Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

11 tháng 8, 2012

Ai ăn bánh sẽ được sống

CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN - NĂM B Suy niệm Tin Mừng Ga 6,41-51


            Phản ứng của người Do Thái trước câu tự giới thiệu của đức Giê-su, “Tôi là bánh từ trời xuống”, đã làm tôi khá ngạc nhiêu. Giữa hai vế của câu tuyên bố – ‘tôi là bánh’ và ‘từ trời xuống’ họ quan tâm tới vế thứ hai hơn. “Làm sao bây giờ ông ta lại nói: “tôi từ trời xuống”?” Nói như thế vì chính tôi vẫn thường chỉ hay quan tâm tới chi tiết ‘tôi là bánh hằng sống’ hơn.
Cũng dễ hiểu thôi! Vì lúc đó nhân vật đang tuyên bố câu nói ‘chướng tai’ đó (xem c.60) đang đứng sờ sờ trước mắt người nghe, “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Đối với người Do Thái câu ‘tôi là bánh’ có thể hiểu như một lối nói bóng bảy (metaphoric) vì thế không mấy khó chấp nhận. Sau này vì đức Giê-su cứ tiếp tục nhấn “bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây” (c.51) phản ứng họ mới là “làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (c.52) Đối với chúng ta ngày nay thì ngược lại, ‘bánh bởi trời’ không có vấn đề, quá dễ chấp nhận,. Tuy nhiên đoạn Tin Mừng hôm nay lại tập trung hơn vào vế thứ hai ‘tôi từ trời xuống”, và mời gọi tôi đào sâu hơn ý nghĩa của nó.
‘Từ trời xuống’ mang ý nghĩa xuất xứ, có nội dung cội nguồn; và xem ra nội dung này mới là điều được đức Giê-su quan tâm hơn hết. Man-na đã từng được người Do Thái gọi là ‘bánh bởi trời’ theo nghĩa đen, vì nó từ trời rơi xuống như những giọt sương đêm. ‘Người đã cho họ ăn bánh bởi trời’ (c. 31). ‘Bánh từ trời xuống’ theo lối nói của đức Giê-su rõ ràng không phải là một nơi chốn, mà là một nhân vật: Chúa Cha với tình phụ tử vô biên. ‘Từ trời xuống’ tức là mối tương quan phụ tử, và ‘ăn bánh từ trời xuống’ sẽ có nghĩa là đi vào tương quan Cha – Con đó. “Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.” Trong nội dung này tôi thấy hiện rõ ý nghĩa của ‘trường sinh’, ‘sống muôn đời’. Các điển ngữ này không mang nặng ý nghĩa thời gian, nhưng nhấn trên mối tương quan phụ tử đầm ấm, yêu thương và bất diệt;  “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là đấng đã sai tôi không lôi kéo người ấy… Tóm lại: bánh không phải là vật gì đó nhưng là một ai đó (Cf chú thích Ga 6,28 của Bernard và Louis Hurault trong Christian Community Bible), từ trời không phải là không gian mà là từ một tình yêu nhân hậu, trường sinh không phải là thời gian mà là một tương quan bền vững. Nếu quả là như thế thì nội dung của tuyên bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” phải là một lời mời gọi  đón nhận Tin Mừng thống thiết nhất. ‘Ăn bánh’ chính là tin vào đức Giê-su Ki-tô; ‘ăn bánh bởi trời’ là tin vào đức Giê-su Ki-tô để đi vào tương quan thần linh mật thiết Cha - Con; ‘ăn bành này sẽ được sống muôn đời’ là được ở lại cách bền vững trong tình yêu vĩnh cửu. Và như thế, trước khi ‘ăn bánh’ nói về Thánh Thể, với lời mời gọi cụ thể “hãy cầm lấy mà ăn”, ở đây tôi nghe thấy lời mời gọi tha thiết nhất: hãy tiếp nhận Tin Mừng, hãy tin vào đức Ki-tô Giê-su như hiện thân tình yêu của Chúa Cha, hãy đi vào và ở lại bền vững trong tình yêu đó; “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.”
Nếu đúng là như thế thì ‘ăn bành - Thánh Thể’ sẽ là tất cả của niềm tin Ki-tô; ‘ăn bánh bởi trời - Thánh Thể’ không chỉ đơn thuần là lãnh nhận một trong bảy bí tích, cho dầu là bí tích quan trọng nhất đi nữa; ‘ăn bánh - Thánh Thể’ cũng không thể tách rời khỏi bất kỳ bí tích nào, mà liên quan hay chứa đựng mọi bí tích. ‘Ăn bánh’ hàm chứa nội dung trọn hảo nhất của niềm tin chúng ta nơi đức Ki-tô Giê-su; “Kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (c. 57).
Ki-tô hữu, trong nội dung này, trước hết phải là người ‘ăn bánh trường sinh’, vì “nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông sẽ không có sự sống nơi mình”. Tôi không chỉ cử hành ‘ăn bánh’ như một nghi thức. Cả đời Ki-tô hữu tôi là ‘ăn bánh’ liên tục, tức là không ngừng đi sâu vào lòng yêu thương vô hạn của Thiên Chúa, và ở lại trong tình thương đó qua niềm tin đặt nơi đức Ki-tô.
Lạy Bánh Trường Sinh , nếu trọn đời Ki-tô hữu chính là tiếp nhận lời mời ăn bánh, thì xin cho con ‘ăn’ với tất cả lòng chân thành và khiêm tốn, để con được hội nhập vào đức Ki-tô, được dấn sâu vào tình yêu phụ tử của Chúa Cha, và được ở lại bền vững trong tình yêu đó đến muôn đời. Xin cho con không bao giờ phải đói bánh trường sinh. Amen 
Tác giả bài viết: Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét