Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

15 tháng 6, 2012

THÁNH THỂ SỰ DÂNG HIẾN TRỌN VẸN

Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa B Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26

Bảy giờ chiều ngày 18-8-1996, Linh mục Alejandro Pezet cử hành Thánh Lễ tại một nhà thờ Công giáo ở Trung Tâm thương mại Buenos Aires (Argentina). Khi Cha vừa mới cho rước lễ xong thì một người phụ nữ chạy đến thưa với ngài là bà thấy một Mình Thánh bỏ rơi trong dĩa đốt đèn cầy ở cuối nhà thờ. Cha Pezet đến và thấy một Mình Thánh bị vất bỏ (defiled). Ngài không thể bỏ vào miệng được, nên cha để vào một ly nước lạnh và đặt vào trong Nhà Tạm… 
Ngày thứ Hai, 26-8, khi mở cửa Nhà Tạm, Cha kinh ngạc vì thấy Mình Thánh đã trở thành một vật có máu. Cha thông báo sự việc cho Đức Hồng Y Jorge Bergoglio và ngài truyền cho Cha Pezet nhờ một người thợ chuyên nghiệp chụp hình Mình Thánh. Bức hình được chụp vào ngày 6-9, cho thấy rất rõ là Mình Thánh đã trở thành một miếng thịt tươi có máu (a fragment of blooded flesh), và đã to hơn lên một cách rõ ràng. Suốt trong mấy năm sau đó, Mình Thánh vẫn được giữ nguyên trong chỗ để an toàn nơi Nhà Tạm. Sự việc được truyền giữ bí mật. Trong thời gian dài đó, vì Mình Thánh Chúa không có dấu hiệu nào bị huỷ hoại hay tan rã ra, Đức HY Bergoglio đã quyết định nhờ khoa học phân tích giảo nghiệm.
Ngày 5-10-1999, trước sự chứng kiến của những vị đại diện của Đức HY Bergoglio, Bác sĩ Castanon đã cắt một mẩu của Mình Thánh Chúa đầy máu đó và gửi sang New York (Hoa Kỳ) để nhờ phân tích. Vì không muốn có sự can thiệp vào công việc nghiên cứu khoa học nên Ngài không thông báo một chút gì cho nhóm những nhà khoa học về nguồn gốc, lai lịch cũng như nơi phát sinh vật thí nghiệm. Một trong những nhà khoa học là Bác sĩ Frederic Zugiba, một chuyên gia về tim (cardiologist) và là một chuyên viên pháp y bệnh lý học. Ông xác nhận rằng “vật thí nghiệm” là thịt tươi thật và máu là máu người thật có chứa mẫu di truyền ADN. Bác sĩ Zugiba ghi trong tờ chứng nhận rằng,“vật được xét nghiệm là một miếng thịt cơ tim nằm về phía tâm thất trái gần với những van tim. Đây là phần cơ tim có nhiệm vụ làm tim co thắt. Cũng nên biết rằng tâm thất trái là bộ phận có nhiệm vụ bơm máu vào các phần khác của cơ thể. Cơ tim là một cấu tạo rất tinh nhạy và chứa rất nhiều tế bào bạch huyết. Điều này cho thấy trái tim vẫn còn sống vào lúc mẩu thịt cơ tim được lấy làm thí nghiệm. Tôi cả quyết rằng trái tim vẫn còn sống lúc đó vì tế bào bạch huyết không tồn tại nếu cơ quan không còn sống. Các tế bào này cần một bộ phận còn sống để tồn tại. Vì thế, sự có mặt của những tế bào bạch huyết chứng tỏ trái tim còn sống khi mẫu thí nghiệm được lấy ra. Thêm nữa, những tế bào bạch huyết này nằm sâu trong mô cơ tim. Điều đó cho thấy rằng trái tim lúc đó đang bị một sức ép kinh khủng, dường như con người mang trái tim ấy đã bị đánh đập với những thương tích rất nặng ngay chỗ trái tim”.
Hai người Úc, nhà báo Mike Willesee và luật sư Ron Tesoriero là nhân chứng cho thí nghiệm. Họ biết mẩu thịt thí nghiệm được lấy từ đâu và họ hoàn toàn chết lặng trước lời chứng nhận của bác sĩ Zugiba…
Phép lạ về Thánh Thể tại Buenos Aires là một dấu hiệu siêu nhiên đã được khoa học chứng thực. Phép lạ củng cố trong chúng ta niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Đức Kitô trong Thánh Thể, không phải chỉ là một biểu tượng của bánh và rượu như anh em Tin Lành chủ trương.
Tin mừng theo thánh Marcô 14,12-16.22-26 tường thuật lại việc Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc Vượt qua cuối cùng của Đức Giêsu. Trong lễ Vượt Qua, người ta sát tế chiên (cừu) tại đền thờ, rồi tư tế lấy máu chiên mà đổ dưới chân bàn thờ. Khi đêm xuống, người ta sẽ ăn tiệc chiên vượt qua và không quên lấy chút máu chiên bôi lên cửa nhà, sống lại kinh nghiệm của cha ông họ được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập xưa kia. Trong bối cảnh lễ Vượt Qua của người Do Thái, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể -  bí tích của Giao Ước mới: Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ, đó là cử chỉ thuộc nghi thức bữa tiệc Vượt Qua (x.Xh 12,26-27). Nhưng lời mời gọi: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy” (Mc 14, 22), trở thành cử chỉ của riêng của Chúa Giêsu, đã biến đổi ý nghĩa của cử chỉ thuộc lễ Vượt Qua cũ mang ý nghĩa mới của Bí Tích Thánh Thể: Ngài trao ban chính Mình và Máu Ngài.
Chúa Giêsu cầm lấy bánh và rượu và trao cho các tông đồ và nói, “Đây là Mình Ta … đây là Máu Ta” (x. Mc 14, 22. 24). Bánh và rượu mà Người trao cho các ông chính là Mình và Máu Người. Qua cử chỉ đó, Đức Giêsu đã lập bí thích Thánh Thể, để lại Mình Máu Ngài làm lương thực và là nguồn sức mạnh cho chúng ta trong cuộc lữ hành hướng về quê Trời. Chính Ngài đã truyền cho các môn đệ phải làm việc này vì thế tại sao mà chúng ta cử hành Thánh Thể tức Thánh lễ mỗi ngày.
Bí tích Thánh Thể mang sự sống muôn đời, như trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã xác định rõ : “Thật,tôi bảo thật các ông…. Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi sẽ được sống đời đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết. Bởi vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn Thịt và uống Máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6,53-56). Động từ “ở trong” mà Chúa nói, diễn tả mạnh mẽ ơn hiệp thông, ở trong nhau như Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa.  Bí tích Thánh Thể làm nên sự hiệp thông kỳ diệu, sự hiệp thông toàn vẹn : Chúa với ta và ta với Chúa - một thân thể không thể tách lìa.
 Thánh Thể là Mầu Nhiệm Đức Tin (mysterium fidei), như lời tuyên tín của cộng đoàn dân Chúa sau truyền phép Thánh Thể trong mỗi Thánh lễ, Giáo Hội xác tín Thánh Thể đó là một điều vượt quá khỏi trí hiểu biết của con người và chỉ có thể hiểu được bằng lòng tin, như Thánh Thi tuyên tín :
Câu tuyên phán của Ngôi Lời nhập thể
Ðã làm cho bánh thật nên Mình Người,
Rượu nho thành bao giọt máu hồng tươi,
Mắt chẳng thấy nhưng lòng tin vững mạnh
             (Thánh Thi Kinh Chiều Lẽ Thánh Thể)
Với người tín hữu trước Thánh Thể,  như Thánh Cyril thành Giêrusalem khích lệ : " Đừng đi tìm trong bánh và rượu vật chất tự nhiên, bởi vì Thiên Chúa đã nói rất rõ ràng rằng đó chính là Thịt và Máu của Người. Lòng tin xác nhận điều đó mặc dù giác quan con người thấy khác” (Ecclesia de Eucharistia, 15). Với bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa thực sự ở cùng chúng ta như Lời hứa Ngài: “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Ngay từ hồi xa xưa, theo lệnh truyền của Thầy, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh- tiệc Thánh Thể, và cầu nguyện không ngừng hiệp thông. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến (Cv 2,42.47a). Từ đó qua mọi thời đại, mọi tín hữu Công Giáo ở khắp mọi nơi, trong khắp các nền văn hóa đến Thánh đường mỗi ngày, đặc biệt là Chúa nhật để được lắng nghe và chia sẻ tiệc Thánh Thể …
Mọi ngôi Thánh đường có ngọn Đèn chầu cháy sáng ngày đêm loan báo Chúa Kitô luôn hiện diện trong bí tích Thánh Thể, nhưng lòng chúng ta đã tắt từ bao giờ. Xin Chúa giúp khơi lại ngọn lửa tin, lửa mến Bí tích Thánh Thể kì diệu để con được sưởi ấm tâm hồn bằng chính Mình và Máu Ngài…
Ôi nhiệm lạ, kẻ nghèo hèn tôi tớ
Ðược nuôi bằng Thịt Máu Chúa thiên toà

                           Lm. Vinh Sơn ,Sài Gòn, 09/06/2012
Tác giả bài viết: Lm. Vinh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét