“Gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem” (c.13). Đây là lễ đầu tiên trong ba lễ Vượt Qua được đề cập đến trong sách Tin Mừng thứ tư (x. 6,4; 11,55). Vào dịp này, người Do Thái lên Giêrusalem để thực hiện các cử hành phụng tự đặc biệt. Đức Giêsu cũng lên Giêrusalem và đến Đền Thờ. Tuy nhiên, điều Người gặp thấy ở đó lại không phải là đoàn dân đang tìm kiếm Thiên Chúa, mà là một cái chợ, một trung tâm buốn bán sầm uất. “Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền” (c.14). Lễ Vượt Qua đã trở thành một phiên chợ thường niên, kéo dài, sầm uất và béo bở cho hàng lãnh đạo.
Đức Giêsu trực tiếp chứng kiến cảnh tượng đó. Và Người ra tay hành động.
“Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ” (c.15). Sách ngôn sứ Dacaria kết thúc bằng lời tiên báo về Giêrusalem thời cánh chung rằng: “Ngày ấy, sẽ không còn lái buôn trong Nhà ĐỨC CHÚA các đạo binh nữa” (Dcr 14,21). Như thế, khi tiến vào trong Đền Thờ với ngọn roi trong tay để xua đuổi tất cả bọn lái buôn khỏi đó, Đức Giêsu đang xuất hiện với dấu hiệu rất rõ ràng của thời Mêsia.
Hành động của Đức Giêsu “xua đuổi tất cả bọn họ [những kẻ bán chiên, bò]cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ” (c.15b) cần được hiểu trong đường hướng của các ngôn sứ lên án nền phụng tự được thực hành bằng các hy lễ tốn kém. Đó là một nền phụng tự giả dối, vì được thực hiện cùng với những sự bất công và những sự bóc lột người nghèo. Các ngôn sứ đã không ngừng mạnh mẽ phản đối kiểu thờ phượng như thế, ví dụ Is 1,11-17; Gr 7,21-26; Hs 5,6-7; 8,13; Am 4,4-5; 5,21-24; Tv 50,13... Nhưng Đức Giêsu còn đi xa hơn nữa. Khi Người đuổi ra khỏi Đền Thờ tất cả chiên bò tức là Người đang loại trừ khỏi đó tất cả những chất liệu làm nên các hy lễ, và với việc đó, Người đang tuyên bố rằng những hy lễ đó và cùng với chúng là chính nền phụng tự đang được cử hành, là không có giá trị gì cả. Người không chỉ phàn nàn về một nền phụng tự che giấu bất công, nhưng là một nền phụng tự bất chính tự bản thân khi nó đã biến thành một phương thế bóc lột dân chúng. Sự kiện Người mạnh mẽ và kiên quyết loại khỏi Đền Thờ tất cả chiên bò, cho thấy rất rõ điều đó.
“Còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ” (c.15c). Ở c.14, tác giả đã mô tả về những người đổi bạc rằng: họ đang ngồi. Chi tiết đó cho thấy hệ thống đổi tiền đã có một vị trí vững chắc và đầy quyền lực trong Đền Thờ. Hệ thống này cung cấp cho khách hành hương phương tiện để đóng thuế cho Đền Thờ bằng cách đổi cho họ những đồng tiền mà Đền Thờ chấp nhận. Thuế chính là một trong những nguồn thu chính yếu của Đền Thờ. Đền Thờ không thể chứa trong kho của mình những đồng tiền ngoại giáo, nhất là khi những đồng tiền ấy có in những hình ảnh hay chữ viết của các hoàng đế ngoại giáo. Hành động Đức Giêsu đổ tung tiền của những kẻ đổi bạc và lật nhào bàn ghế của họ, vì thế, là sự phản đối hệ thống thuế Đền Thờ, coi đó là một sự lạm dụng phải bị lật nhào và đổ tung đi. Trong thực tế, đó cũng là một hệ thống bóc lột người nghèo.
Như vậy là Đức Giêsu đã trực tiếp và thẳng thắn tấn công vào hệ thống kinh tế của Đền Thờ, cái hệ thống mang lại cho các nhà lãnh đạo Do Thái giáo những nguồn lợi khổng lồ. Người đánh trúng vào tử huyệt của cả hệ thống đó.
“Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán" (c.16). Cũng như chiên bò, những con chim bồ câu là chất liệu làm nên các hiến lễ, nhưng không quan trọng như chiên bò. Xét ở một mức độ, những kẻ bán bồ câu có lẽ không thu lợi nhiều hơn những kẻ bán chiên bò trong Đền Thờ. Tuy nhiên, chính họ lại là những người duy nhất bị Đức Giêsu lên tiếng nói với, và là nói rất nặng lời: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Họ bị quy trách việc làm cho Đền Thờ trở thành nơi buôn bán phàm tục. Hơn nữa, Đức Giêsu không đụng gì đến những chiếc lồng đựng chim câu của họ. Người yêu cầu chính họ phải đem những thứ ấy ra khỏi Đền Thờ. Tất cả những điều đó có ý nghĩa gì?
Chim câu là động vật được dùng trong các hy lễ toàn thiêu để đền tội (Lv 1,14-17), trong các hy lễ thanh tẩy và xá tội (Lv 12,8; 15,14.29). Đó sẽ là hy lễ của những người nghèo trước hết (Lv 5,7; 14,22). Lễ toàn thiêu và hy lễ là những phương thế giao hòa với Thiên Chúa. Vì thế, những người bán chim câu trong Đền Thờ là những kẻ thu lợi trực tiếp từ sự giao hòa của người nghèo với Thiên Chúa, và do đó, trong bản văn của chúng ta, họ là đại diện cho tất cả những phẩm trật có quyền “chấm mút” cách này cách khác trong những dịch vụ liên quan đến Thiên Chúa và ơn giao hòa với Người. Hệ thống phẩm trật ấy bóc lột ngay cả những người nghèo khổ nhất khi bán cho họ những lễ phẩm dâng Thiên Chúa để được giao hòa với Người. Vì thế hệ thống phẩm trật ấy bị quy trách nặng nề. Và chính những người đang tận dụng cái hệ thống phẩm trật ấy được yêu cầu phải thu xếp để xóa bỏ cái việc buôn bán vốn làm méo mó dung mạo của Thiên Chúa đó.
Như thế, trong số các sự lạm dụng và bóc lột đáng bị lên án đang diễn ra tại Đền Thờ, thì sự lạm dụng và bóc lột người nghèo bị Đức Giêsu lên án mạnh mẽ nhất.
Đức Giêsu làm tất cả những hành động nói trên trong tư cách là Con Thiên Chúa: Người gọi Đền Thờ là “nhà Cha tôi”. Người là sự hiện diện của Cha giữa thế gian. Và chính trong tư cách đó, Người ra tay thanh tẩy Đền Thờ. Khi nói “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”, Đức Giêsu cho thấy Đền Thờ thực ra không còn nữa. Nó đã trở thành một cái chợ rồi. Vị thần ngự trị trong đó chính là đồng tiền. Phụng tự đã thành một phương thế bóc lột và thu lợi. Nhưng, đau đớn hơn nữa, nó vẫn mang danh là nhà của Thiên Chúa. Người ta, như thế, đã gán việc bóc lột và thu lợi nhuận cho chính Thiên Chúa. Nơi chỗ của tình yêu, của lòng nhân lành và của sự trung tín của Thiên Chúa, đã bị biến thành hang ổ của quân trộm cướp và phường gian dối.
Thực ra, từ ban đầu, không hề có những hệ thống quản trị và hy lễ. Gr 7,22: “Khi đưa cha ông các ngươi ra khỏi đất Ai Cập, Ta đã chẳng nói gì với chúng, chẳng truyền dạy chúng điều chi về lễ toàn thiêu và lễ hy sinh cả”. Am 5,25: “Hỡi nhà Israel, bốn mươi năm trường trong sa mạc, các ngươi có dâng lên Ta hy lễ hay lễ phẩm nào không?”. Nhưng rồi người ta đã biến nhà Thiên Chúa thành nơi buôn bán, và do đó, Thiên Chúa bị “biến đổi” từ chỗ là Thiên Chúa giải thoát và cứu độ thành một Thiên Chúa đòi hỏi và bóc lột. Đức Giêsu không chấp nhận điều đó. Và Người đã hành động một cách quyết liệt.
Phản ứng đầu tiên đối với những hành động đó của Đức Giêsu, theo lời kể của tác giả sách Tin Mừng, là phản ứng của các môn đệ: “Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (c.17).
Phản ứng thứ hai là của “người Do Thái”, tức là của hàng lãnh đạo. “Người Do Thái hỏi Đức Giêsu: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?" (c.18). Họ không coi những gì Đức Giêsu làm là lời mời gọi phản tỉnh và suy nghĩ dành cho họ. Họ chất vấn Người và đòi Người cung cấp dấu xác nhận rằng Người có quyền hành động như thế. Họ xuất phát từ vị thế của những kẻ mạnh, vị thế của những ông chủ đền thờ, và nhìn Đức Giêsu như là một đối thủ, một kẻ đột nhập. Họ không tự hỏi xem sự phản đối của Đức Giêsu đối với tình trạng hiện hành tại Đền Thờ có đúng hay không. Thay vì nhìn thẳng vào thực tế với những dữ kiện thực tế, thì họ lại chỉ chú tâm đến vấn đề pháp lý; và trong lãnh vực pháp lý đó, họ tin chắc mình sẽ thắng.
“Đức Giêsu đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại". Người Do Thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?”. Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (cc.19-21).
Người Do Thái đòi Đức Giêsu một dấu lạ; Người ban cho họ dấu lạ là chính sự chết của Người, sự chết vì ơn cứu độ nhân loại, sự chết tỏ bày chính vinh quang của Thiên Chúa. Đức Giêsu thách đố người Do Thái phá hủy Đền Thờ là chính thân thể Người. Họ sẽ giết chết thân thể Người, nhưng sẽ không thành công trong việc phá hủy thân thể đó, vì Người sẽ “xây dựng lại” nội trong ba ngày.
Thân thể Đức Giêsu sẽ được tác giả sách Tin Mừng thứ tư đề cập đến trong dịp nói về việc mai táng Người (19,31.38.40) và trong sự tìm kiếm của bà Maria Magđala (20,12). Thân thể Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, vì thế, không có ý nói cộng đoàn Hội Thánh, mà là chính Đức Giêsu trong thực tại cụ thể hữu hình của Người. Chính thân thể ấy, tức là nhân tính thực hữu của Người, là Đền Thờ đích thật.
“Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó. Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói” (c.22).
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét