Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

19 tháng 12, 2011

Chấp nhận nghèo để giữ chim trời

TT - Tại thôn Vĩnh Xuân (xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), cách trung tâm thành phố khoảng ba cây số về phía tây, còn sót lại một khu rừng đước ngập mặn hiếm hoi rộng khoảng 4ha là nơi trú ngụ của hàng ngàn con cò, vạc, trao trảo, sáo sành, chim sẻ...

Đàn cò trong rừng đước của ông Nguyễn Văn Hưng -  Ảnh: Phạm Ngọc Thành


“Ngôi nhà” của chim
Mỗi ngày, khi trời bắt đầu tối là lúc hàng ngàn con chim, cò bay rợp cả khu rừng đước. Thi thoảng, vài con vạc bắt đầu rời tổ đi kiếm ăn. Không gian đặc quánh tiếng chim. Ngồi trên chiếc cầu gỗ bắc ra giữa đầm nước mặn, nông dân Nguyễn Văn Hưng, 49 tuổi, chủ nhân của khu rừng đước, thanh thản dõi mắt theo những cánh chim về.
Ông Hưng kể ông sống ở khu rừng này với lũ chim từ thời thơ bé. “Ông nội tui khai hoang, trồng rừng đước này từ năm 1950, sau đó chia lại cho những người con. Khi tui còn nhỏ, cả khu này toàn đước là đước, là nơi chim chóc tụ quần. Cha tui có 18ha, ông bán đi một ít, còn thì chia cho bảy anh em tui. Khu rừng này giờ rộng 4ha, tui chỉ có 2ha, diện tích còn lại là giữ giùm cho một người khác. Cách đây mươi năm, cơn lốc nuôi tôm ào qua, người ta phá bỏ sạch sẽ khu rừng đước rộng lớn để làm ao đìa. Nhưng tui quyết giữ rừng đước này vì không thể tưởng tượng được một ngày không nhìn thấy đàn chim, không nghe tiếng kêu của chúng thì mình sẽ sống thế nào”.
Những khu rừng ngập mặn ở Khánh Hòa mất dần. Lũ cò, vạc, trao trảo... tràn về rừng đước ông Hưng trú ngụ. Cuộc sống gia đình ông Hưng có khó khăn chút đỉnh vì không làm ao đìa nuôi tôm thâm canh như người khác, chỉ thả tôm, cá, cua nuôi “sinh thái” trong đầm đước, thu hoạch được bao nhiêu thì được. Bù lại, ông “sở hữu” hàng ngàn con chim các loại - thứ “của cải” không phải ai cũng có.
“Lũ cò xanh ở đây quanh năm, mùa hè chúng mới đẻ. Thứ cò này làm tổ sơ sài lắm, chỉ bẻ một số cọng cây, gác lên trên các chạc đước rồi đẻ trứng. Còn lũ cò trắng thì ở đây phải 2.000-3.000 con, nhưng ba tháng hè chúng di cư đi đâu đấy, trong rừng chỉ còn vài trăm con. Sáo sành mùa đông mới về nhiều, những mùa khác chúng không thích ở đây...” - ông Hưng thuộc lòng tập quán các loài chim trong rừng.
Ông Phạm Ngọc Thành, hội viên chi hội nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, nói: “Ở sát đô thị Nha Trang mà có một rừng đước còn nguyên sơ được gìn giữ hàng chục năm và là nơi trú ngụ của hàng ngàn con chim, cò là điều rất độc đáo. Tôi và bạn bè nhiếp ảnh đã đến rừng đước anh Hưng săn ảnh chim nhiều lần và mê mẩn trước thiên nhiên ở đây”.

 Ông Nguyễn Văn Hưng ngắm nhìn đàn cò trở về sau một ngày kiếm ăn - Ảnh: Duy Thanh 


Bị đe dọa vì... giữ chim trời
Điều làm ông chủ vườn chim đau đáu nhất là ngày càng có nhiều kẻ nhòm ngó, cứ sẩm tối lại lén vác súng và đèn pin vào khu rừng để bắn chim, cò.
“Nửa đêm nửa hôm tui cũng phải đi đuổi bọn chúng. Có đứa còn nạt lại tui: “Chim, cò là của trời chứ phải của ông đâu mà đành hanh?”. Tui phải hét lại: “Đầm đước này là của tao, cái gì trên đầm đước đều là của tao, đàn chim là của tao. Thằng nào đụng đến là có chuyện”. Có đứa bỏ đi, nhưng có đứa đe dọa, đòi đánh. Tui phải nhờ thêm mấy ông hàng xóm “trợ lực”, dọa báo công an, chúng mới đi”.
Trước nỗi lo của ông Hưng, ông Lê Mộng Điệp - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Khánh Hòa - nói sẽ đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Khánh Hòa thuộc sở xem xét, nếu được sẽ xây dựng đề án bảo vệ rừng đước và đàn chim.
Còn ông Võ Thanh Tuấn - chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái - cho biết: “Địa phương trân trọng và động viên ông Nguyễn Văn Hưng bảo tồn được rừng đước, bảo vệ đàn chim, cò tự nhiên. Rừng đước này nằm trong quy hoạch công viên phía tây đường Lê Hồng Phong, xã đã đề nghị cấp trên nên xem xét giữ lại nguyên trạng để tạo sự độc đáo cho công viên này”.
DUY THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét