Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

28 tháng 6, 2012

Chúa Giêsu cứu sống con gái ông trưởng hội đường

“Cô bé con gái ông trưởng hội đường là hình ảnh ẩn dụ của những con người đang phải ở trong thiết chế Do Thái đương thời. Thiết chế đó bất lực trong việc mang lại sự sống cho họ, thậm chí bất lực cả trong việc duy trì sự sống đó. Mở rộng hơn nữa, cô bé này cũng là hình ảnh của mọi người đang ở trong những hệ thống và thiết chế bên ngoài Đức Giêsu. Những thiết chế và hệ thống đó, dù là kinh tế, dù là chính trị, dù là văn hóa, dù là tôn giáo..., một khi từ khước những giá trị Tin Mừng, sẽ không thể làm cho người ta có được sự sống đích thực.”

Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 5,21-43) thuật lại hai phép lạ đặc biệt của Đức Giêsu: chữa lành một người phụ nữ bị bệnh băng huyết và làm cho con gái một ông trưởng hội đường được sống lại. Hai nhân vật nữ đó, thực ra, là các hình ảnh ẩn dụ của những khối dân chúng đang phải khốn khổ và tuyệt vọng dưới sức nặng và sự bất lực của thiết chế Do Thái.
Trong bài suy niệm này, chúng ta sẽ chỉ chú ý đến phép lạ Đức Giêsu làm cho con gái ông trưởng hội đường được sống lại, tức là chỉ đọc và suy niệm bài đọc ngắn của Chúa Nhật hôm nay (Mc 5,21-24a.35b-43).
Nhưng trước hết, để hiểu rõ hơn ý hướng của tác giả Mc khi ông kể lại phép lạ này, có lẽ cần phải chú ý đến tình cảnh hiện tại của Đức Giêsu. Cho đến lúc này, Đức Giêsu đang ở vào hoàn cảnh “cơm không lành canh không ngọt” đối với thiết chế Do Thái. Người bị loại trừ một cách công khai. “Nhóm Pharisêu bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu” (3,6). “Đức Giêsu cùng với các môn đệ của Người phải lánh về phía Biển Hồ” (3,7). “Các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (3,22). Về phần mình, chính Đức Giêsu cũng tỏ rõ lập trường cắt đứt đối với thiết chế Do Thái. Bằng việc thiết lập Nhóm Mười Hai (3,13tt), Người đã công bố rõ ràng về một sự mới mẻ hẳn trong chương trình của Người và về sự độc lập hoàn toàn của chương trình đó khỏi những thiết chế Do Thái hiện hành. Hơn nữa, Người chẳng ngại nói rõ ý định giựt thoát dân chúng ra khỏi thiết chế Do Thái (3,27). Người lại còn đi sang vùng dân ngoại và hoat động ở đó (5,1tt). Nói tóm lại, đang có một sự đổ vỡ rõ ràng giữa Đức Giêsu và thiết chế Do Thái đương thời.
Trong khung cảnh đó, bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng chi tiết Đức Giêsu trở về từ vùng Ghêrasa. “Đức Giêsu xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ” (c.21). Sự kiện đám đông tụ lại quanh Đức Giêsu lúc này là một sự kiện khá đặc biệt. Nó cho thấy dân chúng không đồng ý với lập trường thù nghịch của các nhà lãnh đạo Do Thái đối với Đức Giêsu. Dân chúng có vẻ chẳng đếm xỉa gì đến lời kết án nặng nề của các kinh sư từ Giêrusalem dành cho Đức Giêsu cả (3,22).
Khi Đức Giêsu đang ở trên bờ Biển Hồ và có cả một đám đông bao quanh Người, thì “có một ông trưởng hội đường tên là Giaia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống" (cc.22-23).
Trong tình cảnh cụ thể lúc này, sự kiện một nhân vật quan trọng của thiết chế Do Thái địa phương tìm đến xin Đức Giêsu giúp đỡ, là một sự kiện đáng ngạc nhiên. Hẳn ông ta đã phải có một ý muốn rất rõ ràng khi vượt qua một đoạn đường để đi ra ngoài thành, đến bên bờ Biển Hồ, nơi Đức Giêsu đang hiện diện. Chắc chắn phải có một lý do gì đó rất mạnh mẽ mới có thể khiến ông ta làm như vậy. Hơn nữa, “vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người và khẩn khoản nài xin”. Ông công khai diễn tả lòng tôn kính và cho thấy vị thế hơn hẳn của Đức Giêsu so với vị trí xã hội mà ông đang nắm giữ. Mặc dù là một vị đại diện thiết chế Do Thái địa phương và đứng đầu cộng đoàn hội đường, ông cũng vẫn sụp xuống dưới chân một người đang bị chính cái thiết chế ấy từ khước. Hơn nữa, ông còn khẩn khoản nài xin Người, chứ không chỉ trình bày một nguyện vọng hay một đề nghị.
Lý do khiến ông trưởng hội đường hành xử một cách đặc biệt như thế, là một tình cảnh rất nghiêm trọng đang xảy ra, như lời ông nói: “Con bé nhà tôi gần chết rồi”. Chắc chắn ông đã làm hết cách để cứu con gái của ông, nhưng ông đã thất bại. Việc ông để cho đến lúc đứa bé gần chết mới cầu cứu đến Đức Giêsu, một người đang bị từ khước bởi chính cái thiết chế mà ông là đại diện, chứng tỏ đây là một quyết định rất nghiêm trọng, chỉ có thể làm khi ông đã thấy rằng mọi cánh cửa đều đã đóng chặt, không có lối thoát nào khác.
Ông xin Đức Giêsu “đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”. Trong văn hóa Do Thái, đặt tay là hành động truyền sức mạnh hoặc để chữa lành hoặc để chúc lành, tức là hành động thông truyền sức sống. Ông Giaia xin Đức Giêsu thực hiện hành động ấy với một mục đích kép “để cháu bé được cứu thoát và được sống”. Được cứu thoát là được đưa ra khỏi tình cảnh tiêu cực. Được sống là được đưa vào tình cảnh tích cực. Trong ý hướng thần học của Mc, hai điều đó bổ túc cho nhau đồng thời ngầm nhắc đến điểm đầu và điểm cuối của cuộc xuất hành: ra khỏi tình cảnh bị áp bức và tiến vào đất hứa. Đáng chú ý là trong quan điểm Do Thái, theo Đnl 4,1; 8,1; 11,8; 30,16 thì chính việc tuân giữ Lề Luật mới làm cho dân được sống và chiếm hữu đất hứa. Điều đó càng cho thấy tính cách ngoại thường trong hành động và lời xin của ông Giaia.
Trước cách hành xử đặc biệt và lời nài xin khẩn khoản của ông trưởng hội đường, Đức Giêsu không nói một lời nào. Người trả lời ông không phải bằng lời, nhưng là bằng hành động: “Người lập tức ra đi với ông” (c.24a). Người luôn luôn sẵn sàng cứu thoát và làm cho sống.
“Chợt có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?" (c.35b). Tác giả Mc không viết “có mấy người từ nhà ông Giaia”, mà viết “có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường”. Họ đến và thông báo về một tình cảnh đáng thất vọng hoàn toàn. Thiết chế Do Thái đã bất lực trong việc thông ban sự sống hoặc chí ít là giữ gìn sự sống cho những người thuộc về nó. Nhưng không chỉ thông báo về một tình hình, những người đến từ nhà ông trưởng hội đường còn nêu lên một hệ luận từ tình hình đó: “Làm phiền Thầy chi nữa?”. Họ gọi Đức Giêsu là “Thầy” với lòng kính trọng. Nhưng câu hỏi của họ đồng thời cũng cho thấy họ không tin rằng Đức Giêsu là Đấng ban sự sống. Họ hy vọng vào Người trong một vài hoàn cảnh, thậm chí là cả trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nữa, nhưng đối diện với cái chết, họ không hy vọng là Người có thể giải quyết được vấn đề, không hy vọng là Người có thể có giải pháp cho tình cảnh bi đát tận cùng ấy.
“Nhưng Đức Giêsu nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi" (c.36). Có vẻ Đức Giêsu không quan tâm đến tin tức mà mấy người kia vừa thông báo. Người chỉ chú ý đến những hậu quả mà lời thông báo của họ có thể gây nên nơi tâm hồn của ông trưởng hội đường. Người liền nói với ông một yêu cầu gồm hai khía cạnh gắn chặt với nhau, như Người đã từng yêu cầu các môn đệ của Người trong 4,40: đừng sợ nhưng hãy tin. Những người đưa tin vừa nói với ông Giaia một tình cảnh tuyệt vọng, nhưng Đức Giêsu mời gọi ông “chỉ cần tin thôi”, tức là đối với Người và đối với những ai tin vào Người, thì không có tình cảnh nào là đáng tuyệt vọng và không thể vượt qua. Lòng tin vào Đức Giêsu sẽ không bao giờ khiến người ta phải thất bại. Và ông Giaia chỉ cần phải tin mà thôi.
Rồi Đức Giêsu tiếp tục con đường của mình, hướng đến nhà ông trưởng hội đường. “Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan” (c.37). Từ đây, Đức Giêsu nắm vai trò quyết định. Tại sao Người chỉ cho các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan theo mình đến nhà ông trưởng hội đường? Ba vị này là những người đứng đầu danh sách của Nhóm Mười Hai (x.3,16-19), những người sẽ phải làm chứng về tình trạng chết chóc của thiết chế cũ và về sự sống do Đức Giêsu trực tiếp đem lại.
“Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giêsu thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ” (c.38). Mỗi lần nói đến cái chết hay ám chỉ cái chết trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, tác giả đều cố ý sử dụng lối nói “nhà ông trưởng hội đường” chứ không phải “nhà ông Giaia”. Đối với những người ở trong nhà ông trưởng hội đường, cái chết là một sự kiện không thể đảo ngược. Họ không còn biết làm gì khác ngoài việc khóc lóc và kêu la ầm ĩ. Cái thiết chế mà họ thuộc về đó đã không thể cung cấp cho họ bất cứ giải pháp nào cho tình cảnh tuyệt vọng này. Họ không tìm thấy trong cái thiết chế tôn giáo Do Thái đương thời một sự an ủi nào. Họ chỉ còn biết than khóc và kêu la ầm ĩ mà thôi.
Từ bên ngoài, Đức Giêsu đã nhìn thấy rõ tình cảnh bi thương đó.“Người bước vào nhà và bảo họ: "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" Họ chế nhạo Người” (cc.39-40a). Sự náo động và khóc lóc của những người trong nhà ông trưởng hội đường chính là lời giải thích cho tình cảnh của đứa bé gái và của chính họ. Đức Giêsu lên tiếng điều chỉnh lời giải thích ấy. Trước hết, Người đặt một câu hỏi cho thấy sự khóc lóc kia là không đúng đắn, vì tình cảnh không hoàn toàn đáng tuyệt vọng. Nói cách khác, câu hỏi của Đức Giêsu ngầm đề nghị một niềm hy vọng cho tình cảnh có vẻ bi thảm đang xảy ra. Sau đó, Đức Giêsu đưa ra cho họ lời giải thích về sự kiện đang diễn ra: “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”. Phần thứ nhất của lời giải thích này hoàn toàn đối nghịch với những gì mà các người đến từ nhà ông trưởng hội đường đã thông báo cho ông ta ở câu 35. Khi ấy Đức Giêsu chỉ ngầm phủ nhận lời khẳng định của họ bằng cách mời gọi ông trưởng hội đường hãy tin. Bây giờ Người phủ nhận một cách hiển ngôn.
Thật ra, không phải là Đức Giêsu không biết rằng đứa bé đã chết thật rồi. Nhưng khi khẳng định rằng nó đang ngủ, Đức Giêsu có ý nói rằng cái chết không phải là thực tại có tiếng nói tối hậu và xác định. Đó chỉ là một tình trạng “chuyển tiếp”, mau qua, tựa như một giấc ngủ. Khi có sự hiện diện của Đức Giêsu, tình cảnh sẽ thay đổi: cái vốn không thể đảo ngược bây giờ sẽ không còn như vậy nữa, vì Đức Giêsu đang đưa ra một thực tại mới trước đây chưa hề có, và thực tại này sẽ cho phép con người vượt quá cái chết, biến sự chết thành một giấc ngủ mau qua.
Phản ứng chế nhạo của những người đang ở trong nhà ông trưởng hội đường cho thấy họ hoàn toàn nghi ngờ, không tin điều đó có thể xảy ra. Họ không thể mở lòng mình ra để đón nhận thực tại mới mà Đức Giêsu muốn mang lại đó. Điều này dễ hiểu, vì xét theo quan điểm thông thường, điều Đức Giêsu vừa nói thật ra rất phi lý. Người ta chỉ có thể chấp nhận điều đó khi tin vào Đức Giêsu mà thôi. Vì thế, lời giải thích của Đức Giêsu cho tình cảnh hiện tại của đứa bé, thật ra, cũng ngầm là lời mời gọi những người đang ở trong nhà ông trưởng hội đường hãy tin vào Người. Nhưng họ từ chối. Họ chưa thể đón nhận một lời đề nghị bên ngoài hệ thống thiết chế mà họ đang ở trong đó.
Đứng trước sự chế nhạo của họ, Đức Giêsu hành động như một người có uy quyền. Trong nhà của ông trưởng hội đường, chính Người lấy quyết định. “Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm” (c.40b). Bắt những người khóc lóc và cười nhạo ra ngoài, Đức Giêsu cho thấy Người không muốn hành động trong bầu không khí thù nghịch và cứng tin. Người chỉ cho cha mẹ đứa bé và ba môn đệ hiện diện. Đáng chú ý là lúc này tác giả Mc không nói đến ông trưởng hội đường, mà nói đến người cha của đứa bé. Chức vụ của ông trong thiết chế Do Thái bị gạt sang một bên, thay vào đó, tác giả nhấn mạnh một thực tại nhân sinh và sự sống. Sự hiện diện của người mẹ, vốn không hề được nói đến từ đầu câu chuyện, càng cho thấy rõ hơn điều đó.
“Người cầm lấy tay nó và nói: "Talitha qum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!" (c.41). Ông Giaia đã xin Đức Giêsu đến đặt tay trên con gái ông (c.23). Nhưng Đức Giêsu cầm lấy tay nó, khi nó đã chết rồi. Rõ ràng Đức Giêsu đang vi phạm một lệnh cấm rất nghiêm nhặt của Luật liên quan đến sự thanh sạch theo nghi lễ: “Ai đụng vào người chết, bất cứ người chết này là ai, đều bị nhiễm uế trong bảy ngày liền. Ai đụng vào người chết -thi thể của một người đã chết- mà không thanh tẩy mình, người đó làm cho Nhà Tạm của ĐỨC CHÚA bị nhiễm uế, người như thế phải bị diệt trừ khỏi Israel” (Ds 19,11.13). Đối với Đức Giêsu, lệnh cấm này không còn giá trị.
Cùng với hành động cầm tay đứa bé đã chết, Đức Giêsu công bố một lệnh truyền: “Talitha qum”. Lời Đức Giêsu truyền cho cô bé trỗi dậy cho thấy rõ quyền bính của Người. Nhưng cũng như trong trường hợp người bai liệt ở 2,11 chính cô bé phải trỗi dậy, tất nhiên là theo lệnh và với sức mạnh mà Đức Giêsu ban cho; Đức Giêsu thông truyền cho cô bé sự sống có thể làm cho cô thực hiện cuộc sống của mình.
“Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ” (c.42). Khác với các ngôn sứ Êlia và Êlisê trong Cựu Ước (x. 1V 17,17-24; 2V 4,17-37), Đức Giêsu đã không phải thực hiện bất cứ nghi thức hay lời cầu khẩn nào. Người chỉ thi thố quyền năng đặc biệt. Và lời Người lập tức hiệu nghiệm. Em bé đứng dậy và bước đi. Phản ứng của những người hiện diện ở đây tương tự như phản ứng của đám đông Do Thái trong phép lạ chữa người bại liệt ở 2,12: ai nấy đều sửng sốt và kinh ngạc, thậm chí còn mạnh mẽ hơn: “kinh ngạc sững sờ”! Người ta đã không thể hình dung được rằng bên ngoài thiết chế tôn giáo Do Thái lại có thể có một quyền năng vĩ đại và siêu việt như thế, đến độ có thể thông ban sự sống và khiến cái chết chỉ là một giấc ngủ chóng qua.
Nhưng “Đức Giêsu nghiêm cấm họ , và bảo họ cho con bé ăn” (c.43). Thoạt nhìn, quả thực lệnh cấm “không được để một ai biết việc ấy” thật khó hiểu. Sự kiện cô bé chết là một sự kiện công khai, đám đông biết rõ, và đám ma đang được tổ chức với những sự khóc lóc và kêu la ầm ĩ là điều chẳng thể giữ kín được nữa. Bây giờ đám tang đột ngột ngưng lại, cô bé đã chết bây giờ đứng dậy và đi lại được! Một sự kiện như thế mà bảo không được để cho ai biết, thì quả thực kỳ lạ, không thể giải thích được.
Nhưng nếu xét kỹ, ta có thể hiểu ý nghĩa bên dưới của lệnh cấm này. Cô bé vừa được cứu thoát và được làm cho sống mới chỉ 12 tuổi, và cần phải được cho ăn. Nó chưa thể ngay lập tức có cuộc sống tự lập được. Nó chưa thể đứng đối lập với hệ thống Do Thái đương thời được. Vậy điều cần phải được giữ kín trong giai đoạn hiện tại không phải là sự kiện nó được sống, mà là ý nghĩa của sự kiện ấy. Khi nào đủ sức chấp nhận những hậu quả của việc cắt đứt với thiết chế Do Thái đương thời và có thể trưởng thành tin vào Đức Giêsu, cô bé sẽ thực hiện điều đó chứ không được phép giữ kín không tuyên xưng lòng tin, như Đức Giêsu đã đòi hỏi người phụ nữ đã được chữa khỏi bệnh băng huyết ngay trước khi người đến nhà ông Giaia.
Vậy điều quan trọng lúc này phải là giúp cho cô bé lớn lên và trưởng thành.
Tác giả Mc tỏ ra có một cái nhìn rất thực tế.
Câu chuyện Đức Giêsu cứu sống cô bé con gái ông trưởng hội đường trong bài Tin Mừng hôm nay rất ý nghĩa đối với chúng ta. Cô bé con gái ông trưởng hội đường là hình ảnh ẩn dụ của những con người đang phải ở trong thiết chế Do Thái đương thời. Thiết chế đó bất lực trong việc mang lại sự sống cho họ, thậm chí bất lực cả trong việc duy trì sự sống đó. Mở rộng hơn nữa, cô bé này cũng là hình ảnh của mọi người đang ở trong những hệ thống và thiết chế bên ngoài Đức Giêsu. Những thiết chế và hệ thống đó, dù là kinh tế, dù là chính trị, dù là văn hóa, dù là tôn giáo..., một khi từ khước những giá trị Tin Mừng, sẽ không thể làm cho người ta có được sự sống đích thực. Đức Giêsu đến, truyền ban sức sống, làm cho cô bé con gái ông trưởng hội đường được cứu và được sống. Người cũng đang làm như thế, ngay trong thế giới hiện nay của chúng ta. Người cũng đang cầm tay mỗi người chúng ta mà nói: “Talitha qum”...
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét