Ai cũng muốn được đến gần hơn để nhìn rõ hơn, được chạm tay vào thần tượng vốn chỉ được nhìn qua màn hình. Không ít bạn nữ đã khóc nức nở khi lần đầu tiên nhìn thấy 4 chàng trai bằng xương bằng thịt. Thậm chí có em bị ngất xỉu khi la hét cổ vũ. Hơn 20 vệ sĩ được huy động nhưng cũng phải mất gần 20 phút để “giải thoát Westlife” khỏi các fan cuồng nhiệt…
Các bạn trẻ yêu mến thần tượng của mình như thế đấy. Còn chúng ta yêu Thiên Chúa, Thần Tượng của mọi thần tượng như thế nào? Có hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn; hay ít ra một nửa lòng, một nửa linh hồn và một nửa trí khôn chưa?
“Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Đó là giới luật yêu mến đã được khắc ghi trên bia đá mà hết thảy mọi người Do Thái đều phải thuộc làu. Và tất nhiên đây cũng là điều răn mà tất cả mọi người Công giáo phải thuộc nằm lòng. Thế nhưng, điều răn yêu mến không chỉ dừng lại ở đó. Chúa Giêsu đã liên kết điều răn yêu người và điều răn mến Chúa làm một với nhau, đến độ dường như không thể tách rời được.
Các tín đồ Hồi giáo rất coi trọng luật buộc hành hương thánh địa Mecca vì đây là nơi sinh của đức giáo chủ Mahomet. Họ có một câu chuyện ngụ ngôn rằng:
Ngày xưa, vua các loài mèo cũng đi hành hương thánh địa Mecca. Khi ngài trở về, vị vua các loài chuột nghĩ rằng mình có bổn phận phải đến chúc mừng. Tuy nhiên, các bề tôi chuột ái ngại cho tính mạng của vua mình. Họ tâu: “Mèo là kẻ thù của chúng ta. Không thể tin cậy được”. Nhưng vua chuột đáp: “Ông ta đã đi hành hương thánh địa, cho nên chắc là tâm tính của ông đã thay đổi”.
Thế là vua chuột tìm đến hoàng cung của vua mèo. Mới tới cửa thì vua chuột đã thấy vua mèo đang nằm mọp cầu kinh rất sốt sắng. Vua mèo thấy an tâm, tiến vào gần hơn chút nữa. Đột nhiên vua mèo chồm lên định vồ lấy vua chuột. Rất may là nhờ nhanh hơn nên vua chuột kịp phóng ra ngoài thoát thân.
Khi vua chuột trở về nhà, các bề tôi hỏi: “Phải chăng là sau khi hành hương thánh địa trở về, vua mèo đã thay tâm đổi tính?” Nhưng vua chuột đáp: “Các ngươi đã đoán đúng, còn ta thì sai”.
Câu chuyện tưởng tượng trên muốn giúp ta thấy rằng thật là nguy hiểm nếu tách riêng 2 điều răn mến Chúa và yêu người.
Thiên Chúa là Tình Yêu và là nguồn của mọi tình yêu. Vì thế, nếu yêu Chúa thật thì cũng phải yêu người. Chỉ yêu Chúa mà không biết yêu người là không phải Kitô hữu đúng nghĩa.
Trong những ngày qua, hình ảnh bé Yue Yue bị hai chiếc xe tải cán đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận Trung Quốc. Bên cạnh sự phẫn nộ đối với các tài xế, cư dân mạng còn phê phán thái độ thờ ơ của 18 người đi đường. Họ đã bước qua vị trí bé Yue Yue nằm trong suốt 7 phút, trước khi một người phụ nữ nhặt rác xuất hiện và cứu bé gái. Tuy nhiên, tin tức mới nhất cho biết bé Yue Yue đã tắt thở, dù được các bác sĩ tận tình nỗ lực cứu chữa suốt 7 ngày qua.
Truyền thông và các mạng xã hội ở Trung Quốc đang sục sôi bàn về đạo đức xã hội sau vụ bé Yue Yue, bởi đây không phải là lần đầu tiên có việc người gặp nạn bị những người xung quanh bỏ mặc. Nhiều người đã kết luận: “Chủ nghĩa vật chất lan nhanh sau nhiều thập kỷ phát triển kinh tế thần tốc được cho là góp phần tạo nên một thứ văn hoá lãnh đạm trong đời sống con người. Xã hội đang đi lên, nhưng tình người thì lại đi xuống. 18 người qua đường đã sợ chuốc lấy rắc rối nên bỏ mặc bé Yue Yue. Và chính thái độ thờ ơ của họ là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến cái chết của bé”.
Không biết trong số 2 tài xế gây ra tai nạn và 18 người đi qua, bỏ mặc bé Yue Yue nửa sống nửa chết như thế có ai là người Công giáo hay không. Nếu có thì thật đáng buồn.
Trong cuộc sống, ta thấy rằng sẽ là phản chứng vô cùng nếu chính chúng ta, những người Công giáo không biết sống yêu thương, trái lại, còn gây gương mù gương xấu cho lương dân.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Sống giữa người Công giáo lâu năm ngay trong một xóm hầu hết có đạo, có những người ngoại giáo vẫn không thèm theo đạo với một lý do rất đơn giản: “Bọn người có đạo mà có tốt hơn tí nào đâu. Vợ chồng cứ chửi nhau suốt ngày; con cái cứ trộm cắp như rươi”. Có người còn cấm con cái mình chơi với người có đạo vì sợ con mình hư hỏng do những đứa cùng trang lứa có đạo. Tin đạo chứ không tin người có đạo vẫn là câu nói nơi cửa miệng của họ. Mực thì đen nên làm sao cho người ta sáng lên được?! (x. F.X. Trần Kim Ngọc, “Gương xấu: Một cản trở cho việc giới thiệu Chúa cho dân ngoại?”).
***
Hằng năm, cùng với Giáo Hội toàn cầu, Giáo hội Việt Nam tổ chức ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo và phát động công việc truyền giáo rộng rãi khắp các xứ các miền; tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là kết quả của việc truyền giáo chưa có là bao, vì người Kitô hữu vẫn chưa triệt để sống điều răn yêu thương.
Truyền giáo bằng việc giảng dạy, bằng sách báo, bằng các lớp giáo lý, bằng các lễ nghi, bằng các hoạt động tôn giáo, thực tế là rất cần; nhưng cách truyền giáo hữu hiệu nữa là chính nếp sống đạo đức nổi trội của chúng ta về tình yêu thương: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em hãy thương yêu nhau”. Tình yêu thương hiệp nhất giữa mọi người trong gia đình, trong hội đoàn, trong giáo xứ là dấu chỉ loan báo Tin Mừng hữu hiệu nhất, giá trị nhất.
Tình yêu thương hiệp nhất ấy được thể hiện qua cách suy nghĩ, cách phán đoán, cách chọn lựa, cách đối xử, cách phản ứng, cách hiện diện, cách nói năng, ăn uống, giải trí, cách dùng thời giờ, sức khoẻ, của cải,… Khi tất cả nếp sống của ta phảng phất hương thơm của tình yêu thương thì dù ở đâu, nếp sống ấy cũng là truyền giáo.
Một linh mục lớn tuổi rất đáng kính kể lại câu chuyện này:
Ở Hàn Quốc đã có lúc có cuộc gia nhập Đạo Công giáo một cách ồ ạt và tập thể, đến nỗi người Công giáo không biết phải làm thế nào để giúp những người mới trở lại. Họ đành phải nói với những anh chị em tân tòng: “Anh chị em cứ nhìn chúng tôi sống thế nào thì anh chị em bắt chước mà sống như thế”.
Người Công giáo Hàn Quốc nói được như vậy quả là tuyệt vời! Vì không gì bằng gương sáng của một đời sống đức tin lành thánh, yêu thương, bác ái cụ thể mà người tân tòng cảm nhận được qua tiếp xúc cá nhân với anh chị em cựu tòng! (x. Giêrônimô Nguyễn Văn Nội, “Tiếp xúc cá nhân là cách truyền giáo đơn sơ và dễ thực hiện nhất”).
Ước gì mỗi người chúng ta biết giới thiệu Chúa cho anh chị em mình bằng chính đời sống chứng tá yêu thương trong cuộc sống hằng ngày. Để rồi chính chúng ta cũng có thể nói được, như người Công giáo Hàn Quốc, với đồng bào lương dân của mình: “Anh chị em cứ nhìn chúng tôi sống thế nào, thì anh chị em bắt chước mà sống như thế”. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét