Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

23 tháng 10, 2011

ĐIỀU RĂN LỚN NHẤT

Năm 1965, trong khóa IV Công Đồng Vaticanô II, nhiều Nghị Phụ trầm trồ ca tụng cử chỉ cao đẹp của ĐHY Léger, TGM Montrea (Canada), sắp xin từ chức, sang giúp người cùi ở Phi-châu. Đức Cha Ximong-Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục giáo phận Đà lạt, thưa cùng các Nghị phụ: Bên Việt nam chúng con, đã 10 năm nay, có một vị Giám mục đang làm Cha xứ, Giám đốc và Y tá một trại cùi ở địa phận Đà lạt chúng con”. Các Nghị phụ bỡ ngỡ, vì một biến cố như vậy, mà không mấy ai hay biết…
Vị giám mục đó là Đức Cha Cassaigne giám mục Sài gòn từ 1941 đến 1955, vị linh mục trẻ Cassaigne đến Sài gòn năm 1926, được bài sai đi nhận thí điểm truyền giáo Di linh. Nơi thí điểm truyền giáo này một Công trình vĩ đại, được khắp nơi biết đến, là trại phong Di linh
Ngài tiếp xúc với người Thượng, học tiếng của họ, dạy học và chữa bệnh cho những người Thượng bị phong, đó là những công việc thường ngày của Cha Cassaigne từ khi ngài tiếp nhận điểm truyền giáo Di linh. Ngài điều hành tổng quát, chăm lo đời sống tinh thần, người lo nuôi sống thể xác và băng bó các vết thương cho bệnh nhân. Hằng tuần, ngài đến làng cùi 3 lần để chữa bệnh và phát thuốc. Những người bệnh nặng không tới phòng phát thuốc được thì được ngài đến chăm sóc tại chòi của họ. Và mỗi tuần một lần, vào ngày thứ bảy, ngài đến phân phát lương thực cho dân làng : gạo, cá khô, muối, thuốc hút.
Ngày 24.02.1941, Cha Cassaigne nhận được quyết định bổ nhiệm ngài làm  người kế vị Đức Cha Dumortier trong sứ vụ Giám mục Sài Gòn. Xa rời đàn con bất hạnh của ngài trong hơn 14 năm, ngày đêm ngài hằng nhớ tới họ ...và hình như ngài chỉ mong sao có ngày được đoàn tụ lại với họ. Và ngày đó đã đến thật !
Từ đầu năm 1947, sức khỏe của Đức Cha Cassaigne xấu đi rõ rệt. Thêm vào bệnh sốt rét cũ , và chứng suy gan của ngài, là sự giảm chất vôi cột sống rất đau đớn; và trên tất cả còn có một mối đe dọa : năm 1943, người ta đã tìm thấy trong cơ thể của ngài “vi trùng Hansen”.
Ngày 19.12.1954, kỷ niệm giáp năm thụ phong linh mục của ngài, Đức Cha khám phá trên cẳng tay, hơi xa cổ tay một chút, một vệt màu hồng. Ngài lấy kim chích vào chỗ da đó thì không cảm thấy đau đớn gì cả, và cái vệt kia ngày càng lan rộng ra…Ngày 24.02.1955. Đức Cha đi gặp các bác sĩ thuộc viện Pasteur Sài gòn. Kết quả xét nghiệm là : Phong cùi dạng lao thần kinh . Ngày 15.7.1955 Đức Cha xin từ nhiệm và về hưu tại làng cùi Di linh, tại đó ngài còn có thể phục vụ và tự chữa bệnh. Ngày 31.10.1973, ngài trút hơi thở cuối cùng giữa những con cái phong cùi của ngài như ngài đã ước nguyện. Ngài đã được mai táng bên cạnh ngôi nhà nguyện của người phong cùi, để họ có ngài ở với họ luôn mãi.
Lòng yêu mến Chúa đã là sức mạnh thôi thúc vị giám mục Cassaigne hiến thân phục vụ anh chị em mình, dù là những người con bị bệnh cùi hủi như Chúa Giêsu đã truyền dạy vang mọi thời đại:  “Yêu Chúa với tất cả trái tim và yêu người như yêu mình”.
Vào thời Đức Giêsu bốn vấn đề thường được người Do Thái tranh luận nhiều nhất :
  • Nộp thuế cho Xêda : là vấn đề đặt đối lập các nhóm Hêrôđê, Pharisêu và Nhiệt Thành (Quá Khích) như chúng ta đã thấy và cách giải quyết của Đức Giesu khiến cho nhóm Biệt phái và  nhóm Herode câm nín khi họ hợp tác gài bẫy Ngài (x. Mt 22, 15-21)
  • Sự sống lại của kẻ chết, gây tranh luận giữa người Biệt Phái tin có kẻ chết sống lại và người Xađốc không tin (x. Lc 20, 27 – 40 ), vấn đề này được phái Xađốc đặt ra
  • Điều răn lớn nhất, là mối bận tâm của người Do Thái tuân thủ luật Môsê nghiêm nhặt, tức phái Pharisêu
  • Vấn đề “con vua Đavít” (x. Mt 22,41-46),  được chính Đức Giêsu nêu ra
Vấn đề điều răn lớn nhất được bàn luận trong lại một cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và một vị tôn sư của Do Thái giáo; vị này hẳn là muốn làm sáng tỏ hoặc đào sâu giữa các điều răn điều răn nào trọng nhất: Luật Do Thái gồm cả thảy 613 điều được chia thành 248 điều phải làm và 365 điều phải tránh. Giữa các điều ấy có những điều nặng và những điều nhẹ. Phạm những điều nhẹ thì chịu phạt đền tội, còn phạm những điều nặng, có thể bị án tử hình. Các nhà thông luật thường tranh luận với nhau xem điều luật nào quan trọng nhất.
Chúa Giêsu đã đáp lại vấn nạn của nhà thông luật Pharisêu đặt ra về điều luật trọng nhất, bằng cách ghép lại hai điều luật của tình yêu: “Yêu Chúa với tất cả trái tim (Đnl 6,5) và yêu người như yêu mình” (Lv 19,18). Chúa Giêsu còn khẳng định: "Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy".(Mt 22, 40). Hai điều răn đều biểu lộ tình yêu : đến với Thiên Chúa và cho tha nhân.
Yêu thương bắt nguồn từ Thiên Chúa, thánh Gioan sau này đã  khẳng định : "Thiên Chúa là tình yêu… Ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa" ( 1Ga 4, 8. 16). Thánh Phaolô cũng căn dặn người tin : « Anh em hãy mặc lấy đức ái, đó là giềng mối của sự trọn lành ».
Yêu người là thước đo lòng yêu mến Chúa : “Ai không yêu người anh em mình thấy trước mắt, tất cả cũng không thể yêu mến Thiên Chúa mà mắt mình không thấy được” (1Ga 4,20).
Yêu Thiên Chúa là nền tảng là gốc cho yêu thương anh em : “Tình yêu tha nhân phải được nền trên tình yêu Thiên Chúa. Khi trái tim tôi thuộc trọn về Thiên Chúa thì ngay lúc ấy nó cũng thuộc trọn về tha nhân. Người ta chỉ có khả năng yêu tha nhân đến vô cùng khi được tình yêu Chúa chiếm hữu” (Rm 5,5).
Thánh Phaolô tái khẳng định điều đó: "Ai yêu thương người (điều răn thứ hai) thì đã chu toàn Lề Luật" (tức là đã giữ trọn tất cả các điều răn, kể cả điều răn thứ nhất là mến Chúa) (Rm 13, 8).
Trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh  Phaolô còn tái xác quyết mạnh mẽ: "Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời nầy: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy" (Rm 13, 9-10)
Thánh Giacobe khẳng định yêu thương là đỉnh cao của Kinh Thánh: “Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình"“ (Gc 2,8). Không những ta phải yêu thương những người chung quanh mình, hy sinh cho họ, mà còn phải làm sao để họ cũng sống yêu thương và thúc đẩy nhau sống yêu thương như tác giả thư Do Thái dạy : “Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt” (Dt 10,24).
Thánh Augustinô đã nói: Ama et fac quod vis, hãy yêu mến rồi làm gì cũng được. Thật thế, yêu Chúa hết lòng và yêu tha nhân làm cho ngôi nhà chúng ta trở thành một gia đình ngập hạnh phúc, khu xóm đầy tiếng cười, xã hội trọng văn minh tình thương.... Cộng đồng yêu thương trở nên dấu chỉ tình yêu và là sự sáng lan tỏa trong sứ vụ truyền giáo mà Chúa Giesu đã nhắn nhủ : "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga 13, 35).
"Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…." (thánh Phanxicô Assie)

                                    Lm. Vinh Sơn, Sài gòn 22/10/2011

Tác giả bài viết: Lm. Vinh Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét