Kỳ 1: Nỗi lòng Ly “vé số”
Có một người phụ nữ khi nói phải thật lâu mới được một tiếng, khi đi thì chân liêu xiêu như say rượu. Nhưng chính chị đã một tay nuôi dạy hai cô con gái và chăm sóc người chồng bị bệnh tâm thần của mình bao nhiêu năm nay với một niềm tin mãnh liệt:“Con mình sẽ học hành thành tài, chồng mình sẽ hết bệnh”. Chị là Trần Thị Mỹ Ly, người mà dân ở khóm 3, phường 3, TP Vĩnh Long thường gọi với biệt danh quen thuộc: Ly “vé số”.
Vợ chồng chị Ly - anh Minh, cặp “rổ rá” đầy hạnh phúc - Ảnh: Ngọc Nga |
"Số" và "phận"
“Con ở đây ngoan chiều ba mẹ tới đón nhé”, đã hơn 40 năm trôi qua Mỹ Ly vẫn không thể quên được lời hứa của ba mẹ khi đưa chị vào tu viện Cái Mơn vào một ngày mưa tầm tã. Nhưng buổi chiều đó chẳng bao giờ đến. Hình bóng ba mẹ ngày càng nhạt nhòa, chỉ còn câu nói ấy không bao giờ phai được. Cô bé Mỹ Ly thành thiếu nữ, vẫn chiều chiều ra cổng ngóng trông!
Ngày thống nhất đất nước, tu viện đóng cửa. Mỹ Ly lang bạt khắp nơi. Bị chứng kinh phong bẩm sinh, giọng nói ngọng nghịu, dáng đi khập khiễng nên chẳng có ai nhận chị vào làm. Cuối cùng một người thương tình đã nhận chị vào phục vụ quán phở. Sự thông minh của chị đã khiến ông bà chủ tin tưởng, dần dần giao cho công việc quản lý. Tại đây, chị đã gặp người thanh niên tên Trần Ngọc Minh. Là một thanh niên khỏe mạnh, hằng ngày anh chở giá đậu tới bỏ mối ở quán phở nơi chị Ly đang làm. Cô gái nói không rành, đi không vững nhưng sắc sảo và thông minh đã khiến anh đem lòng yêu mến. Sau những mặc cảm, chối từ của chị, cuối cùng họ cũng nên vợ nên chồng. Ngày cưới, ba mẹ chồng tuyên bố từ mặt con trai và không bao giờ chấp nhận một người con dâu tật nguyền.
Cưới nhau xong, vợ chồng chị Ly dắt díu nhau đi khắp nơi kiếm sống, đến nơi nào cũng ở nhà mướn tạm bợ qua ngày. Khi hai cô con gái Mỹ Ngọc và Mỹ Tiên ra đời, hai vợ chồng chị về ở hẳn thành phố Vĩnh Long, vẫn là những căn phòng trọ bé tẹo, xập xệ. Tưởng vậy rồi cuộc sống sẽ dần khá lên khi vợ chồng chăm chỉ làm thuê làm mướn nuôi con. Nhưng anh Minh đột nhiên đổ bệnh tâm thần phân liệt khi bé Ngọc lên 4, bé Tiên lên 1. Những khó khăn, vất vả của cuộc đời chị dường như chỉ mới bắt đầu.
Để có tiền nuôi chồng con, chị Ly chạy làm mướn khắp nơi. Làm cả ngày mà vẫn không đủ tiền mua bột cho con, mua thuốc cho chồng, chị quay qua bán vé số. Bước chân chông chênh, xiêu vẹo của chị đi khắp nơi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Ấy vậy mà thỉnh thoảng lại bị đuổi ra khỏi nhà trọ vì không có tiền đóng. Một lần, tới ngày đóng tiền nhà thì bé Tiên lên cơn sốt, chị dồn hết số tiền có được mua thuốc cho con. Bà chủ đuổi cả nhà ra đường khi trời bắt đầu tối, mặc nồi cơm của chị đang sôi dở. “Có tiền thì tới đóng rồi mới được chuộc đồ về” - bà nói như đinh đóng cột. Chị dắt chồng con đi lang thang ngoài đường khi trời sẩm tối. Đứa con gái bé bỏng run rẩy lên cơn sốt trong tay, chồng ngẩn ngơ đi theo, chị nghẹn ngào chẳng biết đi về đâu.
Con lớn lên chút, bắt đầu đi học, đôi chân chênh chao của chị càng đi nhiều hơn. Ngày bán vé số, tối về ai kêu gì làm đó. Người kêu ẵm con, người kêu giặt đồ... việc gì chị cũng sẵn sàng làm. Khi chị trở về căn phòng trọ nhỏ bé thì hai đứa con đã say giấc. Hôm nào chồng không lên cơn thì chị được ngả lưng một chút, hôm nào chồng trở bệnh đi lang thang thì chị lại lội bộ đi kiếm khắp nơi. Có hôm kiếm được chồng về cũng là lúc trời sáng, chị cầm xấp vé số đi khắp phố phường mà đầu óc như trên mây...
Niềm hi vọng
Một lần, không có ai coi, chị dắt con đi theo bán vé số. Thấy hai đứa bé xinh xắn, một đôi vợ chồng Việt kiều Mỹ tìm tới tận nhà trọ năn nỉ xin hai đứa bé. Nếu đồng ý, vợ chồng chị sẽ được một căn nhà đầy đủ tiện nghi và 10.000 USD. Lúc ấy chị chối từ bởi:“Con là niềm hi vọng lớn nhất của tui, hơn nữa tui đã từng mồ côi nên hiểu tình thương cha mẹ cần thiết như thế nào!" - chị nói chậm rãi từng lời như rút từ tận tâm can.
Có những lúc quá khó khăn, nhiều người khuyên chị cho hai đứa nhỏ nghỉ học ở nhà phụ bán vé số nhưng chị lắc đầu. “Mẹ cầm tờ vé số đi ngoài mưa nắng để con được cầm cây viết ngồi trong nhà. Nếu hai con không chịu khó học thì mẹ chẳng còn sức lực mà đi tiếp đâu”- chị dặn con như vậy. Rồi người mẹ tật nguyền hồ hởi nói tiếp: “Cô giáo chủ nhiệm bé Ngọc mới gặp tui ngoài chợ, khen nó vừa ngoan lại vừa học giỏi. Cô bảo đang xin học bổng Trần Đại Nghĩa cho nó. Nghe xong tui hết mệt luôn”. Nụ cười rạng rỡ nở trên khuôn mặt sương gió của người mẹ này.
Mỹ Ngọc năm nay học lớp 10, ước mơ được học đại học kinh tế để kiếm tiền cho bố mẹ đỡ khổ. Còn Mỹ Tiên năm nay học lớp 7, ước mơ làm bác sĩ để chữa bệnh cho bố mẹ.
“Ở đời nhiều người tốt lắm” - dù cuộc đời nhiều thiệt thòi nhưng chị Mỹ Ly vẫn luôn tin như vậy. Trong câu chuyện khó nhọc, chị dành nhiều thời gian để nhắc về những người đã giúp đỡ mình qua cơn khốn khó. Anh Tám công an cho mướn phòng trọ trong cái đêm cả nhà chị bị đuổi lang thang ngoài đường, anh cũng cho mượn tiền để chuộc đồ sau đó. Anh Lượng - một thành viên hội đồng nhân dân TP Vĩnh Long, lo thủ tục giấy tờ để con chị được tới trường...Bà con lối xóm có gì cũng gói ghém mang cho.
Trong căn nhà nhỏ mới xây bởi chương trình “Chắp cánh ước mơ” của Đài truyền hình Vĩnh Long và báo Vĩnh Long, chị Ly rưng rưng: “Cả đời đi ở trọ, đâu dám mơ tới. Vậy mà cuối cùng cũng có được căn nhà. Tui biết ơn mọi người lắm!”.
Trong túi xách của chị, ngoài những tờ vé số còn có những cuốn sách có tựa như: Tư duy tích cực, Tổ chức cuộc sống, Quà tặng cuộc sống... Đó là những cuốn sách mà khi tham gia những khóa học do Hội Khuyết tật TP Vĩnh Long tổ chức người ta tặng chị. Cuốn nào chị cũng đọc đi đọc lại đến sờn mép. “Mình nghèo nhưng không thể vì vậy mà để mình trở nên ngu dốt được. Muốn chăm sóc chồng con tốt thì phải hiểu biết chớ” - chị Ly chia sẻ bằng giọng nói ngọng nghịu.
Ngồi trong ngôi nhà nhỏ bé nép mình bên con hẻm, nhìn chị lật những tờ giấy khen từ năm con học lớp 1 được gói ghém cẩn thận trong bọc nilông khoe với khách, tôi thấy cuộc đời của chị tràn ngập niềm tin. Cạnh chị, người chồng ngây dại đang cười theo chị. Ừ, thì dù là rổ hay rá, cuối cùng họ vẫn có nhau...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét