :
- Mày dám lấy vợ ông à.
Cuối cùng anh T phải ngồi xuống thương lượng. Cái giá phải trả là tất cả những gì anh đang có, gồm xe gắn máy, chiếc ví với hơn 1000 đô Mỹ, máy tính xách tay, đồng hồ và nhẫn cẩm hột xoàn.
Gần mười hai giờ đêm anh T mới thất thểu về đến nhà, bộ dạng xơ xác hớt hả của một người “vừa bị cướp tấn công trên đường”. Chị vợ nước mắt ngắn nước mắt dài khóc lóc, thắp nhang tạ ơn ông bà đã “giữ mạng” cho anh…Của đi thay người!
Để kết luận, gã xin ghi lại phản ứng của một người vợ, do Lê Minh Thủy diễn tả và được đăng trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 32 ra ngày 13.8.2006 :
Hầu như cả nhân loại đều phải cám ơn các nhà khoa học đã sáng chế được chiếc điện thoại. Nhưng riêng chị lại “oán trách” ai đó đã phát minh ra chiếc điện thọai di động, để chị phải khốn đốn trong những ngày “khai hoa nở nhụy”.
Chị và anh đều là công chức bình thường, với một cuộc sống cũng rất bình thường. Không có nhu cầu buôn bán làm ăn gì thêm, nên việc anh mua cho mình một chiếc ĐTDĐ làm chị bắt đầu thắc mắc :
- Anh à, khi làm việc ở cơ quan đã có ĐT cơ quan, về nhà lại có ĐT nhà. Anh mua làm chi ĐTDĐ cho tốn kém, hàng tháng lại phải trả thêm một khoản tiền không nhỏ. Con của mình có thêm khoản tiền phí hàng tháng đó của anh, chắc sẽ tươm tắt hơn.
Anh như có phần đuối lý trước lập luận hết sức chặt chẽ của chị. Tặc lưỡi, anh nói liều :
- Thì những lúc anh đi uống bia, có di động em sẽ biết anh ở đâu mà kêu anh về, khỏi phải lo lắng, tiện lợi quá còn gì…
Chị đăm chiêu truớc từ “tiện lợi” của anh.
Một tháng trôi qua từ khi chồng chị sử dụng ĐTDĐ, hình dáng chị cũng ngày càng nặng nề hơn. Sự nặng nề của người phụ nữ sắp đến kỳ sinh nở không làm chị mệt nhọc cho bằng sự đè nặng tâm can, khi chị bắt gặp những hành vi sử dụng điện thoại không bình thường của anh. Anh cất chiếc ĐTDĐ như một báu vật bất ly thân. Chị không có thói quen lục túi quần chồng, vậy mà chiếc ĐTDĐ của anh lúc nào cũng chỉ nằm trong túi quần hoặc túi áo anh.
Khi chuông ĐTDĐ reo, anh mang ra tít ngoài vườn hoặc lên tận sân thượng mà thì thầm. Nếu được hỏi :
- Điện thoại của ai đó ?
Anh vắn tắt trả lời :
- Bạn anh.
Chị thẳng thắn :
- Anh không được sử dụng điện thoại như vậy. Bạn anh cũng là bạn em. Không việc gì mà anh lại phải nói chuyện lén lút to nhỏ như vậy. Nếu anh không để ĐTDĐ trên mặt tủ mỗi khi đi làm về, thì em khẳng định anh có điều cần che đậy không minh bạch.
Chị làm căng quá. Anh đành phải bỏ ĐTDĐ trên mặt bàn, hay trên mặt tủ mỗi khi đi đâu về. Chị yên tâm hơn, nhưng bỗng thấy…ghét ghét chiếc ĐTDĐ. Chị cảm thấy từ khi nó xuất hệin, anh trở thành một người khang khác. Và rồi, thời gian anh bỏ điện thoại trên mặt tủ không bao lâu, thì chị vô tình phát hiện : Chiếc di động của anh chỉ mở chuông kêu những lúc anh đi vắng. Còn về đến nhà, nó biến thành di động hết tiền, hoặc ngoài vùng phủ sóng. Anh tắt máy. Chị càng có nguyên nhân để ghét chiếc ĐTDĐ.
Hơn lúc nào hết, chị cần sự quan tâm chăm sóc của anh, vậy mà…chiếc ĐTDĐ đã trắc nghiệm đúng cho chị điều chị lo sợ nhất. Nó phục vụ anh cho một mục đích không chính đáng. Mục đích đó là gì ? Chị dễ dàng đoán ra, khi một lần chị gọi lại số anh vừa nghe. Giọng một cô gái lạ hoắc sửng sốt khi chị tự xưng :
- Mình là vợ của anh ấy.
Sau lần đó, anh đã dùng ĐTDĐ như những người đàn ông “chân chính”. Tuy nhiên, chị vẫn chưa thể yêu ngay chiếc ĐTDĐ nho nhỏ, có những điệu chuông thật hay. Không biết đến bao giờ chị mới có thể hoàn toàn tin tưởng và yêu được chiếc ĐTDĐ chỉ bé bằng hai ba đầu ngón tay đó ? Điều này hẳn phải tùy thuộc vào anh.
Từ câu chuyên trên, gã xin góp một lời bàn :
- Con dế chẳng tội tình gì. Nó xấu hay nó tốt là do người sử dụng nó mà thôi.
Tác giả Gã Siêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét