(24) Vậy khi dân chúng thấy đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm kiếm Người. (25) Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói : “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy ? (26) Đức Giêsu đáp : “Thật, tôi bảo thật các ông : Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. (27) Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (28) Họ liền hỏi Người : “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn ?” (29) Đức Giêsu trả lời : “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (30) Họ lại hỏi : “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông ? Ông sẽ làm gì đây ? (31) Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép : Người đã cho họ ăn bánh bởi Trời” (32) Đức Giêsu đáp : “Thật, tôi bảo thật các ông : Không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực. (33) Vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (34) Họ liền nói : “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy. (35) Đức Giêsu bảo họ : “Chính tôi là Bánh Trường Sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói. Ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !”
2. Ý CHÍNH :
Đức Giêsu cảnh báo việc dân chúng đi tìm Người chỉ vì muốn được ăn thứ bánh vật chất mau hư nát. Ngay cả man-na thời kỳ xuất Hành cũng không phải là bánh bởi trời thực sự và không cứu được người ta khỏi chết. Họ cần phải tìm kiếm thứ Bánh bởi trời đích thực là Con Người là Đấng từ trời mà đến và ban sự sống cho trần gian. Bánh Hằng Sống đó chính là Mình Máu Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể mà Người sẽ thiết lập.
3. CHÚ THÍCH :
- C 24-25 : + Ca-phác-na-um : Là một thành phố thuộc xứ Ga-li-lê, nằm gần biển hồ Ti-bê-ri-a. Đức Giêsu chọn Ca-phác-na-um làm trung tâm hoạt động trong thời gian giảng đạo công khai. Tại đây, Người đã nhiều lần rao giảng trong các hội đường (x. Mc 1,21), làm nhiều phép lạ như : Xua trừ ma quỷ (x. Mc 1,23-28), chữa bệnh cảm sốt cho nhạc mẫu ông Phê-rô và chữa lành nhiều bệnh nhân khác (x. Mc 1,29-31.32-34), chữa lành một phụ nữ bệnh 12 năm và làm cho con gái ông Gia-ia mới chết sống lại (x. Mc 5,21-43), giảng về Bánh Hằng Sống (x. Ga 6,24-66)… Thành này là một trong các thành Do Thái bị Đức Giêsu quở trách, vì đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà vẫn cứng lòng không tin vào Người (x. Mt 11,23-24). + Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ : Sau phép lạ nhân bánh ra nhiều trong hoang địa, vì biết dân chúng muốn tôn mình làm vua, nên Đức Giêsu đã lánh lên núi một mình (x. Ga 6,15).
- C 26-27) : + Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê : Đức Giêsu cảnh báo dân chúng đi tìm Người do động lực vụ lợi : Để được có cơm bánh mà không phải lao công làm việc. + Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh : Đức Giêsu không phủ nhận nhu cầu bánh ăn vật chất, nên Người đã làm phép lạ cho dân chúng ăn no. Nhưng Người còn muốn dạy rằng : Trên cuộc sống thể xác là cuộc sống tinh thần sẽ tồn tại mãi mãi. Chính Người sẽ ban cho họ thứ lương thực đem lại sự sống đời đời là bí tích Thánh Thể mà Ngừơi sắp thiết lập. + Con Người : Là một nhân vật thần thiêng mà ngôn sứ Đa-ni-en trong một thị kiến đã xem thấy đứng bên Thiên Chúa (x. Đn 7,13-14). Khi tự xưng là Con Người từ trời mà đến, Đức Giêsu khẳng định Người mới là sứ giả đích thực của Chúa Cha, được Thánh Thần thánh hiến trở thành Đấng Thiên Sai và giúp chu tòan sứ mệnh ấy (x. Lc 4,18 ; Is 61,1-2). + Là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận : Con dấu ấn là một vật dùng để xác định nguồn gốc thay cho chữ ký. Ngoài việc in trên giấy tờ, bao bì hay các vật khác để làm bằng chứng bảo đảm sự chân thực, người ta còn dùng dấu ấn để niêm phong mồ mả (x. Mt 27,66). Ngoài ra, dấu ấn hay ấn tín cũng được dùng theo nghĩa bóng như lời Thánh Phaolô : “Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2 Cr 1,22). Câu này cho thấy Chúa Cha đã đóng dấu ấn trên Đức Giêsu làm bảo chứng xác nhận Người thực là Đấng Thiên Sai.
- C 28-29 : + Chúng tôi phải làm gì ? : Đây là câu hỏi của dân chúng bày tỏ thiện chí muốn đáp ứng đòi hỏi của Thiên Chúa, sau khi họ nghe rao giảng Tin Mừng, như đám đông đã hỏi ông Gio-an Tẩy Giả tại sống Gio-đan (x. Lc 3,10.12.14), hay dân chúng hỏi Phê-rô vào lễ Ngũ Tuần tại Giê-ru-sa-lem (x.Cv 2,37). + Tin vào Đấng Người đã sai đến : Đấng Thiên Chúa sai đến nói đây chính là Đức Giêsu.
- C 30-31 : + Ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông ? : Dù mới chứng kiến phép lạ nhân bánh ra nhiều vào chiều hôm trước, nhưng dân chúng vẫn chưa thỏa mãn. Họ đòi Đức Giêsu làm một phép lạ đặc biệt phát xuất từ trời để minh chứng sứ mệnh Thiên Sai của Người, giống như Mô-sê đã làm phép cho man-na từ trời mưa xuống để nuôi dân Ít-ra-en suốt 40 năm trong sa mạc, nên man-na được gọi là bánh bởi trời. + Man-na : Phát xuất do từ “Man-nu ?”, nghĩa là “Cái gì vậy ?”, vì dân Ít-ra-en không biết đó là cái gì (x. Xh 16,15). Mô-sê bảo dân rằng : “Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn !”. Như vậy, Man-na chính là lương thực đi đường mà Đức Chúa đã ban cho dân Ít-ra-en một cách lạ lùng, trong thời gian họ đi băng qua sa mạc về Miền Đất Hứa (x. Xh 16,11-18). Man-na có hình dạng giống như hạt ngò, màu trắng và mùi vị tựa bánh tráng tẩm mật ong (x. Xh 16,31). Dân cứ việc chia nhau đi lượm, cho vào cối xay hoặc cối giã mà nghiền tán ra, rồi bỏ vào nồi nấu bánh (x. Ds 11,7-8). Man-na là hình bóng của Lời Chúa, là của ăn được Đức Chúa ban, và dân Ít-ra-en phải ý thức tầm quan trọng của Lời Chúa : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn sống nhờ mọi Lời do miệng Đức Chúa phán ra” (x. Đnl 8,3 ; Mt 4,4). Khi dân Ít-ra-en vào tới Đất hứa Ca-na-an và bắt đầu được ăn các loại thổ sản tại đó thì Man-na không còn rơi xuống nữa (x. Gs 5,12). Cũng vậy, trong thời gian lưu lạc trên trần gian, các tín hữu cũng được ăn lương thực thiêng liêng là Mình Thánh Chúa để họ đủ sức tiến về Đất Hứa Thiên Đàng, tham dự Bữa Tiệc Cánh Chung trong Nước Trời với Đức Giêsu (x. Lc 22,30), và ngồi đồng bàn với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp (x. Mt 8,11).
- C 32-33 : + Không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi : Đức Giêsu đã giúp dân chúng hiểu rõ : Man-na được ban trong thời kỳ Xuất Hành không phải do Mô-sê ban, nhưng là do chính Đức Chúa đã ban cho dân. Ngoài ra man-na cũng không thực sự là Bánh của Thiên Chúa, mà chỉ là luơng thực vật chất mau hư nát và chỉ nuôi sống thể xác mà thôi (x. Xh 16,19-21), nên dù có ăn man-na, người ta cũng vẫn phải chết (x. Xh 32,33-35). + Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian : Để được gọi là Bánh của Thiên Chúa thì cần phải có hai đặc tính là xuất phát từ trời, và ban sự sống đời đời. Bánh ấy chính là Đức Giêsu. Người vừa là Ngôi Lời vốn ở trên trời, nay được Chúa Cha sai xuống làm Đấng Thiên Sai (x. Ga 1,14), và Người sắp ban Mình Máu Người làm lương thực đem lại sự sống muôn đời cho ai lãnh nhận (x. Ga 6,51).
- C 34-35 : + Chính tôi là Bánh Trường Sinh : Kiểu nói “Tôi là” thường được Đức Giêsu dùng và Gio-an đã ghi lại một số câu như : “Chính tôi là Bánh Trường Sinh” (Ga 6,34) ; Tôi là Ánh Sáng thế gian (x. Ga 8,12 ; 9,5) ; Tôi là Cửa cho chiên ra vào (x. Ga 10,7) ; Tôi là Mục Tử nhân lành (x. Ga 10,11) ; Tôi là Sự Sống Lại và là Sự Sống (x. Ga 11,25); Tôi là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (x. Ga 14,6); Tôi là Cây Nho thật (x. Ga 15,1)… Ở đây, khi khẳng định: “Chính Tôi là Bánh Trường Sinh”, Đức Giêsu muớn nói về bí tích Thánh Thể mà Người sắp lập. Qua đó Người sẽ nên bánh thiêng nuôi người dương thế và đem lại cho họ hạnh phúc muôn đời. + Ai đến với tôi, không hề phải đói; Ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ : Người hứa sẽ ban cho những ai lãnh nhận bí tích Thánh Thể được no thỏa. Người cho những ai đặt trọn niềm tin vào Người thỏa mãn khát vọng sống vĩnh hằng.
4. CÂU HỎI : 1) Bạn biết gì về thành Ca-phác-na-um ? 2) Khi nói lên động cơ đi tìm Chúa của dân chúng là tìm bánh ăn vật chất, Đức Giêsu muốn họ phải tìm kiếm điều gì khi đến với Người ? 3) Tại sao Đức Giêsu tự xưng mình là Con Người ? 4) Dức Giêsu trả lời cho dân chúng biết họ cần làm gì sau khi nghe giảng Tin Mừng ? 5) Dân Do Thái muốn Đức Giêsu làm gỉ để chứng minh sứ mệnh Thiên Sai của Người ? 6) Thời Môsê danh từ Manna ám chỉ điều gì, được ban cho ai và nhằm mục đích gì ? Trong Tân Ước Manna ám chỉ điều gì ? 7) Bánh bởi Trời thực sự phải có những đặc tính nào ? 8) Khi tự xưng “Tôi Là Bánh Trường Sinh”, Đức Giêsu muốn nói về điều gì ? 9) Người hứa ban cho những ai chịu phép Thánh Thể được những ơn gì ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : “Chính Tôi là Bánh Trường Sinh. ai đến với Tôi, không hề phải đói. ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ !”
2. CÂU CHUYỆN : CHIA SẺ TẤM BÁNH TÌNH NGƯỜI
Một hôm có một lão hành khất gặp Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta trên đường phố và chìa tay ra xin bà bố thí. Bà lục lọi hết các túi áo mà không tìm ra một đồng tiền nào, bà đánh vỗ vai ông lão, vừa tươi cười vừa nói lời xin lỗi vì không có gì để chia sẻ cho ông. Bấy giờ lão hành khất nói : “Hôm nay bà đã cho tôi một món quà quí giá nhất mà từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nhận được. Món quà đó là nụ cười cảm thông và lời an ủi đầy tình người của bà. Tôi cảm thấy vui mừng và hạnh phúc, vì tôi đã được bà tôn trọng và được đối xử bình đẳng !”.
3. SUY NIỆM :
1) Cơm bánh vật chất là nhu cầu cần phải được thỏa mãn :
Ngày nay một phần ba nhân lọai đang lâm cảnh đói nghèo có nhu cầu cần được mọi người trong đó có các tín hữu chúng ta tận tình đáp ứng để vượt qua hòan cảnh khó khăn. Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu đã chạnh lòng thương khi thấy dân chúng theo Người bị đói. Và Người đã đáp ứng nhu cầu của họ bằng việc nhân bánh ra nhiều cho họ được ăn no.
2) Con người còn có những nhu cầu tinh thần cần được đáp ứng :
Tin Mừng hôm nay ghi lại việc đám đông dân chúng háo hức đi tìm Đức Giêsu để được ăn bánh mà không vất vả lao động, giống như Mô-sê xưa đã xin Đức Chúa ban bánh bởi trời là man-na cho dân Do thái thời kỳ xúât hành. Họ đã bị Đức Giêsu cảnh báo “Đừng lo tìm những thứ của ăn hay hư nát, nhưng hãy tìm lương thực đem lại hạnh phúc trường sinh”. Vì Người biết rõ tâm lý con người luôn khát vọng các giá trị tinh thần. Đức Giêsu đã giới thiệu về Bánh Hằng Sống, là bánh từ trời mà đến và ban sự sống đời đời cho trần gian. Banh ấy là chính Đức Giêsu.
3) Lời Chúa và bí tích Thánh Thể là Bánh Hằng Sống ban ơn cứu độ :
Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu hứa ban Bánh Hằng Sống là Lời Người dạy và là bí tích Thánh Thể do Người sắp thiết lập để ban ơn cứu độ cho người đón nhận.
4) Làm gì để chia sẻ Bánh tình thương cho tha nhân ?
Các tín hữu chúng ta ngòai việc phải lao động làm ra của cải vật chất để nuôi sống bản thân và chia sẻ cho những kẻ nghèo đói, chúng ta còn có bổn phận năng đi dự thánh lễ để đón nhận Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể, và sẵn sàng chia sẻ Chúa là “Con Đường” duy nhất dẫn đưa ta lên trời, là “Sự Thật” được Chúa Cha mặc khải để lòai ngừơi nhận ra tình yêu cứu độ của Chúa, và là “Sự Sống” đem lại sự sống đời đời cho những ai đón nhận.
4. THẢO LUẬN : Bạn cần làm gì để có được hai thứ Bánh Hằng Sống là Lời Chúa và Thánh Thể Chúa ? 2) Bạn sẽ làm gì để giúp những người đói nghèo bệnh tật hay đang đi tìm Chúa nhận được niểm vui ơn cứu độ của Chúa ?
5. NGUYỆN CẦU
LẠY CHÚA GIÊSU. Những lúc con được no đủ, xin hãy gửi đến cho con một người nghèo đói cần được chia sẻ cơm ăn áo mặc. Khi con đang vùi mình trong chăn ấm nệm êm, xin hãy gửi đến cho con một ngừơi cóng lạnh giữa giá rét đang cần được sưởi ấm. Khi con sống trong an bình, xin hãy dạy con ý thức rằng còn nhiều người đang cần sự trợ giúp quảng đại của con. Khi thập giá đời con giảm nhẹ bớt, xin hãy giúp con sẵn lòng ghé vai vác đỡ gánh nặng cho người anh em. Khi con làm ăn thất bại, xin giúp con khôn ngoan vượt qua để cảm thông với những người đồng cảnh ngộ. Khi con có nhiều thời giờ nhàn rỗi, xin hãy gửi đến cho con một ngừơi khuyết tật để con ân cần phục vụ. Khi con được may mắn thành công, xin hãy gởi đến cho con một người bị thất bại để con động viên khích lệ. Khi con ích kỷ chỉ biết nghĩ đến bản thân, xin dạy con quên mình nghĩ đến tha nhân và khiêm nhường phục vụ họ như phục vụ chính Chúa.- AMEN.
LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com
LM ĐAN VINH
Hãy tìm lương thực trường sinh
I. ĐI TÌM LƯƠNG THỰC CHO CUỘC SỐNG.
1. Điều Đức Giêsu muốn dạy ta.
Sau phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giêsu và các Tông đồ bỏ đảo Zénéâzareth trở về Capharnaum, nhưng Đức Giêsu không đi cùng thuyền với các Tông đồ vì Ngài còn lên núi cầu nguyện một mình (Ga 6,15). Dân chúng thấy rõ Đức Giêsu không đi trên thuyền đó, nên họ đổ xô đi tìm Ngài. Khi về tới Capharnaum gặp Chúa, họ hết sức ngạc nhiên vì gặp Ngài ở đó rồi:”Lạy Thầy, Thầy đến đây bao giờ” ? Một câu hỏi đơn sơ, tỏ lòng tha thiết với Chúa và muốn biết Ngài đến đây bằng cách nào.
Đức Giêsu không trả lời câu hỏi ấy, mà nhân cơ hội này Ngài giảng cho họ một bài về Bánh hằng sống. Bài này cốt nâng cao tư tưởng thính giả lên bên trên những lo lắng vật chất. Đức Giêsu biết rõ, dân chúng chỉ đến với Ngài sau khi được ăn bánh no nê. Và phép lạ làm cho bánh hoá nhiều làm cho người ta nghĩ rằng : đã đến thời lập lại nước Israel, đời sống sẽ phú túc. Bài này có ý cải chính ý tưởng đó.
Điều Đức Giêsu muốn là đưa họ đi xa, đưa họ lên cao hơn những điều họ thấy trước mắt: Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Ngài sai đến, tức tin vào Ngài là Đấng vừa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho hàng ngàn người ăn. Nhưng như thế vẫn chưa hết, vì Đức Giêsu còn muốn làm cho người Do thái nhận ra rằng Ngài không chỉ có thể làm cho bánh hoá nhiều để duy trì sự sống vật chất của con người, mà Ngài còn có thể ban chính sự sống cho con người, không chỉ là sự sống thể xác mà cơm bánh lương thực tạo nên, mà còn sự sống thần linh, sự sống vĩnh cửu mà chỉ một mình Thiên Chúa mới ban được cho con người :”Chính Ta là Bánh trường sinh, ai đến với Ta, không hề phải đói. Ai tin vào Ta, chẳng hề khát bao giờ”(Ga 6,35).
Đức Giêsu là bánh trường sinh. Bánh trường sinh ban sự sống trường sinh. Những ai ăn bánh trường sinh thì không còn phải đói khát bao giờ nữa vì được no thỏa tâm hồn. Nhưng sự sống trường sinh là gỉ ? – Sự sống trường sinh là nhận biết Đức Giêsu là Đấng đến từ Thiên Chúa, là sự sống của Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống của Thiên Chúa cho những ai muốn đón nhận. Sự sống trường sinh là sự sống của” con người mới” tức con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được dạy dỗ theo tinh thần của Đức Kitô. Cụ thể đó là con người thực sự sống công chính và thánh thiện (bài đọc 2).
2. Sự đói khát triền miên của con người.
Đức Giêsu nói với họ:”Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”(Ga 6,26). Đức Giêsu nói chuyện với những người nông dân vùng Galilê đang vất vả để kiếm sống. Họ biết đói khổ là thế nào khi họ miệt mài làm việc để mùa thu hoạch có kết quả tốt. Đức Giêsu dựa vào một nhu cầu vật chất của thính giả làm khởi điểm, đó là những biểu tượng thông thường : đói, khát, bánh, nước...
Chúng ta có thể đặt ra câu hỏi : nếu một người giầu có đầy đủ : gia đình, nghề nghiệp, lợi tức, chức quyền, danh vọng... nhưng họ vẫn thấy còn thiếu cái gì nữa chăng ? Nếu chúng ta trả lời rằng “CÓ” thì các bài đọc Kinh thánh hôm nay là một sứ điệp quan trọng cho chúng ta. Chúng nhắc cho chúng ta một điều chúng ta thường hay bỏ quên, đó là : Trên thế giới này có hai loại đói : trước hết là đói khát thể lý mà chỉ đồ ăn thức uống mới có thể thỏa mãn được. Thứ đến là đói khát thiêng liêng mà không thực phẩm nào trên trần gian này có thể thỏa mãn được.Nói cách khác, dầu chúng ta có giầu có hoặc thành công đến đâu đi nữa, chúng ta vẫn cảm thấy nơi thâm sâu lòng mình một cơn đói khát khó có thể bầy tỏ được.
Đối với con người nếu chỉ nhằm thoả mãn những nhu cầu về thể xác thì càng cảm thấy thiều thốn vì nhu cầu đẻ ra nhu cầu, nhu cầu này nối tiếp nhu cầu kia làm cho người ta luôn tìm kiếm mà không bao giờ được thỏa mãn.
Truyện : Hoàng đế Tần thủy Hoàng.
Tần thủy Hoàng của nước Tầu đã sống trước Chúa Giáng sinh 200 năm. Ông tự phong là “Nhất Thế”, nghĩa là vô địch nhất thế gian này, về đức độ hơn cảø Tam Hoàng, có công hơn cả Ngũ Đế là những vị vua có công lập quốc, kiến quốc nhất của Trung hoa. Tần thủy Hoàng còn muốn trường sinh trẻ mãi, nên đi tìm đủ mọi danh y, pháp thuật, bói toán, chỉ dẫn cho uống thuốc, tập luyện và sai quần thần đi khắp nơi tìm thuốc trường sinh, với bất cứ giá nào, dù phải vượt biển Đông hão huyền cũng phải đi tìm, dù phải khổ luyện đến chết, vẫn nhắm mắt theo. Đồng thời, ông lại lo xây nhà mồ như cung điện nguy nga, rộng lớn chín dặm vuông vức, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thủy tinh làm sông Ngân hà, lấy vàng bạc xây tường và chôn sống hàng trăm cung nữ vây quanh nhà mồ của ông... Quả thực, Thủy Hoàng chỉ làm vua hơn chục năm và sống hơn năm mươi tuổi (Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, nămB, tr 155).
3. Thỏa mãn sự đói khát của con người.
Dân chúng hỏi Đức Giêsu rằng:”Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa”. Đức Giêsu đáp lại:”Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Người sai đến” Ở đây bắt đầu một mặc khải lạ lùng. Lương thực cốt yếu mà con người đói khát, đó chính là Đức Giêsu ! Một quyết đáp có vẻ táo bạo và điên rồ, nhưng đã được kiểm chứng hàng triệu lần từ 2000 năm qua. “Anh em hãy tin”. Đó là công trình của Thiên Chúa nơi chúng ta. Tin, có đức tin, đó là làm việc với Thiên Chúa, là cộng tác với Thiên Chúa Đấng muốn ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu của Ngài.
Đức Giêsu vừa đưa ra một tuyên bố quan trọng. Ngài bảo rằng công việc đích thực của Thiên Chúa là tin Ngài. Người Do thái nói : Hay lắm, quả thật đây là lời tuyên xưng mình là Đấng Messia, vậy ông hãy chứng minh đi...
Bấy giờ họ vẫn còn nghĩ đến việc Chúa hóa bánh cho đám đông ăn, nên điều không tránh được là họ liên tưởng ngay đến manna trong sa mạc. Họ kết hợp hai việc đó thật dễ dàng. Manna vẫn được xem như bánh của Thiên Chúa (Tv 77,24; Xh 16,15). Trong Do thái giáo, có một niềm tin mạnh mẽ rằng : khi Đấng Messia đến, Ngài sẽ lại ban manna. Việc ban manna được cho là việc tối quan trọng trong cuộc sống của Maisen, mà Đấng Messia thì còn phải hơn thế nữa. Vị cứu tinh đầu tiên thế nào thì vị cuối cùng cũng phải như thế. Vị cứu tinh đầu tiên đã khiến manna từ trời rơi xuống thế nào, thì vị cứu tinh thứ hai cũng phải khiến được manna từ trời rơi xuống thể ấy.
Như vậy, dân Do thái đang thách thức Đức Giêsu hãy khiến bánh từ trời xuống để hậu thuẫn cho lời tuyên bố của Ngài. Họ không chịu xem số bánh cho 5000 người vừa được ăn là bánh từ Thiên Chúa đến. Ban đầu nó vốn là bánh của trần gian. Theo họ, manna phải khác hẳn, và đó là trắc nghiệm cho Đức Giêsu.
Câu trả lời của Đức Giêsu gồm hai phương diện. Trước hết, Ngài nhắc họ rằng, không phải Maisen đã cho họ ăn manna, mà là Thiên Chúa. Thứ hai, Ngài bảo họ : manna không phải là bánh thật của Thiên Chúa, mà chỉ là biểu tượng cho bánh của Thiên Chúa. Bánh của Thiên Chúa là Đấng từ trời xuống và ban cho loài người không chỉ sự no đủ về phương diện thể xác nhưng là sự sống. Đức Giêsu tuyên bố rằng sự thỏa mãn duy nhất là ở trong Ngài.
II. ĐI TÌM LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH.
1. Phải hướng tâm hồn lên.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng đưa ra một lời chê bai những người tìm đến với Ngài khi Ngài nói:”Các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Đức Gêsu biết rõ tâm tư của họ, họ đến với Ngài chỉ vì muốn được ăn bánh no nê như đã được ăn hôm trước. Dĩ nhiên, việc ăn uống nuôi thể xác là một điều cần thiết, ai lại không phải ăn ? Nhưng Đức Giêsu muốn nói với họ là ngoài sự đói khát vật chất và thể lý còn có sự đói khát thuộc tinh thần và tâm linh nữa. Và Chúa đã đưa ra cho họ một lời khuyên:”Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”.
Truyện : Napolén có đôi mắt sáng.
Một hôm, Napoléon, vị hoàng đế có một đôi mắt rất sáng, nói chuyện với một người bạn của ông, người này thì lại có một đôi mắt rất kém. Hai người nói chuyện với nhau về sự đời, bên cạnh một cửa sổ. Bất chợt, Napoléon chỉ tay lên trời, một bầu trời đầy sao, đang phát ra những ánh sáng lập lòe, và hỏi người bạn :
- Anh có thấy những ngôi sao ở trên trời kia không ?
Người bạn trả lời :
- Không, mắt tôi kém lắm rồi, tôi không thấy gì cả.
Napoléon nói :
- Đó là sự khác biệt giữa anh và tôi.
Rồi Napoléon nói tiếp :
- Những người nhìn mầu trời đen mà không thấy gì thì mới sống được nửa cuộc đời mà thôi. Muốn sống trọn cả cuộc đời, thì phải thấy được những ngôi sao giữa bầu trời đen.
Lời nhận xét trên đây của Napoléon là một lời gián tiếp chê bai người bạn của ông có đôi mắt kém (Phạm văn Phượng).
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng gián tiếp chê bai những người đến với Ngài không phải vì đã chứng kiến các dấu lạ mà chỉ muốn được ăn no nê. Họ chỉ biết thỏa mãn những gì thuộc thể xác, còn những gì cao hơn họ không để ý tới. Như vậy, theo như Napoléon, họ mới sống được nửa cuộc đời mà thôi.
2. Những khát vọng của con người.
Con người sống trên trần gian này có rất nhiều khát vọng cần được thỏa mãn. Khát vọng đầu tiên là được thoả mãn cơn đói khát thể xác. Cái ăn cái uống là những nhu cầu vật chất khẩn thiết làm cho thể xác được bảo toàn và tăng trưởng. Người Tây phương có một câu ngạn ngữ nói về nhu cầu đó :”Manducare priusquam philosophare” : ăn đã rồi muốn nói gì thì nói. Người Việt nam chúng ta cũng có tư tưởng ấy được gói ghém trong câu tục ngữ :”Dĩ thực vi tiên” : cái ăn phải đứng đầu.Có thực mới vực được đạo
Ngoài những nhu cầu vật chất, người ta còn có những khát vọng tinh thần cần được thỏa mãn : nhu cầu hiểu biết, cần được tôn trọng, cần được quan tâm, cần được thông cảm.... Tuy nhiên, con người còn có một khát vọng căn bản và sâu xa nhất , đó là khát vọng tình yêu. Đó là khát vọng sống đời đời. Nói cách khác, đó là khát khao Thiên Chúa. Cảm nghiệm được khát khao này không phải là một bất hạnh mà là sự chúc lành. Thánh Gioan nói:”Thiên Chúa là tình yêu”. Chính Chúa là hạnh phúc, ai được yêu mến là sống trong hạnh phúc. Nhiều người muốn được hạnh phúc mà không biết cách tìm, họ tìm hạnh phúc ơ nơi tạo vật mà bỏ quên Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc, cho nên họ đã thất bại. Thay vì tiến tới hạnh phúc, họ chỉ đạt tới những bất hạnh vì họ đã đi trệch đường.
Truyện : Kinh nghiệm của một người.
Tại Pháp, có một thương gia rất giầu, phương châm sống của đời ông là làm tiền, ăn nhậu và chơi bời. Nhưng chẳng bao lâu ông bị bệnh trầm trọng : thần kinh chỉ huy thanh quản bị tê liệt, làm ông bị câm. Trên giường bệnh, ông luôn thở dài chán nản. Cuối cùng, trước khi chết, ông ghi một hàng chữ và truyền khắc nó trên bia mộ của ông:”Đây là người dại dột, đã sống mà không biết sống. Hỡi những người đang sống, chớ gì sự vô phúc của kẻ khác mở mắt các ông”.
3. Khát vọng được lấp đầy.
Đức Giêsu nói :”Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”. Đức Giêsu khẳng định mình là bánh từ trời xuống để ban sự sống cho thế gian :” Ta là bánh hằng sống”. Linh hồn chúng ta phải có của ăn mới sống được, mà của ăn ấy chính là Đức Kitô :” Chính Ta là bánh ban sự sống ai đến với Ta sẽ không hề đói. Ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.
Chúng ta đã được tạo dựng cho Thiên Chúa. Dù muốn dù không, cơn đói của chúng ta chính là đói Thiên Chúa. Tiên tri Isaia đã nói:”Tại sao phí tiền vào những của không làm no bụng”. Thánh Augustinô đã thú nhận rằng:”Lạy Chúa, tâm hồn con không nghỉ yên khi nó chưa được an nghỉ trong Chúa”. Vâng, tâm hồn chúng ta rất rộng lớn đến nỗi không gì có thể lấp đầy được, ngoài một mình Thiên Chúa mà chúng ta được dựng nên vì Ngài.
Vậy sứ điệp trong các bài Kinh thánh hôm nay gửi đến cho chúng ta như sau :Tận thâm tâm mỗi người chúng ta đều ẩn chứa một cơn đói khát sâu xa mà chỉ một mình Đức Giêsu mới có thể thoả mãn. Sứ điệp này đã mang lại ý nghĩa mới cho hàng triệu người và nó cũng mang lại cho cuộc sống chúng ta một ý nghĩa mới miễn là chúng ta chấp nhận nó.
4. Hãy sống bằng bánh trường sinh.
Khi người Do thái nói với Chúa:”Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”. Đức Giêsu bảo họ:”Chính Ta là Bánh trường sinh” Bánh trường sinh mà Đức Giêsu ban cho chúng ta, chính là Lời Chúa và Thánh Thể.
* Lời Chúa : Chúng ta thấy quan niệm cho rằng Lời Chúa, giới răn Chúa là thức ăn thiêng liêng bồi dưỡng cho con người, cao qúi hơn thức ăn thông thường đã có trong Cựu ước. Ví dụ tiên tri Amos đã nói:”Sắp tới những ngày, Ta sẽ cho nạn đói đến trong xứ, không phải đói bánh, không phải khát nước, mà là đói khát nghe Lời Chúa”(Am 8,11).
Tiên tri Giêrêmia cũng khát Lời Chúa :”Khi nghe Lời của Ngài, tôi đã ăn ngấu nghiến. Lời Chúa là sự vui sướng hạnh phúc cho lòng tôi”(Gr 15,16).
* Thánh Thể : Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói rõ :”Ta bảo thật các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết”. Chúa khêu gợi sự tò mò và chú ý của dân chúng để họ nghĩ đến một của ăn bí nhiệm mà Con Người sẽ ban cho họ... một thứ manna đích thực “từ trời xuống và ban sự sống cho thế gian”. Nhưng họ không hiểu hay không muốn hiểu. Ngài kết luận :”Chính ta là bánh ban sự sống, ai đến với Ta sẽ không hề đói. ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”. Chúa đến để nuôi sống linh hồn chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét