Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

21 tháng 3, 2012

TIN ĐƯỢC CỨU

Chúa Nhật IV Mùa Chay B 2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21 Một Linh Mục Thừa Sai tại Ấn Độ có kể lại một Chứng từ: Tôi gặp hai anh em tuổi chừng 20 là tín hữu Công
. Cả hai sinh trưởng trong một gia đình Ấn Giáo sùng đạo. Người cha làm phó chủ tịch Ủy Ban Đền Thờ Ấn Giáo…Trước kia hai anh em theo học tại trường Các Sư Huynh Công Giáo. Nhà nguyện thường có treo các ảnh tượng Đức Chúa Giêsu Kitô, Đức Mẹ Maria và Các Thánh. Do đó hai cậu có dịp chiêm ngắm các ảnh thánh nhưng không tỏ dấu đặc biệt bị lôi cuốn. Trong khi đó, các phụ huynh  không Công Giáo Ấn Độ lại có lòng mộ mến cách riêng Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Họ mang con đến trước bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin và tạ ơn Đức Mẹ về những ơn lành mà họ đã nhận lãnh.
Hai anh em chia sẻ cho tôi nghe câu chuyện theo Đạo Công Giáo. Tuy nhiên, họ muốn giữ kín tên. Họ nói với tôi: ‘‘Cha cứ gọi chúng con là Jesudasa, nghĩa là tôi tớ Đức Chúa Giêsu. Chúng con rất sợ gia đình và bà con lối xóm dị nghị chỉ trích và thóa mạ người không phải Ấn Giáo. Dầu vậy, chúng con thật lòng muốn làm chứng cho mọi người biết về cuộc theo đạo Công Giáo của chúng con và muốn giải thích cho họ hiểu cách thức mà ơn thánh Chúa đã hoạt động trong chúng con, kinh nghiệm khám phá ra được Kinh Thánh”.
Khi còn là học sinh tại các trường Công Giáo, con rất thích nhìn tượng ảnh Đức Chúa Giêsu trên Thánh Giá và thắc mắc tự hỏi: "Làm sao Đức Chúa Giêsu có thể quên được, tha thứ cho kẻ thù của mình giữa những đau khổ, cực hình khủng khiếp Ngài phải chịu?". Từ thắc mắc này con suy ra rằng: Đức Chúa Giêsu phải là một nhân vật đặc biệt, phi thường lắm!.
Khi con bắt đầu học ngành kỹ sư điện, con theo một nhóm bạn sinh viên Công Giáo tham dự những buổi cầu nguyện và thăm viếng người đau ốm, không phân biệt màu da hay tôn giáo. Trong thời gian này, con đặc biệt tìm kiếm bằng chứng xem Đức Chúa Giêsu Kitô có phải là Thiên Chúa thật không. Con bắt đầu kêu tên Đức Chúa Giêsu và khám phá ra rằng tên Đức Chúa Giêsu có sức mạnh chữa lành người bị bệnh và kẻ đau khổ.
Chuyện quan trọng xảy đến vào năm 1983 đã thật sự chuyển hướng đời con. Mẹ con mắc bệnh tâm thần từ 35 năm qua nhưng không một ai có thể giúp mẹ khỏi bệnh. Nhiều lúc mẹ con trở nên hung tợn dữ dằn y như một người bị quỷ ám. Các thần linh và thần nữ Ấn Giáo chẳng giúp gì được mẹ con, mặc dầu có nhiều người khấn vái cầu xin. Con bắt đầu khẩn khoản kêu cầu cùng Đức Chúa Giêsu Kitô. Con van xin Ngài chữa mẹ con lành bệnh. Và mẹ con lành bệnh thật. Từ đó mẹ con trở lại đời sống một người thật bình thường. Đức Tin của con nơi Đức Chúa Giêsu Kitô được củng cố... Con quyết định tiến tới và không bao giờ quay lại đàng sau. Thiên Chúa đã ban cho lòng con niềm an bình sâu xa. Cả hai anh em chúng con xin học đạo và lãnh bí tích rửa tội năm 1985, nghĩa là hai năm sau khi mẹ con khỏi bệnh. Chúng con đã mò mẫm tìm kiếm Thiên Chúa trong vòng 5 năm trời. Hai anh em chúng con bị gia đình, bà con, dòng họ, làng xóm Ấn Giáo chỉ trích thậm tệ. Tuy nhiên, chúng con cảm thấy hạnh phúc và may mắn vì nhận biết và tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô… Con nghe như tiếng Đức Chúa Giêsu nói với con: Nếu các con tin nơi Thầy thì các con và gia đình các con sẽ được cứu rỗi… Con tin tưởng vững vàng một ngày gần đây cha mẹ bà con của chúng con sẽ tin vào Thiên Chúa Chân Thật và Duy Nhất.
Từ việc chiêm ngưỡng ảnh Chúa Giêsu trên thập giá, đến việc tìm kiếm và khám phá Đức Tin của người anh em gợi cho chúng ta hình ảnh của Nicôđêmô - một biệt phái đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Đối thoại với  Đức Giêsu, ông được hiểu  ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho loài người qua Đức Giêsu Kitô giương cao lên thập tự. Đấng được “giương cao" ("upsothènai" trong tiếng Hy Lạp) mang hai ý nghĩa cao cả: Đức Giêsu vừa được "giương cao trên thập giá”, vừa được "đưa lên" ngự bên hữu Chúa Cha nhờ cuộc phục sinh và lên trời (x. Ga 3,14; 8,28; 12,32-34).
Chúa Kitô được giương cao, đã được loan báo trước bằng hình ảnh của rắn đồng trong sa mạc, để ai bị rắn lửa cắn nhìn lên thì được cứu khỏi chết (x. Ds 21,9tt). Nicôđêmô đàm đạo, biết và tin vào Chúa Kitô - Đấng Chúa Cha sai đến, là người Con đã được Chúa Cha ban cho thế gian vì yêu thương, ngõ hầu thế gian được cứu độ… Ai không tin vào Đức Kitô, đó là tự kết án chính mình, vì tự tách rời khỏi nguồn sống :  “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Ngài, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”(Ga 3, 20 ). Tin đối với Gioan là nhìn nhận Đức Giêsu là Con và là sứ giả của Chúa Cha, là đến với Đức Giêsu và gặp Ngài, là biết Ngài và cùng với Ngài biết Chúa Cha. Đức tinlà hồng ân và một sự lôi cuốn của Chúa Cha khi nhìn lên Chúa Kitô – Đấng được giương cao và  tin vào.
Người tin được thông phần sự sống của Thiên Chúa, và bước vào một cuộc sống mới. Tin là từ bỏ bóng tối của tội lỗi, của gian tà, của ma quỷ. Giữa đêm tăm tối của cuộc đời,  người tin nhận ra ánh sáng tình thương của Thiên Chúa và bước tới, nhưng nếu khép kín lòng  sẽ mãi là con cái bóng tối như Chúa Giêsu đã nói  ”Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm họ đều xấu”(Ga 3,19).
Chiêm ngắm Đấng được giương cao, tác động chúng ta tin vào hành trình của Đức Kitô ở trần gian: Sứ mạng của Đức Giêsu đến thế gian là giáo hóa con người: Ngài đến để cải hóa người tội lỗi (x. Mt 9,13; Lc 5,32), biến tội nhân tin vào Ngài thì nên thánh thiện (x. Rm 6,22), và hơn thế nữa, giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi (x. Mt 1,21; Mc 2,17; Rm 6,6.18; Dt 9,26b; 1Ga 1,7b). Ngài còn có quyền tha tội (Mt 9,5-6; Mt 26,28; Cv 10,43; Cl 1,14), và ban ơn cứu rỗi (x. Lc 19,9; Ga 4,42; Cv 4,12; 13,23). Nhưng Ngài cải hóa và cứu độ con người bằng đức tin: «Ai tin thì sẽ được cứu độ» (Mc 16,16; x. Cv 16,3) khi chiêm ngắm Đấng được giương cao: giương cao để chết cho nhân loại, nhưng giương cao bên hữu Chúa Cha trong mầu nhiệm phục sinh.
Trong kinh nghiệm giữa cuộc đời đầy thử thách gian nan, Phaolô đã phải kêu cứu: «Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?» (Rm 7,24). Nhưng chính nhờ vào niềm tin vào Đấng mà ông từng bách hại, đã làm cho té ngựa để chiếu dãi niềm tin vào tâm hồn, cho ông niềm tin, tiếp sức khả năng chiến đầu đi đến chiến thắng nên ông cất tiếng vang : «Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!» (Rm 7,25).
Thật thế, như Chúa Giêsu đã khẳng định : «Mọi sự đều có thể đối với người tin» (Mc 9,23), như Ngài đã hứa: «nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em» (Lc 17,6). Sức mạnh dời non lấp bể của niềm tin. Còn hơn thế nữa, Tin vào con Thiên Chúa – Đấng giương cao chết treo trên thập tự, Đấng đã Được giương cao bên hữu Chúa Cha qua phục sinh, như là nội dung của giao ước mới: sự sống đời đời của Thiên Chúa được trao ban như Đức Giêsu xác định với Nicôđêmô trong buổi gặp gỡ mạc khải về niềm tin vào Con Người – Đấng Được giương cao: «Ai tin vào Con Người thì được sống muôn đời», «Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án». Chính trong niềm tin vào Đấng được giương cao, sau này thánh Phaolô tuyên tín: «Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa”.
Đấng được giương cao – treo thập tự,
Trần gian cứu độ, được nhờ Người,
Ai tin – sức sống muôn đời có,
Giương cao cùng với Đấng Phục Sinh
                                                            Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 17/03/2012
Tác giả bài viết: Lm. Vinh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét