Ryan Cushing 19 tuổi, ở Long Island – Hợp Chủng Quốc Mỹ, ném một con ngỗng chết qua cửa xe hơi, trúng bà Victoria Ruvolo, 44 tuổi, bà bị nát mặt, phải vào bệnh viện giải phẫu. Sau nhiều ngày chữa chạy, bà bình phục. Tòa án phạt cậu Cushing và bạn bè 25 năm tù giam. Cushing nhận tội, ra khỏi tòa và đi gặp nạn nhân của mình - bà Ruvolo. Cậu gục đầu vào lòng bà tỏ vẻ hối hận và xin lỗi. Bà ôm đầu cậu, vỗ vỗ vào lưng nói : “không sao, không sao, Ta muốn con từ nay sống thật tốt”. Theo lời thinh cầu của bà Ruvolo, Cushing được giảm án vì chỉ phải chịu phạt 6 tháng tù giam và 5 năm thử thách. Trong lúc Công tố viên Spota giận dữ muốn phạt bị cáo nặng hơn. Ông nói anh ta không còn là con nít 8, 9 tuổi nữa, đây là tội vô tâm và tàn nhẫn, không phải là hành động ngu xuẩn suông.
Nhưng lòng cảm thương của bà Ruvolo đã thuyết phục được công tố viên. Người ta bảo động lực của bà là tôn giáo. Người khác lại cho là tấm lòng rộng rãi của bà. Người khác nữa chủ trương tha thứ để chữa bệnh tâm lý. Thật khó mà mường tượng chữa bệnh bằng tòa án. Bà Ruvolo đã cho một điều tốt đẹp hơn : Đó là giải tỏa hận thù và phục hồi hy vọng, với cử chỉ thanh tẩy, khi nước mắt chảy xuống bộ mặt tan nát của bà và của đứa con trai lỗi phạm mà với lòng tha thu bà vực dậy...
Sự khoan dung tha thứ là đỉnh cao của đức ái Kito giáo mà Kinh Thánh đã dạy: Yêu thương tha thứ trước lỗi lầm của anh em: Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Không phải một mà là 70 lần 7 (x. Mt 18, 21-22; Lc 23, 34), nghĩa là luôn tha thứ. Chính Chúa Giêsu đã làm gương sống động của lòng thứ tha khi trên thập giá Ngài tha thứ cho những kẻ giết hại mình (x. Lc 23, 34)
Riêng truyền thống Việt Nam, tình cảm khoan dung, vị tha luôn được đề cao tục ngữ có câu: "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”, người Việt Nam không những vị tha với nhau như tục ngữ có dạy: “chín bỏ làm mười”, mà còn vị tha với cả kẻ thù. Lịch sử đã từng ghi lại rất nhiều, những tù binh chiến tranh ở Việt Nam luôn được đối xử tử tế, được mở đường hiếu sinh, được cấp đầy đủ quân trang khi trở về nước ví dụ như cách hành xử vị tha của quân chiến thắng Lam Sơn với quân Minh kẻ thù bại trận: sau gần 10 năm kháng chiến chống quân Minh xâm lăng, nghĩa quân Lam Sơn dưới sự lãnh đạo Lê Lợi chiến thắng lừng lẫy mùa thu năm 1427. Minh Triều phương Bắc phải gửi cấp bách mười nghìn quân, bị phục kích và đánh tan tơi bời, phải rút khỏi biên giới Đại Việt. Tàn quân còn đóng lại tại Đông Quan (Hà Nội), bị bao vây tứ phía. Không còn đường thoát, tổng chỉ huy quân Minh tướng Vương Thông chỉ còn biết xin nghị hòa. Vua Lê Lợi nghe theo lời cố vấn của Nguyễn Trãi, tha thứ cho kẻ thù, Nguyễn Trãi đã nhấn mạnh trong Quân trung từ mệnh: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người; mà không thích giết người là bản tâm của người nhân”.
Khổng Tử nhấn mạnh: Vì nhân ái nên lòng khoan dung độ lượng thứ tha là của bậc quân tử. Quân tử không tưởng, không nhớ lỗi lầm của người khác, mà chú trọng giáo hóa người lầm lỗi biết hối cải và nên người - quân tử vị tiểu nhân tức là người lầm lỗi là “quân tử chưa thành và sẽ thành”.
Trước lỗi lầm của anh em mà họ đã chân thành nhận lỗi. Như Chúa Giêsu day, người môn đệ phải có lòng vị tha, tha thứ không chỉ quên đi những điều không phải nhưng sẵn sàng tái lập lại sự giao hảo giữa hai người.
Người vị tha không chấp nhất những hành vi nhỏ nhặt của anh em, không “để bụng”, không tìm cách trả thù những người hiềm khích, người không đồng quan điểm…
Nếu không biết tha thứ, cuộc sống của chúng ta sẽ chồng chất ganh ghét, giận hờn và dần dần sẽ sinh ra hận thù. Xét về mặt tâm lý học, hận thù là cảm xúc tiêu cực tiềm ẩn mà sức công phá của nó như những cơn động đất và sóng thần trong tâm hồn, nó âm ỉ và sẽ nổ tung bất cứ lúc nào, sức tàn phá ghê gớm tùy theo cường độ hận thù. Hận thù dẫn đến “chiến tranh” trong mọi quan hệ. Một số chuyên gia tâm lý cho rằng: ganh ghét, giận hờn, hận thù nếu không giải tỏa có thể tiềm ẩn và sinh ra một số bệnh hiểm nghèo như tim mạch, cao huyết áp… (dĩ nhiên không thể nói những người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp là những người đầy hận thù).
Cho nên sống tha thứ con giả thoát chính chúng ta khỏi những xiềng xích của cảm xúc giận hờn đè nặng, làm cho cuộc sống được thư thái tự do, sức khỏe thăng tiến.
Qua tha thứ, sinh ra sự bình an của cuộc sống, đó là tính nhân bản của tha thứ trong đời sống cá nhân. Trên bình diện quốc gia, nếu không biết tha thứ sẽ dẫn đến những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn như chúng ta đang thấy ở Somalia, Congo…, những cuộc nội chiến ấy đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người dân vô tội. Trên bình diện quốc tế, sự thiếu tha thứ, gây hận thù và chiến tranh triền miên như vùng Trung Đông “dầu sôi lửa bỏng”, cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa các con cháu Tổ phụ Abraham, của hai dân tộc Do Thái và Palestina vẫn chưa chấm dứt dù đã ký biết bao nhiêu hiệp ước hoà bình với sự can thiệp của các cường quốc trên thế giới. Hòa bình vẫn không được tìm thấy vì cả hai dân tộc đều không tha thứ để giải tỏa hận thù. Nếu có một vụ đánh bom tự sát của dân quân Palestin vào người Israel thì lại có sự trả đũa phóng hỏa tiễn từ bên Israel vào đất Palestin theo chính luật: “mắt đền mắt, răng đền răng”, và như thế, vực thẳm của sự thù ghét ngày càng sâu.
Những điều trên đã chỉ cho chúng ta thấy: thiếu tha thứ, đời sống con người bị ảnh hưởng từ cá nhân đến đời sống cộng đồng. Vị tha để sự bình an tâm hồn và thân xác mỗi cá nhân được đâm hoa kết trái và chính hoa trái đó làm nên hạt giống gieo hòa bình cho quốc gia và thế giới, cho nên như Paul Toupin đã chia sẻ: “Cuộc sống là học biết tha thứ, tha thứ tất cả”.
Sống trong gia đình, sống với và sống cùng bạn bè - đồng nghiệp…, chắc chắn tôi và bạn cũng có lúc bị tổn thương bởi những lỗi lầm thiếu sót của mọi người chung quanh, những lỗi lầm ấy có thể do chủ tâm hoặc cũng có thể do lỡ lầm yếu đuối. Nếu chúng ta đã có kinh nghiệm từ sự yếu đuối bản thân, thì chúng ta cũng phải thông cảm và tha thứ những lỗi lầm và thiếu sót của anh em bạn bè vì họ làm cho ta buồn lòng. Tha thứ cho anh em trong gia đình, bạn bè để nơi tâm hồn chúng ta luôn chan chứa tình huynh đệ bao dung, gia đình đầy ắp tiếng cười.
Hai cấp độ trên của sự tha thứ dễ thực hành, dù bị xúc phạm tổn thương nhưng vì có tương quan tình cảm gia đình, bạn bè nên chúng ta có thể bỏ qua. Nhưng tha thứ cho người hãm hại mình quả là điều rất khó khăn. Nhung đó lai là một bài học có lẽ khó nhất và là bài học thể hiện lòng yêu thương trọn vẹn nhất trong cuộc đời. Hơn nữa, khi tha thứ, không chỉ người được tha được thi ân mà chính người tha cũng hưởng tâm hồn bình an như châm ngôn: “Gieo tha thứ gặt bình an” cho bản thân cả tâm hồn lẫn thể xác, hơn nữa góp phần xây dựng hòa bình cho cả nhân loại.
Trong bình diện tâm linh, tương quan ơn cứu độ, Sách Huấn ca dạy: “Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha” (Hc 28, 2). Chúa Giesu qua Kinh Lạy Cha cũng dạy: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6, 12;
Lc 11,4). Tha nợ do đòi hỏi bó buộc Thiên Chúa, Ngài tha nợ cho chúng ta như chúng ta biet đã tha thứ cho anh em. Đây không chỉ là một điều kiện nhưng còn là một thái độ chuẩn bị: khi tha thứ cho anh em cũng ao ước được Chúa tha thứ rộng rãi cho mình. Người có tha thứ mới thật lòng muốn được tha thứ và mới đáng nhận được ơn tha thứ.
Lc 11,4). Tha nợ do đòi hỏi bó buộc Thiên Chúa, Ngài tha nợ cho chúng ta như chúng ta biet đã tha thứ cho anh em. Đây không chỉ là một điều kiện nhưng còn là một thái độ chuẩn bị: khi tha thứ cho anh em cũng ao ước được Chúa tha thứ rộng rãi cho mình. Người có tha thứ mới thật lòng muốn được tha thứ và mới đáng nhận được ơn tha thứ.
Vâng, Lạy Chúa Giêsu, con khẩn thiết cầu xin ơn tha thứ, hãy cho con có sức mạnh, can đảm để con tha thứ cho anh em con để chính con cũng được ơn thứ tha.
Xin tha thứ cho con và chúc lành cho đời sống mới của con. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét