Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

16 tháng 3, 2012

Đấng Mêsia được giương cao

“Đấng Mêsia được giương cao chính là ánh sáng đã đến thế gian. Người bị cái thế gian xấu xa kết án, ghét bỏ và từ chối. Nhưng những ai sống theo sự thật thì đến với Người”.

Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 3,14-21) trích từ cuộc trao đổi của Đức Giêsu với ông Nicôđêmô trong sách Tin Mừng thứ tư. Trong trích đoạn này, tác giả Ga giới thiệu với chúng ta Đức Giêsu trong tư thế là Đấng Mêsia được giương cao. Người chính là nguồn mạch sự sống (cc.14-18) và là qui chuẩn mà chúng ta phải theo để đạt tới sự viên mãn đích thật (cc.19-21).
Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (cc.14-15). Theo Ds 21,9, trong hoang địa, khi dân Israel bị rắn độc cắn chết nhiều người, ông Môsê đã theo lệnh Đức Chúa “làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”. Bản văn Ga 3,14-15 quy chiếu về Ds 21,9 và tạo nên một sự song song đáng chú ý. Không phải mọi yếu tố đều được đặt song song với nhau. Sự so sánh đã chỉ nhấn đến hai yếu tố: sự kiện và hiệu quả.  
Trong Ga 3,14-15, vế thứ nhất (như A) thông báo sự tương tự của điều phải xảy ra với sự kiện đã xảy ra. Về sự kiện đã xảy ra trong hoang địa xưa, người thực hiện được nêu rõ: ông Môsê; nơi chốn cũng được nói rõ: trong sa mạc. Ở vế thứ hai (cũng vậy, B), tác nhân thực hiện, thời gian và nơi chốn đều không được đề cập. Chỉ có sự cần thiết của sự kiện được nhấn mạnh (phải). Tuy nhiên, sự song song là rất rõ ràng: tương ứng với con rắn trong vế thứ nhất là Con Người trong vế thứ hai, và tương ứng với “giương cao” trong vế thứ nhất là “được giương cao” trong vế thứ hai. Trong vế thứ ba (c.15: để C), “được sống muôn đời” tương ứng với “được sống” trong Ds 21,9. Tất nhiên ở đây có sự khác biệt: với sự kiện ông Môsê giương cao con rắn bằng đồng trong sa mạc xưa, người ta sẽ chỉ có thể đạt được sự sống mau qua; còn nhờ Con Người được giương cao, thì sẽ là “sự sống muôn đời”. Nơi Người sẽ trào vọt sự sống thần linh của chính Thiên Chúa cho những ai tin vào Người.
Quả thực, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (1,17). Vì thế, “ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (3,15), vì được đón nhận ân sủng và sự thật viên mãn của Thiên Chúa.
Đức Giêsu nói tiếp: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (c.16). Đây là một lời khẳng định rất quan trọng, cung cấp cho ông Nicôđêmô (và cho chúng ta) lời giải thích tối hậu cho thực tại Mêsia. Nếu ở cc.14-15, thực tại Mêsia được chiêm ngắm từ phía nhân loại, như một thực tại hữu hình: “Con Người được giương cao”, thì ở c.16 này, thực tại đó được trình bày từ phía Thiên Chúa, Đấng thi thố sáng kiến yêu thương cứu độ của Người trong lịch sử nhân loại. Đấng được giương cao cho mọi người nhìn thấy chính là Con Một của Thiên Chúa được Ngài ban từ trời để loài người được sống muôn đời. Người chính là Tình Yêu của Thiên Chúa cho thế giới.
Hành động tối hậu của Thiên Chúa là hành động thí ban Con Một vì yêu. Người tỏ mình trước hết trong tư thế Đấng ban sự sống muôn đời, chứ không phải như là một quan án. “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (c.17). Tình yêu và ân huệ sự sống muôn đời mà Thiên Chúa ban cho nhân loại giờ đây được trình bày trong ngôn ngữ sứ vụ, và đó là sứ vụ cứu độ chứ không phải xét xử.
Nhưng điều đó không có nghĩa là chẳng có sự “bị lên án”. Đức Giêsu nói: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (c.18).
Trách nhiệm, như vậy, là nơi con người chứ không phải là nơi Thiên Chúa. Sự chú ý bắt đầu được đặt vào con người. Diễn từ tập trung cái nhìn vào con người như là chủ thể của hành động. Con người có thể tin hay không tin vào Đức Giêsu; không có khả năng thứ ba, tức là không có trường hợp “thờ ơ”, “không thèm quan tâm”. Trước quà tặng tình yêu thần linh, người ta chỉ có thể hoặc đón nhận hoặc từ chối. Và điều đó sẽ dẫn đến chuyện bị kết án hay không. Chính con người sẽ phải quyết định về sinh mệnh của mình trước quà tặng tình yêu thần linh là chính Con Thiên Chúa được giương cao trên thập giá. Vì Thiên Chúa không xét xử, nhưng là Đấng ban sự sống, nên những ai tin vào Con của Người thì không bị lên án. Còn những ai từ chối, thì đó là họ tự kết án mình.
“Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (c.19). Tác giả khai triển những gì đã nói phía trên. Ông trình bày lý do của sự bị lên án.  
Tự chính mình, ánh sáng đã đến thế gian thì soi sáng cho tất cả mọi người. Trong 8,12, “Đức Giêsu nói với người Do Thái: "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống." Trong 12,46 Đức Giêsu nói rõ ràng: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối”. Trong quan niệm của các kinh sư, Luật Môsê chính là sự sáng và đem lại sự sống. Mở đầu cuộc đối thoại với Đức Giêsu, ông Nicôđêmô đã thưa với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến” (3,2). Ông Nicôđêmô đã chỉ hình dung Đức Giêsu là một tôn sư giúp người ta sống đúng Luật Môsê, tức là giúp người ta đi theo ánh sáng là Luật Môsê để có sự sống. Ở cuối cuộc đối thoại này, Đức Giêsu cho thấy chính Người mới là ánh sáng đã đến thế gian. Đức Giêsu được giương cao chính là qui chuẩn mà chúng ta phải theo để đạt tới sự viên mãn đích thật. Chính Người mới là ánh sáng, tức là quy chuẩn để phân định điều thiện hay điều ác trong các hành động của con người. Sự hiện diện của Người đặt nhân loại và từng người trước sự lựa chọn: đón nhận ánh sáng – sự sống hay từ khước ánh sáng – sự sống. “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (c.19).
“Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng” (c.20a). Từ chỗ ghét ánh sáng, họ manh tâm tiêu diệt ánh sáng. “Họ quyết định giết Đức Giêsu” (11,53). “Các thượng tế quyết định giết cả anh Ladarô nữa” (12,10). “Họ hô lớn: "Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!” (19,15). Nhưng thật ra, “ánh sáng vẫn chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (1,5). Khi không diệt được ánh sáng, “họ không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (c.20). Họ biết rằng ánh sáng sẽ phơi bày con người thật của họ. Từ chối ánh sáng, họ nghĩ rằng mình sẽ vẫn có thể tiếp tục các việc xấu xa mà chẳng bị bại lộ. Họ tiếp tục đi trong bóng tối.
“Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa" (c.21). “Tin vào Danh Con Một Thiên Chúa”, “đến cùng ánh sáng”, “sống theo sự thật” và “thực hiện các công việc trong Thiên Chúa”, là những cách diễn tả khác nhau của cùng một thực tại. Đó chính là cuộc sống của những con người đón nhận Đấng Mêsia được giương cao làm quy chuẩn cho đời sống mình.
Tóm lại, trong khung cảnh phụng vụ Mùa Chay, bài Tin Mừng hôm nay khẳng định với chúng ta hai nội dung quan trọng:
- Phần thứ nhất (cc.14-18) khẳng định Đức Giêsu chịu đóng đinh là nguồn mạch sự sống của chúng ta.
Đức Giêsu được giương cao trên thập giá chính là sự diễn tả trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian. Người là Con Một Thiên Chúa. Người là nguồn mạch sự sống muôn đời cho con người. Đó thật sự là tin mừng vĩ đại cho nhân loại chúng ta. Mầu nhiệm thập giá mà chúng ta đang chuẩn bị tâm hồn để cử hành cách long trọng trong Tam Nhật Thánh, thực ra, là mầu nhiệm của tình yêu và sự sống viên mãn của chính Thiên Chúa được ban cho nhân loại.
Chúng ta được mời gọi sống Mùa Chay thánh trong tinh thần chuẩn bị tâm hồn đón nhận sự sống viên mãn đó. Tất cả những thực tại khác nhau của Mùa Chay sẽ trở thành vô nghĩa nếu chúng không giúp chúng ta sống điều căn bản này.
- Phần thứ hai (cc.19-21) khẳng định Đức Giêsu chịu đóng đinh là quy chuẩn của đời sống chúng ta.
Đấng Mêsia được giương cao chính là ánh sáng đã đến thế gian. Người bị cái thế gian xấu xa kết án, ghét bỏ và từ chối. Nhưng những ai sống theo sự thật thì đến với Người.
Trong Mùa Chay thánh này, chúng ta được mời gọi sám hối trở về với sự sáng thật là Đức Giêsu. Chính trong sự quy chiếu về Người mà chúng ta sẽ thấy rõ con người thật của mình. Chính Người mới là quy chuẩn, là giá trị tuyệt đối, là khuôn mẫu hoàn hảo và là sự thật tuyệt đối quyết định điều thiện điều ác trong cuộc sống chúng ta. “Ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng... Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng” (cc.20-21).
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét