Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 6,1b-6a) kể về sự kiện lần thứ ba Đức Giêsu vào trong một hội đường.
lần trước được thực hiện trước khi xảy ra sự đổ vỡ trong tương quan của Đức Giêsu với thiết chế tôn giáo Do Thái (3,6-7a) và trước khi Đức Giêsu thiết lập Israel mới (3,13-19). Lần thứ nhất, Đức Giêsu vào một hội đường ở Capharnaum (1,21-28). Trong đó, cách thức và nội dung lời giảng dạy của Đức Giêsu đã tạo nên một ấn tượng rất mạnh nơi người nghe, thậm chí khiến họ không còn tín nhiệm lời giảng dạy chính thức của tôn giáo Do Thái đương thời. Lần thứ hai là trong một hội đường miền Galilê. Đức Giêsu mạnh mẽ đụng độ với những thế lực lãnh đạo và có ảnh hưởng của tôn giáo Do Thái (3,1-6), rồi sau đó đông đảo dân chúng kéo đến với Người.
Tất nhiên hàng lãnh đạo Do Thái không khoanh tay đứng yên mà nhìn. Như chúng ta đã nói trong bài suy niệm của Chúa Nhật tuần trước, họ đã phản ứng mạnh, thậm chí một số kinh sư từ Giêrusalem còn đến để kịch liệt phê phán và kết án Đức Giêsu, coi Người là kẻ thù của Thiên Chúa (3,22). Những phản ứng và hành động đó của quyền lực Do Thái đã có những tác động trên đám đông dân chúng, khiến họ chia rẽ nhau trong những gì liên hệ đến Đức Giêsu. Một số đông dân chúng vẫn tin tưởng vào Đức Giêsu và sứ điệp của Người, cho dù họ chưa hiểu Ngài một cách trọn vẹn và chính xác. Họ tiếp tục kéo đến với Đức Giêsu (3,20-41). Nhưng những thân nhân của Người thì lại hiểu sai về Người và tìm cách bắt Người về (3,21). Một bộ phận dân chúng có lẽ đã rút lui trước sức ép và tác động của quyền lực Do Thái. Điển hình cho sự thay đổi thái độ này là dân chúng ở quê hương Đức Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 6,1b-6a) kể lại cho chúng ta sự kiện đáng buồn ấy. Đức Giêsu thất bại nơi quê hương mình.
“Đức Giêsu đến quê quán của Người, có các môn đệ đi theo” (c.1b). Tác giả Mc cố ý không nêu địa danh Nadarét ở đây. Có lẽ ý tưởng mà Mc muốn trình bày thì vượt quá một phạm vi địa dư cụ thể. “Quê quán của Người” hay “vùng đất của Người” ở đây có thể hiểu rộng ra là toàn thể cái mạng lưới các quan hệ gia đình, cộng đồng, xã hội và chủng tộc mà trong đó cuộc sống và các hoạt động của Đức Giêsu đã diễn ra. Hôm nay Người về lại trong cái mạng lưới các mối quan hệ đó cùng với các môn đệ của Người.
“Đến ngày sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường” (c.2a). Điều này có nghĩa là Đức Giêsu đã đến quê quán của Người từ vài ngày trước. Nhưng bản văn không kể lại bất cứ chi tiết nào về phản ứng của dân chúng đối với việc Đức Giêsu đến quê quán của Người, cũng như những hành động của Người kể từ khi Người về đến quê quán cho tới ngày sabát. Đây quả thật là một sự im lặng rất có ý nghĩa. Đã hơn một lần tác giả Mc kể chuyện dân chúng đông đảo kéo đến khi nghe nói Đức Giêsu xuất hiện, ngay cả khi đã xảy ra những sự đổ vỡ trong tương quan của Người với thiết chế Do Thái đương thời (1,33.45; 2,13; 3,7b-8; 3,20; 4,1; 5,21). Thế mà, lần này, ông lại cố ý không nói gì về sự quan tâm của những người đồng hương của Đức Giêsu đối với Người. Không ai đón tiếp, cũng chẳng ai kéo đến... Đó chính là dấu hiệu Người bị từ chối, bị nghi kỵ và thậm chí bị căm ghét. Khi dân chúng họp nhau tại hội đường vào ngày sabát, Đức Giêsu đến gặp họ, tức là trong hoàn cảnh họ không thể né tránh được Người. Tác giả Mc đã không nói rằng Đức Giêsu tham dự phụng vụ hội đường. Ông trực tiếp trình bày sự kiện Người giảng dạy, như đã từng xảy ra tại hội đường Capharnaum (1,21). Nhưng kết quả của việc giảng dạy lần này sẽ hoàn toàn khác với lần Người giảng dạy tại hội đường Capharnaum.
“Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: "Bởi đâu ông ta được như thế?” (c.2bc). Lời giảng của Đức Giêsu đã gây ấn tượng rất mạnh nơi dân chúng. Nhưng thay vì đi đến kết luận về thẩm quyền ngôn sứ của Người, dân chúng lại đặt vấn đề và nghi ngờ về nguồn gốc của lời giảng dạy của Đức Giêsu: “Bởi đâu ông ta được như thế?”. Nếu đây là một cái gì vượt ra ngoài khuôn khổ phàm nhân, mà lại không đến từ Thiên Chúa, thì chỉ còn một khả năng duy nhất là từ ma quỷ thôi. Và đó chính là hàm ý của câu hỏi “Bởi đâu ông ta được như thế?”.
Tiếp theo đó là hai câu hỏi liên quan đến sự hiểu biết và đến hành động của Đức Giêsu: “Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (c.2d). Đức Giêsu đã chứng tỏ thẩm quyền đặc biệt của Người trong cả hai lãnh vực tri thức và hành động. Bây giờ người ta đặt vấn đề về cả hai lãnh vực đó. Về phương diện tri thức, những gì Đức Giêsu giảng dạy thì khác hẳn và hơn hẳn những nội dung giảng dạy của các kinh sư. Đức Giêsu cũng đã chẳng hề được đào tạo trong các trường kinh sư như các kinh sư mà họ đã từng được biết. Về phương diện hành động, rõ ràng Đức Giêsu đã thực hiện rất nhiều những hành động ngoại thường. Nhưng hàm ý của câu hỏi cho thấy xem ra, theo họ, những hành động đó không do Đức Giêsu thực sự làm, mà là do một thế lực nào đó mượn tay Người mà thực hiện và Người chỉ là một phương tiện hành động thôi. Mà nếu như thế, có vẻ những lời dạy của các kinh sư từ Giêrusalem đến là hữu lý, rằng “Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (3,22). Rõ ràng lời giảng dạy của Đức Giêsu tại hội đường của quê hương Người đã không đạt được hiệu quả tích cực như tại hội đường Capharnaum trước đây.
Như vậy, phương thức thứ nhất đã được những người đồng hương của Đức Giêsu sử dụng để vô hiệu hóa lời giảng dạy của Người là gieo nghi ngờ về nguồn gốc và về tính chính thống của lời giảng dạy và của những hành động Đức Giêsu thực hiện.
Tiếp tục tìm cách hạ giá Đức Giêsu và đạo lý của Người, họ nói về nghề nghiệp và các liên hệ họ hàng của Đức Giêsu. Đây là phương thức thứ hai được dùng để vô hiệu hóa Người. Họ bàn tán: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?" (c.3a). Con người nổi tiếng khắp miền Galilê trong việc giảng dạy và chữa bệnh, trong mắt họ, chỉ là một anh thợ nghèo. Họ biết Người chẳng hề theo học tại các trường đào tạo kinh sư, không được học hành chuyên môn trong những gì liên quan đến đạo lý, học thuyết, tư tưởng... Căn cước của Người là một bác thợ. Rồi từ đặc điểm nghề nghiệp, họ bàn sang những mối liên hệ gia đình và họ hàng của Người. Một điều lạ là khác với cách nói thông thường bấy giờ, họ không nói tên cha của Đức Giêsu, mà chỉ nói Người là “con bà Maria”. Cách nói này, như một số học giả giải thích, hình như có hàm ý rằng Người không đáng được mang tên cha, vì đã không trung thành với truyền thống cha ông. Rồi người ta nói đến những người họ hàng, anh em, chị em... với Người trong gia tộc. Nói cách chung, họ tìm cách xác định căn cước của Người dựa trên nền tảng là khung cảnh gia đình và xã hội, rằng Người chỉ là một người như những con người khác, và như thế, những vai trò mà Người đang thi thố và những hành động mà Người đang thực hiện là không thể hiểu được đối với họ. Mà bởi vì họ đã từ chối từ trước nguồn gốc thần thiêng của những thực tại đó, nên chỉ còn một cách giải thích duy nhất là gán tất cả những giáo thuyết và hành động của Đức Giêsu cho nguồn gốc ma quỷ, như các kinh sư từ Giêrusalem đến đã khẳng định với họ.
“Và họ vấp ngã vì Người” (c.3b). Kết luận họ rút ra từ những nỗ lực lý luận trên kia thật bi thảm: họ coi Người là cớ vấp phạm, là xấu xa và nguy hiểm. Coi Người là cớ vấp phạm tức là họ đi đến cùng một kết luận như các kinh sư từ Giêrusalem tới: “Họ đã nói ‘ông ấy bị thần ô uế ám" (3,29). Đáng chú ý là họ đã không nói gì với Đức Giêsu, kể từ đầu câu chuyện. Họ chỉ nói với nhau thôi.
Trước những hành động, những nhận định và những thái độ sai trái của những người đồng hương nhắm vào mình và vào đạo lý của mình, trước hết, “Đức Giêsu bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi" (c.4). Đây là lần duy nhất trong Mc Đức Giêsu tự áp dụng cho mình tước hiệu “ngôn sứ”. Người không áp dụng cho mình tước hiệu “thầy”. Bằng cách này, Đức Giêsu ngầm trả lời cho câu hỏi về nguồn gốc của đạo lý và hành động của Người. Là ngôn sứ, Người nói năng và hành động nhân danh Thiên Chúa. Lời giảng dạy của Người không tùy thuộc tri thức nhân loại, mà đến từ Thiên Chúa nhờ một ơn gọi và sứ mệnh đặc biệt do chính Thiên Chúa ấn định. Và sự rẻ rúng mà Người phải chịu thì cũng là sự rẻ rúng mà dân Israel đã từng nhiều lần dành cho các ngôn sứ.
Thứ đến, Đức Giêsu không thể hành động như Người vẫn thường làm trước đây. Tác giả ghi nhận: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ” (c.5). Một khi con người từ chối và thù nghịch đối với con người và hành động của Đức Giêsu, thì Người không thể làm gì cho họ được. Sự từ chối của con người khiến Thiên Chúa không thể làm gì để cứu họ. Người chỉ có thể chữa lành cho một vài bệnh nhân, nhưng không thể cứu họ. Người hành động như một ngôn sứ chứ không phải như một phù thủy. Người không sử dụng người ta như một phương tiện, nhưng luôn luôn tôn trọng sự tự do của họ.
Phản ứng thứ ba của Đức Giêsu:“Người lấy làm lạ vì họ không tin” (c.6a). Người không tức giận mà chỉ lấy làm lạ thôi. Điều khiến Người phải lấy làm lạ là họ đã không tin, tức là những người đã từng được thấy ơn giải thoát lại từ chối sự giải thoát, từ chối sự tự do, quay về đặt mình dưới một hệ thống và thiết chế không thể mang lại sự sống và ơn cứu độ cho họ.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta một chương bi đát trong cuộc đời Đức Giêsu. Người đã hoàn toàn thất bại trong “vùng đất của Người”, nơi “quê quán của Người”. Suy niệm về trang sử buồn này trong cuộc đời hoạt động và rao giảng của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi đừng thất vọng khi phải đối diện với những thất bại của Hội Thánh và của các thừa sai trong thế giới hôm nay. Những sự thù nghịch, những nỗ lực hạ giá Hội Thánh, những cố gắng vô hiệu hóa giá trị của những lời giảng dạy và những hoạt động tốt lành của Hội Thánh... mà ngày nay chúng ta có thể gặp thấy khắp nơi, không phải là những điều mới lạ. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng phải chịu như thế ngay trong “vùng đất của Người”, ngay nơi “quê quán của Người”. Hội Thánh và các đồ đệ của Người không thể tránh khỏi những kinh nghiệm đau thương đó...
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét