Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

31 tháng 10, 2011

DANH NGÔN

Khi sự thật chắn đường, thì lối vòng phỏng có ích gì.
*******


Nỗi bất hạnh lớn nhất của con người là chết rồi vẫn còn để lại tiếng không hay.
KHUYẾT DANH




Những mảnh đời rổ rá - Kỳ 4: Thân cò bên Bến Mộng

TT - Cầu Bến Mộng, nơi giao nhau giữa hai dòng sông Ayun và sông Pa mùa lũ cuồn cuộn nước. Một người phụ nữ nhỏ bé ngồi trong căn chòi bên cầu mải mê tráng bánh.
Buổi chiều cao nguyên lạnh căm nhưng tấm áo của chị ướt đẫm mồ hôi. Khi những muỗng bột cuối cùng đã hết, chị vội vã chạy thật nhanh về căn nhà nhỏ, nơi có người chồng và cô con gái đang nằm một chỗ.

Tổ ấm nơi Bến Mộng - Ảnh: Ngọc Nga



Trụ cột cuối cùng
Đã gần 10 năm nay, buổi chiều nào của chị Nguyễn Thị Tuấn cũng tất tả như vậy.
Trong căn nhà nhỏ của gia đình chị Tuấn ở phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, Gia Lai, cô con gái bị bệnh bại não nằm cong người trên tấm chiếu rách nát, khua khoắng chân tay loạn xạ, miệng ú ớ. Bên kia bức vách người chồng nằm bất động một chỗ, gần như không biết gì. Bố mẹ chồng đã già yếu ở bên cạnh cũng nghèo khó. Nghe có khách tới nhà, người phụ nữ có thân hình nhỏ thó ấy chạy từ chiếc lán ngoài bờ sông về, hai tay vẫn còn dính bột, bộ quần áo lấm lem tro trấu. Chị đang tráng dở mẻ bánh, khuôn mặt vẫn còn đỏ ửng vì lửa bếp.
Chị Tuấn quê ở tận Sa Thầy (Kon Tum), năm 1993 chị kết hôn với anh Đỗ Văn Tính lúc đó là bộ đội đóng quân tại quê chị. Xuất ngũ, vợ chồng dắt nhau về quê anh ở Ayun Pa. Bố mẹ hai bên đều nghèo. Đôi vợ chồng trẻ đi làm thuê làm mướn mong xây dựng cho gia đình bé nhỏ của mình một hạnh phúc. Một năm sau, cô con gái đầu lòng Đỗ Thị Khánh Linh chào đời trong niềm hạnh phúc của anh chị. Cô bé bụ bẫm đáng yêu nhưng tới tháng thứ 6 trở đi bắt đầu có triệu chứng không bình thường. Chị đưa con đi khám mới biết Linh bị bại não. Vợ chồng lao vào làm lụng để có tiền chạy chữa cho con. Bệnh viện nào hai vợ chồng cũng bế con tới, nhưng đều nhận được cái lắc đầu của bác sĩ. Bé Linh ngày càng dặt dẹo, chân tay cứng đờ lại. Chị khóc cạn nước mắt với con.
Rồi vợ chồng chị cũng nguôi ngoai phần nào khi bé Toàn và bé Thảo ra đời đều khỏe mạnh bình thường. Hai vợ chồng chăm chỉ cuốc rẫy trồng trọt, chăn nuôi để có miếng ăn nuôi ba đứa con. Chị nghĩ có lẽ cô con gái đầu lòng đã gánh hết tất cả cái họa của gia đình. Thế nhưng một lần nữa bất hạnh lại ập tới vào một ngày đầu năm 2003, anh Tính có xích mích nhỏ với người hàng xóm, bị đánh đến ngất xỉu. Nghe tin chồng bị đánh phải đi cấp cứu ở bệnh viện, chị Tuấn hoảng hốt từ rẫy chạy về. Lúc tới bệnh viện thì chồng đã không biết gì. Anh bị chấn thương sọ não phải sống đời thực vật. Tim nhói đau, chị bàng hoàng ngất lịm. Khi tỉnh dậy ý nghĩ đầu tiên đến với chị:“Thôi, từ nay mình phải là cái trụ cho chồng con bám vào. Mình yếu cả nhà sẽ bị đổ thôi”.
Những đồng tiền đền bù của người hàng xóm không thể đủ trang trải tiền thuốc cho chồng, chị đi vay khắp nơi, bán hết tài sản để cố cứu chồng tỉnh lại. Nhưng não của anh chẳng bao giờ hoạt động nữa. Cơ thể như một cây khô bất động giữa rừng.

Và niềm hi vọng của mẹ vẫn còn - Ảnh: Ngọc Nga


Niềm hi vọng nơi Bến Mộng
Ngày chị đưa chồng từ bệnh viện về, căn nhà trống hoác chỉ còn độc chiếc giường. Nhìn chồng con cùng nằm bất động, chị thấy cuộc đời như dừng lại vĩnh viễn rồi. Sáng dậy, việc đầu tiên chị làm là đi chặt cây về dựng lán làm bánh tráng. “Đi làm mướn thì không chăm sóc được chồng con, ở nhà tráng bánh là tốt nhất” - đó là kết quả của một đêm thức trắng để nghĩ về tương lai. Căn chòi nhỏ dựng trong mảnh đất chật hẹp không có chỗ để phơi bánh. Chị hì hụi dỡ lán ra bãi đất trống bên cầu Bến Mộng, cách nhà chỉ chừng 500m. Mùa nắng chị tráng bánh, mỗi ngày được chừng 50.000 đồng tiền lời, tạm đủ lo miếng ăn cho chồng cho con. Nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có những ngày con ốm đau chị phải dốc hết tiền vốn để mua thuốc. Tiền hết, chẳng có bột để tráng bánh, chị Tuấn lại chạy đi vay mượn, chờ tráng mẻ bánh mới mà trả nợ. Rất nhiều lần cả nhà phải ăn bánh tráng với nước mắm thay cơm.
Cơn lũ lớn năm ngoái, căn chòi nhỏ của chị bên cầu bị dòng nước cuốn trôi. Giữa dòng nước dữ, mình chị vật lộn để cứu mấy bao bột với bộ nồi tráng bánh. Người ta bảo chị liều, còn chị thì hiểu rằng không giữ được nó, cả nhà cũng sẽ chết mà thôi. Mùa mưa không thể phơi được bánh tráng chị nhận giỏ mây về đan. Cuộc sống với chị, chỉ còn hai mùa mưa và nắng như thế.
Khi bé Toàn và bé Thảo đến tuổi đi học, chị phải xoay thêm đủ nghề để hai con được đến trường. Từ đan giỏ, nhặt ve chai đến buôn trái cây. Ngày nào chị cũng xoay như chong chóng. Chồng và con gái, chị phải nhờ bố mẹ già trông nom giùm. Cả nhà đùm bọc nhau sống qua ngày.
Không ít lần Toàn và Thảo thấy mẹ khổ cực quá bèn gói hết cặp sách gác lên nhà đòi nghỉ học để ở nhà phụ mẹ. Chị tức quá bắt hai đứa quỳ một buổi, tới lúc chúng chịu đi học mới tha. “Hai đứa phải học sau này mẹ yếu đi còn thay mẹ làm cái trụ cho cả nhà bám vào chứ” - chị căn dặn con. Hiểu lòng mẹ, Toàn năm nay học lớp 9, Thảo học lớp 7 đều cố gắng học khá. “Hai đứa nó mà vô được đại học, khổ đến đâu tui cũng nuôi. Tụi nó là niềm hi vọng cho cả nhà mà”- người mẹ ấy kiên quyết.
Mới đây, gia đình chị được chính quyền xây tặng một căn nhà tình thương thay cho căn nhà lụp xụp trước kia. Căn phòng rộng trong căn nhà nhỏ dành cho hai người bệnh nằm, ba mẹ con chị chen chúc nhau trong căn phòng chật hẹp mà thấy đời đã ấm đôi chút rồi.
Sau một ngày làm lụng, việc chị phải luôn luôn làm là trò chuyện với người chồng và đứa con bệnh tật với ước mơ về điều kỳ diệu nào đó: “Hôm trước đi chợ tui lượm được tờ báo cũ viết về chuyện có người bên Trung Quốc sống đời thực vật không biết gì mà còn tỉnh lại sau mấy chục năm. Chồng tui chí ít cũng biết ăn cơm. Mình cứ trò chuyện, biết đâu được...”. Ừ, thì biết đâu được! Nhìn ánh hi vọng bừng lên trên gương mặt khắc khổ của người phụ nữ nơi Bến Mộng này, tôi ước ao về một phép lạ nào đó. Rằng một ngày Bến Mộng sẽ sáng bừng lên trong niềm hạnh phúc, giống như trong truyện cổ tích rằng người đàn bà khó nghèo nhưng tận tâm thì kết truyện thế nào cũng sẽ được về bến bờ hạnh phúc vậy...
NGỌC NGA


HAI CHỮ ‘HƠN NGƯỜI’

Một ông bố đứng trước danh mục các môn học được niêm yết ở một trường đại học. Thấy các môn con ông phải học quá nhiều, lại thấy thời gian con ông phải theo cũng quá lâu, ông mới hỏi một nhân viên thư ký trong văn phòng: “Có khóa học nào ít môn phải học và có thể ra trường sớm hơn không?”

Viên thư ký triết lý: “Chúa dựng nên cây sồi, Chúa cũng dựng nên cây bí. Nếu trồng bí thì chỉ cần hai tháng là có thu hoạch, còn nếu muốn thu hoạch sồi thì phải 20 năm hơn. Vấn đề không phải là thời gian, mà là ông muốn thu hoạch cái gì”.
Tôi muốn lớn lên, muốn trở nên tài giỏi, nhưng thấy ngại rèn luyện. Đây chính là điểm yếu của con người, đây là chỗ mà quỷ kiêu ngạo dễ chen vào. Với chữ hơn, hơn người, nó làm cho tôi dễ thấy hài lòng với chính mình dù chẳng phải cố gắng nhiều.
Trước hết, nó cám dỗ tôi chạy theo những cái bề ngoài. Người mình có câu ‘thùng rỗng kêu to’ để chỉ điều này. Tôi thích nói về đạo đức, tôi thích làm những việc ‘hoành tráng’ vì những điều ấy thường được người ta đánh giá cao, để rồi tôi dần dần không còn tìm kiếm Chúa nữa mà tìm kiếm sự ‘đánh giá cao’ của người đời. Chúa Giêsu đã chỉ cho tôi thấy rõ điều này khi nói: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (Mt 23,5)
Để tìm kiếm sự ‘đánh giá cao’ của người đời nên tôi cũng thích so sánh, dĩ nhiên là chỉ so sánh trong những môn sở trường của tôi, nói với người này người kia, có khi so sánh một mình. So sánh để thấy mình ‘hơn người’. Sự so sánh như thế thật nguy hại! Nó nhẹ nhàng làm cho tôi hài lòng với chính mình, tự hào với bằng cấp, với trình độ của mình, mà chỉ nói chuyện với người có bằng cấp, có trình độ, mà nguy hại nhất là thôi cố gắng.
Một cách khá ti tiện thường gặp để được ‘đánh giá cao’ là tính hay chê. Muốn khoe mình giỏi tôi chê người ta dốt, muốn khoe trình độ âm nhạc thì chê người ta hát chưa hay,…
“Xin giữ mắt này khỏi chạy theo những gì hư ảo, và cho
con học được sống nhờ đường lối của Ngài” (Tv 119,37).
Người đời có đánh giá cao đến đâu thì đó cũng chỉ là những gì hư ảo, vì tôi không phải là những gì người đời gán cho tôi. Người đời có tung tôi lên đến trời xanh thì đó cũng còn xa lắm với những gì Chúa muốn làm cho tôi.
Tại sao tôi muốn ‘hơn người’, và đôi khi vì chữ hơn người mà lại coi thường người khác? “Tất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà sao chúng ta lại bội phản nhau mà vi phạm giao ước của cha ông chúng ta?” (Ml 1,10)
Tác hại nguy hiểm nhất của hai chữ ‘hơn người’ là làm cho tôi quên ‘làm người’. Chúa Giêsu đã dạy: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11).
Vâng, tôi chỉ thực sự ‘làm người’ khi tôi phục vụ anh em.
Ước muốn được lớn lên, và lớn lên trong tình yêu thương phục vụ, tôi “hãy nhìn lên cao để thấy mình còn thấp, rồi nhìn xuống thấp để thấy mình chưa cao”. Nhìn lên cao để thấy mình còn thấp mà học hỏi, rồi nhìn xuống thấp để thấy mình chưa cao để phục vụ. Vì khi thấy mình cao hơn anh em mà không cúi xuống phục vụ anh em là tôi bắt đầu rời xa con đường làm người.

Tác giả bài viết: Lm. HK


MỘT NGÀY ÐỂ NHỚ ÐẾN THẦN DỮ


Hôm nay ngày cuối tháng 10. Buổi chiều ngày cuối tháng 10 được người Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của Mỹ gọi là Halloween, nghĩa là vọng lễ các thánh.
Có lẽ do những rơi rớt còn lại của một ngày lễ ngoại giáo bắt nguồn từ thời những người Celtic trước Công nguyên, ngày vọng lễ các thánh mang màu sắc ảm đạm ma quái.
Trong các cửa tiệm, hàng hóa được trưng bày một khung cảnh quái dị: những hình nộm được tô vẽ với một bộ mặt của thần chết, những màng nhện trắng xóa giăng mắc khắp nơi, những đồ chơi trẻ em cũng được khoác lên những nét kinh hãi quái dị. Trên màn ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng, đa số các phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản, kinh dị. Buổi tối ngày Halliween, thanh niên thiếu nữ thường cải trang thành ma quái để đi từng nhà ca hát và kể cho nhau nghe chuyện ma quái.
Phải chăng mỗi năm người ta dành một ngày để nhắc nhở về sự hiện hữu và tác quái của thần dữ? Nhưng liệu con người ngày nay còn ý thức được tội lỗi và sự tác động củ thần dữ không?
Thi sĩ Baudelaire của Pháp đã có lần nói: "Sự thành công của ma quỷ là thuyết phục được con người rằng nó không hiện hữu".
Với những khám phá mới trong ngành tâm lý học cũng như bệnh lý học, người ta cho rằng tất cả những vụ quỷ ám mà Kinh thánh nói đến chỉ là những hiện tượng tâm lý bệnh hoạn mà ngày nay khoa học có thể tìm ra nguyên nhân. Với luận điệu ấy, con người ngày nay tự hào đã loại trừ ma quỷ ra khỏi cuộc sống.
Có lẽ ngày nay, người ta ít có dịp chứng kiến những vụ quỷ ám nhãn tường như Thánh kinh đã ghi lại. Tuy nhiên, dù muốn dù không, không ai có thể chối cãi được một sức mạnh luôn cày xéo tâm hồn con người, luôn lôi kéo con người đến chỗ tự hủy và hủy diệt lẫn nhau. Mãi mãi câu nói của thánh Phaolô vẫn đúng cho kinh nghiệm của mỗi người: "Ðiều thiện tôi muốn làm thì tôi không làm, điều ác tôi không muốn là, thì tôi lại làm". Có một sức mạnh vô hình nào đó luôn khuyến dụ, luôn lôi kéo con người vào tội ác... Thánh Phêrô hẳn không thể nào quên được lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: "Hỡi Satan, hãy tránh khỏi mặt Ta". Trong lá thư đầu tiên gửi cho các tín hữu, vị Giáo Hoàng đầu tiên đã nhắn nhủ: "Hãy tỉnh thức luôn. Kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư tử luôn gầm thét lượn quanh, tìm mồi để cắn xé. Anh em hãy chống cự và kiên vững trong Ðức Tin".
Là người tín hữu, chúng ta không ngừng cầu nguyện bằng chính lời Kinh của Chúa Giêsu: "Xin cứu chúng con khỏi ác thần". Ước gì lời Kinh ấy luôn nhắc nhở chúng ta về sự tác động liên lỉ của ma quỷ trong cuộc sống của từng người chúng ta. Nhưng chúng ta không phải hãi sợ bởi vì chúng ta không chiến đấu một mình mà cùng với và bằng chính sức mạnh của Ðấng đã nói: "Ðừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian".




Tác giả Veritas


 

30 tháng 10, 2011

Ý NGHĨA NGÀY HALLOWEEN

Halloween là một ngày lễ hội truyền thống được tổ chức vào đêm ngày 31 tháng 10 hàng năm. Đặc biệt trong ngày này những đứa trẻ sẽ hoá trang trong những bộ trang phục quái lạ đi đến gõ cửa những ngôi nhà để xin bánh kẹo. Ngày lễ này được tổ chức ở các nước phương Tây, chủ yếu ở Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Ireland, Puerto Rico và bắt đầu trở nên phổ biến tại Úc và New Zealand. Nó được người Celt ở Anh, Pháp, Ireland tổ chức để tạ ơn sau mùa thu hoạch. Người Ireland, Scotland, Wales cùng những người nhập cư khác đã mang phiên bản của lễ hội này tới vùng Bắc Mỹ thế kỷ 19.
CÁC TẬP TỤC TRONG NGÀY HALLOWEEN -
     "TRICK OR TREAT" -- "Cho kẹo không thì phá" 
Đây là sinh hoạt chính của hầu hết trẻ em và thiếu niên tại Hoa Kỳ trong đêm Halloween. "Trick" nguyên nghĩa là: đánh lừa, trò chơi tinh ma nghịch ngợm . "Treat" là tiếp đón, đối xử tử tế, tiếp đãi . Các em nhỏ và thiếu niên, thanh niên hóa trang với áo quần và mặt nạ hình ma quỷ rồi cầm lồng đèn đi từ nhà này sang nhà khác trong xóm, gõ cửa và nói "trick or treat." Thông thường những người láng giềng luôn luôn muốn tránh việc "trick" nghĩa là chơi đòn đánh lừa với "lũ ma" nên thường tiếp đón (treat) chúng bằng kẹo và trái cây (theo tục 
lệ có nhét đồng tiền ở bên trong). Biểu tượng chính của đêm "Halloween" là cái đèn lồng của chàng Jack - Jack-o-lanterns. Các biểu tượng phụ là phù thủy, ma quỷ và mèo đen. 

TRUYỀN THUYẾT VỀ HALLOWEEN 

       Theo truyền thuyết của nước Ái Nhĩ Lan (Ireland) thì từ ngữ "Jack-o-lanterns" đến từ một người có tên là Jack. Jack là một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép vào Thiên đàng vì lý do: lúc sống anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất dấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì. Thế nhưng anh ta lại cũng không thể vào Địa ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không bắt anh. Chuyện kể rằng: một hôm có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư, chẳng may bị báo động, người ta đến cầu cứu các vị tu sĩ đem các vật thánh đến "yểm" và "khóa các cửa" ra vào . Thế là con quỷ bị bắt... Jack đã nhận ra đó là con quỷ thường vui đùa với mình và Jack đã tìm cách gỡ vật "yểm ma quỷ" mở đường cho quỷ chạy thoát. Để đền ơn cứu mạng, quỷ hứa với Jack là sẽ không bắt hồn jack về Địa ngục. Do đó, khi Jack chết vì một tai nạn, hồn Jack bị Thiên đường từ chốị Jack liền tìm đến địa ngục, nhưng quỷ không cho vào...vì lời hứa trước. Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm... trên đường trở lại trần gian. Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô... và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của Jack. Có lẽ Jack phải cầm đèn đi lang thang trên mặt đất cho đến ngày phán xét cuối cùng của nhân loại

LAI LỊCH

      Lễ hội Halloween ngày nay bắt nguồn từ dân tộc Celt, là một dân tộc sống cách đây hơn 2,000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ái Nhĩ Lan và miền Bắc nước Pháp. Dân tộc Celt bắt đầu năm mới vào ngày 1 tháng 11 Dương lịch. Một lễ hội được cử hành vào đêm trước năm mới để vinh danh vị thủ lãnh đã quá cố là Samhain. Ngày lễ hội này báo hiệu sự bắt đầu của mùa lạnh, của những ngày tối tăm thường được liên kết với sự tàn tạ và sự chết của loài người . Dân tộc Celt tin rằng Samhain cho phép những linh hồn người chết được trở về nhà trên trần gian vào đêm hôm đó. 
Vào năm 43 (Tây lịch kỷ nguyên), người La Mã chinh phục vùng đất của dân tộc Celt và cai trị khoảng 400 năm (vùng này bây giờ là nước Anh). Trong giai đoạn này có hai lễ hội Samhain của dân tộc Celt. Một trong hai lễ đó là FERALIA được cử hành vào cuối tháng Mười để vinh danh những ngưòi đã chết, lễ thứ hai dành cho Pomona, nữ thần La Mã về cây và quả. Có lẽ vì nữ thần Pomona mà quả táo (apple) đã được kết hợp vào lễ hội Halloween. 
Sau ngày lễ Chư Thánh, tại Anh quốc, còn có ngày "Các vong hồn" vào mồng 2 tháng 11. Tại Anh, Halloween đôi khi được gọi là Nutcrack Night or Snap Apple Night vì mọi người trong gia đình ngồi quanh lò sưởi kể chuyện và ăn đậu phọng rang hoặc nhai "táo" . Vào ngày "Các vong hồn," những người nghèo đi "khất thực cô hồn" (went-a-souling) và họ sẽ được bố thí bánh trái gọi là "soul cakes" (bánh vong hồn) để họ hứa là sẽ cầu nguyện cho "các vong hồn." 
Halloween đến Hoa Kỳ do những di dân đầu tiên, đa số đến từ Anh và một số từ các vùng thuộc dân tộc Celt, họ đã đem qua Mỹ khá nhiều phong tục khác nhau. Nhưng vì lý do tín ngưỡng bị giới hạn, nghĩa là lúc đầu các tôn giáo lớn đưa ra giới luật tương đối chặt chẽ, nên việc cử hành lễ Halloween chưa được phổ cập 
trong dân chúng. Mãi đến thập niên 1800 mới trở nên tục lệ được nhiều người hưởng ứng. Vào giữa thế kỷ 19, tục lệ "trick or treat" chưa được phổ biến ở các thành phố lớn vì ở những nơi này "hàng xóm láng giềng" hầu như không có; nhiều người ở cạnh nhau mà không quen biết nhau, cho nên Halloween đôi khi gây ra những sự việc tai hại . Ngày nay, nhiều cộng đồng, nhiều tổ chức đã đứng ra bảo trợ các tục lệ vui chơi của ngày Halloween, nên nó đã trở thành một ngày lễ hội rất vui thú của thiếu niên và thanh niên. 

Ý NGHĨA CỦA NGÀY HALLOWEEN 

     1. Về Giáo Dục
Hành động và cuộc đời của Jack đã trở thành những kinh nghiệm để tuổi trẻ rút ra một bài học làm người, đó là:
- Sống không nên tham lam, bủn 
xỉn, keo kiệt 
- Phải có lòng bác ái, từ bi, biết giúp đỡ kẻ khó khăn 
- Không nên chơi đùa với ma quỷ. Ma quỷ hiểu theo nghĩa bóng là những trò lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hải, những việc làm tinh quái do trí thông minh và tưởng tượng của tuổi trẻ sáng tạo ra có khi làm hại đến người, đến xã hội... Chơi đùa, giao du với ma quỷ sẽ dễ bị cám dỗ đi vào đường tối tăm và tội lỗi
"Tham lam" là tâm lý chung của loài người . Số người kiềm chế được lòng tham trong cuộc sống rất hiếm. Tính bủn xỉn, keo kiệt, hà tiện là những hệ luận của tính tham lam mà thôi . Lòng tham của cải vật chất, sắc dục, danh vọng từng là nguồn gốc của vô số tội ác trong lịch sử nhân loạị Vì tham vọng người ta sẽ dùng bất cứ thủ đoạn hay phương tiện nào miễn là đạt được mong cầụ Có lẽ vì vậy mà các đấng giáo chủ của tôn giáo đều khuyên răn con người bỏ lòng tham để có thể sống đời an vui trong hiện tại và để được vào cõi Thiên Đàng, Niết Bàn, Bồng Lai Tiên Cảnh sau khi từ bỏ trần gian... Kiềm chế lòng ham muốn là bước đầu để trở nên người tốt. Tiếp theo là 
phải có lòng thương người (nhân ái, bác ái, từ bi...) biết giúp đỡ người khác lúc họ gặp khó khăn, phải bố thí cho kẻ nghèo... 
Ngoài ra, thanh thiếu niên không nên chơi đùa với quỷ hay ma. Sở dĩ có điều cấm kỵ này là vì người đời thường quan niệm rằng quỷ, ma là những thành phần bất chính, thường dùng những phép thuật, những mưu chước của mình để làm hại loài người, để phá phách hoặc để thỏa mãn ham muốn... Các tôn giáo rất kỵ quỷ vì quỷ thường có hành động chống đối lại các đấng giáo chủ thiêng liêng. Trong Thiên Chúa Giáo, Quỷ là loài hung dữ, xấu xa ở Hỏa Ngục. Lucifer chẳng hạn, là quỷ giữ địa ngục. Trước đó Lucifer cũng ở nước Thiên Đàng, nhưng vì tham vọng mà đọa Địa ngục. Dân gian thường tin rằng quỷ hay đi bắt bớ người ta, hành hạ người ta một cách tàn nhẫn để vui đùa hoặc để thỏa mãn dục vọng. Có lẽ vì đó mà người ta thường dùng lời nguyền rủa "Đồ quỷ tha ma bắt" khi nói đến một người mà họ ghét bỏ. Người Việt thì có những thành ngữ như: "mưu ma, chước quỷ," "hiện quỷ," "quỷ quái tinh ma". Trong thần thoại có rất nhiều loại quỷ. Về quyền phép biến hóa thì quỷ với thần ngang nhau. Quỷ với Thần phân biệt nhau qua hành động: 
- Quỷ thường dùng quyền phép của mình để thỏa mãn ham muốn, 
tham vọng nên thường đi vào đường ác, có hại cho loài người và vũ trụ
- Thần luôn luôn dùng quyền phép để làm điều phúc lợi cho loài người và vũ trụ, đó là con đường thiện. Chỗ ở chính của Quỷ là địa ngục, là bóng tối, trong lúc các Thần thì ở cõi Trời, trong ánh sáng. 
- Thần được người trần gian tôn thờ. Quỷ bị người đời xa lánh vì sợ hãi, vì quỷ lúc nào cũng bị xem là dữ. Trong kinh Địa Tạng của Phật giáo có nhắc đến một Quỷ vương có tên là Vô Độc. Đây là một điều mà tây phương không nghĩ đến vì đối với họ Quỷ luôn luôn hung dữ, 
độc ác. Do đó, không bao giờ nên giao du với quỷ, nhất là tuổi thanh thiếu niên. Người Việt có câu "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học 
trò" để chỉ những hành vi ranh mãnh, đầy mưu trí, có hại cho xã 
hội loài người. Học trò ở đây là tuổi thanh thiếu niên. 
Câu chuyện Halloween muốn gởi cho thanh thiếu niên một thông điệp để đề phòng sự tiêm nhiễm cái "quỷ quái, tinh ma" khi giao du với cái giới mà mình cũng được xếp vào hạng số 3! Tuy nhiên, chuyện anh chàng Jack trong đêm Halloween cũng ghi nhận một thái độ sòng phẳng của quỷ, đó là "ân đền, oán trả" và "giữ lời hứa". Dù rằng sự "giữ lời hứa" này đã làm cho Jack rơi vào thân phận cô hồn lang thang vất vưởng. Quỷ đã chịu ơn cứu mạng của Jack. Jack đã cứu quỷ vì tình bạn vui đùạ Quỷ đã đền ơn với lời hứa là "không bắt hồn Jack về Địa ngục." Và kết quả, như đã nói trên, hồn Jack đã phải trở về trần gian, lang thang với những đốm than hồng do quỷ từ địa ngục tặng để sưởi ấm và soi đường đi trong tăm tối, cô đơn. 
Đối với các xã hội Âu, Mỹ Halloween đã trở thành lễ hội vui chơi hằng năm cho trẻ em và cả người lớn. Ít người quan tâm tìm hiểu ý nghĩa nhân bản của nó. Họ chỉ chú trọng vui chơi. Các phim ảnh về Halloween cũng nhằm tạo cảm giác rùng rợn ma quái của thế giới âm ty như để thay đổi cách chơi, tìm cảm giác mới là chính yếu

2. Ý nghĩa nhân bản
Nếu đào sâu hơn, có lẽ sẽ tìm thấy tính cách nhân bản trong câu chuyện. Thử đặt câu hỏi: tại sao dưới ánh sáng khoa học và kỹ thuật mà các nước Âu, Mỹ vẫn dành một ngày lễ hội cho người của "cõi Âm" mà đại diện là chàng Jack? Jack là nhân vật tưởng ượng nhưng đã thực sự hiện thân trong cuộc đời, trong thân phận làm người... mà lại là một người cô đơn. Khi chết, Jack trở thành cô hồn, không chỗ dung thân... Thiên Đàng và Địa Ngục đều từ chối! Truyền thống lễ hội Âu Mỹ đã dành cho Jack một ngày. Một ngày được trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể sống vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Đây là ý nghĩa nhân bản của lễ hội Halloween. 
Lễ Hội Halloween ở Mỹ nhằm vào tiết thu, mưa buồn và gió lạnh trùng hợp với "ngày cô hồn" trong truyền thống dân tộc Việt Nam cũng trong mưa buồn hiu hắt: 
"Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt 
Toát hơi may lạnh buốt xương khô 
Não người thay buổi chiều thu, 
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng 
Đường bạch dương bóng chiều man mác 
Ngọn đường lê lác đác mưa sa 
Hồn nào hồn chẳng thiết tha 
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm... 
Trong trường dạ tối tăm trời đất 
Có khôn thiêng phảng phất u minh 
Thương thay thập loại chúng sinh 
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người..." 
Trong ý nghĩa nhân bản, Halloween và Rằm tháng Bảy Âm lịch có thể xem như là ngày hai cõi Âm, Dương hội ngộ trong niềm thương cảm bao la... Cuộc hội ngộ này đã phần nào nói lên cái triết lý "Âm, Dương nhất lý, Sinh tử đạo đồng" nơi gặp gỡ của tâm hồn nhân bản đông tây 
"Halloween," "All Soul's Day", "Cúng Cô Hồn" đều là những dịp để người sống tưởng nhớ, đoái thương những mảnh đời bất hạnh trong cõi u minh và trong cuộc sống hiện thực chung quanh... Có lẽ người đời đã dùng phương pháp loại suy (Analogy) để từ đời sống hiện thực trần gian, tưởng tượng ra một thế giới của cõi âm nơi những linh hồn sinh hoạt sau khi chết. Đó là ý nghĩa của lập luận: "Cõi dương còn thế nữa là cõi âm!" Thật vậy, tưởng tượng và hư cấu không thể nào bắt nguồn từ cái không không mà phải khởi đi từ một thực tại nào đó. Như vậy thì, phải chăng, "Jack O Lantern" chỉ là hình tượng của bao nhiêu thanh thiếu niên trong cuộc đời hiện thực, vì môi trường gia đình, xã hội, giáo dục hoặc vì những thúc bách thầm kín nào đó đã vô tình "đùa chơi với quỷ." Vàvì đó họ đã lỡ tay đánh mất tuổi thơ, vì ham vui, vì lòng trắc ẩn, thương xót, vì tình bạn bè... mà đã vô tình vi phạm quy ước xã hội, lỗi với giáo điều tín ngưỡng, mang tội với gia đình... Rồi bị xã hội thẳng tay loại trừ... 
Thật vậy, khi ra tay cứu quỷ một lần... Chỉ một lần thôi, là đủ, để cho cái xã hội với thành kiến hẹp hòi, với tư duy cố chấp... buộc tội đến trọn cả đời... không cất đầu lên nổi! Bao nhiêu thanh thiếu niên trong xã hội, chỉ vì một lần lầm lỡ trong đời thực mà đã không còn chỗ dung thân! Bao nhiêu linh hồn đã bị Thiên đường từ chối, nhưng lại không đủ tiêu chuẩn vào Địa ngục đã phải sống lang thang! Trên đời này, nơi đây và hôm nay... thiếu gì người đang sống trong cảnh: 
"Cô hồn vạn thuở buồn đơn chiếc 
Có lẽ đêm nay cũng ngủ nhờ!" 
Dù sao... thì Jack Ó Lantern cũng đã có một ngày hạnh phúc bên cạnh và trong cõi loài người...

(ApLst)



DANH NGÔN

Lỗi mà không sửa mới thành ra có lỗi.
*******


Hạnh phúc sẽ tuyệt vời biết bao khi con người yêu và được yêu.
A. TCHEKHOV


Những mảnh đời rổ rá - Kỳ 3: Ở đời hãy đóng tròn vai!

TT - Một phụ nữ đã 23 năm nuôi chồng bại liệt, con trai bị bệnh động kinh và mẹ chồng già yếu đã nói thật giản dị về sứ mạng trong cuộc đời mình: “Vì tôi là con dâu, là vợ, là mẹ nữa. Cuộc đời tôi phải đóng tròn vai thôi!”. Người “đóng tròn vai” ấy là chị Nguyễn Thị Lại ở thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị, Phú Hòa, Phú Yên.



“Lạc quan lên đi anh!” - Ảnh: Ngọc Nga

Đời sấp ngửa

"Có người khuyên chị đưa chồng vào Sài Gòn bán vé số. Vợ đẩy chồng, người ta thương bán được khá lắm. Bán vé số được mấy hôm, chị cảm thấy mình đang lợi dụng bệnh tật của chồng để kiếm tiền nên dứt khoát đưa chồng về quê..."
Nhá nhem tối, người đàn ông ngồi trên chiếc xe lăn nơi bậu cửa ngóng ra ngõ. Căn nhà nhỏ sau cánh đồng lúa tối om. Bên trong cậu con trai vừa mới lên cơn động kinh đang nằm thở hổn hển. Một bà cụ đưa bàn tay lẩy bẩy xoa cho cháu. Mắt người đàn ông như sáng lên khi thấy cái dáng tất tả của vợ từ ngoài con đường nhỏ vắt ngang cánh đồng lúa. Người vợ đi gặt lúa thuê về, vội vã lao vào bếp, nhóm lửa nấu cơm tối. Căn nhà bừng sáng. Bắc nồi cơm lên, chị đẩy chồng vào nhà lau mặt mũi, chân tay cho anh rồi quay sang xoa đầu cậu con trai đang rên hừ hừ.

Ngày còn trẻ chị Lại là cô gái xinh đẹp trong làng. Học hết phổ thông, chị mong ước được học lên cao nữa để làm cô giáo nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn đành phải gác lại ước mơ. Nghỉ học, một năm sau chị lấy chồng. Chồng chị, anh Dương Văn Bá, là đội trưởng đội bảo vệ thực vật Hợp tác xã Hòa Trị I. Cuộc sống vợ chồng tưởng như đã viên mãn sau khi ba đứa con hai gái một trai ra đời.
Nào ngờ, một buổi chiều mùa hè năm 1988, anh Bá đang phun thuốc trừ sâu cho hợp tác xã thì bỏ dở công việc chạy về nhà, ngã quỵ ngay ở cổng, chân tay như ai rút hết sức lực. Bác sĩ nói anh bị nhiễm độc thuốc trừ sâu mức độ nặng. Chị Lại đưa chồng đi chạy chữa khắp các bệnh viện từ Phú Yên đến Sài Gòn nhưng bệnh tình của anh không hề thuyên giảm. Suốt năm năm liền chị sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Không bao giờ chị nghĩ mình sẽ đầu hàng, chấp nhận chồng bị bại liệt mãi mãi.
Khi bác sĩ lắc đầu, gia sản trong nhà khánh kiệt thì cũng là lúc cơ thể anh Bá mất hết khả năng kiểm soát rồi ngồi luôn một chỗ trên chiếc xe lăn. Ngày đưa anh từ Sài Gòn trở về nhà, chấp nhận chồng trở thành người khuyết tật, chị Lại khóc suốt chặng đường, chỉ muốn chết đi. Nhưng khi bước vào nhà, thấy ba đứa con thơ dại và người mẹ già đang ngóng, chị sực tỉnh: “Mình mà khóc mãi thì chồng mình, con mình, mẹ mình cũng chẳng ai nuôi giùm cho. Thôi thì gắng lên”.
Ba đứa con rồi cũng dần lớn khôn, hai cô con gái đi lấy chồng xa. Cứ tưởng những vất vả của chị cũng dần bớt đi, nhưng một lần nữa tai họa lại giáng xuống gia đình bất hạnh ấy. Cậu con trai út, niềm hi vọng lớn nhất của chị, bỗng đột nhiên ngã bệnh động kinh năm 2004 lúc vừa tròn 20 tuổi. Chị cuống cuồng đưa con vào khắp các bệnh viên ở Sài Gòn chạy chữa nhưng chẳng ăn thua. Những cơn co giật của con trai không hề thuyên giảm. Chị đành đưa con về nhà. Lần này về tới đầu làng chị đã thấy mẹ già và người chồng tật nguyền của mình đang chờ ở đó. Chị không còn khóc được nữa.
Vậy là từ đó đến nay, trong căn nhà nhỏ ở thôn Quy Hậu ấy, thỉnh thoảng người ta lại nghe tiếng la hét đập phá đồ đạc của cậu con trai khi lên cơn động kinh, tiếng khóc của người chồng khi lên cơn đau, tiếng mẹ chồng ho húng hắng đi lại lẩy bẩy và tiếng người vợ luôn dỗ dành tất cả mọi người.
Người ở thôn này thấy dáng đi của chị lúc nào cũng vội vã, chân nọ đá chân kia. Người ta nói dáng chị đi sấp ngửa nên khổ. Chị cười: “Vì khổ nên phải sấp ngửa ấy chớ. Chậm chạp, đủng đỉnh lấy cơm đâu cho cả nhà ăn?”.
Nhìn chồng vốn là người siêng năng, hoạt bát, nay ngồi bất động một chỗ trên chiếc xe lăn, chị đau đứt ruột nhưng không biết phải làm sao. Đêm đêm sau một ngày làm việc quần quật, chị cố gắng xoa bóp chân tay cho chồng để giấc ngủ đến với anh dễ dàng hơn.
Đã có người khuyên chị đưa chồng vào Sài Gòn bán vé số. Vợ đẩy chồng, người ta thương bán được khá lắm. Nghĩ cả nhà đang trong cảnh túng quẫn, chị đưa chồng lên xe vô Sài Gòn. Bán vé số được mấy hôm, chị cảm thấy mình đang lợi dụng bệnh tật của chồng để kiếm tiền nên dứt khoát đưa chồng về quê, một mình bươn chải lo miếng ăn cho cả nhà.
Để có tiền nuôi chồng, nuôi con, chị Lại làm đủ mọi nghề từ cắt lúa thuê, buôn gà vịt đến nhặt ve chai. Lúc nào người ta cũng thấy chị sấp ngửa đi về trên những con đường làng. Đi cắt lúa thuê ở làng khác, đạp xe mấy chục cây số, nhưng trưa nào chị cũng về nhà để nấu cơm cho mẹ, chồng và con. Tối mịt về nhà, lại lao tiếp vào cơm nước. Bao năm nay giấc ngủ của chị luôn bị giật mình.
Lạc quan lên!
Điều hàng xóm nói nhiều là họ chưa bao giờ nghe chị Lại than ngắn thở dài một câu về hoàn cảnh khốn khổ của mình. Hoàn cảnh đã tận cùng, làm mọi thứ trong vai trò gia đình, chị còn nhảy ra làm luôn chi hội trưởng hội phụ nữ thôn. Ở vai trò này chị là người lắng nghe, tư vấn những vấn đề rắc rối trong gia đình của chị em phụ nữ trong làng. Nhiều người có mâu thuẫn, xích mích trong gia đình hay tìm tới chị tâm sự.
Giữa mọi lời khuyên, cái kết chị thích nhất là triết lý sống mà chị chia sẻ với mọi người: “Dù có chuyện gì thì cũng là chồng mình, con mình. Làm vợ, làm mẹ hi sinh cũng là một niềm hạnh phúc. Lạc quan lên!”. Hóa ra, cái lý do thầm kín mà chị tham gia cùng xã hội cũng chính là cách chủ động với cuộc đời mình: “Mình tham gia công tác xã hội mới thấy cuộc đời tươi đẹp hơn, để có tinh thần mà chống lại hoàn cảnh bản thân!”.
Thấy vợ vất vả còn chân tay mình cứ thừa thãi chẳng có tác dụng gì, nhiều lần anh Bá đòi chết đi cho rảnh. Đêm, anh mua sẵn thuốc chuột giấu trong túi, định quyên sinh thì thấy vợ đứng nhìn anh nước mắt lăn dài, chị nói: “Lạc quan lên ba nó ạ, sao lại sớm muốn chết vậy, đường sống của mình không bị triệt đâu mà sợ”. Anh buông thuốc chuột xuống mà khóc. Rồi chị đến bên anh nói một câu mà đến bây giờ anh vẫn nhớ mãi: “Vợ chồng hoạn nạn có nhau, ba nó bỏ tui đi thì ác lắm”. “Đàn ông thương chỉ biết giữ trong lòng, ít nói ra lắm. Thương vợ khổ cực mà chẳng biết làm gì hết” - anh Bá tâm sự.
Mẹ chồng chị Lại, bà Đặng Thị Lý, năm nay đã 82 tuổi, lúc nào cũng chỉ nói một câu về con dâu mình: “Tội nghiệp mẹ nó quá”. Chị Lại đang lau mặt cho chồng quay qua bà cười thật to: “Có chồng, có con, có mẹ để chăm còn tội nghiệp gì chứ. Sống mà không có ai để thương, để chăm mới tội nghiệp mẹ ạ”. Bà cụ móm mém cười. Trong bếp nồi cơm đang dậy mùi chín tới.
NGỌC NGA


KIẾP NGƯỜI MONG MANH

Khi một người nằm xuống, con người hoàn toàn bất lực trước cái chết. Không một sức mạnh nào nơi trần gian có thể thay đổi được sự thật này. Vì đó là chân lý. Vì đây là mầu nhiệm.


Bất lực
Chân lý về sự chết. Chân lý này biến thành mầu nhiệm đến độ, ta chỉ có thể giải thích được trong sự chết và phục sinh của Chúa Kitô mà thôi. Trong Ngài, ta mới có câu trả lời đầy đủ về sự vận hành của vũ trụ vạn vật. Như trái đất xoay quanh mặt trời thế nào, thì con người cũng phải xoay quanh Chúa Kitô như vậy. Vận hành của vạn vật là có khởi sự thì cũng có kết thúc. Vạn vật từ Ngài mà ra, thì khi đến thời gian ấn định, cũng sẽ phải trở về với Ngài.
Vận hành này không ai có thể thay đổi hay ngăn cản được. Bởi đây là hành trình hoàn hảo nhất mà Ngài đã khôn ngoan sắp đặt để có phần tốt nhất cho con người.
Đứng bên cạnh người thân yêu là cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em hay bạn bè thân thiết, là nỗi mất mát và đớn đau nhất mà chẳng lời lẽ nào có thể diễn tả hết. Nỗi đau này ai cũng có. Và nỗi đau này chỉ được trả lời bằng kinh nghiệm của mình mà thôi.
Đứng bên người thân, ai cũng phải thương tiếc, nhớ nhung, lưu luyến, ngậm ngùi. Và đổi lại sự sống của người thân, chắc chắn dù có phải làm gì, tốn bao nhiêu tiền, hao bao nhiêu lực hay đổi bằng mạng sống của mình thì ta cũng sẵn lòng. Nhưng rồi, đó cũng chỉ là lý thuyết, là ước mong mà thôi, còn sự thực thì lại không bao giờ xảy ra.
Nhìn người thân từ từ rời xa mình mà không thể làm gì được thì thật đắng cay. Chẳng thà mất hết tiền bạc mà còn người thân thì hơn.
Mất tiền mất bạc là những thứ ngoài thân mà ta còn đau lòng, đây còn đau hơn cả trăm triệu lần. Vì sự mất mát này đụng chạm tới tâm hồn, tinh thần, tới máu huyết của mình.
Mất người thân. Ôi nỗi đau nào kể xiết, và ai chia sẻ nổi. Ôi Chúa ơi, đứng trước cái chết chúng con có thể làm được gì đây.
Bất toàn
Nhìn vào một thân xác bất động từ từ rời xa ta, tan rã dần rồi trở thành cát bụi. Mọi thứ dần vuột khỏi tầm tay mà không có cách nào níu kéo được. Sự thật này càng minh chứng cho ta biết về sự tương đối của vạn vật. Tất cả đều là bất toàn. Chính vì thế, chúng cần phải được nâng cao hơn bằng bằng sự thay đổi của Đấng Tối Cao cho vạn vật. Nhờ vậy càng giúp ta nhận ra rõ hơn về sự thật mong manh của kiếp người.
Càng nhìn vào thân phận con người, ta càng thấy sự bất toàn, tương đối và hạn hữu.
Về thời gian: thật ngắn ngủi khi ở trần gian.
Về sức khỏe: dù được bảo vệ và chăm sóc, song vẫn rất dễ nhiễm bệnh, xuống cấp, rồi chết.
Về tinh thần: mọi chuyển biến do thời tiết thiên nhiên, do kinh tế xã hội, do đấu tranh khủng bố, do đói nghèo bệnh tật, do gia đình hay người thân…đều làm cho tâm hồn xao xuyến, tinh thần sa sút, tình cảm sứt mẻ…
Về trí tuệ: khối óc mà Thiên Chúa ban cho, con người cũng chưa thế thể khai thác quá 20%.
Về lòng tin: Dễ nghi ngờ Chúa, nghi ngờ nhau.
Về nhân đức: chỉ vài nhân đức căn bản làm người như nhân nghĩa lễ trí tín, lòng tự trọng… mà con người cũng chẳng đạt được một cách đầy đủ.
Càng nhìn vào kiếp người, ta càng thấy sự yếu đuối nhiều hơn nữa. Con người dễ bị tấn công bởi người xấu, việc xấu. Con người có quá nhiều sai sót, lầm lỡ, tội lỗi. Sự dữ bao trùm tư tưởng và việc làm, khiến ta nhiều lần nhiều lúc, nhiều nơi đã gây khổ cho mình và cho người khác.
Chính vì sự bất toàn này giúp ta nhận ra sự thật tuyệt đối về Thiên Chúa được rõ nét.
Chỉ trong Ngài, con người mới tìm lại được sự tốt lành Ngài đã ban thuở ban đầu.
Chỉ trong Ngài, con người mới được phát triển và thăng tiến, rút ngắn khoảng cách giữa tương đối và tuyệt đối, hữu hạn và vô hạn, bất toàn và an toàn.
Chỉ trong Ngài, con người mới nhận ra sự mong manh của kiếp người, để cần thiết phải cậy dựa và gắn bó và yêu mến Ngài thì mới được an toàn, an tâm, an bình. Gắn bó như mẹ yêu con, như cá yêu sông, như ong yêu hoa, như cỏ cây yêu đất, và…như Chúa đã yêu ta.
Bất xứng
Sự bất toàn giúp ta nhận ra sự bất xứng của loài người đối với Đấng Tạo Hóa, Đấng đã vì tình yêu mà chia sẻ sự sống thần linh cho con người, và cũng vì thế mà Ngài bị bị xấu hổ, nhục nhã. Con người bất xứng đã làm cho hình ảnh tốt lành, thánh thiện của Thiên Chúa bị lu mờ, hoen ố, hư hỏng.
Như con cái đã làm cho cha mẹ xấu hổ bằng đời sống bất kính, bất hiếu, vô ơn, cứng đầu, bê tha thế nào, thì con người cũng đã làm cho Thiên Chúa phải xấu hổ bằng đời sống kiêu căng tự phụ, hống hách, ác độc, cố chấp, tội lỗi của mình như vậy.
Đứng trước Đấng uy linh và uy quyền, cao cả và lớn lao, thánh thiện và hoàn hảo, tinh tuyền và thanh khiết, ta mới thấy sự nhỏ bé và yếu đuối, bất toàn và bất xứng, mong manh và chóng tàn, tương đối và mau qua của kiếp người.
Nhất là con người làm tổn thương Thiên Chúa, đụng chạm đến sâu thẳm tâm hồn yêu thương của Ngài bằng thái độ dửng dưng, coi thường, khinh chê, chống đối, phá hại.
Con người ngày nay càng biểu dương tự do cá nhân bao nhiêu thì càng cho thấy con người muốn tách ra khỏi sự quan phòng bấy nhiêu. Càng sử dụng trí tuệ, khoa học để giải thiêng, loại trừ các giá trị Tin Mừng, thì càng cho thấy con người càng kiêu căng bấy nhiêu. Và con người đã dần trở nên bất xứng nhiều hơn với Thiên Chúa khi cậy dựa các thế lực trần thế để thay thế cho sức mạnh của Ngài.
Bất hạnh hay bất tử?
Đứng trước vũ trụ thiên nhiên, đặt mình trước Đấng Toàn Năng, con người thấy rõ mình bất toàn, bất xứng, bất lực.
Dầu vậy, con người hoàn toàn có cơ hội để thay đổi và vượt lên trên cái tương đối và hữu hạn của kiếp người mà đạt tới sự bất tử, thay vì bất hạnh.
Bất hạnh hay bất tử, tất cả tùy thuộc vào ta. Nếu biết mình yếu, bất toàn bất xứng mà cứ cậy bản thân, không biết dựa vào Đấng có sức mạnh hơn, thì tình thế sẽ chẳng thay đổi được gì.
Ngược lại, biết mình yếu mà nắm chặt tay Đấng uy quyền; biết mình dở mà dựa vào Đấng khôn ngoan; biết mình mau hư nát mà bám vào Đấng vĩnh cửu; biết mình có thể bất hạnh bất cứ lúc nào mà bám vào Đấng có thể chữa lành những tổn thương ấy; biết mình nhỏ bé như hoa cỏ đồng nội nay còn mai mất mà nép mình vào Đấng uy quyền, thì đời ta sẽ được thay đổi.
Nhờ biết cậy dựa vào Thiên Chúa quan phòng, ta sẽ được thay đổi tử bất hạnh thành bất tử, bất toàn thành an toàn, bất xứng thành xứng đáng, mong manh thành mạnh mẽ, ngắn hạn thành vô cùng, chóng qua thành bền vững, sợ hãi thành can đảm, thất vọng thành hy vọng, phiền muộn thành hân hoan, nghi ngờ thành tin tưởng.
Tất cả tùy thuộc vào ta: Hôm nay ta thế nào là do chọn lựa và quyết định của ta hôm qua thế nào. Tương lai ta thế nào, tùy thuộc vào chọn lựa và lối sống của ta hôm nay ra sao.

[THANH THANH]
Tác giả bài viết: Thanh Thanh

VIÊN ÐÁ QUÝ


Edith Stein, đó là tên của một người đàn bà mà chúng ta thường nghe nhắc đến nhiều lần nhân chuyến viếng thăm lần thứ hai của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Tây Ðức năm 1987.
Stein theo tiếng Ðức có nghĩa là đá. Ðây không phải là một viên đá tầm thường, nhưng là một viên ngọc quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của hận thù, chiến tranh. Viên ngọc quý Stein đã được gọt đẽo và nung nấu trước tiên trong sự dửng dưng vô tôn giáo của những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế chiến.
Lên 14 tuổi, Edith Stein đã mất hòa toàn niềm tin vào Thiên Chúa của tổ phụ Arbaham. Nhưng cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa con người đến ngõ cụt của cuộc sống. Nhưng chính khi đứng trước bức tường tưởng chừng như khôg thể vượt qua được, Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài ra để nâng con người lên. Ðó là điều đã xảy ra cho Edith Stein khi cô chứng kiến gương kiên nhẫn của một người thiếu phụ Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi người chồng thân yêu, người đàn bà ấy vẫn lấy Ðức Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau khổ, thử thách... Edith Stein thú nhận: Thập giá của Ðức Kitô đã đem lại sức mạnh kiên hùng cho người phụ nữ và do đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của cô.
Trong ánh sáng của thập giá Ðức Kitô, Edith Stein đã tìm lại được niềm tin vào chính Thiên Chúa của người Do Thái... Nhưng ánh sáng đó đã gắn liền với cả cuộc đời còn lại của cô như một định mệnh: Giữa những đổ vỡ và tàn ác của chiến tranh, Edith đã tìm lại được định hướng cho cuộc đời. Thánh giá đã được gắn liền với tên cô từ đó: Têrêxa Benedicta Della Croce, Têrêxa được thập giá chúc lành.
Thập giá của Ðức Kitô mà cô đã vác lấy qua cái chết đau đớn trong lò hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc quý có giá trị cứu rỗi cho cả một dân tộc mà cô hằng yêu mến.
Ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá. Ðã mang tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc sống với tất cả gánh nặng của thập giá... Tại sao Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ? Mãi mãi dường như con người sẽ không bao giờ tìm được câu giải đáp cho vấn đề đau khổ. Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề.
Trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường dẫn đến sự sống. "Hãy vác lấy thập giá và theo Ta", đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và thất vọng.




Tác giả Veritas



29 tháng 10, 2011

HỌ NÓI MÀ KHÔNG LÀM

Photobucket


DANH NGÔN

Biết được người hay  người dở ấy là khôn
Tự biết mình hay mình dở ấy là sáng suốt.
*******


Một người có học lúc nào cũng tự thấy mình giàu sang.
PHÈDRE




Những kẻ giả hình

Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 23,1-12) là phần bắt đầu của những lời khiển trách dài và mạnh mẽ của Đức Giêsu đối với các kinh sư và những người Pharisêu.

“Bấy giờ, Đức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ của Người” (c.1). Để bắt đầu, Đức Giêsu không ngỏ lời với các kinh sư và những người Pharisêu, mà là với đám đông dân chúng và với các môn đệ của Người. Điều này cho thấy mục đích của những gì được nói ở đây chính là để giúp đám đông và các môn đệ Đức Kitô nhận ra thực chất của những gì các kinh sư và người Pharisêu giảng dạy, và để giúp họ được giải thoát khỏi những cái ách nặng nề mà những người đó đã và đang áp đặt trên họ.

Trước hết, Đức Giêsu đưa ra một nhận xét về vị trí mà các kinh sư và người Pharisêu đang nắm giữ. Người nói: "Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy” (c.2). Trong truyền thống Do Thái, ông Môsê được coi là một vị thầy có tòa trên núi Sinai. “Ngồi trên tòa ông Môsê” có nghĩa là tiếp nối chức năng làm thầy của ông Môsê. Trong Đnl 18,15.18 những người kế nghiệp ông Môsê là các ngôn sứ. Nhưng rồi “ngồi trên tòa Môsê” trong thực tế lại là những kinh sư và những người Pharisêu. Từ trên tòa ông Môsê, các kinh sư và người Pharisêu phân biệt 613 điều khác nhau trong Luật và bảo rằng tất cả những điều đó đều bó buộc. Nếu các ngôn sứ quy hướng người ta về Thiên Chúa (và đây chính là nét điển hình của các ngài), thì các kinh sư và người Pharisêu lại thay thế vào đó bằng sự quy chiếu về một bộ luật được quy định và giải thích chi tiết, trình bày đến từng nố cụ thể đó. Như chính Đức Giêsu đã từng nhận định: “Giáo lý họ giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (15,9). Đọc trong cách nhìn chung của toàn bộ sách Mt, xem ra phía dưới lời nhận xét của Đức Giêsu rằng "Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy” ở c.2 này, như thế, là một nhận xét tiêu cực, và sự kiện các kinh sư và người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê bị coi là một sự kiện “tiếm vị” trong thực chất.

Sau khi đã nhận xét về vị trí của các kinh sư và người Pharisêu, Đức Giêsu bắt đầu lời phê bình. Người nói: “Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (c.3).

Nhiều người hiểu phần thứ nhất của c.3 là một lời khen ngợi của Đức Giêsu, và như thế, vấn đề của các kinh sư và người Pharisêu chỉ là họ nói mà không làm. Nhưng có lẽ cách hiểu đó không chính xác.

Thực ra, câu này mang tính châm biếm rất ý nhị. Phần thứ hai của câu có giá trị vô hiệu hóa “lời khen” ở phần thứ nhất. Vì chưng không ai có thể coi là có giá trị những lời giáo huấn và giải thích về thánh ý Thiên Chúa của những người mà mình biết rõ là hoàn toàn giả hình. Cách giải thích này được xác nhận bởi sự kiện là Đức Giêsu đã chê trách không chỉ cách sống mà ngay cả giáo thuyết và đạo lý của những người Pharisêu nữa. Người bảo: “Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố” (15,14). Người khẳng định rằng khi giảng dạy dân chúng, họ dựa vào truyền thống của họ mà hủy bỏ lời Thiên Chúa (x.15,6-9). Người dặn các môn đệ một cách rõ ràng là phải coi chừng giáo lý của những người Pharisêu và những người Xađốc (x.16,12). Người không ngần ngại nói rằng họ khóa cửa Nước Trời không cho người ta vào (x.23,13), làm cho người ta phải sa hỏa ngục (x.23,15), rằng họ chỉ là những kẻ dẫn đường mù quáng (x.23,16)... Vì thế, sẽ là sai lầm nếu chúng ta hiểu rằng Đức Giêsu đồng ý với những giáo huấn mà các kinh sư và người Pharisêu giảng dạy, và rằng Người muốn đám đông dân chúng và các môn đệ đang nghe Người hãy thực hành theo các giáo huấn đó.

Khi giảng dạy dân chúng, các kinh sư và người Pharisêu “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (c.4). Đức Giêsu phê bình tính chất nặng nề trong lời giảng dạy của các kinh sư – Pharisêu và sự vô cảm của họ. Khác hẳn những gánh nặng mà các kinh sư chất lên vai người ta, Đức Giêsu sẽ mang đến cho người ta “ách êm ái và gánh nhẹ nhàng” (11,30).

Giáo lý của các kinh sư và người Pharisêu là những gánh nặng mà người ta không thể mang nổi. Trong những nỗ lực lớn lao nhưng sai lầm, các kinh sư Do Thái cố gắng bảo vệ sự tuân phục Torah bằng cách dùng cả một rừng những quy định chi tiết thuộc truyền thống của họ để giải thích Torah, và trớ trêu thay, những lời giải thích ấy lại làm tiêu tan luôn giá trị của những gì họ định giải thích. Kết quả sẽ chỉ là những gánh nặng không thể chịu nổi, và trong nhiều trường hợp, là sai lầm.

Cùng với sự sai lầm và nặng nề ấy, là thái độ vô cảm của những người đưa ra những giáo lý đó. Họ không giúp người ta mang gánh nặng mà họ đã chất lên vai người ta. Họ không giúp dân chúng tuân giữ những giáo huấn nặng nề của họ. Thậm chí họ cũng còn chẳng buồn đưa ngón tay lay thử. Rõ ràng họ không muốn giúp người khác sống thánh ý Thiên Chúa, một chỉ muốn thống trị người ta bằng giáo lý và những “giới luật phàm nhân” (15,9) của họ mà thôi.

Đó là trong chuyện giảng dạy. Còn trong thực tế cuộc sống, họ là những người ưa khoe mình, đam mê được người khác khen ngợi và ngưỡng mộ. “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (c.5a).

“Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài” (c.5b). “Hộp kinh” là những chiếc hộp nhỏ bằng da, màu đen, bên trong chứa bản chép bốn lời Kinh Thánh Đnl 11,13-22; 6,4-9; Xh 13,2-10; 13,11-16. Người Do Thái mang những hộp kinh này trên đầu và trên cánh tay trái trong những ngày làm việc. Đây là một cách thức thi hành lệnh truyền trong Xh 13,9.16; Đnl 6,8; 11,18. “Tua áo” là dải len hay lụa màu xanh được đeo vào bốn góc áo choàng (theo lệnh truyền trong Ds 15,37-39 và Đnl 22,12) như một lời nhắc nhở thường xuyên về các lệnh truyền của Thiên Chúa mà người ta phải thi hành. Chính Đức Giêsu cũng mang những tua áo như vậy (x. 9,20; 14,36). Vấn đề không ở chỗ những kinh sư và người Pharisêu mang hộp kinh và tua áo, mà là họ cố ý mang những hộp kinh thật lớn và những tua áo thật dài, để lôi kéo sự chú ý của mọi người đến lòng “đạo đức” của họ. Thật mỉa mai khi họ chất những gánh nặng của luật lệ lên vai người khác, còn chính họ thì lại chỉ lo nới rộng hộp kinh và may dài tua áo. Hộp kinh của họ càng lớn và tua áo của họ càng dài thì cái ách luật lệ mà họ áp đặt lên dân chúng càng nặng!

Không chỉ phê bình cách trang phục của các kinh sư và người Pharisêu, Đức Giêsu còn chỉ rõ sự ham hố của họ trong việc tìm kiếm sự tôn kính của dân chúng: “Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta bái chào ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "rabbi" (cc.6-7).

Có bốn sự ham hố được đề cập ở đây. Hai sự ham hố đầu liên quan đến chỗ ngồi trong đám tiệc và trong hội đường, nghĩa là vị trí của người ta trong những cuộc tập họp dân sự và những cuộc tập họp tôn giáo. Sự “bái chào ở những nơi cộng cộng” là các cách thức bày tỏ lòng tôn kính đặc biệt dành cho những nhân vật tôn giáo nổi tiếng, chứ không phải là sự chào hỏi thông thường trong phép giao tiếp lịch sự hàng ngày. Vào thời Chúa Giêsu, “rabbi” là một tước hiệu danh dự dành cho các bậc thầy tôn giáo và các chuyên gia hàng đầu về Torah. “Ưa được người ta bái chào ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "rabbi" ” là tâm tính của những con người hợm hĩnh, ưa thống trị. Những kinh sư và người Pharisêu cố ý tạo nên những sự khác biệt và nhấn mạnh trên những gì làm nổi bật thẩm quyền của họ trong cộng đồng xã hội và tôn giáo (từ chỗ ngồi cho đến những cách chào hỏi và xưng hô), nhằm gia tăng, tận hưởng và tận dụng quyền thống trị của họ trong cộng đồng. Họ cố ý tạo ra những sự khác biệt và bất bình đẳng để che giấu những tham vọng và sự rỗng tuếch của mình.

Sau khi chỉ trích những tham vọng, tâm tính và thói xấu đó của các kinh sư và người Pharisêu, Đức Giêsu ngỏ lời với các môn đệ. Tuy bản văn không nói rõ, nhưng chắc chắn cc.8-12 là những lời dành riêng cho các môn đệ và cộng đoàn Hội Thánh.

"Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "rabbi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (c.8). Trong cộng đoàn của Đức Giêsu, không ai có quyền ở vào một thứ hạng hay ưu thế cao hơn người khác, cũng chẳng ai phải tùy thuộc người khác về đạo lý: chỉ có một Thầy duy nhất là chính Đức Giêsu, còn tất cả các Kitô hữu đều bình đẳng với nhau và là anh em của nhau. Quả thực, chỉ một mình Đức Giêsu mới có thể mạc khải về Chúa Cha cho con người: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (11,27).

“Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (c.9). “Cha” ở đây không có nghĩa là người sinh ra mình, nhưng là một tước hiệu tôn kính được dành cho các bậc thầy và các thành viên của Thượng Hội Đồng Do Thái (Cv 7,2; 22,1). “Cha” nghĩa là người lưu chuyển truyền thống và khuôn mẫu hành xử. Đức Giêsu cấm các môn đệ không gọi ai dưới đất này là cha, tức là không được đặt mình tùy thuộc vào những người lưu chuyển truyền thống và khuôn mẫu hành xử thuộc về cõi trần gian này. Các môn đệ sẽ chẳng có khuôn mẫu hoàn thiện nào khác ngoài chính Cha trên trời: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (5,48). Chỉ một mình Ngài mới là Cha của họ (6,9).

“Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đức Kitô” (c.10). Đức Kitô dành riêng cho mình quyền lãnh đạo và hướng dẫn trên con đường cứu độ. Các môn đệ chỉ là những người phục vụ anh em mình, chứ không phải là người chỉ đạo, cho dù giữa họ vẫn có người “làm lớn”: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (c.11).

“Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (c.12). Thay vì tâm tính và tham vọng thống trị và “tôn mình lên”, Đức Giêsu công bố nguyên tắc phải theo trong cộng đoàn các đồ đệ của Người: “hạ mình xuống”. Các động từ trong hai mệnh đề chính ở c.12 này được đặt ở dạng thụ động thần học thời tương lai, và do đó, có nghĩa là chính Thiên Chúa sẽ hạ những kẻ tự tôn xuống và sẽ tôn những kẻ tự hạ lên. Lời tuyên bố nguyên tắc này của Đức Giêsu cũng đồng thời là lời công bố phán quyết của Thiên Chúa về các thái độ sống của con người.

Gợi ý suy niệm và chia sẻ:
1. Đức Giêsu phê phán việc các kinh sư và người Pharisêu lợi dụng tòa ông Môsê để trục lợi cho riêng mình. Những vị trí công tác trong Hội Thánh ngày nay cũng có thể bị biến thành những “miếng mồi” ngon cho những tham vọng vật chất, tham vọng quyền lực, tham vọng danh tiếng...

2. Đức Giêsu phê bình tính chất nặng nề trong lời giảng dạy của các kinh sư – Pharisêu và sự vô cảm của họ trong việc thi hành nhiệm vụ phục vụ lời Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta, trong những vị trí khác nhau (giám mục, linh mục, bề trên, thày dạy, cha mẹ, anh chị, giáo lý viên...) đều tham dự cách này cách khác vào nhiệm vụ giảng dạy của Hội Thánh. Lời phê bình của Đức Giêsu đối với các kinh sư xưa có thể vẫn còn rất thời sự: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (c.4).

3. Các kinh sư và người Pharisêu đã cố ý tạo nên những sự khác biệt và nhấn mạnh trên những gì làm nổi bật thẩm quyền của họ trong cộng đồng xã hội và tôn giáo (từ cách ăn mặc và chỗ ngồi cho đến những cách thức chào hỏi và xưng hô), nhằm gia tăng, tận hưởng và tận dụng quyền thống trị của họ trong cộng đồng. Họ cố ý tạo ra những sự bất bình đẳng để che giấu những tham vọng và sự rỗng tuếch của mình. Đức Giêsu mạnh mẽ chỉ trích cách sống đó. Nhưng có lẽ không chỉ các kinh sư và người Pharisêu Do Thái xưa mới đáng bị chỉ trích như vậy.

4. Đức Giêsu công bố nguyên tắc phải theo trong Hội Thánh, và cũng là cách đánh giá của Thiên Chúa về cuộc sống của chúng ta: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (c.12). Đức Maria là gương mẫu cho chúng ta trong việc sống theo nguyên tắc căn bản này: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo,Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,48-53).
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT


CÁC ÔNG LÀ QUÁI VẬT


Cuốn phim E.T. (nghĩa là người đến từ bên ngoài trái đất) đã là khởi đầu cho những giả thuyết về sự hiện hữu của nhiều giống người khác trên hành tinh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó những người này đến viếng thăm trái đất của chúng ta. Có lẽ họ sẽ phải học hỏi rất nhiều nơi chúng ta. Họ sẽ nghiên cứu về các tôn giáo hiện hữu trên mặt đất. Họ sẽ tra cứu mọi thứ  triết thuyết và mọi lẽ khôn ngoan cũng như bao cái điên rồ của con người� Sau cùng họ sẽ điều tra về những người Kitô và khám phá ra rằng thủ lãnh của họ là Giêsu Kitô� Chúng ta hãy thử tưởng tượng cuộc đối thoại giữa họ và những người Kitô. 
- Ông Giêsu Kitô là ai? 
Một người Kitô sẽ trả lời: 
- Ô�ng là một người Do Thái, ông đã được muôn dân trông đợi từ ngàn xưa. Ông đến như một vị tiên tri để cứu thoát trần thế. 
- Thế nhưng họ đã làm gì với ông ta? 
- Thưa, họ đã đóng đinh ông vào thập tự. 
Và một người trong cuộc đối thoại sẽ thêm: 
- Phải, có lẽ ông ta đã không đến đúng lúc. Giả như  ông đến bây giờ đây, thì mọi sự có lẽ sẽ khác� Người ta sẽ thông cảm với ông, sẽ yêu mến ông và như vậy, tình huynh đệ đại đồng như chúng ta hằng mong ước sẽ được thực hiện� Thực là đáng tiếc, ông Giêsu đã đến không đúng lúc. Thật là một tai nạn đáng tiếc. 
Một người Kitô khác có lẽ sẽ phản đối: 
- Tôi không đồng ý. Chúa Giêsu có đến lúc nào và ở đâu, thì mọi sự cũng sẽ diễn ra như thế thôi. 
Theo dõi cuộc đối thoại, không chừng người đến từ hành tinh khác sẽ phát biểu: 
- Vậy thì các ông là những quái vật. 
Có lẽ giống người của chúng ta trên mặt đất này là những quái vật. Và chính vì thế mà Chúa Giêsu đã đến để cứu độ chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta. Ngài đã thể hiện lòng nhân từ đối với chúng ta, bởi vì chúng ta là những quái vật. 
Chúng ta hãy thử nhìn vào các giống vật đang chia rẽ sự  sống với chúng ta trên mặt đất này. Chúng nó có thể cắn xé những con thú khác không thuộc giòng giống của nó. Nhưng chúng nó không bao giờ giết hại cắn xé lẫn nhau. Còn giống người của chúng ta thì sao? 
Nhưng thập giá của Ðức Kitô không chỉ là một mặc khải về tính cách quái vật của con người, nó còn là một thể hiện của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Ðó là dấu chỉ của Tình Yêu, của Hòa Bình. 
Người Kitô mang trên người, vẽ trên người, dấu thập giá để ca tụng Tình Yêu của Thiên Chúa cũng như để nói lên thiện chí xây dựng Hòa Bình của họ. 
Ước gì dấu thánh giá chúng ta làm mỗi ngày sẽ luôn nhắc nhở cho chúng ta về Tình Yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cũng như mời chúng ta không ngừng xây dựng Hòa Bình với tất cả những người xung quanh.




Tác giả Veritas


 

Những mảnh đời rổ rá - Kỳ 2: Người mẹ kế

TT - Người phụ nữ ấy từ Hải Dương vào Đồng Nai thăm bà con, gặp một người đàn ông mang di chứng chất độc da cam có đứa con trai bị bại liệt, đứa con gái bị bệnh tâm thần.

 
Chị Lanh với hạnh phúc vun vén của mình - Ảnh: Ngọc Nga



Tất cả mọi người đều bất ngờ khi chị quyết định ở lại Đồng Nai để bắt đầu quãng đời làm mẹ, làm vợ đầy cực nhọc của mình. Đã 14 năm qua, chị Nguyễn Thị Lanh vẫn chưa hề có một phút giây nghĩ quyết định của mình là sai lầm.
Nhóm lên bếp lửa
Căn nhà chị Lanh nằm lọt thỏm giữa cánh đồng bắp tại ấp 4, Xuân Tây, Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Nó tách biệt với những ngôi nhà khác trong ấp, từng gian nhà, cửa nẻo cứ vá víu chằng chịt. Anh Hướng, chồng chị Lanh, ngồi đờ đẫn trên chiếc ghế duy nhất trong nhà. Sức lực như đã rời bỏ cơ thể anh. Bàn tay buông giữa khoảng không thõng thượt.“Sức tui giờ nhấc tay, nhấc chân cũng khó”- anh Hướng nói bằng cái giọng ngọng nghịu.
Sau khi xuất ngũ trở về quê hương Hải Dương, anh Hướng lập gia đình với người con gái cùng quê. Hạnh phúc tưởng như trọn vẹn khi hai đứa con một trai một gái chào đời. Chồng cày ruộng, vợ chăn tằm dệt vải, giấc mơ suốt những năm tháng chiến tranh của anh vậy là đã trở thành hiện thực. Nhưng nào ai biết được chữ ngờ. Hai đứa con không thể khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, đứa bại liệt, đứa cứ ngơ ngẩn cả ngày.
Cuộc sống quá khó khăn nên anh dắt díu gia đình từ Hải Dương vào Đồng Nai mưu sinh. Anh làm cật lực để có thể vun vén cho gia đình bé nhỏ bất hạnh của mình. Nhưng không có gì sáng sủa khi anh dần mất sức lao động, chân tay bủn rủn không thể làm việc được, giọng nói bắt đầu ngọng nghịu. Sau mấy năm, anh chỉ có thể đi lại lẩy bẩy trong nhà, ngay việc cầm chổi quét nhà cũng không nổi. Đúng lúc đó người vợ bỏ ra đi. Bố nhìn con, chị em chúng nó nhìn nhau - ngơ ngác trong căn nhà trống hoác tứ tung.
Rồi một ngày, chị Lanh xuất hiện.
Từ Hải Dương, chị vào thăm người bà con ở Đồng Nai. Mấy người đồng hương thấy chị đã ngoài 30 tuổi mà chưa lập gia đình liền mai mối cho anh Hướng. Đã 14 năm trôi qua, chị vẫn không bao giờ quên được buổi chiều lần đầu tiên đến nhà anh. “Anh ngồi trong góc nhà nhìn ra cửa, thằng Bảy nằm trên chiếc giường rách nát hết hát lại khóc. Đứa chị đã lớn ngồng rồi mà ngơ ngẩn không biết nhóm bếp nấu cơm. Cái bếp lạnh teo lạnh ngắt như mấy năm rồi chưa được nhóm, gà bới tứ tung” - chị nhớ lại.
Lặng lẽ không nói một lời, kéo vạt áo lau vội giọt nước mắt, chị đi nhóm bếp, thổi một nồi cơm, nấu một nồi canh rau cho ba bố con anh ăn rồi quay về. “Đó là bữa cơm ngon nhất mà ba bố con tui được ăn từ khi mẹ nó bỏ đi”- anh Hướng không quên được bữa cơm chiều hôm đó. Trời nhá nhem tối, trên đường về nhà chị Lanh vấp ngã mấy lần, nước mắt rưng rưng.
“Lúc bà ấy đến, tui nghĩ đời nào người ta chấp nhận lấy mình. Bố thì không cầm nổi chén cơm, con thì đứa nằm một chỗ, đứa bị dở hơi. Ai mà chịu. Nấu cho bữa cơm là người ta thương mình lắm rồi” - anh Hướng nhớ lại. Nhưng sáng hôm sau, chị Lanh quay lại ngôi nhà rách nát ấy trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Chị nói với anh khỏi cần cưới hỏi làm gì, chị thương anh với hai đứa con vậy là đủ rồi.
Ngồi bên người chồng bệnh tật, chị Lanh nhìn cậu con trai nằm ngửa trong lòng mình, cười bẽn lẽn: “Khi đó bước vào căn nhà rách nát, nồng nặc mùi nước tiểu, ba bố con anh ngồi nhìn nhau đờ đẫn, tui chỉ thấy thương như ruột thịt của mình”. Chị trở thành vợ, thành mẹ như thế. Bếp lửa mỗi tối lại được nhóm lên.

Mẹ kế và con chồng... - Ảnh: Ngọc Nga


Hạnh phúc nơi góc bếp
Chấp nhận làm vợ, làm mẹ của gia đình bất hạnh ấy chị Lanh mặc bao lời gièm pha “nuôi chồng nuôi con người dưng”. Chị chỉ nghĩ đơn giản: “Số kiếp mình đã nhỡ nhàng chẳng mong được chăm sóc, chỉ mong có một mái ấm để vun vén. Tối về đỏ lửa thổi cơm, sáng dậy quét tước cửa nhà vậy là vui lắm rồi”. Chính ước mơ ấy đã khiến chị ở lại với bố con anh mười mấy năm nay, làm lụng quần quật mà không một lời than trách. Vẫn thấy cuộc đời mình ấm áp khi tối về còn được đỏ lửa, bón cơm cho con, bưng nước cho chồng.
Con trai anh Hướng, Phạm Văn Bảy, năm nay đã 28 tuổi, nằm một chỗ, nói cười như đứa trẻ chỉ mới lên ba. “Thương mẹ Lanh lắm, mẹ Lanh cho ăn cơm nè, tắm nè, thay đồ nè. Mẹ Lanh không bỏ bố con Bảy đi đâu nhé. Mẹ Lanh đi làm về có bánh để ăn nữa. Thương mẹ Lanh lắm”. Bảy vỗ tay nói thật to. Chị Lanh nở nụ cười khi nghe những lời đó của Bảy vọng ra, ánh mắt chị lấp lánh niềm hạnh phúc. Niềm hạnh phúc khi chấp nhận hi sinh để yêu thương.
Đất đai không có, chị đi làm thuê cho người này đến người khác khắp trong xã. Từ phơi sắn, bóc vỏ hạt điều đến trồng rau, nhổ cỏ... ai thuê gì làm nấy. “Chịu khó thì mới có đủ cho mấy bố con có miếng ăn. Bệnh tật mà nhiều lúc ăn uống kham khổ tội nghiệp lắm” - chị Lanh tâm sự. Ngày nào cũng vậy, chị phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị cơm buổi sáng, buổi trưa cho cả nhà rồi đi làm. Tối về chị lại giặt giũ cơm nước, lau dọn nhà cửa. Một ngày của chị không có phút ngơi nghỉ nào cho riêng mình.
Hôm chúng tôi đến nhà, chị đang đi khắp nơi để tìm cô con gái năm nay đã 33 tuổi bị tâm thần bỏ nhà đi hai hôm nay. Về nhà chị buồn rầu vì vẫn chưa có tin tức gì của con gái. Lo cơm nước buổi trưa cho bố con xong, chị lại vội vã đi lấy thuốc cho cậu con trai mấy hôm nay đang lên cơn sốt. Trong góc nhà, mẻ hạt điều nhận bóc vỏ đang làm dở.
Cuộc sống gia đình một tay chị chăm lo gánh vác. Ngoài khoản trợ cấp nạn nhân chất độc da cam 250.000 đồng/tháng của Bảy ra, cả nhà chỉ biết nhìn vào số tiền làm mướn của chị. Những lúc bố con anh đi bệnh viện, chị chỉ biết chạy vạy khắp nơi vay tiền. Cuộc sống cứ vậy, thiếu trước hụt sau. Đôi lúc cảm thấy mệt mỏi nhưng không bao giờ chị định bỏ đi. “Ốm đau khỏe mạnh gì thì cũng là chồng mình, con mình mà!".
***
Mấy hôm nay mẹ chị ở Hải Dương đang ốm, chị nóng ruột muốn về thăm mẹ nhưng chưa biết gửi chồng, gửi con cho ai để đi được. Lòng chị chất chứa bao nỗi lo. Nỗi lo nào cũng nặng trĩu...
NGỌC NGA