Cách đây một tháng, tôi có dịp đi thăm Đà Lạt, một anh bạn của tôi ở Đà Lạt có dẫn đi xem một vài địa điểm du lịch tại đây. Một trong số những địa điểm tham quan mà tôi thấy rất thích, đó là Dinh Bảo Đại. Người hướng dẫn giới thiệu cho chúng tôi về cuộc sống, nơi làm việc và khu vui chơi giải trí của vua cũng như hoàng triều. Sau khi tham quan xong, hai anh em chúng tôi có chung một nhận định như sau: vua Bảo Đại là một vị vua trần gian, tại một đất nước nhỏ bé, ấy vậy mà có cả một cung dinh thự nguy nga với đầy đủ tiện nghi sang trọng của thời bấy giờ, đấy là chưa kể đến cung đình của nhà vua ở Huế. Còn Vua Giêsu, một vị Vua trên hết các vua, Chúa các chúa. Một vị Vua Cả Trời đất, nhưng cuộc sống, lời rao giảng và ngay cả ngày đăng quang của Người lại rất đặc biệt. Khác hẳn những vị vua của trần gian. Phải chăng đây là điều lạ lùng nơi Vua Giêsu Kitô mà hôm nay chúng ta mừng?
Trước khi tìm hiểu về những điều lạ lùng nơi Vua Giêsu, và những bài học mà Người ban cho chúng ta, chúng ta cùng nhau xác tín căn tính của Người:
Quả thật, tự bản tính của Chúa Giêsu là Vua như lời Người mạc khải: “Tôi và Chúa Cha là một" (Ga 10,27-30); “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). Và khi quan Philatô hỏi Chúa Giêsu có phải là vua không? Người đã trả lời lập trường của mình: "Quan nói đúng. Tôi là Vua” (Ga18,36), nhưng: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Dothái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này". (x. Ga 18, 33b-37). Lập trường thứ hai mà Người muốn tỏ cho Philatô được rõ, đó là: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”. Và cuối cùng, Chúa Giêsu khẳng định Thiên Tính của mình khi nói: "Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19,11). Như vậy, quá rõ, Chúa Giêsu - Người là vua tự đời đời, bởi vì Người là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu. Nhưng Người lại là vị Vua rất lạ lùng.
Lạ lùng lúc sinh ra: “Hôm nay Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Dấu chỉ để nhận ra Người là: một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,11-12). Khi đặt bút viết về mầu nhiệm Giáng Sinh, nhà thơ, linh mục Võ Thành Tâm đã viết:
“...Gió mong quạnh trong hang lừa ẩm ướt
Chúa muôn loài mặc lốt trẻ sơ sinh…
[...]
Bê Lem ơi! Giờ phút ấy có hay
Vua cao cả gặp ngay nhiều tủi cực
[...]
Đàn súc vật tới chầu quanh máng cỏ
Kính dâng Ngài hơi thở ấm thô sơ
[...]”.
Nếu các hoàng tử con vua ở trần gian sinh ra là một điều trọng đại: cả quốc gia lẫn cung đình hân hoan, hoàng triều trang hoàng tráng lệ, vui ca, nhảy múa để đón con vua chào đời, ngược lại, vị “Hoàng Tử” Con Trời ngự đến lại mang trong mình hình hài của một trẻ thơ nằm trong máng cỏ của bò lừa, nơi một cách đồng hoang vu lạnh giá...
Lạ lùng thời thơ ấu: Chúa Giêsu mới sinh ra đã bị vua Hêrôđê tìm giết, “Nên thánh Giuse và Đức Mẹ Maria phải bồng Ngài trốn sang Ai Cập” (x. Mt 2,13-16). Không như bao vị hoàng tử khác, từ lúc ấu thơ đã được chăm sóc kỹ lưỡng, còn“Hoàng Tử” Giêsu của chúng ta lại khác hẳn, Người đã chịu đồng cảnh ngộ với những trẻ em thời bấy giờ do sự ghen ghét của ông vua trần gian là Hêrôđê. Và, cũng không như bao vị hoàng tử khác, thiếu thời của các hoàng tử đều được ở riêng để huấn luyện cung cách thống trị nhằm chuẩn bị cho việc nối ngôi sau này, thì “Hoàng Tử” Giêsu lúc 12 tuổi lại không phải vậy: Người luôn tìm cách chu toàn bổn phận của người con với Cha của mình: “Cha mẹ không biết là con phải ở trong nhà của Cha con sao?" (Lc 2,49).
Lạ lùng khi tổ chức triều đình: nếu các vua trần gian lấy quyền của riêng mình để chọn lựa những người mình ưa thích, thì Chúa Giêsu tổ chức triều đình và tuyển chọn các quan đại thần lại bằng con đường cầu nguyện: "Suốt đêm, Người cầu nguyện, Người chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ" (Lc 6,12). Nếu các vua trần gian có cả một hệ thống quân sự, thống trị và củng cố vương quyền của mình bằng quyền lực, thì Chúa Giêsu lãnh đạo bằng con đường tình yêu và vâng phục, bởi vì trong Vương Quốc ấy, sự thật, công lý và bình an ngự trị.
Lạ lùng trong tiến trình “đăng quang”: Người là Vua, tiến vào thành của mình, nhưng lại khiêm tốn ngồi trên lưng lừa: “Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dc 9,9). Được dân chúng tung hô chúc tụng, nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, Người đã bị chính con dân của mình tìm bắt, đả đảo, chế nhạo và, đánh đập. Cuối cùng, họ “đăng quang” Người trên thập giá. Khi đã “đăng quang” xong, họ chế diễu Người đủ điều. Nhưng cũng chính trên thập giá, “vương quyền” của Người được tỏ lộ rõ ràng hơn bao giờ hết: "Đây là vua dân Do thái" (Lc 23, 38). Người ta cho rằng tấm bảng viết “Đây là vua dân Do thái” treo trên đầu của Người là một sự sỉ nhục, thì giờ đây lại là một bản tuyên tín “Người là Vua”. Điều lạ lùng hơn nữa là Vua Giêsu không có vương miện, chỉ có vòng gai. Không có vương trượng, chỉ có cây sậy. Không có cẩm bào, chỉ có trần trụi nhuốc nhơ. Không có câu tán tụng, chỉ có lời nhạo báng khinh chê. Không thống trị bằng sức mạnh, chỉ có phục vụ trong yêu thương cho đến chết và chết trên thập giá.
Lạ lùng khi “xưng vương”: rất nhiều người, kể cả các môn đệ cũng thất vọng vì cơn hấp hối và cái chết của Người đã cận kề, thì anh trộm lành lại thốt lên lời hy vọng “lạy Ngài khi nào về Nước Ngài xin nhớ đến tôi cùng” (Lc 23,42). Tiếng nói của anh bất ngờ vang lên như một lời minh oan cho Chúa Giêsu: Chúng ta chịu như thế này thật là đích đáng vì xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có tội tình gì đâu (x. Lc 23, 41); và anh đã tuyên xưng vương quyền của Người: “Khi nào Ngài về nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng” (Lc 23,42). Qua lời cầu khẩn đó, anh vẫn tin cái chết không phải là hết, đồng thời tin vào Nước của Chúa Giêsu và anh hy vọng mình sẽ được dự phần vào Nước đó. Đúng như lời anh xin, ơn cứu độ của Chúa dành cho anh đã được thực hiện: "Hôm nay, anh sẽ được ở với Ta trên Thiên Đàng." (Lc 23,43). Quả thật, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môisê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,13-15). Và, “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi sự lên với tôi” (Ga 12,32),
Qua cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với quan Philatô, và, qua lời tuyên xưng của anh trộm lành, cũng như lời xác quyết của chính Người, một lần nữa, chúng ta đã hiểu được phần nào về nguồn gốc thần linh của Người. Người là Vua Sự thật, Công lý và Tình yêu. Không ai yêu như Người: “Thầy để lại cho anh em một giới răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 34); hơn nữa, “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Chúa Giêsu đã yêu thương con người cho đến chết: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13); Người còn ban chính Thịt Máu của Mình làm của ăn của uống cho nhân loại để minh chứng tình yêu: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy; ăn em hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Thầy” (Mc 14, 22-24); không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của Chúa Giêsu đối với con người: “Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu anh em, hãy ở lại trong tình yêu Thầy” (Ga 15, 9); Người còn nêu gương và dạy cho chúng ta về sự khiêm nhường: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng khiêm nhượng” (Mt 12,29); hay “Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị họ, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân... Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ hầu bàn, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ gì? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người hầu bàn” (Lc 22, 25-27). Khó nghèo để làm bạn với những ai bé nhỏ nghèo hèn: “Cáo có hang, chim có tổ, con người không có chỗ dựa đầu” (Lc 9,58); bình dân để không còn khoảng cách chủ - tôi, không còn phân biệt giàu nghèo, tội lỗi hoặc thánh thiện: “Nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ” (Mt 9,10); một vị Vua giải thoát dân của mình bằng con đường hy sinh mạng sống: “Máu Thầy đổ ra để cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28); và đã đem lại bình an cho dân: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con ” (Ga 14,27).
Ước gì khi mừng lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta học được bài học khiêm nhường, khó nghèo và yêu thương. Xin cho sứ điệp Lời Chúa hôm nay luôn vang vọng trong cuộc sống thường ngày của ta, để qua đó, ta luôn đứng về phía sự thật, bênh vực công lý, bảo vệ người nghèo, bị bỏ rơi trong xã hội. Sẵn sàng đón nhận đau khổ vì Chúa và vì đức tin khi phải làm chứng cho Nước Trời bằng con đường Sự thật. Xin cho chúng ta xác tín vai trò của mình ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, là được tham dự vào chức năng Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế của Chúa Giêsu để biết“chọn sao cho trọn”, nhằm cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và tình thương ngay trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này. Như thế, Chúa Giêsu là vị Vua rất lạ lùng, thì chúng ta là con dân của Người trong Nước ấy, cũng sẽ là những con người lạ lùng khi sống và biểu dương tinh thần Kitô hóa và Kitô giới trong môi trường xã hội hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ, chỉ có Chúa là Đường, chỉ có Chúa là Sự thật, chỉ có Chúa là Sự sống, xin làm Vua cai trị lòng trí chúng con, xin cho lòng trí chúng con khi sống với những thực tại trần gian, luôn biết quy hướng tâm hồn của mình về Nước của Chúa, Nước của Công lý, Sự thật và Bình an. Ước gì sau cuộc đời trần thế này, chúng con cũng được chung hưởng hạnh phúc Nước Trời như người trộm lành khi xưa. Amen.
Jos.Vinc. Ngọc Biển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét