Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

15 tháng 6, 2012

LỄ MÌNH MÁU CHÚA GIÊSU: QUÀ TẶNG TÌNH YÊU

Trong bộ phim “Anh Em Nhà Bác Sĩ” của Hàn Quốc được chiếu trên TV cách đây mấy năm, đã kể lại câu chuyện tình của hai anh em nhà bác sĩ là Kim Chung Ky và Kim Su Jong. Kim Chung Ky là một bác sĩ chuyên khoa tim rất nổi tiếng, anh có một mối tình thật thơ mộng với một cô giáo nhà trẻ, thế nhưng người em nuôi của gia đình anh cũng là một bác sĩ- Kim Si Jong cũng đem lòng yêu thương cố giáo ấy.
 Thật khó xử cho mối tình tay ba như thế! Cũng thật nghiệt ngã cho họ: Cô giáo nhà trẻ kia lại mắc phải bệnh tim hiểm nghèo và cần phải thay tim mới có thể sống, và họ cứ chờ đợi có một quả tim để thay cho cô. Một ngày kia Kim Su Jong cũng phát hiện ra anh mắc một căn bệnh hiểm nghèo không thể chữa, và anh đã quyết định gọi điện thoại đến cho anh mình là Kim Chung Ky và nói: Đã có một người đồng ý tặng cho cô giáo- người yêu của họ một trái tim vào ngày mai tại bênh viện, như linh tính nhắc bảo, Kim Chung Ky ngạc nhiên trả lời, nhưng em phải cho anh biết người ấy là ai thì anh mới có thể nhận trái tim ấy và thay cho cô ấy được? Sau một hồi nấn ná giấu tên, cuối cùng Kim So Jung cũng phải nói thật: Người hiến tặng trái tim ấy chính là em, vì em cũng không thể sống lâu được nữa. Kim Chung Ky hét lớn trong điện thoại: Không thể được! Tại sao em lại làm như thế ? Bác sĩ Kim So Jung trả lời: Chỉ vì em yêu cô ấy, em muốn sống trong cô ấy, và để cô ấy được sống bên anh.
Thưa quý OBACE, hôm nay chúng ta cũng được chứng kiến một mối tình thật cảm động của “chàng thanh niên Giêsu” với nhân loại chúng ta là người yêu của Ngài, Ngài đã yêu con người đến độ chấp nhận cái chết để cho chúng ta là những người Ngài yêu thương được sống, và hơn thế nữa, Ngài còn muốn sống trong mỗi chúng ta, nên một xương một thịt với chúng ta, khi biến thân mình làm của ăn của uống để đi vào trong chúng ta, sống trong chúng ta và mang lại sức sống cho chúng ta. Câu chuyện thánh Marcô thuật lại hôm nay là câu chuyện tình thật linh thiêng cảm động xảy ra tại nhà tiệc ly. Chúa Giêsu biết rất rõ là Ngài không còn sống ở thế gian này lâu hơn nữa, giờ ra đi của Ngài đã gần kề, cuộc chia tay này đưa Chúa Giêsu đến một hành động yêu thương đến tột cùng đó là hiến thân, chấp nhận cái chết thập giá để cho người mình yêu thương được sống: Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người dám hy sinh mạng sống cho người mình yêu, và Chúa Giêsu đã yêu như thế. Hơn nữa, Ngài không chỉ muốn những người Ngài yêu thương được sống, mà Ngài muốn cho họ được sống dồi dào mạnh mẽ và còn muốn sống trong họ nữa, nên trong bữa ăn chia tay với người mình yêu, Chúa Giêsu đã: Cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hảy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thày” – Một việc làm hết sức bất ngờ đối với các môn đệ. Với việc làm này, Chúa Giêsu đã không chỉ chấp nhận bị bẻ ra tức là chấp nhận hy sinh tất cả những gì là riêng tư, mà còn chấp nhận trở thành quà tặng được trao cho các tông đồ, và chịu sự lệ thuộc hoàn toàn nơi các ông. Chưa khỏi ngạc nhiên về việc Chúa Giêsu biến mình trở thành, qùa tặng mà Ngài còn biến mình thành tấm bánh để cho những người Ngài yêu thương có thể ăn, có thể nuốt để Ngài có thể đi vào trong tâm hồn của họ, đi vào trong từng đường gân thớ thịt của người mình yêu và nuôi dưỡng người mình yêu.
Cùng một cử chỉ giống như thế, Chúa Giêsu lại gây cho các tông đồ một bất ngờ khác, khi Ngài cầm lấy chén trao cho các ông và nói: Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là chén máu Thày, máu của Giao Ước đổ ra cho muôn người, anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thày. Với người Do Thái, máu tượng trưng cho sự sống, máu là vật thánh thiêng thuộc về Thiên Chúa, vậy mà Chúa Giêsu lại trao cả máu mình cho các môn đệ, tức là trao ban cả sư sống cho các ông, tức là Chúa Giêsu đã muốn hoàn toàn biến mình ra không, là cho đi tất cả, và còn muốn hoàn toàn lệ thuộc vào người mình yêu, muốn ở lại trần gian này mãi mãi như một quà tặng cho muôn thế hệ, như một dấu chứng của sự thủy chung vững bền của Giao ước mới, một giao ước mà Thiên Chúa cam kết sẽ mãi mãi yêu thương, mãi mãi bảo vệ và mãi mãi tha thứ cho con người.
Nếu ngày xưa giao ước cũ đã được ký kết với dân Israel bằng máu của chiên bò được rảy trên dân chúng làm dấu chỉ, và Thiên Chúa hứa nhận họ làn dân riêng của Ngài, thì hôm nay Đức Giêsu đã dùng chính máu của mình không chỉ để rảy trên nhân loại, mà còn là để tẩy rửa mọi tội lỗi cho nhân loại, và đón nhận nhân loại chúng ta làm dân mới của Ngài và còn được làm con Thiên Chúa cùng với Ngài.
Thư Do Thái giải thích rõ hơn cho chúng ta về vị thế của Chúa Giêsu, Ngài đã thực hiện việc trao tặng, dâng hiến mạng sống mình và biến máu thịt mình trở thành của ăn của uống cho nhân loại, và còn thề hứa thuỷ chung mãi mãi với con người, bởi vì Ngài thực hiện tất cả những điều đó trong vai trò là một vi Thượng Tế của Thiên Chúa, Ngài thực hiện việc hiến tế chính bản thân Ngài làm lễ vật được dâng lên Thiên Chúa Cha trong niềm yêu mến và hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chính vì thế mà của lễ là máu thịt của Chúa Giêsu mới có sức thanh tẩy, tha thứ, và nuôi sống và đem đến sự sống đời đời cho cả nhân loại này.
Thưa quý OBACE, qùa tặng là dấu chỉ của tình yêu, giá trị và ý nghĩa của món quà không hệ tại ở món qùa đắt tiền, mà là hệ tại bởi tấm lòng và tình yêu người trao và người nhận đặt vào đó, với món quà là Bí tích Thánh thể, là chính máu thịt của Đức Giêsu được trao tặng cho nhân loại, là món quà vô cùng quý giá cho mọi người mọi thời, vì món quà này chứa đựng không chỉ là tình yêu thương mà còn là chính sự sống và là chính Thiên Chúa được trao tặng cho nhân loại. Món quà càng quý giá, thì người được trao tặng lại cần phải thái độ và tâm tình xứng hợp, thái độ trước hết phải là thái độ biết ơn với lòng yêu mến, biết ơn vì tình thương và sáng kiến của Thiên Chúa, Ngài muốn chúng ta đón nhận món quà Thánh Thể không phải để cất giữ, mà Ngài muốn chúng ta sử dụng và khai thác tối đa hiệu quả của món quà ấy. Tức là Chúa muốn chúng ta hưởng dùng Thánh Thể Chúa mỗi ngày bằng việc siêng nâng đến, tham dự, cử hành tiệc Thánh Thể là Thánh lễ mỗi ngày, và đón rước Ngài vào tâm hồn với lòng kính trọng yêu mến và biết ơn, đồng thời, Chúa cũng muốn chúng ta nhớ đến Ngài, đừng để cho món quà Thánh Thể của Ngài bị rơi vào quên lãng, mà chúng ta siêng năng nhớ và viếng thăm Chúa mỗi ngày hoặc mỗi khi có dịp đi qua Nhà Chúa.
Ở lại với con người trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa muốn trở thành nguồn trợ lực nâng đỡ cho đời sống con người, vì vậy đừng ngại ngùng, mà hãy đến và hãy để cho Chúa nâng đỡ và bổ sức cho chúng ta, vì Chúa muốn đi vào từng tâm hồn mỗi người và qua mỗi người, Chúa cùng về ở với gia đình họ. Hãy đem Chúa Giêsu Thánh Thể về gia đình mỗi ngày, để Chúa cùng chia sẻ với nhịp sống của gia đình, đặc biết các bậc làm cha mẹ sẽ phải là những người, đều tiên và là người có trách nhiệm rước Chúa về nhà mình để Chúa nâng đỡ cho cuộc sống của gia đình. Đón nhận Mình Máu thánh Chúa dưới hình dạng tấm bánh được bẻ ra, được trao ban, chúng ta cũng được mới gọi trở thành những tấm bánh bẻ được ra cho gia đình và cho mọi người qua việc hy sinh thầm lặng mỗi ngày, qua việc dành cho nhau sự quan tâm, cho nhau thời giờ và sự phục vụ mà không tính toán. Đón nhận Thánh Thể Chúa như một quà tặng tình yêu, chúng ta cũng được mời gọi trở thành những món quà dễ thương dễ mến trao cho nhau, hãy trao cho nhau những niềm vui và nụ cười, hãy đem đến cho nhau sự bình an và sư thông cảm, và hãy đến với nhau bằng sự chân thành.
Còn đối với các bạn trẻ, nhiều người ngày nay dường như tỏ ra rất hờ hững với món quà Mình Máu Thánh Chúa, họ đến nhà thờ chỉ để cho khỏi phạm luật, mà quên mất, chính ở nơi Thánh lễ và Thánh Thể, các bạn sẽ tìm được ý nghĩa và mục đích sống cho cuộc đời. Đức Thánh Cha Benedicto nhấn mạnh: Các con hãy lấy Thánh Thể làm trung tâm điểm của đời sống các con. Nhờ suy niệm Phúc Am, các con mới đào sâu được ý nghĩa của Phúc Am. Việc đào sâu này giúp các con thấu hiểu được giá trị và vẻ đẹp của các cuộc gặp gỡ để cử hành Thánh Thể… Các con hãy cố gắng đối xử với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể như Ngài đối xử với chúng ta.. Các con hãy dừng chân lại trước nhà tạm, không cần phải có lý do gì đặc biệt, cũng không cần phải nói gì, chỉ việc thinh lặng trước nhan thánh Ngài, chiêm ngắm cử chỉ cao vời của tình yêu được chất chứa nơi Tấm Bánh đã được thánh hiến. Các con hãy học cho biết cách ở lại với Ngài. Các con hãy tham dự thánh lễ mỗi tuần khi có thể. Hơn nữa, việc trung thành với Thánh Thể hằng ngày trong tuần sẽ giúp chúng ta bước theo Đức Kitô nơi cuộc sống thường ngày, và làm cho chúng ta đón nhận được ánh sáng cũng như sức mạnh để có thể theo đuổi ơn gọi của mình.”
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét