Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

22 tháng 10, 2011

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN

NĂM A Suy niệm Tin Mừng Mt 22, 34-40 Điều răn trọng nhất của Cựu Ước, thế còn Tân Ước?


“Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”. Câu hỏi người thông luật trong nhóm Pha-ri-sêu đặt ra cho đức Giê-su chẵng có gì khó, cũng như câu trả lời của đức Giê-su chẳng có gì mới lạ, tất cả đã được ghi rõ trong Cựu Ước: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi (Đệ Nhị Luật 6,5)… Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình…(Lê-vi 19,18)”. Đối với những ai vốn thông hiểu luật thì câu trả lời là quá hiển nhiên, không thêm thắt gì được nữa. Thế nhưng đức Giê-su lại xác định thêm hai điều: cả hai điều răn này là quan trọng nhất và có liên quan mật thiết với nhau, và “tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”. Hai xác định này thật sự có ý gì trong tâm tư đức Giê-su? Khi ghi lại điều này, Mát-thêu chắc phải nhận thấy điều gì quan trọng lắm đối với các Ki-tô hữu tiên khởi gốc Do Thái.
Quả vậy, khi nhóm Pha-ri-sêu đặt vấn nạn này cho đức Giê-su, chắc hẳn họ phải ngầm thấy trong sứ điệp ngài rao giảng có điều gì đó rất khác lạ với nội dung truyền thống của Luật Mô-sê. Câu trả lời của đức Giê-su, tự nó, chẳng giải đáp gì cho thắc mắc họ muốn biết. Nó hoàn toàn đúng, căn cứ vào Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ Cựu Ước mà họ đã quá quen thuộc; thế nhưng đối với các môn đệ của đức Giê-su thì đây lại chính là chìa khóa để hiểu ‘điều răn mới’ ngài sẽ truyền lại sau này.
Bất cứ người Do Thái nào cũng đều biết phải tôn thờ và yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, lý do là vì chính cha ông họ đã ký kết bền chặt một giao ước để Gia-vê ban cho mọi sự, với điều kiện họ hết lòng tôn thờ và yêu mến ngài. Lịch sử đã minh chứng rắng mọi sự họ có được đều là nhờ Gia-vê. Ngài đã giải cứu dân riêng, cho họ chiến thắng kẻ thù và đất hứa làm gia nghiệp…vì thế họ phải yêu mến tôn thờ ngài hết lòng. Đối với Gia-vê là như thế, thì đối với cận thân cũng vậy: yêu người thân cận như chính mình có nghĩa là làm ơn để được hàm ơn lại, còn gậy oán sẽ bị báo oán. ‘Răng đền răng và mắt đền mắt’ là thế. Đúng là hai giới luật này liên quan chặt chẽ với nhau, và toàn bộ Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều đặt nền trên giao ước sòng phẳng này trong tương quan với cả Gia-vê lẫn cận thân.
Giao Ước mới mà đức Giê-su rao giảng vượt xa giới hạn Gia-vê chỉ ban sự sống và mọi ân huệ (chứ chưa phải ban chính ngài) cho những ai tốt lành thánh thiện. Giao Ước mới hệ tại ở việc Thiên Chúa trao nộp chính Con Yêu Dấu ngài cho loài người tội lỗi bất trung. Giao ước đó không còn đặt nền trên công bằng ‘do ut det – hòn đất ném đi hòn chì ném lại’ mà là trên lòng nhân ái xót thương Ngài ban ơn cứu độ cách nhưng không. Trong Tân Ước việc yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức sẽ không được coi như một bổn phận áp đặt ‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa…’, mà như một ân huệ đón nhận trong ân tình của người con ‘Ab-ba, Cha ơi!’. Cũng vậy, yêu người thân cận sẽ đi xa hơn rất nhiều cái tính toán của ‘thương người như thể thương thân’, trong đó tính sòng phẳng của ‘răng đền răng mắt đền mắt’ ‘hàm ơn trả oán’ vẫn là điều hợp lý. Nó sẽ trở thành ‘Hãy thương yêu nhau như chính Thày yêu thương anh em’, ‘Yêu và làm ơn cho cả kẻ thù…, tha thứ cho kẻ xúc phạm tới mình đến bảy mươi lần bảy…’. Nếu đúng là trong Cựu Ước, toàn bộ Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều qui về hai giới luật ‘phải yêu mến Đức Chúa hết lòng… phải yêu người thân cận như chính mình’, thì trong Tân Ước điều răn mới ‘mến Chúa yêu người’ chỉ có thể hiểu được trong nội dung Thập Giá của đức Giê-su Ki-tô. Chính Thập Giá, và chỉ Thập Giá mới cho thấy được cái khác lạ đích thực và tính ưu việt vượt trội của giới luật tình yêu mới. Chiêm ngắm và cử hành Thập Giá trở thành quan trọng biết bao trong Giao Ước Mới này; chẳ trách gì Phao-lô chỉ muốn biết duy nhất có một đức Giê-su Ki-tô Thập Giá.
Và tôi, một linh mục của Giao Ước mới, tôi cần tự vấn: mình vẫn rao giảng ‘mến Chúa yêu người’ trong nội dung luật Mô-sê và các sách ngôn sứ, hay trong nội dung của Thập Giá Đức Ki-tô tự hiến. Việc hàng ngày cử hành hy tế Thập Giá có giúp tôi và các tín hữu lãnh hội được Điều Răn Mới này hay không?
Lạy Chúa, nếu không chiêm ngắm Thập Giá, con sẽ chẳng bao giờ có thể yêu mến với tâm tình con thảo như Chúa muốn, đồng thời yêu mến tha nhân của con cũng sẽ chỉ luẩn quẩn trong tính toán hơn thua hạn hẹp. Xin dạy con, mỗi khi cử hành Thánh Lễ, bài học yêu thương như chính Chúa đã yêu thương và tự hiến cho các tội nhân, để chính con cũng dần được biến đổi nên của lễ dâng tiến Chúa. Amen
Tác giả bài viết: Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB


Photobucket

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét