Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

1 tháng 10, 2011

Duyên giữ khách

TT - LTS: Một khoảnh khắc, một gương mặt, một câu chuyện... có thể lướt qua rất nhanh trong vô tình, cũng có thể đọng lại rất lâu trong sự chiêm nghiệm. Tuổi Trẻ mời bạn đọc cùng ghi lại và chia sẻ với mục mới “Khoảnh khắc cuộc sống”.

Ông Ngọc (đeo kính) bên góc phố quen, những người khách quen và những đôi giày quen  - Ảnh: Tự Trung


1
“Cho con hai ký cam, bà ơi”. “Chú mua ăn hay để biếu?”. “Dạ, mua để vắt nước cho em bé uống”. Bà bán hàng lựa nhanh, lau sơ từng trái cam mọng rồi bỏ vào túi xốp, xách vòng qua treo vào cái móc ở giữa xe cho khách và dặn: “Cam ngọt rồi, cho con nít uống không cần thêm đường”. Vài hôm sau, người đàn ông ấy quay lại mua hai ký cam. Bà đã có thêm một khách quen.
Mỗi ngày, ở vỉa hè xéo trước cửa chợ An Đông (đường An Dương Vương, quận 5, TP.HCM), bà bán hết khoảng hai cần xé cam. Lời mỗi ký một vài ngàn đồng cũng cắc củm kiếm tiền được để mấy mẹ con, bà cháu nuôi nhau. “Mưa nắng có dù che cũng đỡ. Mình bán cam chứ có giành giật gì của ai đâu. Khách thương thì mua hoài, khách không thương họ đi mua của người khác, vậy thôi” - bà giải thích lý do đắt khách của mình.
Chợ nào, góc đường nào cũng có thể mua được cam, nhưng vẫn có những khách quen không ngại đường xa tìm đến sọt cam của bà. Bà bảo luôn dặn mình và con gái không bán cam giập, cam héo. Người ta đã tin mình, mình phải giữ. Khách mua cam phần lớn để người già, con nít ăn, vì vậy từng trái cam phải sạch sẽ, đâu ra đó. Cách bà tỉ mẩn, nâng niu từng trái cam khiến khách yên tâm. Nếu để ý thì mua cam của bà ít ai tự tay lựa mà toàn nhờ bà lựa giùm. Bà nhớ khách rất giỏi, nhớ luôn những thói quen của họ, thỉnh thoảng lại có những lời hỏi thăm chân tình khiến khách đứng giữa đường đông mà như được uống ngụm nước cam ngọt mát.
Vì thế khách nhớ bà.
2
Ông Ngọc ngó trời kéo mây rồi nhanh tay thu dọn đồ nghề và những đôi giày của khách vào cho gọn gàng. Dông kéo tới, rồi mưa sầm sập. Một cô gái trẻ chạy xe vọt tới, ông đưa đôi giày gói trong bịch nilông, nói nhanh: “30.000 đồng, cô. Mưa thì núp lát lấy, vội dữ hả?”. Cô gái kéo khẩu trang nói gấp: “Chiều con đi tiệc, ghé sớm cho tiện”.
Ông Ngọc ngồi sửa giày ở góc đường Lê Thánh Tôn - Phan Bội Châu (chợ Bến Thành, quận 1) đã hơn 30 năm. Khách của ông đủ cả tây lẫn ta. Tuổi ngoài 60 nhưng mắt và tay ông vẫn nhanh lẹ trong từng cái nhìn, đường kéo, vệt keo dán. “Người ta đem giày đi sửa là giày mang đã quen chân, không thích đi giày mới. Sửa thì đừng làm cho lạ chân, vậy thôi”. Nói một cách hài hước, ông như bác sĩ “thẩm mỹ” cho giày. Có những đôi giày ông sửa, vài năm sau chủ nhân đi mòn vẹt, lại mang ra đóng đế mới. “Đàn ông hay sửa giày hơn phụ nữ. Người già thích sửa giày hơn đám trẻ” - ông đúc kết.
Không hiếm khách từ xa xôi tới Sài Gòn là ghé chỗ ông. Nhìn đôi giày, ông Ngọc có thể đoán biết khá nhiều về tính cách chủ nhân. Những nhận xét âm thầm ấy khiến ông sửa rồi mà giày vẫn “quen” chứ không “lạ”, giúp khách đi thêm được bao nhiêu dặm đường. Có lần đôi giày khách gửi mãi không tới lấy, tưởng đã mua giày mới thì ba tháng sau ông khách quay lại xuýt xoa xin lỗi vì đi công tác xa đột xuất.
“Già trẻ gì cũng phải kiếm cơm. Mình già, chậm thì phải bù lại bằng cẩn thận. Sửa giày muốn người ta quay lại thì phải nghĩ chân họ cũng là chân mình, không làm dối được” là cách làm nghề của ông.
VŨ BÁCH


cooltext540305069.gif image by Apollok2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét