Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

20 tháng 7, 2012

Người chạnh lòng thương

CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN - NĂM B Suy niệm Tin Mừng Mc 6,30-34


            Tông đồ Gio-an đã cho ta một định nghĩa tuyệt vời về Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu”, rồi sau đó ông cố gắng giải thích cho ta hiểu tình yêu đó là như thế nào (1 Ga 4,7-11). Đức Giê-su cũng giảng giải cặn kẽ cho ông Ni-cô-đê-mô biết về thứ tình yêu ấy: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời…” (Ga 3,16-18). Các lời giải thích trên thật siêu việt và đầy tính thuyết phục, tuy nhiên tình yêu không phải là vấn đề thuần tư duy; tình yêu thuộc lãnh vực cảm nghiệm và biểu lộ. Biểu lộ vĩ đại nhất của tình yêu Thiên Chúa chính là cái chết thập giá của Đức Giê-su, do đó cảm nghiệm của ta chỉ trở nên sâu sắc khi vào sâu trong cái chết tự hiến của Người. Thế nhưng tình yêu, ngoài biểu lộ đỉnh điểm và mãnh liệt nơi thập giá, vẫn có nhiều biểu lộ bình dị hơn, nhưng không kém phần sâu sắc mặn mà. Tác giả Mác-cô, qua đoạn văn ngắn gọn và giản dị, muốn chúng ta chạm được tới thứ tình yêu rất nhân bản đầy tình người đó.
            Các tông đồ mệt nhọc sau chuyến đi truyền giáo trở về, hẳn sẽ nghiệm thấy một tình cảm nồng ấm như thế nào khi nghe Ráp-bi Giê-su ân cần: “Chính anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Các ông có lẽ đã không ngờ những lời đậm đà như thế lại được thốt ra từ môi miệng một bậc thầy được thiên hạ kính nể với những lời giảng dạy cao đẹp đầy uy lực, ‘Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một đấng có thẩm quyền chứ không như các kinh sư’ (Mc 1,22). Các ông càng không thể ngờ được rằng, nếu Thầy Giê-su là hiện thân của Thiên Chúa, thì làm sao Thiên Chúa lại có thể gần gũi và ân cần chăm sóc tới từng chi tiết của cuộc sống đời thường của con người đến thế. Cựu Ước đã nhiều lần cho thấy Gia-vê chăm sóc dân riêng Người tới từng chi tiết cuộc sống, hàng ngày cung cấp cho họ Man-na, thịt chim trời và nước uống (Xh 16, 17), cho mây che ban ngày và cột lửa chiếu sáng ban đêm (Xh 13,21). Nhưng cảm nghiệm một Thiên Chúa sống giữa loài người và đầy ắp tình người thì chưa từng bao giờ. Là các thủ lãnh tương lai của Hội Thánh, các tông đồ cần phải biết tới cảm nghiệm này. Giáo hội qua các thời đại cũng cần phải có. Và mọi Ki-tô hữu, trong một mức độ nào đó, cũng cần nghiệm thấy như thế trong cuộc sống hàng ngày, nhất là khi họ mở miệng tuyên xưng mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa trở nên giống con người mọi đàng (Pl 2,6-8). Lúc đó thực tế này không còn chỉ là một suy tư thần học, mà trở thành một kinh nghiệm sống ngọt ngào thường ngày.
            ‘Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên kh6ng người chăn dắt’. Cựu Ước hầu như muốn dành sự chăm sóc của Gia-vê cho riêng dân Do Thái của Người. Các tiên tri sau này sẽ ám chỉ xa xa Thiên Chúa cũng quan tâm tới các dân tộc khác và muốn qui tụ họ (Is 2,2). Phần các môn đệ, sau cảm nghiệm riêng tư thân mật, các ông đã được dẫn tới một trải nghiệm khác: sự quan tâm nhân ái của thầy Giê-su mở rộng cho hết mọi người, nhất là những ai bơ vơ vất vưởng. Chuyến đi truyền giáo cho các tông đồ kinh nghiệm đầu tay về việc thiết lập một dân riêng mới, nhưng dân này sẽ không hề có tính biệt loại (exclusive). Vừa cảm thấy được thầy Giê-su ân cần chăm sóc, các ông liền được cho biết, cõi lòng từ nhân Người mở rộng cho hết mọi người, nhất là các kẻ tội lỗi lầm lạc. Sau này còn rất nhiều lần Người không ngừng khảng định: đây chính là đặc điểm không thể nhầm lẫn của dân mới là Hội Thánh (Mc 9,38-40; Lc 9,49-55). Như Phao-lô khảng định, mọi Ki-tô hữu cần nhận thức điều này: phe phái, dưới bất cứ hình thức nào, đều đi ngược lại lòng từ nhân của đức Ki-tô, vì Người tới để phá bỏ mọi bức tường ngăn cách (Gl 3,27-28).
            Kết luận: càng có được cảm nghiệm riêng tư về lòng nhân ái Chúa, do được ưu ái chăm sóc cách đặc biệt (ơn gọi Ki-tô hữu, tu sĩ SDB, linh mục hay gì gì khác…nhận được), tôi càng phải biết mở rộng cõi lòng hơn để vượt thắng mọi hình thức phân rẽ: lương-giáo; triều-dòng; tu-đời, đạo đức-khô khan; tốt-xấu.., để trên hết, lòng từ bi thương xót Chúa phải bao trùm tất cả mọi sư.
            Lạy Thầy Giê-su từ bi và nhân hậu, xin đừng cho con chỉ nghiệm thấy sự uy nghi cao cả của các điều Người dạy dỗ. Lòng con khao khát hơn một cảm nghiệm nồng ấm được chăm sóc yêu thương. Xin cho con có được mỗi ngày vài giây phút gần gũi thân mật với tâm tình được Chúa xót thương. Amen 
Tác giả bài viết: Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét