“Bấy giờ những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (c.15). Lần cuối cùng những người Pharisêu xuất hiện là ở 21,45, ở đó, tác giả Mt ghi nhận rằng họ biết Đức Giêsu nhắm nói trực tiếp về họ khi Người kể dụ ngôn các tá điền xấu xa. Trước đó, những người Pharisêu đã từng bàn bạc với nhau để tìm cách giết Đức Giêsu (12,14), và đã có ít là hai lần họ đến thử Người (16,1; 19,3). Lần này, họ cũng bàn bạc với nhau để hại Đức Giêsu, và kế hoạch của họ được tác giả Mt nói rõ: “Họ tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy”, chắc chắn là để có cớ thủ tiêu Người hoặc chí ít là phá hủy uy tín của Người.
“Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê, đến nói với Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta” (c.16).
Những người Pharisêu vốn là nhóm bảo thủ trong việc giữ luật. Họ luôn có một thái độ không khoan nhượng trong lãnh vực tôn giáo. Họ cử các môn đệ của họ đến gài bẫy hại Đức Giêsu. Đây là trường hợp duy nhất trong Tân Ước xuất hiện “các môn đệ của những người Pharisêu”. Chắc chắn họ sẽ thực hiện âm mưu đen tối của những người lãnh đạo trong nhóm Pharisêu. Để hại Đức Giêsu, những môn đệ Pharisêu bèn liên kết với những người thuộc phe Hêrôđê, một đảng phái chính trị của gia đình tiểu vương, nhiệt thành ủng hộ nhà cầm quyền Rôma.
Những người thuộc phe phái Hêrôđê và các môn đệ Pharisêu đến với Đức Giêsu. Họ bắt đầu cuộc nói chuyện bằng những lời lẽ ôn hòa và ngon ngọt. Họ gọi Đức Giêsu là “Thầy” (didaskale), một tước hiệu kính trọng, tương tự như tước hiệu “rabbi” (x. 23,8), nhưng trong Tin Mừng Mt, tác giả thường đặt trên miệng những người không phải môn đệ Đức Giêsu khi họ thưa với Người, ví dụ như trong 9,11; 12,38; 17,24; 19,16; 22,24.36. Rồi với một thái độ xu nịnh khá trơ trẽn, họ ca ngợi Người bằng những lời lẽ hết sức tốt đẹp. Họ giả dối nói rằng “Chúng tôi biết...”, sau đó liệt kê hàng loạt phẩm chất cao quý của Đức Giêsu và của giáo huấn của Người: “Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta”.
Sau khi đã hết lời tán dương với dụng ý lừa dối và ru ngủ, họ đột ngột nói với Đức Giêsu:“Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?" (c.17).
Vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái đang bị đế quốc Rôma đô hộ. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng bị đô hộ ấy chính là việc người ta phải nộp sưu đóng thuế. Cả chính quyền Rôma, những người cai trị, lẫn dân chúng Do Thái, những người bị trị, đều rất quan tâm đến vấn đề thuế khóa. Một bên muốn thu được càng nhiều càng tốt, bên kia thì coi việc đóng thuế là một gánh nặng rất khó chấp nhận của ách đô hộ. Hơn nữa, vấn đề còn mang tính chất thần học. Những người thuộc nhóm Nhiệt Thành chủ trương rằng sự công nhận quyền thống trị của đế quốc Rôma khi người ta nộp thuế cho chính quyền Rôma chính là điều trực tiếp đối nghịch với lệnh truyền thứ nhất, là lệnh truyền đòi hỏi người ta phải công nhận Thiên Chúa là Chủ Tể độc nhất (Đnl 6,5). Bên cạnh đó, các nhóm Do Thái cực đoan vẫn coi việc sử dụng đồng tiền Rôma (với hình ảnh, đế hiệu và các biểu tượng quyền bính của hoàng đế Rôma) là một kiểu thờ ngẫu tượng, điều bị kết án bởi lệnh truyền thứ hai (Đnl 5,8). Như thế, có hàng loạt những khía cạnh chính trị, kinh tế, xã hội, dân tộc, tôn giáo quyện chặt vào với nhau trong vấn đề nộp thuế hay không nộp thuế cho Xêda. Cũng chính vấn đề này đã dẫn đến một cuộc phản kháng gay gắt của dân Do Thái tại đền thờ vào năm 6 CN.
Chính trong bối cảnh đó, các môn đệ Pharisêu và những người thuộc phe Hêrôđê đã đặt ra cho Chúa Giêsu một câu hỏi rõ ràng, và xin Người cho ý kiến trong thẩm quyền của một vị Thầy. Họ đóng vai những người Israel mộ đạo với một lương tâm tế nhị đang đứng trước một trong những vấn đề rất khó khăn. Nhưng thực ra, họ đang phun nọc độc với một ý hướng gian trá.
Quả thực, nếu Đức Giêsu trả lời rằng người ta được phép nộp thuế cho Xêda, thì Người sẽ bị dân chúng phản đối và không xứng đáng được coi là một ngôn sứ. Nhưng ngược lại, nếu Người nói rằng không, thì Người sẽ bị coi là kẻ chống đối chính quyền Rôma và xúi giục dân chúng làm loạn. Chắc chắn Người sẽ phải gặp rắc rối lớn với chính quyền. Người ta sẽ có cớ để bắt Đức Giêsu và tiêu diệt Người.
“Nhưng Đức Giêsu biết họ có ác ý, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!” (c.18). Đức Giêsu không ngần ngại vạch trần bộ mặt giả dối của những kẻ đang muốn thử Người. Sự tế nhị lương tâm mà họ đang cố tỏ bày thật ra chỉ là giả tạo. Cũng là giả tạo sự quan tâm mà họ đang cố bày tỏ về một vấn đề rất thời sự mà nhiều người đang cảm thấy khó khăn khi phải lấy lập trường. Càng giả tạo hơn nữa khi trong thực tế, họ vẫn hàng ngày sử dụng đồng tiền Rôma để giao dịch buôn bán, tức là họ đã minh nhiên và thường xuyên nhìn nhận quyền bính của Xêda từ lâu rồi. Chính theo ba nghĩa đó mà Chúa Giêsu chẳng ngại ngần nói rõ họ là những kẻ giả hình. Chỉ có một sự thật duy nhất nơi họ mà thôi; đó là họ đang âm mưu và nỗ lực tìm cách đẩy Người vào một tình cảnh khó khăn.
Rồi Đức Giêsu yêu cầu: “Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!" (c.19a). Người không chấp nhận cách đặt vấn đề của những kẻ đang muốn thử Người. Người không để mình bị rơi vào vòng xoáy của những vấn đề lý thuyết. Người muốn tiếp cận vấn đề một cách cụ thể và thực tiễn. “Họ liền đưa cho Người một quan tiền” (c.19b). Hóa ra trong túi đám người đang tỏ vẻ trung thành với những điều răn của Thiên Chúa lại luôn có sẵn đồng tiền của đế quốc Rôma với những hình ảnh và chữ viết bị coi là phạm thượng! Như thế, trong thực tế, họ đã chọn sẵn cho mình, từ lâu rồi, một giải pháp cho vấn đề mà họ đang đặt ra cho Chúa Giêsu để thử Người. Họ chấp nhận lập trường được nộp thuế. Họ nhìn nhận quyền bính của Xêda.
Quan tiền mà họ đưa cho Chúa Giêsu xem là một đồng denarius. “Người hỏi họ: "Hình và danh hiệu này là của ai đây?" Họ đáp: "Của Xêda" (cc.20-21a). Denarius là đồng quan có khắc hình và danh hiệu của hoàng đế Rôma: TI CAESAR DIVI AUG F AUGUSTUS (nghĩa là: Tiberiô, Xêda, con trai của Augustô thần thánh). Người Do Thái luôn kịch liệt phản đối hình ảnh và những dòng chữ khắc trên đồng quan này, vì họ coi đó là sự xúc phạm lệnh truyền thứ hai của Thiên Chúa. Xét về nguồn gốc, bản chất và hình ảnh, đồng quan này thuộc về Xêda và là dấu hiệu ảnh hưởng của Xêda.
“Bấy giờ, Người bảo họ: "Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa" (c.21b). Điều rất đáng chú ý ở đây là cách sử dụng động từ của Chúa Giêsu. Những người Pharisêu đặt vấn đề “có được phép nộp thuế cho Xêda hay không”; Chúa Giêsu dạy phải trả về Xêda cái của Xêda. Rồi Người đi xa hơn nữa, để đặt vấn đề vào một khung cảnh rộng lớn hơn, và do đó, chính xác và đầy đủ hơn: “Phải trả về cho Thiên Chúa những thực tại của Thiên Chúa”.
Rõ ràng Chúa Giêsu muốn đặt mọi sự đúng vào vị trí của nó trong bậc thang giá trị. Người không hề có ý đặt Thiên Chúa và Xêda trên cùng một bình diện. Người không biện minh cho việc quy phục hoàng đế, cũng chẳng vi phạm các quyền của hoàng đế. Người khẳng định mạnh mẽ quyền của Thiên Chúa và cho thấy đó mới là điều quan trọng nhất. Chỉ từ chối nộp thuế thôi thì chưa đủ; người ta còn cần phải thoát khỏi sự tùy thuộc vào các trật tự mau qua để chỉ tìm kiếm trước hết là sự công chính của Thiên Chúa (x.6,33). Nhưng nếu thỏa hiệp với quyền bính thế tục và sức mạnh đồng tiền để gây ra hay tiếp tay gây ra những bất công và thảm cảnh cho người nghèo, vốn là những người Thiên Chúa yêu mến như là sản nghiệp riêng của Ngài, thì đó là điều xấu xa không thể chấp nhận.
“Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để Người lại đó mà đi” (c.22). Thái độ ngạc nhiên này của các môn đệ Pharisêu và những người thuộc phái Hêrôđê là điều dễ hiểu. Không chỉ thất bại trong âm mưu đặt bẫy Chúa Giêsu, họ còn bị vạch trần bộ mặt giả hình, và nhất là được mời gọi làm một cuộc hoán cải đích thực và không dễ dàng.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ
1. Sự giả hình của nhóm Pharisêu và những người thuộc phe Hêrôđê đã bị Chúa Giêsu vạch trần và nghiêm khắc phê phán. Tiếc thay, trong rất nhiều trường hợp, chúng ta cũng giả hình chẳng kém gì những người đó.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ
1. Sự giả hình của nhóm Pharisêu và những người thuộc phe Hêrôđê đã bị Chúa Giêsu vạch trần và nghiêm khắc phê phán. Tiếc thay, trong rất nhiều trường hợp, chúng ta cũng giả hình chẳng kém gì những người đó.
2. Kitô hữu là công dân Nước Trời và đồng thời là công dân trần thế. Có những người cực đoan theo hướng đặt nặng các giá trị của tư cách công dân Nước Trời đến mức độ xem thường và thậm chí bỏ qua các giá trị riêng biệt của tư cách công dân trần thế. Lại có những người cực đoan theo hướng ngược lại: đề cao tư cách công dân trần thế và xem nhẹ những giá trị và đòi buộc của tư cách công dân Nước Trời. Cả hai thái độ sống cực đoan đó đều không đúng. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta: “Của Xêda hãy trả về cho Xêda; của Thiên Chúa hãy trả về cho Thiên Chúa”. Bởi lẽ, hai tư cách công dân Nước Trời và công dân trần thế không hề đối kháng hay mâu thuẫn nhau.
3. Thực ra, ơn cứu độ của Thiên Chúa là ơn cứu độ con người toàn diện, chứ không phải chỉ là chuyện của linh hồn thiêng liêng thuần túy. Sự kiện Đức Giêsu nghiêm túc xem xét quan tiền Rôma và đối diện một cách cụ thể và thực tiễn với vấn đề mà những đối thủ của Người đã đặt ra, chứng tỏ Người không hề xem nhẹ những thực tại thực sự của con người. Công Đồng Vaticanô II sẽ khẳng định mạnh mẽ và dứt khoát: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô; và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Gaudium et Spes, số 1).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét