Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

23 tháng 4, 2012

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH - NĂM B

Suy niệm Tin Mừng Lc 24, 35-48 Phục sinh, kêu gọi mọi người sám hối?

Phục sinh, kêu gọi mọi người sám hối?

Cả ba Phúc âm nhất lãm đều đề cập tới lần Chúa hiện ra với nhóm mười một tông đồ. Về lần hiện ra quan trọng này, chi tiết bên ngoài của biến cố hình như không được các thánh sử quan tâm diễn tả cho lắm; chỉ có tường thuật của Lu-ca là đi vào một số chi tiết để chứng minh nhân vật hiện ra đích thực là đức Giê-su mà các ông đã từng quen biết. Điều mà các tác giả quan tâm tới nhiều hơn là sứ điệp Chúa Phục Sinh muốn thông đạt cho cả nhóm. Chính Đấng Sống Lại đòi nhóm mười một và toàn thể những ai coi mình là môn đệ Người phải trở thành ‘chứng nhân về những điều (sứ điệp) này’. Tuy nhiên hiện nay người ta thích nói tới sự kiện phục sinh hơn là đề cập tới sứ điệp của nó, tới độ rất ít khi tín hữu được nhắc nhở hoặc quan tâm tìm hiểu sứ điệp phục sinh thực sự. Sứ điệp này gồm hai phần:
-          ‘Kêu gọi sám hối để được ơn tha tội
-          ‘Nhân danh Người rao giảng (điều này) cho muôn dân
Sám hối để được ơn tha tội: Mát-thêu và Mác-cô đã nói tới nội dung này khi đề cập tới việc ‘làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ (Mt 28,19), hay ‘ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ’ (Mc 16,16). Sứ điệp ‘hãy sám hối’ đã được Gio-an tẩy giả hô hào từ những ngày đầu, trước cà khi đức Giê-su xuất hiện công khai, qua nghi thức dìm mình vào giòng sông Gio-đan. Như vậy, sau ngày sống lại, khi đức Giê-su Ki-tô long trọng công bố trở lại sứ điệp này thì chắc hẳn nó phải chứa đựng một điều gì hoàn toàn mới lạ và cấp bách. Để có thể hiểu được tầm quan trọng của sứ điệp, đức Giê-su đã dày công giảng giải cho các môn đệ hiểu rằng đó chính là trọng tâm của các sách Ngôn sứ và Thánh vịnh… nói tóm lại, của toàn bộ Kinh Thánh. Đương nhiên sám hối đây không thể được hiểu theo nội dung ‘cải tà qui chính’ hoàn toàn luân lý. Sau biến cố Phục sinh, sám hối càng lộ rõ sứ điệp Tin Mừng của một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa từ nhân và cứu độ, một khám phá và tín thác không ngừng vào Thiên Chúa đầy lòng xót thương “yêu thế gian tới nỗi đã ban Con Một…” Qua biến cố tử nạn và phục sinh của đức Giê-su, mười một tông đồ chắc hẳn đã chứng kiến, các ông phải được giải thích cho hiểu ý nghĩa và nội dung, các ông phải tin và trở thành ‘chứng nhân về những điều này’. Phục sinh chính là để hiểu và nắm bắt sâu sắc sứ điệp đã được công bố ngay từ đầu “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Nói cách khác, sứ điệp chính yếu và long trọng nhất của Tin Mừng Phục Sinh lại chính là “Sám hối để được ơn tha tội”.
Rao giảng cho muôn dân: Bằng các kiểu nói khác nhau (Mát-thêu: ‘Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ; Mác-cô: ‘Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng; Lu-ca: ‘Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đều từ Giê-ru-sa-lem…’), các tác giả Phúc Âm đều cho thấy phần hai của sứ điệp Phục Sinh là một ‘lệnh lên đường’. Phúc âm Gio-an còn nêu rõ sứ điệp này là chính yếu và quyết liệt hơn hết: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em…” Và để chu toàn ‘lệnh lên đường’, đồng thời để có thể ‘Sám hối và tin vào Tin Mừng’, Thánh Thần đã được trao ban ‘Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”’ (Ga 20,22); hay ‘Nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống’ (Lc 24, 49) theo cách nói của Lu-ca. Nếu Đấng sống lại không còn bị chi phối bởi không gian và thời gian, thì sứ điệp cứu rỗi của Chúa Phục sinh lại càng không thể bị giới hạn, không những bởi không gian và thời gian, mà còn bởi văn hóa, sắc tộc, truyền thống, thậm chí luân lý, cho dầu có ‘bán khai’ hay ‘man rợ’ tới mấy. Phục Sinh chính là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa từ nhân được minh chứng là vô giới hạn, không gì ngăn cản nổi. Lệnh lên đường hay truyền giáo phải dựa trên nhận thức ơn cứu độ phổ quát và tình yêu xót thương của Thiên Chúa vượt xa sự hạn hẹp của loài người.
Lạy Chúa Ki-tô, Đấng Phục Sinh, xin dạy con biết tiếp nhận và sống sứ điệp phục sinh cách ý thức và mạnh mẽ. Trong tư cách là Ki-tô hữu hay linh mục, chính con phải là người đầu tiên sống ‘sám hối’ theo nội dung phục sinh, để có thể trở thành chứng nhân trung thực của sứ điệp cứu rỗi. Cũng xin cho con hiểu được tình yêu cứu độ của Chúa là không biên giới, để con hăng say lên đường gieo rắc tình yêu và lòng thương xót Chúa cho mọi dân nước. Amen 
Tác giả bài viết: Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét