-------
GIOAN Tẩy giả xuất hiện ở đầu Tin Mừng cứu rỗi theo Thánh Marcô. Năm phụng vụ của Giáo hội bắt đầu không phải với lễ Giáng Sinh mà là với Mùa Vọng, mùa chờ đợi. Và dung mạo của Gioan Tẩy giả được Giáo hội đặt ở vị trí nổi bật của mùa phụng vụ này. Ở đây, ông xuất hiện với lời rao giảng “thanh tẩy hối cải, để được tha thứ tội khiên” (Mc 1, 4) với lời “hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1, 23).
Gioan Tẩy giả xuất hiện ở đây không chỉ để khuyến khích người ta dọn mình mừng lễ Giáng Sinh, dù rằng mùa Vọng xũng là mùa chuẩn bị lễ Giáng Sinh, cũng không chỉ để gợi lên những chặng đường nóng bỏng trong cuộc hành trình của Dân Chúa tiến đến Đất Hứa ngang qua sa mạc hoang vắng. Xuất hiện trong phụng vụ, Gioan Tẩy giả còn là vị Tiền hô cho cả những con người của ngày hôm nay. Tiếng hô của ông có tính cách khơi dậy lòng chờ đợi, chờ đợi Đấng đến sau, không phải hiểu theo thứ tự trước sau trong thời gian hay trong không gian, mà là ở phía sau, ở bên trên hay ở bên dưới, nơi sâu thẳm của các sự vật, của các sự khện, bởi lẽ “mọi sự đã nhờ Người mà thành sự và không Người thì không gì đã thành sự” (Ga 1, 3), Đấng đến sau nhưng lại làm cho mọi sự có ý nghĩa. Sự chờ đợi Gioan Tiền hô rao giảng đã không ngừng biến thành nhãng khát vọng mới đưa con người tới tận những chân trời luôn luôn còn ở phía trước, đên với Đấng làm nền tảng của mọi hiện hữu.
Sự chờ đợi có sức tạo nên một lối sống không bằng lòng với những cái giả nhưng đặt trọng tâm vào cái thực. Sự chờ đợi vì thế gắn liên với tỉnh thức. Sự tỉnh thức đưa người ta ra khỏi cái nhãn quan được tạo bằng những nhà cao cửa rộng, những tiện nghi đủ loại luôn cám dỗ con người dừng lại, đóng đô và có khuynh hướng biến người ta thành thượng đế, nhưng trong thực tế, là những thượng đế bị giam cầm trong những thói quen tiêu thụ những hào nhoáng người ta bầy ra trước mắt qua những tâm panô, những hình ảnh quảng cáo nhan nhản ngoài đường, trên màn hình… che khuất mảng trời xanh có thể kéo cái nhìn của ta tới nơi vô tận.
Gioan Tẩy giả lại còn nhận mình là “Tiếng người hô trong hoang địa”. Hoang địa vốn là nơi để xuất hành, để ra khỏi, nơi người ta luôn phải dỡ lều để tiếp tục cuộc hành trình về phía trước. Đất Hứa vốn ở phía trước. Trong hoang địa, chẳng có gì để níu kéo chân Dân Chúa và người ta cũng dễ nhận ra điều gì là cốt yếu, là trường tồn và điều gì là cái không cần thiết… Một người đã từng sống trong chiến tranh khi mọi sự phút chốc có thể biến thành tro bụi, thế giới xung quanh đang từng ngày biến thành hoang địa, người ta bỗng cảm thấy quý cái tình liên đới giữa những người cùng cảnh ngộ, suy nghĩ về những gì là đáng giá nhất trong cuộc đời, những thứ mà trong cuộc sống sung túc, trong cảnh sống con người được phục vụ vượt quá xa mức cần thiết, người ta không dễ nhận ra.
Thế giới hôm nay, xã hội xung quanh chúng ta hôm nay cũng cần một Giáo hội đóng vai trò của một Gioan Tiền hô biết khơi dậy nơi lòng người những khát vọng mới, thâm sâu, toàn diện, làm sức mạnh thúc đẩy con người luôn đi tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét