Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

28 tháng 6, 2012

Chúa Giêsu cứu sống con gái ông trưởng hội đường

“Cô bé con gái ông trưởng hội đường là hình ảnh ẩn dụ của những con người đang phải ở trong thiết chế Do Thái đương thời. Thiết chế đó bất lực trong việc mang lại sự sống cho họ, thậm chí bất lực cả trong việc duy trì sự sống đó. Mở rộng hơn nữa, cô bé này cũng là hình ảnh của mọi người đang ở trong những hệ thống và thiết chế bên ngoài Đức Giêsu. Những thiết chế và hệ thống đó, dù là kinh tế, dù là chính trị, dù là văn hóa, dù là tôn giáo..., một khi từ khước những giá trị Tin Mừng, sẽ không thể làm cho người ta có được sự sống đích thực.”

Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 5,21-43) thuật lại hai phép lạ đặc biệt của Đức Giêsu: chữa lành một người phụ nữ bị bệnh băng huyết và làm cho con gái một ông trưởng hội đường được sống lại. Hai nhân vật nữ đó, thực ra, là các hình ảnh ẩn dụ của những khối dân chúng đang phải khốn khổ và tuyệt vọng dưới sức nặng và sự bất lực của thiết chế Do Thái.
Trong bài suy niệm này, chúng ta sẽ chỉ chú ý đến phép lạ Đức Giêsu làm cho con gái ông trưởng hội đường được sống lại, tức là chỉ đọc và suy niệm bài đọc ngắn của Chúa Nhật hôm nay (Mc 5,21-24a.35b-43).
Nhưng trước hết, để hiểu rõ hơn ý hướng của tác giả Mc khi ông kể lại phép lạ này, có lẽ cần phải chú ý đến tình cảnh hiện tại của Đức Giêsu. Cho đến lúc này, Đức Giêsu đang ở vào hoàn cảnh “cơm không lành canh không ngọt” đối với thiết chế Do Thái. Người bị loại trừ một cách công khai. “Nhóm Pharisêu bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu” (3,6). “Đức Giêsu cùng với các môn đệ của Người phải lánh về phía Biển Hồ” (3,7). “Các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (3,22). Về phần mình, chính Đức Giêsu cũng tỏ rõ lập trường cắt đứt đối với thiết chế Do Thái. Bằng việc thiết lập Nhóm Mười Hai (3,13tt), Người đã công bố rõ ràng về một sự mới mẻ hẳn trong chương trình của Người và về sự độc lập hoàn toàn của chương trình đó khỏi những thiết chế Do Thái hiện hành. Hơn nữa, Người chẳng ngại nói rõ ý định giựt thoát dân chúng ra khỏi thiết chế Do Thái (3,27). Người lại còn đi sang vùng dân ngoại và hoat động ở đó (5,1tt). Nói tóm lại, đang có một sự đổ vỡ rõ ràng giữa Đức Giêsu và thiết chế Do Thái đương thời.
Trong khung cảnh đó, bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng chi tiết Đức Giêsu trở về từ vùng Ghêrasa. “Đức Giêsu xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ” (c.21). Sự kiện đám đông tụ lại quanh Đức Giêsu lúc này là một sự kiện khá đặc biệt. Nó cho thấy dân chúng không đồng ý với lập trường thù nghịch của các nhà lãnh đạo Do Thái đối với Đức Giêsu. Dân chúng có vẻ chẳng đếm xỉa gì đến lời kết án nặng nề của các kinh sư từ Giêrusalem dành cho Đức Giêsu cả (3,22).
Khi Đức Giêsu đang ở trên bờ Biển Hồ và có cả một đám đông bao quanh Người, thì “có một ông trưởng hội đường tên là Giaia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống" (cc.22-23).
Trong tình cảnh cụ thể lúc này, sự kiện một nhân vật quan trọng của thiết chế Do Thái địa phương tìm đến xin Đức Giêsu giúp đỡ, là một sự kiện đáng ngạc nhiên. Hẳn ông ta đã phải có một ý muốn rất rõ ràng khi vượt qua một đoạn đường để đi ra ngoài thành, đến bên bờ Biển Hồ, nơi Đức Giêsu đang hiện diện. Chắc chắn phải có một lý do gì đó rất mạnh mẽ mới có thể khiến ông ta làm như vậy. Hơn nữa, “vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người và khẩn khoản nài xin”. Ông công khai diễn tả lòng tôn kính và cho thấy vị thế hơn hẳn của Đức Giêsu so với vị trí xã hội mà ông đang nắm giữ. Mặc dù là một vị đại diện thiết chế Do Thái địa phương và đứng đầu cộng đoàn hội đường, ông cũng vẫn sụp xuống dưới chân một người đang bị chính cái thiết chế ấy từ khước. Hơn nữa, ông còn khẩn khoản nài xin Người, chứ không chỉ trình bày một nguyện vọng hay một đề nghị.
Lý do khiến ông trưởng hội đường hành xử một cách đặc biệt như thế, là một tình cảnh rất nghiêm trọng đang xảy ra, như lời ông nói: “Con bé nhà tôi gần chết rồi”. Chắc chắn ông đã làm hết cách để cứu con gái của ông, nhưng ông đã thất bại. Việc ông để cho đến lúc đứa bé gần chết mới cầu cứu đến Đức Giêsu, một người đang bị từ khước bởi chính cái thiết chế mà ông là đại diện, chứng tỏ đây là một quyết định rất nghiêm trọng, chỉ có thể làm khi ông đã thấy rằng mọi cánh cửa đều đã đóng chặt, không có lối thoát nào khác.
Ông xin Đức Giêsu “đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”. Trong văn hóa Do Thái, đặt tay là hành động truyền sức mạnh hoặc để chữa lành hoặc để chúc lành, tức là hành động thông truyền sức sống. Ông Giaia xin Đức Giêsu thực hiện hành động ấy với một mục đích kép “để cháu bé được cứu thoát và được sống”. Được cứu thoát là được đưa ra khỏi tình cảnh tiêu cực. Được sống là được đưa vào tình cảnh tích cực. Trong ý hướng thần học của Mc, hai điều đó bổ túc cho nhau đồng thời ngầm nhắc đến điểm đầu và điểm cuối của cuộc xuất hành: ra khỏi tình cảnh bị áp bức và tiến vào đất hứa. Đáng chú ý là trong quan điểm Do Thái, theo Đnl 4,1; 8,1; 11,8; 30,16 thì chính việc tuân giữ Lề Luật mới làm cho dân được sống và chiếm hữu đất hứa. Điều đó càng cho thấy tính cách ngoại thường trong hành động và lời xin của ông Giaia.
Trước cách hành xử đặc biệt và lời nài xin khẩn khoản của ông trưởng hội đường, Đức Giêsu không nói một lời nào. Người trả lời ông không phải bằng lời, nhưng là bằng hành động: “Người lập tức ra đi với ông” (c.24a). Người luôn luôn sẵn sàng cứu thoát và làm cho sống.
“Chợt có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?" (c.35b). Tác giả Mc không viết “có mấy người từ nhà ông Giaia”, mà viết “có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường”. Họ đến và thông báo về một tình cảnh đáng thất vọng hoàn toàn. Thiết chế Do Thái đã bất lực trong việc thông ban sự sống hoặc chí ít là giữ gìn sự sống cho những người thuộc về nó. Nhưng không chỉ thông báo về một tình hình, những người đến từ nhà ông trưởng hội đường còn nêu lên một hệ luận từ tình hình đó: “Làm phiền Thầy chi nữa?”. Họ gọi Đức Giêsu là “Thầy” với lòng kính trọng. Nhưng câu hỏi của họ đồng thời cũng cho thấy họ không tin rằng Đức Giêsu là Đấng ban sự sống. Họ hy vọng vào Người trong một vài hoàn cảnh, thậm chí là cả trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nữa, nhưng đối diện với cái chết, họ không hy vọng là Người có thể giải quyết được vấn đề, không hy vọng là Người có thể có giải pháp cho tình cảnh bi đát tận cùng ấy.
“Nhưng Đức Giêsu nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi" (c.36). Có vẻ Đức Giêsu không quan tâm đến tin tức mà mấy người kia vừa thông báo. Người chỉ chú ý đến những hậu quả mà lời thông báo của họ có thể gây nên nơi tâm hồn của ông trưởng hội đường. Người liền nói với ông một yêu cầu gồm hai khía cạnh gắn chặt với nhau, như Người đã từng yêu cầu các môn đệ của Người trong 4,40: đừng sợ nhưng hãy tin. Những người đưa tin vừa nói với ông Giaia một tình cảnh tuyệt vọng, nhưng Đức Giêsu mời gọi ông “chỉ cần tin thôi”, tức là đối với Người và đối với những ai tin vào Người, thì không có tình cảnh nào là đáng tuyệt vọng và không thể vượt qua. Lòng tin vào Đức Giêsu sẽ không bao giờ khiến người ta phải thất bại. Và ông Giaia chỉ cần phải tin mà thôi.
Rồi Đức Giêsu tiếp tục con đường của mình, hướng đến nhà ông trưởng hội đường. “Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan” (c.37). Từ đây, Đức Giêsu nắm vai trò quyết định. Tại sao Người chỉ cho các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan theo mình đến nhà ông trưởng hội đường? Ba vị này là những người đứng đầu danh sách của Nhóm Mười Hai (x.3,16-19), những người sẽ phải làm chứng về tình trạng chết chóc của thiết chế cũ và về sự sống do Đức Giêsu trực tiếp đem lại.
“Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giêsu thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ” (c.38). Mỗi lần nói đến cái chết hay ám chỉ cái chết trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, tác giả đều cố ý sử dụng lối nói “nhà ông trưởng hội đường” chứ không phải “nhà ông Giaia”. Đối với những người ở trong nhà ông trưởng hội đường, cái chết là một sự kiện không thể đảo ngược. Họ không còn biết làm gì khác ngoài việc khóc lóc và kêu la ầm ĩ. Cái thiết chế mà họ thuộc về đó đã không thể cung cấp cho họ bất cứ giải pháp nào cho tình cảnh tuyệt vọng này. Họ không tìm thấy trong cái thiết chế tôn giáo Do Thái đương thời một sự an ủi nào. Họ chỉ còn biết than khóc và kêu la ầm ĩ mà thôi.
Từ bên ngoài, Đức Giêsu đã nhìn thấy rõ tình cảnh bi thương đó.“Người bước vào nhà và bảo họ: "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" Họ chế nhạo Người” (cc.39-40a). Sự náo động và khóc lóc của những người trong nhà ông trưởng hội đường chính là lời giải thích cho tình cảnh của đứa bé gái và của chính họ. Đức Giêsu lên tiếng điều chỉnh lời giải thích ấy. Trước hết, Người đặt một câu hỏi cho thấy sự khóc lóc kia là không đúng đắn, vì tình cảnh không hoàn toàn đáng tuyệt vọng. Nói cách khác, câu hỏi của Đức Giêsu ngầm đề nghị một niềm hy vọng cho tình cảnh có vẻ bi thảm đang xảy ra. Sau đó, Đức Giêsu đưa ra cho họ lời giải thích về sự kiện đang diễn ra: “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”. Phần thứ nhất của lời giải thích này hoàn toàn đối nghịch với những gì mà các người đến từ nhà ông trưởng hội đường đã thông báo cho ông ta ở câu 35. Khi ấy Đức Giêsu chỉ ngầm phủ nhận lời khẳng định của họ bằng cách mời gọi ông trưởng hội đường hãy tin. Bây giờ Người phủ nhận một cách hiển ngôn.
Thật ra, không phải là Đức Giêsu không biết rằng đứa bé đã chết thật rồi. Nhưng khi khẳng định rằng nó đang ngủ, Đức Giêsu có ý nói rằng cái chết không phải là thực tại có tiếng nói tối hậu và xác định. Đó chỉ là một tình trạng “chuyển tiếp”, mau qua, tựa như một giấc ngủ. Khi có sự hiện diện của Đức Giêsu, tình cảnh sẽ thay đổi: cái vốn không thể đảo ngược bây giờ sẽ không còn như vậy nữa, vì Đức Giêsu đang đưa ra một thực tại mới trước đây chưa hề có, và thực tại này sẽ cho phép con người vượt quá cái chết, biến sự chết thành một giấc ngủ mau qua.
Phản ứng chế nhạo của những người đang ở trong nhà ông trưởng hội đường cho thấy họ hoàn toàn nghi ngờ, không tin điều đó có thể xảy ra. Họ không thể mở lòng mình ra để đón nhận thực tại mới mà Đức Giêsu muốn mang lại đó. Điều này dễ hiểu, vì xét theo quan điểm thông thường, điều Đức Giêsu vừa nói thật ra rất phi lý. Người ta chỉ có thể chấp nhận điều đó khi tin vào Đức Giêsu mà thôi. Vì thế, lời giải thích của Đức Giêsu cho tình cảnh hiện tại của đứa bé, thật ra, cũng ngầm là lời mời gọi những người đang ở trong nhà ông trưởng hội đường hãy tin vào Người. Nhưng họ từ chối. Họ chưa thể đón nhận một lời đề nghị bên ngoài hệ thống thiết chế mà họ đang ở trong đó.
Đứng trước sự chế nhạo của họ, Đức Giêsu hành động như một người có uy quyền. Trong nhà của ông trưởng hội đường, chính Người lấy quyết định. “Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm” (c.40b). Bắt những người khóc lóc và cười nhạo ra ngoài, Đức Giêsu cho thấy Người không muốn hành động trong bầu không khí thù nghịch và cứng tin. Người chỉ cho cha mẹ đứa bé và ba môn đệ hiện diện. Đáng chú ý là lúc này tác giả Mc không nói đến ông trưởng hội đường, mà nói đến người cha của đứa bé. Chức vụ của ông trong thiết chế Do Thái bị gạt sang một bên, thay vào đó, tác giả nhấn mạnh một thực tại nhân sinh và sự sống. Sự hiện diện của người mẹ, vốn không hề được nói đến từ đầu câu chuyện, càng cho thấy rõ hơn điều đó.
“Người cầm lấy tay nó và nói: "Talitha qum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!" (c.41). Ông Giaia đã xin Đức Giêsu đến đặt tay trên con gái ông (c.23). Nhưng Đức Giêsu cầm lấy tay nó, khi nó đã chết rồi. Rõ ràng Đức Giêsu đang vi phạm một lệnh cấm rất nghiêm nhặt của Luật liên quan đến sự thanh sạch theo nghi lễ: “Ai đụng vào người chết, bất cứ người chết này là ai, đều bị nhiễm uế trong bảy ngày liền. Ai đụng vào người chết -thi thể của một người đã chết- mà không thanh tẩy mình, người đó làm cho Nhà Tạm của ĐỨC CHÚA bị nhiễm uế, người như thế phải bị diệt trừ khỏi Israel” (Ds 19,11.13). Đối với Đức Giêsu, lệnh cấm này không còn giá trị.
Cùng với hành động cầm tay đứa bé đã chết, Đức Giêsu công bố một lệnh truyền: “Talitha qum”. Lời Đức Giêsu truyền cho cô bé trỗi dậy cho thấy rõ quyền bính của Người. Nhưng cũng như trong trường hợp người bai liệt ở 2,11 chính cô bé phải trỗi dậy, tất nhiên là theo lệnh và với sức mạnh mà Đức Giêsu ban cho; Đức Giêsu thông truyền cho cô bé sự sống có thể làm cho cô thực hiện cuộc sống của mình.
“Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ” (c.42). Khác với các ngôn sứ Êlia và Êlisê trong Cựu Ước (x. 1V 17,17-24; 2V 4,17-37), Đức Giêsu đã không phải thực hiện bất cứ nghi thức hay lời cầu khẩn nào. Người chỉ thi thố quyền năng đặc biệt. Và lời Người lập tức hiệu nghiệm. Em bé đứng dậy và bước đi. Phản ứng của những người hiện diện ở đây tương tự như phản ứng của đám đông Do Thái trong phép lạ chữa người bại liệt ở 2,12: ai nấy đều sửng sốt và kinh ngạc, thậm chí còn mạnh mẽ hơn: “kinh ngạc sững sờ”! Người ta đã không thể hình dung được rằng bên ngoài thiết chế tôn giáo Do Thái lại có thể có một quyền năng vĩ đại và siêu việt như thế, đến độ có thể thông ban sự sống và khiến cái chết chỉ là một giấc ngủ chóng qua.
Nhưng “Đức Giêsu nghiêm cấm họ , và bảo họ cho con bé ăn” (c.43). Thoạt nhìn, quả thực lệnh cấm “không được để một ai biết việc ấy” thật khó hiểu. Sự kiện cô bé chết là một sự kiện công khai, đám đông biết rõ, và đám ma đang được tổ chức với những sự khóc lóc và kêu la ầm ĩ là điều chẳng thể giữ kín được nữa. Bây giờ đám tang đột ngột ngưng lại, cô bé đã chết bây giờ đứng dậy và đi lại được! Một sự kiện như thế mà bảo không được để cho ai biết, thì quả thực kỳ lạ, không thể giải thích được.
Nhưng nếu xét kỹ, ta có thể hiểu ý nghĩa bên dưới của lệnh cấm này. Cô bé vừa được cứu thoát và được làm cho sống mới chỉ 12 tuổi, và cần phải được cho ăn. Nó chưa thể ngay lập tức có cuộc sống tự lập được. Nó chưa thể đứng đối lập với hệ thống Do Thái đương thời được. Vậy điều cần phải được giữ kín trong giai đoạn hiện tại không phải là sự kiện nó được sống, mà là ý nghĩa của sự kiện ấy. Khi nào đủ sức chấp nhận những hậu quả của việc cắt đứt với thiết chế Do Thái đương thời và có thể trưởng thành tin vào Đức Giêsu, cô bé sẽ thực hiện điều đó chứ không được phép giữ kín không tuyên xưng lòng tin, như Đức Giêsu đã đòi hỏi người phụ nữ đã được chữa khỏi bệnh băng huyết ngay trước khi người đến nhà ông Giaia.
Vậy điều quan trọng lúc này phải là giúp cho cô bé lớn lên và trưởng thành.
Tác giả Mc tỏ ra có một cái nhìn rất thực tế.
Câu chuyện Đức Giêsu cứu sống cô bé con gái ông trưởng hội đường trong bài Tin Mừng hôm nay rất ý nghĩa đối với chúng ta. Cô bé con gái ông trưởng hội đường là hình ảnh ẩn dụ của những con người đang phải ở trong thiết chế Do Thái đương thời. Thiết chế đó bất lực trong việc mang lại sự sống cho họ, thậm chí bất lực cả trong việc duy trì sự sống đó. Mở rộng hơn nữa, cô bé này cũng là hình ảnh của mọi người đang ở trong những hệ thống và thiết chế bên ngoài Đức Giêsu. Những thiết chế và hệ thống đó, dù là kinh tế, dù là chính trị, dù là văn hóa, dù là tôn giáo..., một khi từ khước những giá trị Tin Mừng, sẽ không thể làm cho người ta có được sự sống đích thực. Đức Giêsu đến, truyền ban sức sống, làm cho cô bé con gái ông trưởng hội đường được cứu và được sống. Người cũng đang làm như thế, ngay trong thế giới hiện nay của chúng ta. Người cũng đang cầm tay mỗi người chúng ta mà nói: “Talitha qum”...
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

Hệ lụy tất yếu

(Chúa nhật XIII TN, năm B) Cái gì cũng có hệ lụy riêng. Có khởi đầu thì có kết thúc; có sinh thì có tử; có tội thì bị phạt; có công thì được thưởng; có nguyên nhân thì có kết quả hoặc hậu quả, gọi là quy luật nhân quả. Và còn nhiều hệ lụy khác. Đó là những hệ lụy tất yếu của cuộc sống.

Thiên Chúa là Chúa của sự sống, Ngài chỉ có những ước muốn thánh thiện, và trao ban mọi điều tốt lành cho mọi người: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1:13). Tại sao? “Vì Ngài đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu” (Kn 1:14). Thật vậy, “đức công chính trường sinh bất tử” (Kn 1:13-15).
Ngài tốt lành nên Ngài cũng muốn chia sẻ những điều đó cho chúng ta: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Ngài dựng nên làm hình ảnh của bản tính Ngài” (Kn 2:23). Người ta tạo ra cái kia hay vật nọ, nhưng không ai làm ra cái gì giống mình. Vậy mà Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta giống hình ảnh Ngài, và còn phú cho bản chất thiện hảo: Nhân chi sơ tính bổn thiện. Sinh ra ai cũng tốt lành, “nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 2:24a), và chắc chắn rằng “những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2:24b). Chúng ta đã lây nhiễm điều xấu, càng sống lâu càng tội nhiều, thế nên chúng ta luôn được “cảnh báo” bằng sự chết, vậy mà vẫn không ai sợ. Phàm nhân quá bướng bỉnh và ngang tàng. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ!
Dù vậy, Thiên Chúa vẫn muốn chúng ta cải tà quy chánh, trở nên những người thực sự tốt lành: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Nhưng chúng ta vẫn cố chấp, ngang nhiên nghe lời xúi giục của ba thù (xác thịt, thế gian, ma quỷ) mà phạm tội. Chính chúng ta là “đại thù đệ nhất” của chính mình. Vậy mà Thiên Chúa vẫn xót thương, không nỡ làm ngơ, nên Ngài lại sai Con Một Giêsu nhập thể và chịu chết để cứu độ chúng ta. Còn hạnh phúc nào hơn! Vì thế, chúng ta phải thành tâm thân thưa: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con” (Tv 30:2).
“Ngài đã kéo chúng ta lên từ âm phủ, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống” (Tv 30:4). Tác giả Thánh vịnh cảm nghiệm như vậy nên kêu gọi: “Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Ngài” (Tv 30: (Tv 30:5). Không cảm tạ Ngài sao được, vì Ngài quá tốt lành, vượt ngoài tầm hiểu của phàm nhân chúng ta: “Ngài nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30:6). Không vì lòng thương xót của Thiên Chúa thì chúng ta đừng hòng được gì. Vả lại, chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta tôn sùng Thánh Tâm Ngài van xin Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ngài đã “bật đèn xanh”, thế nên chúng ta đừng cố chấp và cũng đừng ngần ngại cầu xin: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ” (Tv 30:11). Khúc ai ca được Chúa đổi thành vũ điệu hoan ca, và cởi áo sô mà mặc cho chúng ta lễ phục huy hoàng. Vì thế, chúng ta không thể nín lặng mà không ca ngợi Ngài: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” (Tv 30:13), đồng thời loan truyền hồng ân thương xót ấy cho mọi người cùng nhận biết.
Kinh nghiệm đầy mình, Thánh Phaolô khuyên: “Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại” (2 Cr 8:7). Tốt về lĩnh vực này thì cũng cần tốt về lĩnh vực kia. Có “máu xấu” này cũng dễ “nhiễm” thói xấu khác. Mắc bệnh này rồi sẽ dễ mắc bệnh khác. Người tốt càng thêm tốt, người xấu càng thêm xấu. Cũng là hệ lụy tất yếu vậy. Cuộc sống đã và đang cho thấy ai mê đắm cái gì thì sẽ chết vì chính cái đó. Sinh nghề, tử nghiệp. Để cứu vãn, không gì hơn là phải tin theo Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã có lòng quảng đại vô cùng. Thánh Phaolô giải thích: “Ngài vốn giàu sang phú quý nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8:9). Thật lạ!
Thánh Phaolô nói cặn kẽ hơn: “Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều” (2 Cr 8:13-14), y như lời đã chép: “Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu” (2 Cr 8:15). Đó mới là yêu thương thực sự, yêu thương triệt để, không yêu thương bằng lời nói suông mà bằng cả hành động. Hành động mới đủ sức thuyết phục và “nói” to hơn ngôn ngữ. Thiên Chúa rất thực tế khi Ngài đặt vấn đề: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá?” (Mt 7:9).
Chúa Giêsu thực tế trong từng lời nói, cử chỉ và hành động. Thánh sử Máccô kể rất tỉ mỉ, rõ ràng, dễ tửng tượng ra các diễn biến từng chi tiết: Một lần nọ, Đức Giêsu xuống thuyền trở sang bờ bên kia Biển Hồ. Một đám rất đông tụ lại quanh Ngài. Chợt có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Ngài và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống” (Mc 5:23). Chúa Giêsu đang vội, không rảnh, nhưng Ngài không do dự, không chần chừ, mà liền đi theo ông.
Khi đó, đám đông chen lấn đi theo xem sự thể ra sao. Trong đám đông đó có một bà kia bị băng huyết đã 12 năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Bà nghe đồn về Đức Giêsu, bà cố lách qua đám đông, tiến đến phía sau Ngài, và sờ vào áo của Ngài, vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Ngài thôi, là sẽ được cứu” (Mc 5:28). Lạ thay, máu cầm lại tức khắc, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi ngay chứng băng huyết. Lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Ngài liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” (Mc 5:30).
Nghe Thầy mình hỏi vậy, chắc là các môn đệ nghĩ Thầy mình quá lẩm cẩm và ngây ngô hết sức, nên họ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi?” (Mc 5:31). Hỏi thế thì… “bó tay”. Nhưng Đức Giêsu vẫn ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó khiến bà này sợ phát run lên vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Biết không thể giấu được, bà đến phủ phục trước mặt Ngài và nói hết sự thật với Ngài. Ngài nhẹ lời: “Này bà, lòng tin của bà đã cứu chữa bà. Bà hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5:34). Mắc chứng nan y mà được khỏi hẳn. Bà ta sướng rơn, sướng như người về từ cõi chết!
Chúa Giêsu luôn đề cao đức tin. Ngài không nói Ngài chữa lành mà chính niềm tin của chúng ta khả dĩ chữa lành chúng ta – cả tâm bệnh và thể bệnh.
Đang lúc đó, có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” (Mc 5:35). Nghe vậy, Đức Giêsu liền trấn an ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5:36). Một lần nữa, Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đức tin. Rồi Ngài không cho ai đi theo mình trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan. Đến nhà ông trưởng hội đường, Đức Giêsu thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Ngài bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5:39). Chết mà bảo ngủ. Quái lạ! Ông Giêsu này “tâm thần” chắc! Thế nên người ta xầm xì chế nhạo Ngài.
Ngài bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Ngài vào nơi nó đang nằm. Ngài cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” (Mc 5:41). Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được. Ai nấy đều kinh ngạc sững sờ. Họ câm họng, hết dám xào xáo. Đức Giêsu không trách họ mà chỉ nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy. Ngài còn thực tế đến nỗi bảo người nhà cho con bé ăn.
Lạy Chúa, chúng con thật đắc tội với Ngài ngay từ những ý nghĩ hão huyền của chúng con. Cúi xin Ngài thương xót mà đại lượng ân xá. Xin Chúa mở lòng trí chúng con để chúng con cũng biết sống thực tế như Ngài, biết sẵn sàng hành động theo Ý Ngài và biết cương quyết khước từ những gì trái Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
 
Tác giả bài viết: Trầm Thiên Thu

NGỢI KHEN CON NGƯỜI


Trong tập thơ có tựa đề "Nhật ký", nữ thi sĩ công giáo Pháp là Marie Noel đã tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Hôm đó là ngày cuối năm. Từ trên Thiên Quốc nhìn xuống dương trần, Chúa thấy dân chúng đổ xô về một ngôi nhà thờ đổ nát, không có chuông, cũng chẳng có tháp chuông. Vị linh mục già đành phải khua mõ vào bất cứ đồ vật nào có thể gây ra tiếng vang để giục giã dân chúng đến giáo đường đọc Kinh "Te Deum" ngợi khen Cúa nhân ngày cuối năm.
Trời mưa lạnh như cắt. Vậy mà, từ khắp nơi trong xóm giáo, người ta vẫn đổ xô về ngôi giáo đường. Chúa theo dõi từng cử động một của một người đàn bà đơn độc mà ngôi nhà vừa bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn. Chúa lại nhìn thấy một thiếu phụ mà cách đó không lâu bọn Ðức Quốc Xã đã tước đoạt mọi tài sản. Một người đàn bà khác, mà chồng đã bị giết trước mắt, cũng lặng lẽ tiến đến nhà thờ. Có cả thiếu phụ mất con mà người ta không tìm ra tung tích. Có cả người đàn ông mà vợ và con bị chôn vùi dưới đống gạch vụn... Còn bao nhiêu người khốn khổ khác nữa. Họ không biết đi đâu, họ không có gì để ăn bởi vì quân thù đã đốt phá và cướp đi tất cả những lương thực dự trữ.
Vậy mà những người khốn khổ ấy có mặt đày đủ trong ngôi giáo đường. Có một vài tiếng khóc. Nhưng tất cả đều cất tiếng hát bài "Te Deum" ngợi khen Chúa trong ngày cuối năm vì những ơn huệ Ngài ban trong năm qua.
Nhìn thấy cảnh tượng ấy cũng như lắng nghe lời ca ngợi của những con người khốn khổ, Thiên Chúa vô cùng cảm động. Ngài nói với các Thiên Thần như sau: "Quả thực, quả thực, Ta bảo các ngươi: con người là loài thụ tạo thánh thiện. Các ngươi hãy nhìn xuống đám người đáng thương kia. Cách đây 12 tháng, họ đã phó dâng cho Ta cả năm để được hạnh phúc, an khang. Vậy mà tai ương và thảm sầu đã xảy đến với họ... Họ đã kêu cầu bình an, nhưng chiến tranh đã đè bẹp họ. Họ đã xin lương thực hằng ngày, nhưng họ chỉ toàn gặp là đói khát. Họ đã phó dâng cho ta gia đình, người thân và tổ quốc của họ, nhưng tổ quốc, gia đình và người thân của họ lại bị xâu xé trăm bề. Dĩ nhiên, Ta có những lý do riêng của Ta... Ta không thể thanh tẩy thế giới mà không thể thử thách nó như thời Noe. Nhưng đây là công việc của một Thiên Chúa, không ai có thể hiểu được việc Thiên Chúa làm. Nhưng con người lại phải gánh chịu mọi sự. Vậy mà họ vẫn tiếp tục ngợi khen và cảm tạ Ta cứ như Ta đã bảo vệ họ trong từng phút giây của cuộc sống họ... Quả thực, lòng tin của họ lớn lao... Các ngươi có nghe họ hát "Thánh, thánh" với tất cả trang trọng không? Hỡi các Thiên Thần và các Thánh, nào các ngươi hãy hát lên một bài ca để tôn vinh những ai, mặc dù gặp gian lao khốn khó, vẫn lên tiếng tôn vinh Ta".
Nói xong, Thiên Chúa cùng với các thần thánh trên trời cất lên bài ca "Ngợi khen con người".
Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài không thể không say mê con người, Ngài không thể không chung thủy với con người. Giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc sống hiện tại và những khắc khoải lo âu cho tương lai, chúng ta hãy tiếp tục dâng trọn niềm tín thác cho Thiên Chúa.
Tin tưởng ở tình yêu Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng ở tình người. Tình người dù có bội bạc, mỗi một con người, dù có đốn mạt, xấu xa đến đâu, cũng vẫn còn chất chứa trong đáy thẳm tâm hồn mình vẻ đẹp cao vời phản ảnh chính tình yêu của Thiên Chúa. Ðáp lại với những phản trắc lừa đảo, đáp lại với những thấp hèn đê tiện, người có niềm tin nơi Thiên Chúa và tin ở tình người hãy giữ mãi nụ cười của cảm thông, tha thứ và yêu thương.

Tác giả Veritas

27 tháng 6, 2012

CON CHIM TRONG BÀN TAY


Người Ba Tư có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Ngày xưa, tại quảng trường của một thành phố nọ, có một nhà hiền triết xuất hiện và tuyên bố giải đáp được tất cả mọi thắc mắc của bất cứ ai đến vấn kế.
Một hôm, giữa đám người đang say mê lắng nghe nhà hiền triết, có một mục tử từ trên núi cao đến. Nghe tiếng đồn về sự thông thái và khôn ngoan của nhà hiền triết, anh muốn chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và nhất là để hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông.
Anh tiến đến gần nhà hiền triết, trong tay bóp chặt một con chim nhỏ. anh đặt câu hỏi như sau: 'Thưa ngài, trong tay tôi có cầm một con chim. Ngài là bậc thông thái biết được mọi sự. Xin ngài nói cho tôi biết con chim tôi đang cầm trong tay sống hay chết?".
Nhà hiền triết biết đây là một cái bẫy mà người mục tử tinh ranh đang giăng ra. Nếu ông bảo rằng con chim đang còn sống, thì tức khắc người mục tử sẽ bóp cho nó chết trước khi mở bàn tay ra. Còn nếu ông bảo rằng con chim đã chết thì lập tức con người khôn manh ấy sẽ mở bàn tay ra và con chim sẽ bay đi.
Sau một hồi thinh lặng, trước sự chờ đợi hồi hộp của đám đông, nhà hiền triết mới trả lời như sau: "Con chim mà ngươi đang cầm trong tay ấy sống hay chết là tùy ở ngươi. Nếu ngươi muốn cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn cho nó chết thì nó chết".
Ai trong chúng ta cũng khao khát hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng mong ước được cuộc sống an bình, vui tươi. Nhưng lắm khi chúng ta chạy theo chiếc bóng mờ ảo của hạnh phúc hơn là hưởng nếm chính hạnh phúc đang cầm trong tầm tay của chúng ta. Hạnh phúc đích thực chính là con chim mà mỗi người chúng ta đang có ở trong lòng tay. Con chim ấy sống hay chết là tùy ở mỗi người chúng ta. Chúng ta được hạnh phúc, chúng ta được an bình hay không là do chính chúng ta.
Hạnh phúc đích thực của chúng ta, niềm vui đích thực của chúng ta chính là Thiên Chúa. Nếu chúng ta để cho Thiên Chúa chiếm ngự, nếu chúng ta để cho Thiên Chúa lấp đầy, thì cho dẫu ngoại cảnh có làbầu trời đen tối đi nữa, chúng ta vẫn cảm thấy an bình, hạnh phúc.
Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn, để cho Chúa chiếm trọn tâm tư, lấy Chúa làm tất cả trong cuộc sống, chúng ta sẽ có được niềm vui đích thực.


Tác giả Veritas

20 tháng 6, 2012

AI HƠN AI?


Trong một khu vườn tuyệt đẹp kia có nhiều loại hoa đua nhau khoe màu tranh sắc: Hoa Hồng, hoa Hướng Dương, hoa Vạn Thọ, hoa Cúc, kể cả vài cụm bông Móng Tay và bông Mười Giờ.
Một ngày kia, có người đến nhìn ngắm những bông hoa đẹp, rồi lấy một cây thước ra đo chiều cao, chiều dài cũng như đếm số các nụ hoa. Xong ông ta bỏ đi.
Ý thức về chiều cao và độ lớn của mình, hoa Hướng Dương càng vươn cổ lên cao và nói: "Trong khắp khu vườn, không hoa nào lớn mạnh như chúng tôi". Nghe nói thế, hoa Hồng lên tiếng: "Nhưng không hoa nào đẹp và tỏa hương thơm ngát như chúng tôi". Không chịu thua ai, hoa Vạn Thọ góp lời: "Hai người nói thế nghe sao phải, to lớn và thơm tho nào có ý nghĩa gì. Hai người làm gì có được nhiều bông hoa như chúng tôi".
Nghe những loại hoa trên tranh luận, các loại hoa Cúc, hoa Móng Tay và hoa Mười Giờ cảm thấy tủi phận. Hoa Móng Tay tìm lời an ủi hoa Mười Giờ: "Bọn mình không đẹp, không thơm, nhưng được cái là dễ trồng nên được nhiều người ưa thích".
Sau đó, khu vườn trở lại yên lặng trong khoảnh khắc. Nhưng hoa Cúc phá tan sự im lặng nặng nề với những phát biểu sau đây: "Sao các anh, các chị lại có thể suy nghĩ thế? Bởi đâu các anh các chị lại tranh nhau về chiều cao, về độ lớn, về vẻ đẹp, về hương thơm. Anh chị quên rằng: Dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, dù đỏ hay vàng, mọi bông hoa đều nhận lãnh hình hài, vẻ đẹp và hương thơm từ bàn tay của Ðấng Tạo Hóa và dưới mắt Người chúng ta đều như sau. Mỗi chúng ta đều được Người ban cho đồng đều ánh sáng và hơi ấm của mặt trời. Mỗi bông hoa đều được Người cho mưa rơi xuống gốc và sương sa trên mình như nhau. Ðó là Mầu Nhiệm của lòng quảng đại và khoan nhân của Thiên Chúa".
Sự phân bì, ghen tuông đã và đang làm khổ đau cho con người cũng bằng tính tự cao, tự đại hay ít ra tính phân bì, ghen ghét cũng làm cho chúng ta không được thư thái, bình an. Vì thế, có người đã đề ra những phương pháp sau đây như những điều kiện để được hưởng sự bình an trong tâm hồn:
- Nếu tôi không muốn so sánh mình với người khác, tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc với những gì tốt đẹp nơi tôi.
- Nếu tôi không làm nô lệ cho sự thành công, tôi có thể sản xuất những thành quả tốt đẹp kẻ khác chờ đợi nơi tôi.
- Nếu tôi không để mình bị vướng vào mạng lưới của sự cạnh tranh, tôi sẽ thông phần và chia sẻ được những cái tốt đẹp hàm ẩn trong tất cả mọi người.


Tác giả Veritas

THẾ Ư?


Hakuin là một thiền sư nổi tiếng tại Nhật Bản, ông sống ẩn dật trên núi. Ngày kia, có một thiếu nữ con nhà gia giáo bỗng thấy mình có thai. Cô nàng tuyên bố với mọi người rằng chính thiền sư Hakuin là tác giả của bào thai. Vừa nghe tin này, cả dân làng, do cha mẹ của cô thiếu nữ dẫn đầu, đã giận dữ kéo đến chòi của vị thiền sư. Họ la hét, chửi rủa vị thiền sư đủ điều...
Nhưng vốn điềm tĩnh, nhà sư chỉ biết mỉm cười thốt lên: "Thế ư?". Ai cũng nghĩ đó là một cách chịu tội. Ai cũng nghĩ chính ông là tác giả của bào thai trong lòng người thiếu nữ. Khi đứa bé chào đời, thiền sư Hakuin lặng lẽ đến nhận nó và đưa về chiếc chòi nghèo nàn của mình. Ông bồng lấy nó, nang niu nó và chăm sóc nó như chính đứa con ruột của mình.
Nhưng khoảng 18 năm sau, người thiếu nữ bông hối hận về hành vi của mình. Cô thú nhận rằng người cha của đứa bé chính là chàng ngư phủ trẻ trong làng.
Nghe tin này, ai ai trong làng cũng cảm thấy xấu hổ vì đã nghĩ xấu và nhục mạ một con người đáng kính. Một lần nữa, dưới sự dẫn đầu của cha mẹ thiếu nữ, cả làng kéo nhau đến chòi của vị thiền sư. Mọi người sụp lạy tỏ dấu sám hối vì đã xúc phạm đến thanh danh của vị đạo sĩ thánh thiện. Giữa lúc mọi người đồng thanh tuyên bố sự vô tội và cứu gỡ danh dự cho mình, vị thiền sư chỉ mỉm cười nói: "Thế ư?".
Hai tiếng " Thế ư?" của thiền sư Hakuin trên đây xem chừng như cũng cùng một âm điệu với hai tiếng "Xin vâng" của Mẹ Maria.
Thái độ điềm nhiên và chấp nhận không chỉ là kết quả của một sự rèn luyện ý chí, nhưng còn là một thể hiện của niềm tin. Thưa xin vâng trước tiên có nghĩa là tuyên xưng Tình Yêu không hề lay chuyển của Thiên Chúa. Thưa xin vâng là chấp nhận đi vào chương trình của Thiên Chúa, trong đó cho dù phải trải qua tăm tối và thử thách, con người vẫn tin ở sự thành toàn.
Thưa xin vâng cũng có nghĩa là nói lên niềm tin nơi chính bản thân: dù có yếu hèn, vấp ngã, con người vẫn luôn là đối tượng của một Tình Yêu chung thủy và là trọng tâm của một chương trình cao cả mà thiên Chúa đang thực hiện.
Thưa xin vâng cũng có nghĩa là nói lên niềm tin vào cuộc đời. Cuộc đời này, dù có đen bạc đến đâu, vẫn luôn có một ý nghĩa và tha nhân, dù có thấp hèn, xấu xa đến đâu, vẫn tiếp tục mang lấy hình ảnh cao vời của Thiên Chúa.

Tác giả Veritas

19 tháng 6, 2012

THẾ Ư?


Hakuin là một thiền sư nổi tiếng tại Nhật Bản, ông sống ẩn dật trên núi. Ngày kia, có một thiếu nữ con nhà gia giáo bỗng thấy mình có thai. Cô nàng tuyên bố với mọi người rằng chính thiền sư Hakuin là tác giả của bào thai. Vừa nghe tin này, cả dân làng, do cha mẹ của cô thiếu nữ dẫn đầu, đã giận dữ kéo đến chòi của vị thiền sư. Họ la hét, chửi rủa vị thiền sư đủ điều...
Nhưng vốn điềm tĩnh, nhà sư chỉ biết mỉm cười thốt lên: "Thế ư?". Ai cũng nghĩ đó là một cách chịu tội. Ai cũng nghĩ chính ông là tác giả của bào thai trong lòng người thiếu nữ. Khi đứa bé chào đời, thiền sư Hakuin lặng lẽ đến nhận nó và đưa về chiếc chòi nghèo nàn của mình. Ông bồng lấy nó, nang niu nó và chăm sóc nó như chính đứa con ruột của mình.
Nhưng khoảng 18 năm sau, người thiếu nữ bông hối hận về hành vi của mình. Cô thú nhận rằng người cha của đứa bé chính là chàng ngư phủ trẻ trong làng.
Nghe tin này, ai ai trong làng cũng cảm thấy xấu hổ vì đã nghĩ xấu và nhục mạ một con người đáng kính. Một lần nữa, dưới sự dẫn đầu của cha mẹ thiếu nữ, cả làng kéo nhau đến chòi của vị thiền sư. Mọi người sụp lạy tỏ dấu sám hối vì đã xúc phạm đến thanh danh của vị đạo sĩ thánh thiện. Giữa lúc mọi người đồng thanh tuyên bố sự vô tội và cứu gỡ danh dự cho mình, vị thiền sư chỉ mỉm cười nói: "Thế ư?".
Hai tiếng " Thế ư?" của thiền sư Hakuin trên đây xem chừng như cũng cùng một âm điệu với hai tiếng "Xin vâng" của Mẹ Maria.
Thái độ điềm nhiên và chấp nhận không chỉ là kết quả của một sự rèn luyện ý chí, nhưng còn là một thể hiện của niềm tin. Thưa xin vâng trước tiên có nghĩa là tuyên xưng Tình Yêu không hề lay chuyển của Thiên Chúa. Thưa xin vâng là chấp nhận đi vào chương trình của Thiên Chúa, trong đó cho dù phải trải qua tăm tối và thử thách, con người vẫn tin ở sự thành toàn.
Thưa xin vâng cũng có nghĩa là nói lên niềm tin nơi chính bản thân: dù có yếu hèn, vấp ngã, con người vẫn luôn là đối tượng của một Tình Yêu chung thủy và là trọng tâm của một chương trình cao cả mà thiên Chúa đang thực hiện.
Thưa xin vâng cũng có nghĩa là nói lên niềm tin vào cuộc đời. Cuộc đời này, dù có đen bạc đến đâu, vẫn luôn có một ý nghĩa và tha nhân, dù có thấp hèn, xấu xa đến đâu, vẫn tiếp tục mang lấy hình ảnh cao vời của Thiên Chúa.

Tác giả Veritas

TẠ ƠN CHÚA


Thi sĩ Lamartine của Pháp có kể lại một giai thoại như sau: Một hôm, tình cờ đi qua một khu rừng, ông nghe một âm thanh kỳ lạ. Cứ sau mỗi tiếng búa gõ vào đá lại vang lên một tiếng "Cám ơn". Ðến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ mới nhận thấy một người thợ đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ vào phiến đá, ông lại thốt lên "Cám ơn'.
Thi sĩ Lamartine mới nấn ná đến trò chuuyện, người thợ đập đá giải thích: "Tôi cảm ơn Chúa". Ngạc nhiên về lòng tin của một con người mà cuộc sống hẳn phải lầm than lam lũ, thi sĩ mới nói: "Giả như bác được giàu có, thì tôi hiểu tại sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng cám ơn. Ðằng này, Thiên Chúa chỉ nghĩ tới bác có mỗi một lần duy nhất đó là lúc Ngài tạo nên bác. Sau đó, Ngài ban cho bác có mỗi cái búa này để rồi không còn ngó ngàng gì đến bác nữa. Thế thì tại sao bác lại mỏi miệng để cám ơn Ngài?".
Nghe thế, người đập đá mới hỏi vặn lại thi sĩ: "Ngài cho rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi sao". Thi sĩ Lamartine bèn thách thức: "Dĩ nhiên, Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi một lần mà thôi".
Người thợ đá nghèo, nhưng đầy lòng tin, mới mếu máo thốt lên: "Tôi nghĩ rằng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ngài nghĩ rằng Thiên Chúa đã đoái thương đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, dù chỉ một lần thôi. Vậy không đủ cho tôi cám ơn Ngài sao? Vâng, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa". Nói xong, ông bỏ mặc cho thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông, vừa đục đá vừa tạ ơn Chúa.
Thiên Chúa yêu thương con người. Ðó là bài ca mà chúng ta không chỉ hát lên trong mùa Giáng Sinh, mà phải được lập lại trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Nhưng khi chúng ta nói: Thiên Chúa yêu thương con người, điều đó trước hết phải có nghĩa là Ngài yêu thương tôi. Thiên Chúa không yêu thương con người bằng một cách chung. Thiên Chúa yêu thương mỗi người bằng một tình yêu cá biệt, riêng rẽ. Ðiều đó cũng có nghĩa là mỗi người là một chương trình trong trái tim của Thiên Chúa.
Ðối với Thiên Chúa, không có đám đông vô danh, cũng không có những con số. Ngài gọi mỗi người bằng tên gọi riêng... Chúng ta không thể đo lường Tình Yêu của Thiên Chúa bằng thước đo hẹp hòi, thiển cận của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Ngài, mỗi một con người là một chương trình và mỗi một chương trình đều cao cả. Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta theo một khuôn mẫu, mà theo một chương trình riêng cho mỗi người. Mỗi một biến cố xảy đến đều được Ngài sử dụng để đem lại điều thiện hảo cho chúng ta. Nói như thánh Phaolô, Thiên Chúa quy mọi sự về điều thiện cho những kẻ Ngài yêu thương. Cũng chính vị thánh này nói: "Tất cả nọi sự đều là ân sủng của Chúa".


Tác giả Veritas

ÐỜI VẪN CÓ Ý NGHĨA

Một tác giả người Thụy Ðiển đã tưởng tượng ra một cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra giữa các dân cư sinh sống tại một khu rừng nọ. Ðề tài của cuộc tranh luận là: Ðâu là ý nghĩa của cuộc sống?...


Kẻ kên tiếng phát biểu ý kiến đầu tiên không ai khác hơn là chú chim họa mi suốt ngày chỉ biết ca hát líu lo. Chú khẳng định rằng: "Ðời là một cuộc ca hát không ngừng". Một chú chuột chũi phản pháo tức khắc.


Theo chú: "Ðời là một cuộc tranh đấu không ngừng để chống lại bóng tối". Con bướm có đôi cánh sặc sỡ thốt lên: "Ðời là vui chơi và hạnh phúc". Con ong đang miệt mài tìm mật bên mấy cánh hoa không tán thành ý kiến ấy chút nào. Nó bảo rằng: "Ðời là một cuộc lao động vất vả". Con kiến cũng nhất trí với con ong để chỉ thấy rằng đời là lao động. Từ trên cao, một con phượng hoàng cũng góp ý kiến: "Ðời là tự do". Ðó là ý kiến của động vật.


Các thảo mộc cũng không thiếu ý kiến để đóng góp. Cây thông cao sừng sững giữa rừng hoàn toàn tán thành ý kiến của con phượng hoàng: "Ðời là tự do". Một cánh hoa dại giữa rừng thì lại hùa theo con ong và con kiến để khẳng định rằng đời chỉ là lao động vất vả. Cánh hoa hồng thì lại đồng quan điểm với con bướm để cho rằng đời là hạnh phúc và vui tươi.


Thế giới vô tri cũng lên tiếng phát biểu. Một đám mây đen ngao ngán thốt lên: "Ðời chỉ là đắng cay và nước mắt". Một dòng sông hiền hòa trôi chảy cũng nhận định: "Ðời là một dòng nước chảy không ngừng".


Lời phát biểu cuối cùng nhưng cũng là ý kiến tổng kết của cuộc tranh luận là tiếng chuông từ một giáo đường bên cạnh khu rừng. Thật thế, tiếng chuông ấy ngân lên những lời như sau: "Tất cả những lời phát biểu của quí vị đều đúng cả. Ðời là hòa bình, đời là ca hát, đời là vui tươi, đời là tranh đấu, đời là bể khổ, đời là đắng cay, nhưng tất cả đều tươi nở trong lòng người nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần".


Tôi bởi đâu mà đến? Tôi sẽ đi về đâu? Tại sao tôi đau khổ? Ðó là những câu hỏi lớn nhất mà một lúc nào đó trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh né được.


Cám ơn Chúa vì đã cho chúng ta giải đáp trong chính Chúa Giêsu Kitô. Chính Ngài là Ánh Sáng chiếu rọi trên bí ẩn của cuộc đời cũng như trên chính Mầu Nhiệm của con người. Công đồng Vatcican II trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng đã nói với chúng ta rằng huyền nhiệm của con người chỉ có thể được sáng tỏ trong chính Mầu Nhiệm của Ngôi Hai Nhập Thể.


Chúng ta chỉ có thể tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi lớn của cuộc sống bằng cách nhìn vào Ðức Giêsu Kitô. Quả thật, Ngài đã sống kiếp con người như mọi người. Nhưng chính khi tiếp nhận mọi mùi vị của cuộc sống, Ngài đã mặc lấy cho cuộc sống một ý nghĩa, một hướng đi.


Cuộc sống có ngọt bùi, đắng cay, chua sót, cuộc sống có lao động, tranh đấu hay thảnh thơi... Tất cả đều mang lấy một ý nghĩa. Trong Chúa Giêsu, mất mát trở thành thắng lợi, thua thiệt trở thành cơ may, đau khổ trở thành dịu ngọt, cái chết trở thành khởi đầu của sự sống.


Nếu chúng ta đón nhận cuộc đời này bằng với cái nhìn ấy, thì quả thực không một thử thách, mất mát, đau khổ nào khiến chúng ta thất vọng. Với Quyền Lực của Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, những bể khổ, những đắng, cay chua xót của cuộc sống đều có thể nở hoa, những niềm vui nhỏ ấy sẽ mang lấy chiều kích vĩnh hằng, những việc làm vô danh thường ngày sẽ mang lấy giá trị vĩnh cửu.

Tác giả Veritas

15 tháng 6, 2012

LỄ MÌNH MÁU CHÚA GIÊSU: QUÀ TẶNG TÌNH YÊU

Trong bộ phim “Anh Em Nhà Bác Sĩ” của Hàn Quốc được chiếu trên TV cách đây mấy năm, đã kể lại câu chuyện tình của hai anh em nhà bác sĩ là Kim Chung Ky và Kim Su Jong. Kim Chung Ky là một bác sĩ chuyên khoa tim rất nổi tiếng, anh có một mối tình thật thơ mộng với một cô giáo nhà trẻ, thế nhưng người em nuôi của gia đình anh cũng là một bác sĩ- Kim Si Jong cũng đem lòng yêu thương cố giáo ấy.
 Thật khó xử cho mối tình tay ba như thế! Cũng thật nghiệt ngã cho họ: Cô giáo nhà trẻ kia lại mắc phải bệnh tim hiểm nghèo và cần phải thay tim mới có thể sống, và họ cứ chờ đợi có một quả tim để thay cho cô. Một ngày kia Kim Su Jong cũng phát hiện ra anh mắc một căn bệnh hiểm nghèo không thể chữa, và anh đã quyết định gọi điện thoại đến cho anh mình là Kim Chung Ky và nói: Đã có một người đồng ý tặng cho cô giáo- người yêu của họ một trái tim vào ngày mai tại bênh viện, như linh tính nhắc bảo, Kim Chung Ky ngạc nhiên trả lời, nhưng em phải cho anh biết người ấy là ai thì anh mới có thể nhận trái tim ấy và thay cho cô ấy được? Sau một hồi nấn ná giấu tên, cuối cùng Kim So Jung cũng phải nói thật: Người hiến tặng trái tim ấy chính là em, vì em cũng không thể sống lâu được nữa. Kim Chung Ky hét lớn trong điện thoại: Không thể được! Tại sao em lại làm như thế ? Bác sĩ Kim So Jung trả lời: Chỉ vì em yêu cô ấy, em muốn sống trong cô ấy, và để cô ấy được sống bên anh.
Thưa quý OBACE, hôm nay chúng ta cũng được chứng kiến một mối tình thật cảm động của “chàng thanh niên Giêsu” với nhân loại chúng ta là người yêu của Ngài, Ngài đã yêu con người đến độ chấp nhận cái chết để cho chúng ta là những người Ngài yêu thương được sống, và hơn thế nữa, Ngài còn muốn sống trong mỗi chúng ta, nên một xương một thịt với chúng ta, khi biến thân mình làm của ăn của uống để đi vào trong chúng ta, sống trong chúng ta và mang lại sức sống cho chúng ta. Câu chuyện thánh Marcô thuật lại hôm nay là câu chuyện tình thật linh thiêng cảm động xảy ra tại nhà tiệc ly. Chúa Giêsu biết rất rõ là Ngài không còn sống ở thế gian này lâu hơn nữa, giờ ra đi của Ngài đã gần kề, cuộc chia tay này đưa Chúa Giêsu đến một hành động yêu thương đến tột cùng đó là hiến thân, chấp nhận cái chết thập giá để cho người mình yêu thương được sống: Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người dám hy sinh mạng sống cho người mình yêu, và Chúa Giêsu đã yêu như thế. Hơn nữa, Ngài không chỉ muốn những người Ngài yêu thương được sống, mà Ngài muốn cho họ được sống dồi dào mạnh mẽ và còn muốn sống trong họ nữa, nên trong bữa ăn chia tay với người mình yêu, Chúa Giêsu đã: Cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hảy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thày” – Một việc làm hết sức bất ngờ đối với các môn đệ. Với việc làm này, Chúa Giêsu đã không chỉ chấp nhận bị bẻ ra tức là chấp nhận hy sinh tất cả những gì là riêng tư, mà còn chấp nhận trở thành quà tặng được trao cho các tông đồ, và chịu sự lệ thuộc hoàn toàn nơi các ông. Chưa khỏi ngạc nhiên về việc Chúa Giêsu biến mình trở thành, qùa tặng mà Ngài còn biến mình thành tấm bánh để cho những người Ngài yêu thương có thể ăn, có thể nuốt để Ngài có thể đi vào trong tâm hồn của họ, đi vào trong từng đường gân thớ thịt của người mình yêu và nuôi dưỡng người mình yêu.
Cùng một cử chỉ giống như thế, Chúa Giêsu lại gây cho các tông đồ một bất ngờ khác, khi Ngài cầm lấy chén trao cho các ông và nói: Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là chén máu Thày, máu của Giao Ước đổ ra cho muôn người, anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thày. Với người Do Thái, máu tượng trưng cho sự sống, máu là vật thánh thiêng thuộc về Thiên Chúa, vậy mà Chúa Giêsu lại trao cả máu mình cho các môn đệ, tức là trao ban cả sư sống cho các ông, tức là Chúa Giêsu đã muốn hoàn toàn biến mình ra không, là cho đi tất cả, và còn muốn hoàn toàn lệ thuộc vào người mình yêu, muốn ở lại trần gian này mãi mãi như một quà tặng cho muôn thế hệ, như một dấu chứng của sự thủy chung vững bền của Giao ước mới, một giao ước mà Thiên Chúa cam kết sẽ mãi mãi yêu thương, mãi mãi bảo vệ và mãi mãi tha thứ cho con người.
Nếu ngày xưa giao ước cũ đã được ký kết với dân Israel bằng máu của chiên bò được rảy trên dân chúng làm dấu chỉ, và Thiên Chúa hứa nhận họ làn dân riêng của Ngài, thì hôm nay Đức Giêsu đã dùng chính máu của mình không chỉ để rảy trên nhân loại, mà còn là để tẩy rửa mọi tội lỗi cho nhân loại, và đón nhận nhân loại chúng ta làm dân mới của Ngài và còn được làm con Thiên Chúa cùng với Ngài.
Thư Do Thái giải thích rõ hơn cho chúng ta về vị thế của Chúa Giêsu, Ngài đã thực hiện việc trao tặng, dâng hiến mạng sống mình và biến máu thịt mình trở thành của ăn của uống cho nhân loại, và còn thề hứa thuỷ chung mãi mãi với con người, bởi vì Ngài thực hiện tất cả những điều đó trong vai trò là một vi Thượng Tế của Thiên Chúa, Ngài thực hiện việc hiến tế chính bản thân Ngài làm lễ vật được dâng lên Thiên Chúa Cha trong niềm yêu mến và hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chính vì thế mà của lễ là máu thịt của Chúa Giêsu mới có sức thanh tẩy, tha thứ, và nuôi sống và đem đến sự sống đời đời cho cả nhân loại này.
Thưa quý OBACE, qùa tặng là dấu chỉ của tình yêu, giá trị và ý nghĩa của món quà không hệ tại ở món qùa đắt tiền, mà là hệ tại bởi tấm lòng và tình yêu người trao và người nhận đặt vào đó, với món quà là Bí tích Thánh thể, là chính máu thịt của Đức Giêsu được trao tặng cho nhân loại, là món quà vô cùng quý giá cho mọi người mọi thời, vì món quà này chứa đựng không chỉ là tình yêu thương mà còn là chính sự sống và là chính Thiên Chúa được trao tặng cho nhân loại. Món quà càng quý giá, thì người được trao tặng lại cần phải thái độ và tâm tình xứng hợp, thái độ trước hết phải là thái độ biết ơn với lòng yêu mến, biết ơn vì tình thương và sáng kiến của Thiên Chúa, Ngài muốn chúng ta đón nhận món quà Thánh Thể không phải để cất giữ, mà Ngài muốn chúng ta sử dụng và khai thác tối đa hiệu quả của món quà ấy. Tức là Chúa muốn chúng ta hưởng dùng Thánh Thể Chúa mỗi ngày bằng việc siêng nâng đến, tham dự, cử hành tiệc Thánh Thể là Thánh lễ mỗi ngày, và đón rước Ngài vào tâm hồn với lòng kính trọng yêu mến và biết ơn, đồng thời, Chúa cũng muốn chúng ta nhớ đến Ngài, đừng để cho món quà Thánh Thể của Ngài bị rơi vào quên lãng, mà chúng ta siêng năng nhớ và viếng thăm Chúa mỗi ngày hoặc mỗi khi có dịp đi qua Nhà Chúa.
Ở lại với con người trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa muốn trở thành nguồn trợ lực nâng đỡ cho đời sống con người, vì vậy đừng ngại ngùng, mà hãy đến và hãy để cho Chúa nâng đỡ và bổ sức cho chúng ta, vì Chúa muốn đi vào từng tâm hồn mỗi người và qua mỗi người, Chúa cùng về ở với gia đình họ. Hãy đem Chúa Giêsu Thánh Thể về gia đình mỗi ngày, để Chúa cùng chia sẻ với nhịp sống của gia đình, đặc biết các bậc làm cha mẹ sẽ phải là những người, đều tiên và là người có trách nhiệm rước Chúa về nhà mình để Chúa nâng đỡ cho cuộc sống của gia đình. Đón nhận Mình Máu thánh Chúa dưới hình dạng tấm bánh được bẻ ra, được trao ban, chúng ta cũng được mới gọi trở thành những tấm bánh bẻ được ra cho gia đình và cho mọi người qua việc hy sinh thầm lặng mỗi ngày, qua việc dành cho nhau sự quan tâm, cho nhau thời giờ và sự phục vụ mà không tính toán. Đón nhận Thánh Thể Chúa như một quà tặng tình yêu, chúng ta cũng được mời gọi trở thành những món quà dễ thương dễ mến trao cho nhau, hãy trao cho nhau những niềm vui và nụ cười, hãy đem đến cho nhau sự bình an và sư thông cảm, và hãy đến với nhau bằng sự chân thành.
Còn đối với các bạn trẻ, nhiều người ngày nay dường như tỏ ra rất hờ hững với món quà Mình Máu Thánh Chúa, họ đến nhà thờ chỉ để cho khỏi phạm luật, mà quên mất, chính ở nơi Thánh lễ và Thánh Thể, các bạn sẽ tìm được ý nghĩa và mục đích sống cho cuộc đời. Đức Thánh Cha Benedicto nhấn mạnh: Các con hãy lấy Thánh Thể làm trung tâm điểm của đời sống các con. Nhờ suy niệm Phúc Am, các con mới đào sâu được ý nghĩa của Phúc Am. Việc đào sâu này giúp các con thấu hiểu được giá trị và vẻ đẹp của các cuộc gặp gỡ để cử hành Thánh Thể… Các con hãy cố gắng đối xử với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể như Ngài đối xử với chúng ta.. Các con hãy dừng chân lại trước nhà tạm, không cần phải có lý do gì đặc biệt, cũng không cần phải nói gì, chỉ việc thinh lặng trước nhan thánh Ngài, chiêm ngắm cử chỉ cao vời của tình yêu được chất chứa nơi Tấm Bánh đã được thánh hiến. Các con hãy học cho biết cách ở lại với Ngài. Các con hãy tham dự thánh lễ mỗi tuần khi có thể. Hơn nữa, việc trung thành với Thánh Thể hằng ngày trong tuần sẽ giúp chúng ta bước theo Đức Kitô nơi cuộc sống thường ngày, và làm cho chúng ta đón nhận được ánh sáng cũng như sức mạnh để có thể theo đuổi ơn gọi của mình.”
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

TIẾNG NÓI CỦA TRÁI TIM

LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU: Thưa quý OBACE, mặc dù trái tim không phải là cơ quan điều khiển hành vi và cảm xúc của con người, cơ quan điều khiển mọi hành vi cảm xúc là bộ não, thế nhưng không biết từ bao giờ mà nhiều dân tộc trên thế giới đã chọn trái tim làm biểu tưởng của tình yêu, có lẽ vì khi yêu thì trái tim là nơi người ta có thể cảm nhận được rõ nét nhất sư rung nhịp của nó.
Trái tim không chỉ là biểu tượng của tình yêu nam nữ, mà nó là biểu tượng của tất cả tình yêu tình cảm giữa cha mẹ con cái, bạn bè và cả công đồng xã hội nữa. Khi yêu thì trái tim rộn lên những nhịp đập yêu thương, khi ấy người ta muốn mở cả cõi lòng để cho người mình yêu có thể cảm nhận, đụng chạm được đến tình yêu, và mở trái tim ra còn là để biểu lộ một tình yêu chân thật, một tình yêu tột cùng đối với người mình yêu.
Hôm nay mừng lể Trái tim Chúa Giêsu, với một hình ảnh Đức Giêsu gương mặt hiền từ quảng đại, mở rộng cả lồng ngực để cho nhân loại chúng ta nhìn thấy trái tim của Người, một trái tim rực cháy lửa yêu mến, qua đó Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta cảm nhận, yêu mến và tôn thờ Đấng là Tình Yêu và nhấn mạnh cho thấy tình yêu tột cùng của Chúa dành cho tất cả mỗi người chúng ta.
Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người được thể hiện trước hết qua công trình sáng tạo vũ trụ và đặc biệt là sáng tạo nên con người. Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ cùng muôn loài muôn vật trên mặt đất tốt đẹp lạ lùng là để cho con người, làm quà tặng cho con người, và vì yêu thương con người. Có thể nói rằng khi yêu nhau người ta muốn trao tặng cho nhau những món quà để diễn tả tình yêu, thì Thiên Chúa cũng đã làm như vậy đối với con người khi trao tặng cho con người món quà là vũ trụ này. Mặt khác, khi yêu thương nhau, thì người ta không thể đành lòng nhìn người mình yêu phải đau đớn, phải khổ và phải chết, thì một lần nữa, qua cái chết thập giá, Thiên Chúa đã chấp nhận phần đau khổ chết chóc về cho mình để cho người mình yêu được sống. Thập giá là tiếng nói yêu thương tột cùng của Thiên Chúa, thập giá mãi mãi là lời khẳng định tình yêu chung thủy của Thiên Chúa đối với nhân loại, mà chỉ trong tương quan tình yêu mới có thể lý giải được.
Thánh Gioan đã như nhìn thấy, như nghe được tiếng nói từ trái tim của Chúa Giêsu trên thập giá, tác giả đã cảm nhận được tình yêu của Chúa Giêsu qua từơng thuật trong Tin Mừng hôm nay. Theo cái nhìn của, người được Chúa yêu, Thánh Gioan đã thấy Đức Giêsu không phải là một người bị hành hình đứng trên thập giá như một tử tội, mà ông đã thấy Đức Giêsu đứng trên cây thập giá trong tư thế của một vị Chúa tể trời đất, thập giá là bệ ngai của vị vua của tình yêu, Ngài giang rộng hai tay để ôm trọn cả thế giới vào trong lòng của Người, cây thập giá mãi mãi làm cho đôi tay của Chúa luôn giang rộng và không thể kép lại được nữa, Ngài giag tay để mời gọi, để ôm ấp tất cả nhân loại, để che chắn và bảo vệ con cái mình khõi nguy hiểm và sư đe dọa của Sa tan và Thần chết.
Cũng từ trên cây thập giá, Đức Giêsu đã để cho một tên lính lấy đòng đâm thấu trái tim người, và tức thì máu cùng nước chảy ra, Chúa đã mở trái tim để minh chứng một tình yêu tột cùng, một sư trao ban trọn vẹn; những giọt máu giọt nước còn lại nơi trái tim, Đức Giêsu cũng đã đổ hết ra để trao ban sự sống mới cho nhân loại, Máu và nước từ cạnh sườn của Chúa, là hình ảnh của ơn thanh tẩy và tái sinh, là hình ảnh của mạch sống tuôn tràn, mà Đức Giêsu đã chấp nhận để cho lưỡi đòng mở ra để minh chứng cho một yêu  vô bờ của Người dành cho nhân loại.
Chúa Giêsu chính là hiện thân, là tiếng nói yêu thương của Thiên Chúa Cha, Ngài đã đến trần gian này, để nói tiếng nói yêu thương cách cụ thể nhất của Thiên Chúa. Dường như tất cả công trình sáng tao và giải thoát trong Cựu Ước vẫn không diễn ta hết được tình yêu thương của Thiên Chúa, nên qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã tìm đến với con người, cùng chung chia thân phận con người với nhân loại và để có thể yêu thương nhân loại bằng trái tim của một con người. Một Thiên Chúa như muốn ấp ủ chăm sóc cho con người như người mẹ chăm lo cho con cái.
Tiên tri Hose đã cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho Israel như tình yêu của đôi bạn trẻ, như tình cảm dạt dào của đôi vợ chồng mới cưới, như tình thương bao dung của một người cha, ông đã diễn tả tình yêu thương ấy bằng những hình ãnh hết sức cụ thể: Khi Israel còn trẻ ta đã yêu nó, từ Ai Cập ta đã gọi con ta về, ta cầm tay tập đi cho chúng,…ta lấy ân tình mà lôi kéo chúng, ta cư xử với chúng như người mẹ ấp ủ trẻ thơ nâng lên và áp vào má, ta cúi gần xuống mà đút cho nó ăn. Những hình anh thân thương như thế để diễn tả một Thiên Chúa như con người, và Thiên Chúa đã không yêu thương con người một cách chung chung, cũng không yêu con người một cách trừu tượng, mà Ngài yêu thương con người theo cách thế của con người, bằng trái tim của một con người.
Yêu và được yêu đó là một điều hạnh phúc, và biết mình được yêu thương lại càng hạnh phúc hơn, đó là cảm nghiệm của Thánh Phaolô, và Ngài đã chia sẽ với công đoàn Êphêsô. Ngài nhận thấy rằng, so với các anh em tông đồ, Ngài chỉ như một đứa trẻ sinh sau đẻ muộn, còn so với cộng đoàn dân Chúa, thì Ngài thấy mình chỉ là kẻ rốt hết trong mọi người, vậy mà Thiên Chúa đã yêu thương và cho Ngài được làm kẻ loan báo Tin Mừng cho dân ngoại, và cho chúng ta được thông biết Màu nhiệm Thiên Chúa, màu nhiệm đã được giữ kín từ ngàn xưa nay đưỡc tỏ lộ cho chúng ta. Yêu nhau thì muốn giãi bày cho nhau tất cả những chuyện riêng tư, nói cho nhau tất cả những điều thầm kín nhất, thì Thiên Chúa đã làm như thế với con người, Ngài đã tỏ lộ tất cả tấm lòng của Ngài và màu nhiệm cao siêu của Ngài cho nhân loại chúng ta.
Thưa quý OBACE, kể ra những việc lạ lùng mà Thiên Chúa đã thực hiệc cho con người, càng làm cho chúng ta thắc mắc tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại yêu con người chúng ta đến như thế, tại sao Thiên Chúa lại hành động như vậy? Và chúng ta chỉ có thể nói rằng “Trái tim nó có lý lẽ riêng của nó, có tiếng nói riêng của nó”, và Thiên Chúa đã để cho trái tim mình điều khiển hơn là để cho sự công thẳng chi phối.
Mừnh lễ Trái Tim (Thánh Tâm) Chúa Giêsu, không chỉ là dịp để chúng ta khám phá và gẫm suy về tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, mà còn là dịp để chúng ta thẩm định lại tình yêu của mỗi người đối với tình yêu của Thiên Chúa, và làm mới lại tình yêu ây. Chắc chắn rằng, trước một tình yêu vô cùng lớn lao của Thiên Chúa, tình yêu của con người chúng ta dành cho Ngài chỉ như giọt nước hòa vào đại dương, song không vì thế mà khiến chúng ta mặc cảm, nhưng trái lại, chúng ta có quyền tự hào vì được Chúa yêu thương, và chúng ta, với hết khả năng và sáng kiến để đáp lại phần nào tình yêu ấy. Tình yêu của Thiên Chúa không làm cho chúng ta trở nên bé nhỏ, nhưng chính tình yêu thương ấy đã nâng chúng ta lên, đặt chúng ta vào một địa vị cao trọng, là trở thành người yêu của Thiên Chúa.
Chính vì thế, chúng ta tin vào tình yêu để chúng ta vươn lên, tin vào tình yêu để chúng ta biến đổi và tin vào tình yêu để chúng ta cố gắng hòan thiện mình, vì biết rằng mình được Thiên Chúa yêu thương. Có thể rằng trong tương quan tình yêu đối với Thiên Chúa, đã nhiều lần chúng ta để cho trái tim của mình lỗi nhịp, loạn nhịp đối với Thiên Chúa, khi chúng ta đã chia sẽ tình yêu với các thụ tạo khác, khi chúng ta yêu tiền bạc của cải hơn yêu Chúa, khi chúng ta chọn thú vui và hưởng thụ theo kiểu thế gian thay vì chọn Chúa, khi chúng ta tôn thờ danh vọng, thần tượng của thế gian hơn là Thiên Chúa, sống như thế tức là chúng ta đã để cho trái tim mình lỗi nhịp với chúa.
Sống trong tình yêu là sống trong hạnh phúc, hạnh phúc vì được ở bên người mình yêu và phục vụ người mình yêu, hy sinh cho người mình yêu, hãy đến với tình yêu của Đức Giêsu, hãy dành những giây phút riêng tư tâm sự và cầu nguyện với Ngài, và đón Ngài vào trong tâm hồn bằng việc tham dự thánh lễ và rước lễ, hãy làm vui lòng Người Yêu- Giêsu bằng việc dành cho Ngài một vị trí quan trọng trong cuộc đời và trong những ưu tư của mình, và hãy làm những gì Ngài muốn mỗi chúng ta.
Xin Cho mỗi chúng ta được đi vào trong trái tim của Chúa và được ở đó mãi mãi. Amen.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

THÁNH THỂ SỰ DÂNG HIẾN TRỌN VẸN

Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa B Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26

Bảy giờ chiều ngày 18-8-1996, Linh mục Alejandro Pezet cử hành Thánh Lễ tại một nhà thờ Công giáo ở Trung Tâm thương mại Buenos Aires (Argentina). Khi Cha vừa mới cho rước lễ xong thì một người phụ nữ chạy đến thưa với ngài là bà thấy một Mình Thánh bỏ rơi trong dĩa đốt đèn cầy ở cuối nhà thờ. Cha Pezet đến và thấy một Mình Thánh bị vất bỏ (defiled). Ngài không thể bỏ vào miệng được, nên cha để vào một ly nước lạnh và đặt vào trong Nhà Tạm… 
Ngày thứ Hai, 26-8, khi mở cửa Nhà Tạm, Cha kinh ngạc vì thấy Mình Thánh đã trở thành một vật có máu. Cha thông báo sự việc cho Đức Hồng Y Jorge Bergoglio và ngài truyền cho Cha Pezet nhờ một người thợ chuyên nghiệp chụp hình Mình Thánh. Bức hình được chụp vào ngày 6-9, cho thấy rất rõ là Mình Thánh đã trở thành một miếng thịt tươi có máu (a fragment of blooded flesh), và đã to hơn lên một cách rõ ràng. Suốt trong mấy năm sau đó, Mình Thánh vẫn được giữ nguyên trong chỗ để an toàn nơi Nhà Tạm. Sự việc được truyền giữ bí mật. Trong thời gian dài đó, vì Mình Thánh Chúa không có dấu hiệu nào bị huỷ hoại hay tan rã ra, Đức HY Bergoglio đã quyết định nhờ khoa học phân tích giảo nghiệm.
Ngày 5-10-1999, trước sự chứng kiến của những vị đại diện của Đức HY Bergoglio, Bác sĩ Castanon đã cắt một mẩu của Mình Thánh Chúa đầy máu đó và gửi sang New York (Hoa Kỳ) để nhờ phân tích. Vì không muốn có sự can thiệp vào công việc nghiên cứu khoa học nên Ngài không thông báo một chút gì cho nhóm những nhà khoa học về nguồn gốc, lai lịch cũng như nơi phát sinh vật thí nghiệm. Một trong những nhà khoa học là Bác sĩ Frederic Zugiba, một chuyên gia về tim (cardiologist) và là một chuyên viên pháp y bệnh lý học. Ông xác nhận rằng “vật thí nghiệm” là thịt tươi thật và máu là máu người thật có chứa mẫu di truyền ADN. Bác sĩ Zugiba ghi trong tờ chứng nhận rằng,“vật được xét nghiệm là một miếng thịt cơ tim nằm về phía tâm thất trái gần với những van tim. Đây là phần cơ tim có nhiệm vụ làm tim co thắt. Cũng nên biết rằng tâm thất trái là bộ phận có nhiệm vụ bơm máu vào các phần khác của cơ thể. Cơ tim là một cấu tạo rất tinh nhạy và chứa rất nhiều tế bào bạch huyết. Điều này cho thấy trái tim vẫn còn sống vào lúc mẩu thịt cơ tim được lấy làm thí nghiệm. Tôi cả quyết rằng trái tim vẫn còn sống lúc đó vì tế bào bạch huyết không tồn tại nếu cơ quan không còn sống. Các tế bào này cần một bộ phận còn sống để tồn tại. Vì thế, sự có mặt của những tế bào bạch huyết chứng tỏ trái tim còn sống khi mẫu thí nghiệm được lấy ra. Thêm nữa, những tế bào bạch huyết này nằm sâu trong mô cơ tim. Điều đó cho thấy rằng trái tim lúc đó đang bị một sức ép kinh khủng, dường như con người mang trái tim ấy đã bị đánh đập với những thương tích rất nặng ngay chỗ trái tim”.
Hai người Úc, nhà báo Mike Willesee và luật sư Ron Tesoriero là nhân chứng cho thí nghiệm. Họ biết mẩu thịt thí nghiệm được lấy từ đâu và họ hoàn toàn chết lặng trước lời chứng nhận của bác sĩ Zugiba…
Phép lạ về Thánh Thể tại Buenos Aires là một dấu hiệu siêu nhiên đã được khoa học chứng thực. Phép lạ củng cố trong chúng ta niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Đức Kitô trong Thánh Thể, không phải chỉ là một biểu tượng của bánh và rượu như anh em Tin Lành chủ trương.
Tin mừng theo thánh Marcô 14,12-16.22-26 tường thuật lại việc Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc Vượt qua cuối cùng của Đức Giêsu. Trong lễ Vượt Qua, người ta sát tế chiên (cừu) tại đền thờ, rồi tư tế lấy máu chiên mà đổ dưới chân bàn thờ. Khi đêm xuống, người ta sẽ ăn tiệc chiên vượt qua và không quên lấy chút máu chiên bôi lên cửa nhà, sống lại kinh nghiệm của cha ông họ được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập xưa kia. Trong bối cảnh lễ Vượt Qua của người Do Thái, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể -  bí tích của Giao Ước mới: Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ, đó là cử chỉ thuộc nghi thức bữa tiệc Vượt Qua (x.Xh 12,26-27). Nhưng lời mời gọi: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy” (Mc 14, 22), trở thành cử chỉ của riêng của Chúa Giêsu, đã biến đổi ý nghĩa của cử chỉ thuộc lễ Vượt Qua cũ mang ý nghĩa mới của Bí Tích Thánh Thể: Ngài trao ban chính Mình và Máu Ngài.
Chúa Giêsu cầm lấy bánh và rượu và trao cho các tông đồ và nói, “Đây là Mình Ta … đây là Máu Ta” (x. Mc 14, 22. 24). Bánh và rượu mà Người trao cho các ông chính là Mình và Máu Người. Qua cử chỉ đó, Đức Giêsu đã lập bí thích Thánh Thể, để lại Mình Máu Ngài làm lương thực và là nguồn sức mạnh cho chúng ta trong cuộc lữ hành hướng về quê Trời. Chính Ngài đã truyền cho các môn đệ phải làm việc này vì thế tại sao mà chúng ta cử hành Thánh Thể tức Thánh lễ mỗi ngày.
Bí tích Thánh Thể mang sự sống muôn đời, như trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã xác định rõ : “Thật,tôi bảo thật các ông…. Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi sẽ được sống đời đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết. Bởi vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn Thịt và uống Máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6,53-56). Động từ “ở trong” mà Chúa nói, diễn tả mạnh mẽ ơn hiệp thông, ở trong nhau như Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa.  Bí tích Thánh Thể làm nên sự hiệp thông kỳ diệu, sự hiệp thông toàn vẹn : Chúa với ta và ta với Chúa - một thân thể không thể tách lìa.
 Thánh Thể là Mầu Nhiệm Đức Tin (mysterium fidei), như lời tuyên tín của cộng đoàn dân Chúa sau truyền phép Thánh Thể trong mỗi Thánh lễ, Giáo Hội xác tín Thánh Thể đó là một điều vượt quá khỏi trí hiểu biết của con người và chỉ có thể hiểu được bằng lòng tin, như Thánh Thi tuyên tín :
Câu tuyên phán của Ngôi Lời nhập thể
Ðã làm cho bánh thật nên Mình Người,
Rượu nho thành bao giọt máu hồng tươi,
Mắt chẳng thấy nhưng lòng tin vững mạnh
             (Thánh Thi Kinh Chiều Lẽ Thánh Thể)
Với người tín hữu trước Thánh Thể,  như Thánh Cyril thành Giêrusalem khích lệ : " Đừng đi tìm trong bánh và rượu vật chất tự nhiên, bởi vì Thiên Chúa đã nói rất rõ ràng rằng đó chính là Thịt và Máu của Người. Lòng tin xác nhận điều đó mặc dù giác quan con người thấy khác” (Ecclesia de Eucharistia, 15). Với bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa thực sự ở cùng chúng ta như Lời hứa Ngài: “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Ngay từ hồi xa xưa, theo lệnh truyền của Thầy, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh- tiệc Thánh Thể, và cầu nguyện không ngừng hiệp thông. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến (Cv 2,42.47a). Từ đó qua mọi thời đại, mọi tín hữu Công Giáo ở khắp mọi nơi, trong khắp các nền văn hóa đến Thánh đường mỗi ngày, đặc biệt là Chúa nhật để được lắng nghe và chia sẻ tiệc Thánh Thể …
Mọi ngôi Thánh đường có ngọn Đèn chầu cháy sáng ngày đêm loan báo Chúa Kitô luôn hiện diện trong bí tích Thánh Thể, nhưng lòng chúng ta đã tắt từ bao giờ. Xin Chúa giúp khơi lại ngọn lửa tin, lửa mến Bí tích Thánh Thể kì diệu để con được sưởi ấm tâm hồn bằng chính Mình và Máu Ngài…
Ôi nhiệm lạ, kẻ nghèo hèn tôi tớ
Ðược nuôi bằng Thịt Máu Chúa thiên toà

                           Lm. Vinh Sơn ,Sài Gòn, 09/06/2012
Tác giả bài viết: Lm. Vinh Sơn

THIÊN CHÚA KHÔNG THẤT VỌNG VỀ CON NGƯỜI


Văn hào Nga Dostoievski, với những tác phẩm nổi tiếng như Tội ác và Hình phạt, anh em nhà Karamazov, là người đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió. Sau một thời gian dài bị giam cầm vì lý do chính trị, ông bị kết án tử hình. Nhưng, như một phép lạ, vào giữa lúc sắp sửa bị hành quyết, ông bỗng nhận được lệnh tha. Người viết tiểu sử của ông kể lại như sau:
Thời gian trong tù đã in đậm nét trên quãng đời còn lại của ông. Từ trên chiếc máy chém nhìn xuống đám người đang đứng dưới chân mình, ông chỉ còn thấy họ là những người bị áp bức, những người nô lệ đáng thương. Dù họ có phạm tội ác tày trời đi nữa, tâm hồn họ vẫn là tâm hồn của những con người vô tội, do đó đáng được sự tha thứ.
Khi bước xuống khỏi máy chém, Karamazov thấy mọi sự như vô nghĩa. Ðiều duy nhất còn có ý nghĩa đối với ông chính là tình yêu, và cho dù trong suốt 30 năm sau, cuộc đời của ông đắm chìm trong bùn nhơ của tội lỗi, của khốn khổ, của ô nhục, ông luôn nhìn mọi sự qua lăng kính của yêu thương. Một lần bị đưa lên máy chém ấy cho ông hiểu rằng con người đau khổ, tất cả mọi người đều đáng cảm thông, thương mến. Ðó là sứ điệp mà Karamazov công bố suốt cuộc đời của ông.
Cả cuộc đời của ông là một cố gắng không ngừng để diễn đạt câu nói: "Hỡi người anh em, không có gì có thể ngăn cản tôi yêu thương bạn".
Nếu có những lúc chúng ta cảm thấy thất vọng về con người đốn mạt của chúng ta, nếu có những lúc chúng ta không còn tin tưởng ở tình người nữa, chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu. Chúng ta thấy ngay ánh mắt nhân từ, cảm thông của Ngài.
Khi Zakêu, thủ lãnh của phường thu thuế, leo lên cây cao để thấy Ngài, Chúa Giêsu đã ôn tồn nói với ông: "Hôm nay, tôi đến thăm nhà ông".
Khi người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình được dẫn ra trước mặt Ngài, Chúa Giêsu nhỏ nhẹ nói với bà: "Chị hãy về đi, tôi không kết án chị".
Khi Maria Madalêna đến quỳ dưới chân Ngài, Chúa Giêsu đã không hắt hủi cô.
Khi Phêrô phản bội Ngài, Chúa Giêsu nhìn ông với tất cả trìu mến, thông cảm.
Khi tên trộm cừu bị treo trên thập giá hướng về Ngài, Chúa Giêsu đã hứa với anh: "Hôm nay, anh sẽ ở cùng Ta trên Thiên Ðàng".
Ngài đã ngồi cùng bàn với phường thu thuế, bọn đĩ điếm, kẻ tội lỗi. Ngài tha thứ những kẻ đóng đinh Ngài vào thập giá.
Qua cách cư xử của Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng: Ngài yêu thương con người, bởi vì Ngài không thể chối bỏ hình ảnh của Ngài nơi con người. Chính ánh lửa ấy khiến cho Thiên Chúa vẫn luôn nhận ra được hình ảnh của mình nơi con người, để không bao giờ thất vọng về con người.

Tác giả Veritas