Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

12 tháng 4, 2012

Mầu nhiệm Lòng Chúa Thương Xót

    (Chúa Nhật II Phục sinh, năm B) Chúa Nhật II Phục sinh trước đây được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, nay được gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót (LCTX). Hai cách gọi nhưng vẫn là một, không hề đối nghịch. Vả lại, đó cũng chính là ước muốn cú Chúa Giêsu đã mặc khải với Thánh Faustina.

Kinh thánh luôn nói đến LCTX, đặc biệt trong Phúc âm có một số dụ ngôn “điển hình” về Lòng Chúa Thương Xót: Người Samari Tốt Lành (Lc 10:30-37), Con Chiên Bị Mất (Lc 15:4-7), Đồng Bạc Bị Mất (Lc 15:8-10), và Người Cha Nhân Hậu (Lc 15:11-32).
Sách Công vụ Tông đồ cho biết: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4:32). Đó là một thế giới đại đồng lý tưởng biết bao!
Alleluia! “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv 118:24). Các Tông đồ đã có thể can đảm “làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại”, đó là “nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban” và “Ngài ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng” (Cv 4:33). Đặc biệt, “trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4:34-35).
Điều đó chứng tỏ người ta đầy Ơn Chúa và thực sự có Chúa trong tâm hồn. Khi có Chúa trong mình, người ta biết khước từ cái-TÔI-đáng-ghét, biết sống đại lượng hơn, biết CHO hơn là NHẬN, biết sống VỚI và sống VÌ người khác. Đó là cách sống mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh.
“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” là điệp ca trong Tv 118, đặc biệt trong Tv 136. Tác giả Thánh vịnh cho biết: “Chúng xô đẩy tôi, xô cho ngã, nhưng Chúa đã phù trợ thân này. Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi” (Tv 118:13-14), bởi vì “tay hữu Chúa giơ cao, tay hữu Chúa đã ra oai thần lực” (Tv 118:15). Thiên Chúa luôn làm những việc lạ lùng, hoàn toàn “ngược đời”, ngoài sức tưởng tượng của con người: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” (Tv 118:22). Vì “đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” và là “ngày Chúa đã làm ra”, nên chúng ta “hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv 118:23-24).
(1 Ga 5:1-6)
Thánh sử Gioan nói: “Ai tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra” (1 Ga 5:1). Tôi được Thiên Chúa tái sinh, bạn cũng được Thiên Chúa tái sinh, vậy tôi phải yêu thương bạn, nếu không thì tôi là chỉ người ích kỷ và nói dối. Yêu thương cũng là thương xót. Thánh Gioan phân tích: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Ngài. Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian” (1 Ga 5:2-4). Thánh Gioan nói “có nặng nề gì đâu”, thế nhưng lại không hề đơn giản, nếu không cầu nguyện và cố gắng thì không dễ thực hiện “luật nhẹ nhàng” ấy của Chúa.
Chúng ta thắng được thế gian là nhờ lòng tin, không tin thì không thể làm gì, điều này chứng tỏ lòng tin cực kỳ quan trọng, Chúa Giêsu đã luôn nhắc nhở về lòng tin. Thánh Gioan đặt vấn đề: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa?” (1 Ga 5:5). Câu hỏi đó cũng chính là câu trả lời. Thánh Gioan giải thích luôn: “Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ Nước và Máu; không phải chỉ trong Nước mà thôi, nhưng trong Nước và trong Máu. Chính Thần Khí Chúa là chứng nhân, và Thần Khí Chúa là sự thật” (1 Ga 5:6). Máu và nước rất mềm nhưng lại không gì mạnh bằng, thiếu máu và nước thì không ai khả dĩ sống!
Chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19). Nói xong, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Ngài cho các ông xem để trấn an và củng cố đức tin cho họ. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Ngài lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21). Rồi Ngài thổi hơi vào họ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:22-23). Ngài “sai đi” là Ngài trao trọng trách, nhưng Ngài cũng ban Chúa Thánh Thần để hỗ trợ chúng ta hằng ngày.
Chúa Giêsu đã dùng Máu và Nước để rửa sạch tội lỗi và tái sinh chúng ta, đồng thời ban Thần Khí Chúa để giúp chúng ta can đảm làm chứng về LCTX vô biên, vì Ngài biết chúng ta còn “yếu cơ” lắm!
Một người trong Nhóm Mười Hai là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”. Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20:25). Động thái của ông Tôma cũng chính là động thái của chúng ta, vì đôi khi ngay lúc chúng ta nói tin nhưng hành động của chúng ta lại không chứng tỏ niềm tin đó, thậm chí là trái ngược!
Và tám ngày sau, các môn đệ lại có mặt trong nhà, lần này có cả ông Tôma. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Rồi Ngài bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20:27). Ông Tôma hết hồn và choáng váng, liền thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28). Ông không nói tin hay không, nhưng câu “lạy Chúa” của ông đã nói lên tất cả. Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Nếu chúng ta thật lòng tin Chúa-Giêsu-tử-nạn-và-phục-sinh thì chúng ta có phúc hơn Tông đồ Tôma đấy!
Thánh sử Gioan kết luận: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Ngài” (Ga 20:30-31).
LCTX thật là mầu nhiệm biết bao! Chúng ta được tận hưởng LCTX thì chúng ta phải thực thi LCTX với tha nhân: “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4:32). Trong tâm tình đó, Tông đồ Giuđa gởi lời chúc tới tất cả chúng ta: “Chúc anh em được đầy tràn lòng thương xót, sự bình an và tình thương” (Gđ 1:2), và “hãy cố gắng sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa, hãy chờ đợi lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sống đời đời” (Gđ 1:21).
     Lạy Thiên Chúa hằng hữu, xin thương xót chúng con. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Đức Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Xin Thánh Faustina và Chân phước Gioan Phaolô II nâng đỡ chúng con luôn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU


All Rights Reserved ®
Tác giả bài viết: Trầm Thiên Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét