“Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!" (c.36). Như đã từng xảy ra với hai môn đệ trên đường Emmau, Chúa Giêsu đột ngột đứng giữa Nhóm Mười Một và các anh em đang họp mặt. Ghi nhận này của tác giả Lc về sự hiện đến bất ngờ của Chúa Giêsu có một tầm quan trọng rõ ràng: ông muốn khẳng định rằng Chúa Phục Sinh không hề bị điều kiện hóa bởi những quy luật không gian – thời gian của thế giới này. Đàng khác, sự hiện diện của Chúa “ở giữa” các đồ đệ nhắc nhớ đến sự hiện diện của Đức YHWH giữa dân Người. Ngoài ra, sự hiện diện “sờ đụng được” của Chúa Phục Sinh, vốn là ân huệ ưu tiên đặc trưng dành cho các chứng nhân chính thức của mầu nhiệm phục sinh (x. Cv 10,41), bây giờ được thực hiện không phải ở một nơi chốn dành riêng cho Nhóm Mười Một, mà là ở giữa cộng đoàn có các anh em khác đang quy tụ, cho thấy Nhóm Mười Một được trao nhiệm vụ và đặc sủng là ở trong lòng cộng đoàn Hội Thánh. Chính trong cộng đoàn Hội Thánh ấy, Chúa Phục Sinh ban bình an và ơn cứu độ.
“Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (c.37). Sự sợ hãi vì tưởng thấy ma là một phản ứng bình thường trong những câu chuyện hoang đường bình dân. Chi tiết này có vẻ mâu thuẫn với lời truyên xưng lòng tin vừa được tường thuật ở c.34 ngay phía trước, rằng “Chúa trỗi dậy thật rồi và đã hiện ra với ông Simon”. Trong thực tế, như tác giả vừa kể ở c.34, sự phục sinh của Chúa Giêsu đã là nguồn vui và là một thực tại hoàn toàn mới mẻ của lòng tin. Nhưng tác giả cố ý đưa chi tiết sợ hãi vì tưởng thấy ma vào đây để hướng câu truyện đến một trong những chủ đề quan trọng của trình thuật, là chủ đề về thân xác phục sinh của Chúa. Và như thế, điểm nhấn mà ông nhắm đến không phải là thuyết phục rằng Chúa Giêsu đã sống lại, mà là vấn đề về thân xác của Chúa Giêsu Phục Sinh. Đây thực sự là một vấn đề “thời sự” và cần phải được đề cập đến trong thế giới Hy Lạp, vì người ta tin có ma chứ không chấp nhận quan niệm về sự sống lại của thân xác.
Vậy Chúa Phục Sinh nói với các môn đệ: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?” (c.38). Câu hỏi của Chúa mang một chút hàm ý khiển trách. Bởi lẽ phản ứng sợ hãi của các đồ đệ ở c.37 cho thấy các ông đang nhận định sai: tưởng mình thấy ma là dấu hiệu cho thấy tâm trí các ông đang còn lẫn lộn, chưa phân biệt rõ bóng ma với thực tại phục sinh.
Rồi Chúa nói tiếp: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" (c.39). Các môn đệ được mời gọi nhận biết Đấng Phục Sinh trong thực tại và chân tính cụ thể của Người. Người thực sự là Đức Giêsu mà các ông đã từng biết. Các ông hoàn toàn có thể an tâm về sự liên tục giữa Đức Giêsu lịch sử mà các ông đã từng sống với và Chúa Kitô của lòng tin mà các ông đang trải nghiệm.
Chúa mời gọi các ông hãy nhìn xem tay và chân của Người.Thông thường, để nhận ra một người nào đó, người ta chú ý trước hết đến khuôn mặt. Vì thế, lời mời gọi này có phần kỳ lạ. Nhưng chúng ta sẽ không phải lấy làm lạ nếu hiểu rằng ở đây có sự quy chiếu về các dấu đinh nơi tay và chân của Đấng đã chịu treo trên thập giá, tức là quy chiếu về những thực tại không thể chối cãi của biến cố thập giá kinh hoàng. Rồi tiếp sau lời mời “nhìn xem” là lời mời “rờ xem” để cảm nhận một cách khả giác về thân xác của Chúa Phục Sinh với xương và thịt, tức là trong những yếu tố vô cùng hiện thực. Tác giả cố ý nhắc đến những yếu tố hiện thực này để nhấn mạnh rằng Chúa Phục Sinh không phải là một thực tại tinh thần thuần túy thiêng liêng, càng không phải là một bóng ma.
Ngoài ra, bằng việc nhắc đến một loạt những yếu tố hiện thực như chân, tay, xương, thịt khi Chúa mời gọi các Tông Đồ trải nghiệm về thân xác phục sinh của Ngài, tác giả Lc nhằm mục tiêu củng cố cho tư cách của các Tông Đồ và cho giá trị của lời chứng của họ, những nhân chứng chính thức về mầu nhiệm quan trọng nhất của lòng tin Kitô giáo.
“Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (c.40). Chúa Phục Sinh không chỉ dùng lời để khẳng định Người không phải là bóng ma. Người còn xác nhận điều đó bằng những sự kiện cụ thể: Người cho các môn đệ xem tay và chân của Người. Tuy nhiên, vốn là một văn sĩ tế nhị, tác giả Luca đã không nói rằng các đồ đệ đã sờ đụng vào tay và chân Chúa.
Ông kể tiếp: “Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?" (c.41). Có hai chủ đề truyền thống liên quan đến các cuộc hiện ra: sự không tin và niềm vui sướng. Tác giả Luca trộn lẫn hai chủ đề đó vào với nhau để trình bày bằng chứng về thực tại xác thể của Chúa Phục Sinh. Ông lý giải sự chưa tin của các môn đệ bằng một lý do tâm lý: “Các ông còn chưa tin vì mừng quá”. Về phía mình, Chúa Phục Sinh xin các ông cái gì đó để ăn: “Ở đây anh em có gì ăn không?”. Ăn là một hành động sẽ cho thấy một cách rất rõ ràng rằng Người không phải là một tinh thần thiêng liêng thuần túy, mà là một thực tại hiện thực, cụ thể, thực tế.
“Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (cc.42-43). Trên kia tác giả đã nhắc đến những yếu tố rất hiện thực: chân, tay, xương, thịt. Ở đây, ông còn đi xa hơn nữa. Không một tác giả Tin Mừng nào khác đã đẩy tính hiện thực của trình thuật đi xa đến như vậy: Đức Giêsu cầm lấy miếng cá nướng và ăn! Một điểm đáng chú ý nữa: thánh Luca đã không nói rằng Chúa Phục Sinh ăn cá nướng cùng với các môn đệ, mà là ăn trước mặt các ông, tức là trước sự chứng kiến của các ông. Chi tiết này càng nhấn mạnh giá trị minh chứng của hành động ăn. Dù sao, tác giả cũng không nói rõ các môn đệ phản ứng như thế nào trước hành động đặc biệt này của Chúa Phục Sinh. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng các ông đã hoàn toàn bị thuyết phục.
Rõ ràng trình thuật nhắm mục tiêu nhấn mạnh tính hiện thực của thân xác Chúa Phục Sinh. Tác giả muốn cho thấy rõ ràng Chúa Phục Sinh không phải là ma; người ta có thể nhìn xem và sờ đụng vào Người; và Người ăn trước mặt họ. Tác giả liên kết chặt chẽ hai mô-típ truyền thống: mô-típ về nhận thức (cho thấy sự đồng nhất giữa Chúa Phục Sinh và Đức Giêsu mà các môn đệ đã từng biết trước khi Người chết trên thập giá) và mô-típ hộ giáo (nói về tính hiện thực của thân xác Đấng Phục Sinh: Chúa Giêsu không phải là ma). Nhưng có lẽ khi biên soạn trình thuật này, thánh Luca chú ý hơn đến mô-típ hộ giáo: ông muốn nhấn mạnh trên chiều kích hiện thực xác thể của sự hiện hữu mới của Đức Giêsu.
Bên cạnh đó, hình như thánh Luca còn nhắm một mục tiêu khác: chuẩn bị cho các trình thuật trong sách Cv và cung cấp cho lời rao giảng của các Tông Đồ về mầu nhiệm phục sinh một nền tảng vững chắc hơn. Các ngài đã có những trải nghiệm hiện thực, “đậm đặc” và độc đáo trong việc tiếp xúc và gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Chỉ các ngài mới được trải nghiệm một cách tròn đầy về Chúa Phục Sinh, và do đó, các ngài là những chứng nhân chính thức và có thẩm quyền về Người.
Đọc trình thuật Lc 24,35-43 trong khung cảnh Chúa Nhật III Phục Sinh, chúng ta được mời gọi đặt niềm tin vào Chúa Phục Sinh trong chiều kích hiện thực của đời sống mình hôm nay:
1. Thân xác Chúa Phục Sinh là một thực tại hiện thực và chúng ta gắn bó với mầu nhiệm ấy. Vì thế, việc quý trọng và gìn giữ thân xác của chính chúng ta trong sự thánh thiện hướng về cuộc sống phục sinh viên mãn với Chúa Kitô, là một đòi buộc quan trọng và thiết yếu của lòng tin vào mầu nhiệm phục sinh. Lòng tin ấy không hề khiến chúng ta coi thường những thực tại trần gian và thể xác, nhưng trân trọng chúng đúng như Thiên Chúa muốn khi Người phục sinh Đức Kitô từ cõi chết.
2. Lời rao giảng của các Tông Đồ và của toàn thể Hội Thánh về mầu nhiệm phục sinh không dựa trên những suy đoán hay ảo tưởng ấu trĩ, mà đặt nền trên Thánh Kinh và trên trải nghiệm thực tế của các Tông Đồ. Gắn bó với Hội Thánh và với các Đấng kế vị các Tông Đồ trong Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, chính là đòi buộc đương nhiên để hiểu và sống mầu nhiệm phục sinh. Lòng tin vào Chúa Kitô Phục Sinh vừa mời gọi vừa đòi hỏi sự hiệp thông thánh thiện và sự tuân phục trọn vẹn với Hội Thánh và các Tông Đồ. Chúng ta gặp gỡ Chúa Phục Sinh trong Hội Thánh, nhờ Hội Thánh và cùng với Hội Thánh.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét