Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

17 tháng 3, 2012

THÁNH GIU-SE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA

Suy niệm Lời Chúa: Mt 1, 16.18-21.24a Còn hơn cả công chính


            Phụng vụ ngày lễ cống hiến một đoạn văn ngắn ngủn và hiếm hoi của Phúc âm Mát-thêu để hé lộ cho thấy con người Tin Mừng của Giu-se, vị thánh thường vẫn được tôn thờ và cầu khẩn dưới các tước hiệu như Dưỡng Phụ của đức Giê-su hay Bạn Trăm Năm của Trinh Nữ Ma-ri-a. Vậy con người Tin Mừng của ngài có gì là đặc sắc, có gì nổi bật? Hơn nữa ngài có gì để giúp cho tôi sống Tin Mừng hơn, ngoài việc có thần thế cầu bầu trước mặt Chúa cho tôi được ơn này hay ơn khác?
            Trong chuỗi liệt kê gia phả đức Giê-su, câu 16 tạo nên một bước ngoặt: Giu-se không sinh ra Giê-su. Qua và nhờ ông, chỉ một điều duy nhất được xác định: Giê-su chính là hậu duệ hợp pháp của vua Đa-vít. Trong tiến trình Giê-su giáng sinh và lớn lên Giu-se không đóng vai trò chủ chốt. Cái bóng của ông vẫn có đó, nhưng chỉ thấp thoáng trong tư cách hỗ trợ ‘ông đón vợ về nhà.., ông đưa Ma-ri-a đi khai sổ bộ.., ông tìm quán trọ.., ông ở bên Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.., ông đem Con Trẻ lên Giê-ru-sa-lem để hiến dâng.., đang đêm ông đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.., ông lại đưa Hài Nhi và mẹ Người trở về đất It-ra-en.., rồi về Na-da-rét miền Ga-li-lê.., ông lo lắng đi tìm Trẻ Giê-su thất lạc trong đền thờ…’ Ngoài các điều đó, ông chỉ được xem như một con người tầm thường, bình dị, một công nhân lao động không được bà con lối xóm tôn trọng là bao (Lc 4, 22).
            Lời khen tặng duy nhất Phúc Âm dành cho ông là: “Ông là người công chính”; tuy nhiên đó cũng chẳng phải là một lời khen ngợi cao quí gì cho lắm. Công chính (justus) của Giu-se chỉ là một thuộc từ chứ không là tước hiệu đặc biệt như trường hợp của Ba-sa-ba (Cv 1,23). Trước con mắt các công dân Do Thái ông đơn giản là một người tốt, chính trực, tức là sống trung thành với các qui định của luật Mô-sê [NB. Các bản dịch Anh ngữ sử dụng nhiều tĩnh từ khác nhau như ‘just, righteous, good, honorable…’] Khi giáp mặt với tình huống liên quan tới ly hôn. Giu-se chỉ muốn tuân thủ cặn kẽ các qui định của luật pháp được ghi trong Đệ Nhị Luật. Nếu có đôi chút đặc biệt thì cũng chăng qua là thái độ tế nhị ông muốn thi hành điều này cách kín đáo và êm thắm. Khi miêu tả ông là người công chính, tôi thiết tưởng Phúc âm chỉ muốn nói: Giu-se, miêu duệ Đa-vit, là một người Do Thái hoàn hảo (điều này có tầm quan trọng rất lớn đối với các độc giả trực tiếp của Phúc Âm Mát-thêu).
            Và sứ thần Chúa được gởi đến can thiệp không với mục đích trấn an ông. Sứ thần chỉ khảng định kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa muốn thực hiện ‘vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ’. Và trong kế hoạch đó, ông được dành cho một vai trò nhất định: qua ông và nhờ ông, Giê-su sẽ được luật pháp công nhận là miêu duệ của Đa-vít, một điều có tầm mức vô cùng lớn lao trong quan niệm của người Do Thái về đấng Mét-si-a. Để thi hành được kế hoạch này, cụ thể ông phải ‘đừng ngại đón Ma-ri-a vợ ông về…’  và chu toàn vai trò của một gia trưởng ‘đặt tên cho con trẻ là Giê-su’. Điều đó ngầm hiểu ông sẽ phải đình chỉ thi hành các điều luật định ‘viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi nàng ra khỏi nhà’ (Đnl 24,1).Nếu chấp nhận lời sứ thần sẽ đồng nghĩa với việc, trước luật pháp Do Thái ông không còn có thể coi mình là công chính được nữa. Giu-se phải lựa chọn một trong hai: kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa hay sự công chính của riêng mình. Và ông đã quyết định. ‘Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ ông về nhà…
            Tôi thiết nghĩ sự vĩ đại đích thực của Giu-se chính là ở đây. Ma-ri-a, bạn ông, cũng phải trải qua một kinh nghiệm và chọn lựa tương tự: sự công chính của lề luật - có con với chồng đã thành hôn - hay kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. “Việc đó xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Và lời ‘Xin vâng!’ của Ma-ri-a cũng dứt khoát như hành động ‘Đón vợ về nhà’ của Giu-se.
            Trong đời sống thường ngày tôi chắc rằng mỗi người đều phải kinh qua một số lựa chọn tương tự, nhất là thông qua những gì ta quen gọi là vâng phục hay chu toàn Ý Chúa. Riêng tôi, kinh nghiệm Ki-tô hữu phải khiêm tốn nhìn nhận thân phận yếu hèn tội lỗi để dọn chỗ cho kế hoạch cứu độ đầy yêu thương Chúa được thực hiện nơi mình, vẫn luôn rất khó khăn. Và thánh Giu-se sẽ giúp tôi làm được điều này.
                Lạy Thánh Cả Giu-se, dầu biết ngài là đấng có quyền thế trước mặt Chúa, nhưng con lại muốn năng chạy tới ngài như Cha và Thầy hướng dẫn cuộc sống và các lựa chọn Tin Mừng của con. Xin Cha giúp con đặt Tin Mừng cứu độ Chúa lên trên tất cả những gì con và người đời thường coi là cao đẹp. Xin giúp con thấu hiểu viếc đón nhận lòng thương xót và ơn cứu độ luôn đòi khiêm tốn và tự hủy. Amen
Tác giả bài viết: Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét