I.HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG : Mc 6,7-13.
(7) Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. (8) Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy ; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng ; (9) được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. (10) Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. (11) Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ”. (12) Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (13) Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
2.Ý CHÍNH : Đức Giêsu sai 12 Tông đồ đi thực tập truyền giáo. Người chỉ thị cho các ông phải rao giảng Tin mừng bằng lời nói và gương sáng : Phải liên kết từng hai ngừơi thành một nhóm, thanh thoát khó nghèo và đầy lòng cậy trông phó thác. Các ông đã ra đi thi hành sứ vụ rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa, xua trừ ma quỷ và xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.
3. CHÚ THÍCH :
-C 7 : + Người gọi nhóm Mười Hai lại : Trước đây Đức Giêsu đã tuyển chọn Nhóm Mười Hai, để các ông “ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (x. Mc 3, 13-14). + Sai đi từng hai người một : Tông đồ (A-pos-to-lus) nghĩa là “người được sai đi”. Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi từng hai người để nâng đỡ nhau và biểu lộ sự hiệp nhất yêu thương là dấu hiệu môn đệ đích thực của Người (x. Ga 13,35).+ Ban cho các ông quyền trừ quỷ : Quỷ (diabolos - nghĩa là kẻ vu khống), hoặc Xa-tan (nghĩa là địch thủ), thường được dùng để chỉ về một nhân vật vô hình, chuyên nói dối và xúi giục loài người phạm tội chống lại Thiên Chúa. Sứ mệnh của Đức Giêsu là “tiêu diệt ma quỷ” (x. Dt 2,14), xua trừ chúng ra khỏi người bị nhập (x. Mc 5,8.13). Hôm nay Người cũng ban cho các môn đệ quyền trừ quỷ ( c 13) và báo cáo với Đức Giêsu như Tin mừng Lu-ca ghi lại : “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy thì cả ma quỷ cũng phải chịu khuất phục chúng con” (x. Lc 10,17).
-C 8-9 : + Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đuờng: Nghĩa là các ông phải có phong cách đơn giản khi đi truyền giáo. + Chỉ trừ cây gậy : Được mang gậy là biểu tượng quyền mục tử và là vật hộ thân trong lúc đi đường. + Không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng: Không mang theo lương thực, bao bị, tiền bạc vật chất để biểu lộ lòng tín thác vào Chúa quan phòng. + Được đi dép : Tin mừng Mác-cô cho đi dép (x Mc 6,9) đang khi Tin Mừng Mát-thêu lại cấm đi giày hay cầm gậy theo (x. Mt 10,10). Sở dĩ có sự khác nhau về một vài chi tiết phụ này là tùy theo tác giả đứng trên quan điểm văn hóa Hy Lạp hay Do Thái khi viết Tin Mừng. + Không được mặc hai áo: Người Do Thái khi đi đường thường mặc hai áo : Áo trong và áo choàng ngoài. Áo choàng là áo mặc ngoài che nắng nóng ban ngày và làm mền đắp cho ấm ban đêm. Đức Giêsu không cho các Tông đồ mặc hai áo trong cuộc hành trình truyền giáo ngắn hạn và vì việc mang hai áo không thực sự cần thiết.
-C 10-11 : + Đã vào nhà nào thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi : Theo phong tục Đông Phương, dân chúng rất hiếu khách. Do đó khi các Tông đồ đã đến ở trọ trong nhà nào, thì phải ở đó cho đến lúc ra đi. Nếu tự ý đổi chỗ ở sẽ làm cho chủ nhà buồn lòng và các ông sẽ bị đánh giá là người “chuộng phú khinh bần”. + Nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ : Giũ bụi chân là một cử chỉ người Do Thái thường làm khi đi từ miền đất của dân ngoại về miền đất Do thái. Cử chỉ giũ bụi chân này biểu lộ sự tuyệt giao vì dân Do Thái bị cấm tiếp xúc với dân ngoại. Ở đây giũ bụi chân là để làm bằng chứng họ đã từ chối Tin Mừng được loan báo cho họ.
-C 12-13 : + Đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối : Sám hối là việc phải làm trước tiên để dọn tâm hồn đón nhận ơn cứu độ. Khi đi thực tập truyền giáo, các Tông đồ mới chỉ được Đức Giêsu trao nhiệm vụ kêu gọi người ta ăn năn sám hối, giống như Gio-an Tẩy Giả đã làm (x Mt 3,2). + Các ông trừ được nhiều quỷ : Các Tông đồ đã trừ được nhiều quỷ nhân danh Đức Giêsu và nhờ quyền năng của Người. Tuy nhiên có lần các ông không trừ được quỷ vì các ông không mạnh bằng lòai quỷ dữ đó (x. Mc 9,17-18). Các ông chỉ trừ được chúng do quyền năng của Đức Giêsu ban cho khi cầu nguyện và ăn chay (x. Mt 17,21). + Xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh : Xức dầu là cách chữa bệnh vào thời Đức Giêsu. Có những loại dầu trị bá chứng được dùng để chữa mọi thứ bệnh thông thường. Dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu cho thấy người này đã dùng dầu và rượu để chữa trị vết thương cho người gặp nạn (x. Lc 10,34). Ở đây, việc xức dầu mang tính bí tích như lời thánh Gia-cô-bê : “Ai trong anh em ốm yếu ư ? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến. Họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh. Người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu đã phạm tôi, thì sẽ được Chúa thứ tha” (x. Gc 5,14-15).
4.CÂU HỎI : 1) Đức Giêsu tuyển chọn Nhóm Mười Hai nhằm mục đích gì ? 2) Tại sao Đức Giêsu lại sai từng hai người đi truyền giáo ? 3) Quỷ hay Xatan ám chỉ ai ? Đức Giêsu có sứ vụ gì đối với ma quỷ ? 4) Đức Giêsu đã ra lệnh cho các Tông đồ phải làm gì ma quỷ và các ông đã thi hành thế nào ? 5) Đức Giêsu chỉ thị cho các Tông đồ được mang va không được mang theo những gì khi đi truyền giáo ? Tại sao ? 6) Tại sao lại có sự khác biệt trong các chỉ thị của Đức Giêsu giữa Tin Mừng Mác-cô và Mát-thêu ? 7) Tại sao các ông chỉ nên ở trọ trong một nhà và không được dời từ nhà này sang nhà khác ? 8) Việc giũ bụi chân lại khi gặp nơi không chịu tiếp nhận lời các Tông đồ giảng dạy có ý nghĩa thế nào ? 9) Tại sao trước hết các ông phải kêu gọi ngừơi ta ăn năn sám hối ? 10) Do đâu mà các Tông đồ khử trừ được nhiều quỷ ? 11) Tại sao có lần các ông không trừ được một quỷ câm ? Muốn trừ được lọai quỷ này cần điều kiện nào ? 12) Tại sao Đức Giêsu truyền cho các Tông đồ xức dầu để chữa bệnh ? Thánh Giacôbê dạy thế nào về bí tích Xức Dầu bệnh nhân ?
II.SỐNG LỜI CHÚA :
1.LỜI CHÚA : Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh (Mc 6,13).
2.CÂU CHUYỆN : CHIẾC HUY CHƯƠNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Cô SO-PHI BÉC-ĐĂNG-CA (Sophie Berdanska) là một tín hữu Công giáo vừa có tài giáo dục trẻ em lại vừa có đức tin mạnh mẽ. Một hôm cô được nhận vào làm gia sư trong gia đình Méc-tơn (Merston) giàu có nhưng lại theo Do thái giáo. Công việc chính của cô là dạy kèm cho năm đứa con mới bị mồ côi mẹ. Ngày dầu tiên, khi biết So-phie là người Công giáo, ông Méc-tơn đã cấm cô giảng đạo cho mấy đứa con của ông và cô đành phải miễn cưỡng chấp nhận. Buổi tối hôm ấy, trong căn phòng riêng ở dưới tầng hầm, sau khi cầu nguyện xong, So-phie đã viết lời cầu vào một mảnh giấy nhỏ, xếp gọn và nhét vào cái hộp nhỏ xíu phía sau chiếc huy chương có hình thánh giá. Đây là kỷ vật mà người cha thân yêu đã tặng cô trước khi ông chết, với lời trăn trối cô phải chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa mọi lúc mọi nơi. Từ ngày đó, So-phie luôn đeo chiếc huy chương để nhắc nhở cô sứ vụ truyền giáo phải làm trong hòan cảnh không thuận lợi. Nhờ được cô giáo chăm sóc dạy dỗ, lũ trẻ nhà Méc-tơn ngày càng trở nên ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành khác hẳn lúc trước. Chúng quí mến và coi cô So-phi như bà mẹ thứ hai của chúng. Rồi một ngày kia, tai nạn dồn dập đổ xuống nhà Méc-tơn : Trước tiên là cô bé út Na-ta-cha bị sốt cao khiến ông Méc-tơn rất lo lắng. Ông vội mang con đi bệnh viện cấp cứu. Trong thời gian này, cô So-phie luôn túc trực bên giường bệnh và chăm sóc mọi sự cho đứa bé. Rồi đến lượt hai đứa khác cũng bị lây bệnh và đã được cô giáo lo lắng đến nơi đến chốn cho đến khi cả ba anh em đều hoàn toàn bình phục. Sau cùng chính cô So-phie lại bị ngã bệnh ! Đây là hậu quả của những ngày vất vả chăm sóc bệnh nhân. Sau hai tuần lễ liệt giường, các bác sĩ đành bó tay không thể chữa cô lành bệnh. So-phie đã ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của cả gia đình Méc-tơn. Trước khi lìa đời, Sophie đã tặng chiếc huy chương có hình thánh giá cho Na-ta-cha là cô học trò bé nhỏ của cô. Thấm thoát đã đến ngày giỗ đầy năm của So-phie. Hôm ấy cả gia đình Méc-tơn dậy sớm và cùng đi nhà thờ dự lễ cầu nguyện cho cô. Tại sao có sự kiện lạ lùng này ? Số là sau khi So-phie chết được một tuần, ông Méc-tơn đến thăm các con của ông lúc đó vẫn còn ưu sầu thương nhớ cô gia sư mới qua đời. Tình cờ ông thấy chiếc huy chương đang nằm trong tủ kính. Tò mò cầm lên xem, ông mở hộp nhỏ phía sau chiếc huy chương lấy ra một mẩu giấy và đọc thấy mấy hàng chữ như sau : “Lạy Chúa, trong nhà Méc-tơn này, con đã bị cấm nói về Chúa với lũ trẻ. Vậy xin Chúa giúp con nói bằng hành động khiêm nhường yêu thương phục vụ. Con hy vọng gia đình này có ngày sẽ tin Chúa và được ơn cứu độ giống như con”. Ông Méc-tơn rất xúc động khi đọc những hàng chữ này. Ông trao cho các con cùng đọc và chúng cũng xúc động tương tự. Rồi cả gia đình Méc-tơn đã xin học giáo lý Công giáo và được chịu phép Rửa Tội vào Đêm Vọng Phục Sinh năm đó.
3.SUY NIỆM :
1) BÀI HỌC VỀ SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG::
So-phie đã thành công trong sứ vụ loan báo Tin Mừng không phải bằng lời nói, nhưng bằng tình yêu thương và chân thành phục vụ. Chính tình thương của cô đã gây được thiện cảm và giúp các thành viên trong gia đình Méc-tơn nhận biết Chúa Giêsu và quyết tâm đi theo làm môn đệ Người. Tuy không có điều kiện giới thiệu Chúa bằng lời nói, nhưng cô So-phie đã loan truyền đức tin bằng hành động quên mình phục vụ. Rồi nhờ ơn Chúa giúp và khi có điều kiện thuận lợi hơn, hạt giống Tin Mừng đã phát sinh hoa trái là đức tin của mọi thành viên trong gia đình Mec-tơn.
2) LOAN BÁO TIN MỪNG LÀ LÀM CHỨNG CHO CHÚA:
Đức Giêsu dạy các môn đệ phải làm chứng cho Ngừơi giống như muối mặn ướp đồ ăn khỏi hư hỏng hoặc như ánh sáng việc lành chiếu soi cho người đời nhận biết Chúa như sau: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời." (Mt 5,16). Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng đã nhấn mạnh giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng như sau: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Chỉ các việc yêu thương kèm theo lời giảng mới có sức thuyết phục con người thời nay tin theo Đức Giêsu.
3) HAI CÁCH LÀM CHỨNG:
Để việc làm chứng đem lại kết quả, không những cần phải có các chứng tá của mổi ngừơi tín hữu, mà còn cần chứng tá mang tính tập thể như: gia đình, giáo xứ, tu viện, đòan thể công giáo tiến hành… Chính nếp sống yêu thương hiệp nhất của Hội Thánh tiên khởi.đã có giá trị thuyết phục rất lớn đến nỗi anh em lương dân đã phải thốt lên: "Kìa xem: Họ yêu thương nhau là dường nào!" Ngày nay các cộng đòan tín hữu chúng ta không nên đóng khung việc hành đạo trong việc đọc kinh dự lễ tại nhà thờ, mà cần mở rộng bằng các công tác xã hội như phục vụ các người nghèo khổ bệnh tật và neo đơn nữa.
4) LÀM CHỨNG TRONG XÃ HỘI HÔM NAY?
Các tín hữu cần gắn bó với Chúa Giêsu như cành nho tháp nhập vào thân cây nho. Vì nếu không có ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ không thể chu tòan sứ vụ làm chứng cho Chúa được (x Ga 15,5). Cần tập nhẫn nhịn chịu đựng và tha thứ các xúc phạm của tha nhân, luôn nghĩ đến người khác và phục vụ trong tinh thần khiêm tốn và yêu thương, sẵn sàng chấp nhận thua thiệt để được mối lợi là đưa được nhiều linh hồn về làm con Chúa như thánh Phaolô đã quả quyết: “Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, họan nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10).
4.THẢO LUẬN : 1- Bạn có kinh nghiệm gì về việc truyền giáo bằng đời sống chứng nhân bác ái ? 2- Mỗi người chúng ta sẽ giới thiệu Chúa cho bạn bè và người thân như thế nào để noi gương cô Sophie trong câu chuyện trên?
5.NGUYỆN CẦU
-LẠY CHÚA GIÊSU, Xin cho chúng con trở thành khí cụ bình an của Chúa, cho chúng con luôn chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Chúa bằng lối sống quên mình vị tha, dấn thân hy sinh và khiêm nhường phục vụ tha nhân cách chân thành. Nhờ đó, người ngòai sẽ nhận biết tôn thờ và tin theo Chúa để được hưởng ơn cứu độ đời đời cùng với chúng con.- AMEN.
LM ĐAN VINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét