Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

30 tháng 4, 2012

“Tôi Là Mục Tử Nhân Lành”

Mục Tử Nhân Lành là Đấng được Chúa Cha sai đến và chỉ thi hành ý muốn của Chúa Cha đến mức độ hiến ban chính mình vì đoàn chiên.

Trong bài Tin Mừng của Lễ Chúa Chiên Lành hôm nay (Ga 10,11-18), Đức Giêsu khẳng định một cách tường minh rằng Người chính là Mục Tử Nhân Lành, đồng thời nói đến hai đặc điểm quan trọng làm nên dung mạo Mục Tử Nhân Lành của Người. Trước hết là vì khác hẳn những nhà lãnh đạo chỉ biết tìm lợi lộc cho riêng mình, Đức Giêsu hiến ban mọi sự, ngay cả chính mạng sống, cho những kẻ thuộc về Người, vốn không chỉ là những người Israel (cc.11-16). Thứ hai là vì mối tương quan nên một với Chúa Cha, Đấng yêu mến Người và trao phó cho Người sứ mạng đó (cc.17-18).
Mở đầu bài Tin Mừng, chúng ta gặp ngay lời khẳng định rõ ràng và tích cực của Đức Giêsu: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (c.11). Nói về hành động của Người đối với những kẻ mà Chúa Cha đã ban cho mình, Đức Giêsu dùng hình ảnh “mục tử”. Nhưng Người không phải chỉ là một mục tử hơn hẳn những mục tử khác, mà là Mục Tử Nhân Lành, mẫu mực, điển hình. Nét đặc trưng mang tính quyết định trong tư cách Mục Tử Nhân Lành của Người là sự “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”. Kẻ không yêu đến mức độ hiến ban chính mạng sống mình cho đoàn chiên thì không phải là mục tử nhân lành đích thực.
Trong Ga 10,10 (tức là ngay trước câu mở đầu bài Tin Mừng hôm nay), Đức Giêsu đã xác quyết: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Đức Giêsu đến để mang lại sự sống dồi dào cho đoàn chiên, và Người thực hiện sứ mạng đó bằng cách hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Hiến mình là thông ban sự sống. Đó là một nguyên lý sự sống sẽ được Người trình bày bằng một hình ảnh khác: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (12,24). Để thông ban sự sống dồi dào cho những kẻ thuộc về Người, Đức Giêsu hiến mình cho đến chết. Sự sống chỉ được thông ban bởi tình yêu, và là tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu (15,13).
Trái ngược với hình ảnh Mục Tử Nhân lành là hình ảnh những người làm thuê. “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên” (cc.12-13). Ở đây có hai hình ảnh tiêu cực được đặt trong thế đối nghịch với hình ảnh Mục Tử Nhân Lành. Hình ảnh thứ nhất là những kẻ làm thuê. Vị mục tử đích thực thi hành việc phục vụ của mình vì tình yêu, không bận tâm đến chính mình, sẵn sàng thí ban chính mạng sống mình cho đoàn chiên. Ngược lại, kẻ làm thuê thì làm việc để lãnh lương, và trong trường hợp nguy hiểm, anh ta sẽ chẳng thiết gì đến chiên, thậm chí còn sẵn sàng để cho chiên phải chết. Hình ảnh thứ hai là sói. Đức Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, “chết thay cho dân và...quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (11,51.52). Nhưng những con sói thì làm ngược lại: “Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (10,12).
Sau khi nói đến những hình ảnh trái ngược với hình ảnh mục tử đích thực, Đức Giêsu quay lại với khẳng định về tư cách Mục Tử Nhân Lành của mình. Người nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (cc.14-15). Nếu ở đầu bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói về hành động của Mục Tử Nhân Lành, thì ở lời khẳng định thứ hai này, Người nhấn mạnh trên mối tương quan giữa Người với đoàn chiên: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”. Đó là mối tương quan thiết thân và là sự “biết” thâm sâu. Mối tương quan biết – yêu đó thâm sâu đến mức độ Đức Giêsu so sánh nó với mối tương quan giữa Người với Chúa Cha: “Như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha”. Sau này, Đức Giêsu sẽ còn đi xa hơn sự so sánh; Người sẽ nói đến một thực tại thâm sâu của sự ở trong và nên một. Với các môn đệ, Người sẽ nói: “Anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (14,20). Với Chúa Cha, Người sẽ thưa: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (17,21).
Chính trong mối tương quan biết – yêu thâm sâu đó, Đức Giêsu “hy sinh mạng sống cho đoàn chiên”. Đoàn chiên đó không chỉ gồm những người Israel. Đức Giêsu mở rộng phạm vi của đoàn chiên tương lai của Người: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (c.16). Các môn đệ đến từ khắp nơi sẽ làm thành một đoàn chiên duy nhất cùng với những môn đệ đến từ Israel, chấm dứt ưu vị của dân được tuyển chọn trong Cựu Ước. Sự hiệp nhất thành một đoàn chiên đó được đặt trên một nền tảng duy nhất: chỉ có một Vị Mục Tử Nhân Lành – Đức Giêsu. Chính Người là nguyên lý và nền tảng thiết yếu làm nên sự hiệp nhất của đoàn chiên.
Sứ mạng của Đức Giêsu không giới hạn trong phạm vi những người Do Thái. Bởi lẽ tình yêu của Thiên Chúa mà Người phải thi thố là tình yêu dành cho toàn thể nhân loại. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (3,16). “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (1,9). “Đức Giêsu nói với người Do Thái: "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (8,12).
Chương trình của Thiên Chúa là ban sự sống cho toàn thể nhân loại. Chính Đức Giêsu xác định: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (6,37-40).
Đức Giêsu hoàn toàn hiến mình để thi hành ý muốn và chương trình đó của Thiên Chúa. Và chính trong sự hiến mình như thế, Người hoàn toàn nên một với Chúa Cha. “Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (4,34). Chính trong sự nên một với Chúa Cha như vậy, Đức Giêsu hiến mình cho đoàn chiên. Và ngược lại, chính trong sự hiến ban sự sống mình cho đoàn chiên, Người thực hiện tình yêu sâu xa với Chúa Cha. Theo nghĩa đó, Đức Giêsu khẳng định: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (cc.17-18).
Vị Mục Tử Nhân Lành, như thế, là Đấng thi hành ý muốn cứu độ của Thiên Chúa. Chính Người đã khẳng định rõ ràng: “Vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (5,38). Đó chính là yếu tố cốt tử làm nên dung mạo của Vị Mục Tử Nhân Lành: được Chúa Cha sai đến và chỉ thi hành ý muốn của Chúa Cha đến mức độ hiến ban chính mình vì đoàn chiên.
Tóm lại, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng định rõ ràng Người là Mục Tử Nhân Lành, đồng thời Người cũng cho chúng ta biết hai nét điển hình làm nên dung mạo Mục Tử Nhân Lành của Người:
(1) Mục Tử Nhân Lành hiến ban mạng sống mình vì đoàn chiên;
(2)  Mục Tử Nhân Lành là Đấng được Chúa Cha sai đến và chỉ thi hành ý muốn của Chúa Cha đến mức độ hiến ban chính mình vì đoàn chiên.
Chiêm ngưỡng dung mạo của Vị Mục Tử Nhân Lành, chúng ta được mời gọi khiêm tốn để cho mình bị chất vấn thật sự bởi những đường nét điển hình trong dung mạo đó, đồng thời được mời gọi cầu nguyện cho tất cả những ai được Thiên Chúa cho tham dự vào sứ mạng mục tử của Chúa Giêsu và tiếp tục công trình cứu độ của Người nơi trần gian.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét