Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 12,20-33) gồm hai phần: sứ mạng phổ quát và những điều kiện cho sự thành toàn sứ mạng đó (cc.20-26); thân phận Đức Giêsu – Đấng Mêsia được giương cao (cc.27-33).
Khi ấy, “trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy Lạp. Họ đến gặp ông Philípphê, người Bếtxaiđa, miền Galilê, và xin rằng: "Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu." Ông Philípphê đi nói với ông Anrê. Ông Anrê cùng với ông Philípphê đến thưa với Đức Giêsu” (cc.20-22).
“Người Hy Lạp” nói đây tức là những người không phải dân Do Thái. Họ đến gặp ông Philípphê để xin được gặp Đức Giêsu. Trước đây, ông Philípphê chính là người đã mạnh dạn giới thiệu với ông Nathanael về Đức Giêsu và mời ông ấy đến gặp Ngài (1,46). Bây giờ, những người Hy Lạp tự tìm đến xin gặp, nhưng ông Philípphê không dám một mình đến xin Đức Giêsu. Ông tìm ông Anrê, và chính Anrê hình như cũng không dám một mình trình bày sự việc với Đức Giêsu. Và hai ông cùng đến thưa với Đức Giêsu. Một số người nghĩ rằng có lẽ chi tiết này phản ánh khó khăn xảy đến trong cộng đoàn Gioan: Hội Thánh muốn loan báo Tin Mừng cho dân ngoại, nhưng có những anh em gốc Do Thái chưa hoàn toàn bình an với cố gắng đó của cộng đoàn. Vì thế, tác giả Gioan muốn cho thấy rằng quyết định đó không tùy thuộc sáng kiến cá nhân, cũng chẳng phải chỉ là sáng kiến của cộng đoàn, mà là quyết định được đưa ra sau khi đã được Đức Giêsu “hoan nghênh” và tuyên bố: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” (c.23). Quả thực, Đức Giêsu đã không trực tiếp ngỏ lời với những người Hy Lạp, mà là với các môn đệ, tức là với cộng đoàn Hội Thánh. Và điều đó có nghĩa là Người “ủng hộ” Hội Thánh trong sứ mạng đến với dân ngoại.
Lần đầu tiên Đức Giêsu công bố rằng “đã đến giờ”, vốn là “giờ” mà Người đã từng loan báo về nó từ khi bắt đầu sứ vụ công khai của Người ở 2,4. Và đó là “giờ Con Người được tôn vinh”. Vinh quang được thể hiện trong giờ đó, chính là “vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, Đấng là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (1,14). Khi “những người Hy Lạp” đến với Người, Đức Giêsu không tính trước hết đến chuyện truyền bá cho họ một học thuyết hay một chủ nghĩa hay một ý thức hệ hay một hệ thống tư tưởng cao sâu. Nhưng Người coi đó là lúc thể hiện vinh quang, tức là lòng yêu mến, ân sủng và sự thật. Điều quan trọng không phải là những học thuyết cao sâu phải được truyền dạy, mà là “những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (1,12). Người sẽ thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (17,1-3).
Sau đó, Đức Giêsu nói đến cái cách thức mà sứ mạng phổ quát của Người và cũng là của các đồ đệ phải được thực hiện để sinh hoa kết trái. Người nói : “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (c.24). Sẽ không thể đem lại sự sống đích thực mà không hiến ban chính mình. Sự sống là hoa trái của tình yêu và trào vọt từ sự viên mãn của tình yêu, từ sự hiến tặng trọn vẹn và tận cùng. Trong ẩn dụ hạt lúa chết đi trong lòng đất, sự chết chính là điều kiện không thể thiếu để năng lực sự sống mà hạt lúa mang nơi mình được giải phóng và sinh nhiều hạt khác. Sự sống, khi ấy, sẽ lớn mạnh trong những dạng thức khác hẳn và rất phong nhiêu. Hoa trái bắt đầu trong chính hạt giống đang chết đi đó. Sự chết được nói đến ở đây không phải là một sự kiện cô độc, mà là đỉnh điểm của một tiến trình hiến ban chính mình. Sự chết đó xảy đến như là hành động tối hậu của một sự hiến mình kiên trì và có khi rất lâu dài.
Trong khung cảnh của đoạn Tin Mừng mà chúng ta đang suy niệm, hoa trái cụ thể là những người Hy Lạp đang tìm đến với Đức Giêsu, hay nói chính xác hơn, họ là hình ảnh của những hoa trái được sinh ra từ hạt lúa đang đi vào đỉnh điểm của sự hiến mình vì ơn cứu độ nhân loại của Đức Giêsu.
Sự hiến dâng chính mạng sống mình của Đức Giêsu, và cùng với Người là các đồ đệ, là thực tại làm nên sự phong nhiêu đích thực của ơn cứu độ thế gian. Đó không phải là sự mất mát, không phải là sự bị hủy diệt, mà là sự đưa sự sống đến chỗ viên mãn thực sự. Đức Giêsu khẳng định : "Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời" (c.25). Nỗi sợ mất mạng sống là chướng ngại vật lớn lao của sự hiến ban sự sống, và do đó, là nguy cơ lớn làm cho người ta mất chính sự sống mình. Vì tình yêu đích thực hệ tại ở chỗ quên đi chính mình và sự an nguy của chính mình, đến nỗi sẵn sàng mất ngay cả mạng sống mình. Nhưng đó không hề là một sự quên mình mù quáng, mà là sự quên mình thấm đẫm lòng tin vào sự phong nhiêu của tình yêu. Đó chính là bí mật của sự phong nhiêu đích thật : hiến ban chính mạng sống mình.
Sau khi khẳng định cái bí mật ấy, Đức Giêsu kêu gọi mọi người đi vào trong sự hiến mình thánh thiện như chính Người. Chính Người đang hiến mình vì ơn cứu độ thế gian. Chính Người là hạt lúa được gieo vào lòng trần gian và đang chết đi để sinh những bông lúa trĩu hạt mà sự hiện diện của những người Hy Lạp kia là một trong những hình ảnh mở đầu. Các môn đệ tiếp nối sứ mạng đó của Người. Vì thế, Người nói : "Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy" (c.26). Người ấy tham dự vào sứ mạng và thân phận của chính Đức Giêsu.
Vì ơn cứu độ trần gian, Đức Giêsu hiến mình đến chết đi như hạt lúa được gieo vào lòng đất. Sự chết đi đó được thực hiện trong trọn vẹn nhân tính của Người. Chính trong nhân tính ấy, Đức Giêsu tâm sự với các môn đệ : "Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến!" (c.27a). Sự xao xuyến của Đức Giêsu trước cái chết, lại chính là bằng chứng của sự hiến mình trọn vẹn trong tất cả nhân tính đích thực của Người. Đức Giêsu không hiện diện giữa chúng ta như một ‘siêu nhân’, nhưng trong chính xác thể và thân phận nhân loại, Người hiến mình vì ơn cứu độ của toàn nhân loại.
Cái chết của Đức Giêsu sẽ xảy đến trong sự ác độc và ghét bỏ sống sượng của hàng lãnh đạo Do Thái. Và vì thế, đó sẽ là một cái chết kinh khủng. Nhưng cái chết đó cũng đồng thời là ‘giờ’ của Người, trong đó bao hàm và thể hiện ý nghĩa của tất cả cuộc sống Người. Cái chết đó vừa là điểm đến vừa là hệ luận của tất cả đời sống Người. Trong cái chết ấy, hiện tỏ vinh quang và tình yêu trọn vẹn của Người. Vì thế, Đức Giêsu nói : "Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này? Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến" (c.27b). Rõ ràng Đức Giêsu không đi đến cái chết trong dáng vẻ ung dung với một nụ cười khinh khỉnh trên môi ! Người đối diện với nó trong tất cả sự nghiêm túc và đau đớn. Nhưng chính trong đau đớn, xao xuyến và kinh hoàng như thế mà tình yêu đạt đến mức độ trọn vẹn. Đó là cái chết của hạt lúa được gieo vào lòng đất để sinh nhiều bông hạt.
Trong chính sự phản ứng xao xuyến và sợ hãi rất ‘người’ trước cái chết của mình, Đức Giêsu khẳng định cái quyết định rõ ràng, mạnh mẽ của chính Người : quyết định đi đến tận cùng của sự hiến ban chính mình và hoàn tất công trình của Chúa Cha. Trong quyết định ấy, Người thưa với Chúa Cha : "Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha" (c.28a). Đức Giêsu không hề xin Chúa Cha can thiệp để giải thoát Người khỏi tình cảnh bi đát của cái chết ô nhục. Người kiên quyết khẳng định sự trung thành với sứ mạng đã lãnh nhận, như chính Người đã từng nói : "Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được" (10,17-18).
“Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: "Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!" (c.28b). Câu trả lời từ trời xác nhận giá trị của thái độ của Đức Giêsu. "Từ trời" tức là từ cảnh vực thần linh của Thiên Chúa, từ chính Thiên Chúa. Khi cầu xin Chúa Cha tỏ vinh quang Ngài, Đức Giêsu cầu xin cho dân chúng và vì dân chúng, tức là vì toàn thể nhân loại, bởi vì ơn cứu độ và sự sống của toàn nhân loại tùy thuộc vào sự tôn vinh đó, như Người sẽ thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (17,1-3).
"Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: "Đó là tiếng sấm!" Người khác lại bảo: "Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!" (c.29). Đám đông dân chúng biết nguồn gốc của tiếng vọng xuống là từ trời. Nhưng họ lý giải ý nghĩa và chức năng của tiếng ấy theo những cách thức khác nhau. Có người hiểu đó là sự thể hiện thần linh theo nghĩa một cái gì mang tính đe dọa (tiếng sấm; x. Xh 19,16). Người khác hiểu đó là tiếng của một thiên thần và được ngỏ riêng cho Đức Giêsu mà thôi.
“Đức Giêsu đáp: "Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người” (c.30). Đức Giêsu công nhận đó là một sứ điệp từ trời, nhưng không phải là sứ điệp dành cho Người, mà là cho dân chúng đang hiện diện ở đó.
Người nói tiếp: “Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!” (c.31). Cái thế gian từ chối Đức Giêsu là cái thế gian từ chối bước vào ánh sáng, tức là tự chọn cho mình bản án là bị tống ra bên ngoài. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (3,16-20).
Cái chết của Đức Giêsu sẽ không phải là sự chiến thắng của thế gian, mà trái lại. Thủ lãnh thế gian đã từ khước Người sẽ phải chịu sự hủy diệt muôn đời, như cành nho bị quăng vào lửa.
Về phía Đức Giêsu, cái chết lại là cuộc Người được tôn dương. Và Người tuyên bố: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi" (c.32). Đức Giêsu không nói rõ ràng đến thập giá, mà chỉ nói đến sự được giương cao lên mà thôi. Thật ra, được giương cao lên không chỉ có nghĩa là chết trên thập giá, mà còn có nghĩa là đi vào trong quyền năng tác sinh và cứu độ từ chính cái chết đó. “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (3,14-16).
Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc với lời ghi nhận: “Đức Giêsu nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào” (c.33). Cái chết của Đức Giêsu, trong bài Tin Mừng này, đã không được trình bày trong sự nhấn mạnh đến sự kinh khủng đáng sợ của nó (tuy tác giả không né tránh điều đó), nhưng chính yếu là trong giá trị cứu độ và chiều kích vinh quang của nó. Chúng ta thường dễ bị cám dỗ chú ý đến tính cách bi thương trong khi tưởng niệm sự chết của Đức Giêsu. Có tính cách đó, nhưng không chỉ như thế. Giá trị cứu độ, sức mạnh tác sinh, tính cách hiến mình, ý nghĩa tình yêu và chiều kích vinh quang của cái chết đó cần phải được ý thức, chiêm niệm và nhấn mạnh trong các cuộc cử hành thánh. Đó cũng là điều mà Hội Thánh muốn nhấn mạnh với từng người chúng ta một cách đặc biệt trong những ngày cuối cùng này của Mùa Chay này.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét