Khi các thiên sứ đã từ biệt những người chăn chiên để về trời, thì “những người chăn chiên hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (c.16). Tương tự như sự hối hả của Đức Maria trong việc đi thăm viếng bà Êlisabét (1,39), sự hối hả của những người chăn chiên ở đây không phải là một thái độ tâm lý hay một sự háo hức và tò mò. Nhưng đây là một thái độ tôn giáo: sự hối hả này là sự diễn tả ra bên ngoài một thái độ tâm linh bên trong, thái độ sẵn sàng và mau mắn ứng đáp với sứ điệp của Thiên Chúa. Những người chăn chiên nhanh chóng vâng lời Thiên Chúa. Và họ đã gặp được Hài Nhi mới sinh, Đức Maria và Thánh Giuse, đúng như lời đã được loan báo cho họ.
“Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên” (cc.17-18). Vừa khi nhận được ân huệ thần linh là sự hiểu biết về mầu nhiệm liên quan đến Hài Nhi mới sinh tại Bêlem, những người chăn chiên liền hăng hái trở thành những người công bố sứ điệp cứu độ. Thiên Chúa, nhờ các thiên thần, đã mạc khải mầu nhiệm đang diễn ra cho những con người bé nhỏ, nghèo hèn và vô danh tiểu tốt trong nhân loại. Bây giờ mạc khải ấy của Thiên Chúa được loan truyền nhờ lời của những con người bé nhỏ nhưng đã được trải nghiệm cách thiết thân và cụ thể mầu nhiệm đó.
Tất nhiên trình thuật này đã vượt quá những dữ kiện lịch sử để trở thành câu chuyện mang tính chất “hệ hình”. Vì thế, sẽ là sai lầm nếu chúng ta cứ nhất định tìm trong câu chuyện này những dữ kiện lịch sử khách quan.
Các người chăn chiên không được mô tả trong tư thế đang bái lạy Hài Nhi, mà là trong sự thấy (= chiêm ngắm) và nhất là trong tư thế của những người công bố Tin Mừng. Thái độ và hành động của họ trình bày một khía cạnh rất quan trọng của đời sống đức tin trong Hội Thánh, nhất là vào những ngày của Mùa Giáng Sinh này: loan báo Tin Mừng về mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người.
Tất cả những ai nghe các người chăn chiên thuật chuyện đều ngạc nhiên. Đây không phải sự kinh ngạc tiêu cực xuất phát từ sự không hiểu biết, mà là phản ứng của con người phàm trần trước những sự thể hiện vĩ đại của Thiên Chúa, khi được tiếp cận với một sự kiện thần linh.
Nhưng sự ngạc nhiên bước đầu ấy cần phải được đào sâu, và không được phép ở mãi trong tình trạng “thô” ban đầu. Vì thế, trình thuật dần dần tập trung sự chú ý vào Đức Maria: Mẹ ghi nhớ mọi sự kiện đang diễn ra và suy đi nghĩ lại trong lòng (c.19). Mẹ làm như thế không phải để sau này có tài liệu mà kể lại, song là như hành động thẩm thấu ý nghĩa của mọi biến cố. Đó cũng phải là thái độ tâm linh và tinh thần đặc trưng của một lòng tin vốn đang lớn dần và ngày càng trở nên sâu sắc trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Đức Maria sử dụng tất cả năng lực trí tuệ, ý chí, con tim và tâm linh của mình để “thẩm thấu” các biến cố và các lời vốn siêu việt quá Ngài, để với sự trợ giúp của ân sủng, Mẹ ngày càng hiểu biết các biến cố và thực tại đó một cách sâu xa và chính xác hơn. Bây giờ Mẹ vẫn còn phải suy đi nghĩ lại để hiếu thấu ý nghĩa các biến cố liên quan đến Đức Giêsu. Và Mẹ sẽ chỉ đạt tới lòng tin thuần khiết và trọn vẹn cùng với các Tông Đồ với biến cố vượt qua của Chúa Giêsu. Cho đến trình thuật này, tác giả Lc khắc họa Đức Maria như là kiểu mẫu của Hội Thánh đang sống lời đã được lãnh nhận từ Thiên Chúa.
“Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (c.20). Cũng giống như các thiên sứ trong trình thuật về cuộc sinh hạ Đức Giêsu, các người chăn chiên, khi đã được chứng nghiệm một cách cụ thể (mắt thấy tai nghe) mạc khải đã được ban cho họ, thì lên đường với lời tôn vinh Thiên Chúa. Những người chăn chiên quay trở lại với đàn vật của mình chứ không đi loan báo tin vui cho toàn dân, cho dù các thiên sứ đã từng nói với họ rằng tin vui này cũng là tin mừng trọng đại cho toàn dân (2,10). Việc loan báo đích thực Tin Mừng cho thế giới sẽ chỉ được bắt đầu sau khi Đức Giêsu đã chết và phục sinh mà thôi. Còn ở đây, điều đáng quan tâm là sự kiện các người chăn chiên đã hoàn thành vai trò của mình và rời “sân khấu”.
“Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ” (c.21). Nghi lễ cắt bì có giá trị đánh dấu sự kiện cậu bé trai Do Thái được hội nhập vào dòng dõi cụ Abraham và sống dưới Lề Luật Môsê. Tuy nhiên, cũng giống như trong trình thuật về lễ cắt bì cho Gioan Tẩy Giả (x. 1,59), giá trị tôn giáo và nghi lễ đó không phải là điều mà tác giả muốn nhấn mạnh. Điều ông muốn đặt nổi là tên gọi được đặt cho Hài Nhi trong dịp thi hành nghi lễ cắt bì. Bên cạnh đó, tác giả muốn nhấn mạnh sự vâng phục của cha mẹ Hài Nhi đối với lệnh truyền của Thiên Chúa: “Bà sẽ đặt tên cho Ngài là Giêsu” (1,31).
Trong phần kể về nghi lễ cắt bì và đặt tên cho Hài Nhi này, tác giả Lc không nêu tên của cha và ngay cả của mẹ Hài Nhi Giêsu, người có nhiệm vụ đặt tên cho Ngài, theo lời thiên sứ. Có lẽ tác giả muốn cho thấy rằng tất cả những điều đang xảy đến đây đều xuất phát từ cõi Trời và vì thế, Hài Nhi Giêsu được “dành trước” cho một sứ mạng độc đáo.
Về phương diện văn chương, c.21 này có vai trò làm cầu nối, vừa thuộc về phần trình thuật về cuộc giáng sinh của Hài Nhi Giêsu vừa thuộc về phần trình thuật về cuộcthanh tẩy và tiến dâng Ngài cho Thiên Chúa.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay (Lc 2,16-21) gợi ý cho chúng ta một số nội dung suy niệm:
- Thái độ và hành động của những người chăn chiên trình bày một khía cạnh rất quan trọng của đời sống đức tin trong Hội Thánh, nhất là vào những ngày của Mùa Giáng Sinh này. Đó là thái độ tâm linh luôn sẵn sàng và mau mắn ứng đáp với sứ điệp của Thiên Chúa; đồng thời là sự hăng hái loan báo Tin Mừng về mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người.
- Tác giả Lc khắc họa Đức Maria như là kiểu mẫu của Hội Thánh đang sống lời đã được lãnh nhận từ Thiên Chúa: Mẹ ghi nhớ mọi biến cố và suy đi nghĩ lại trong lòng (c.19).
- Kể lại nghi lễ đặt tên cho Đức Giêsu, tác giả Lc muốn đề cao sự vâng phục của cha mẹ Hài Nhi đối với lệnh truyền của Thiên Chúa: “Bà sẽ đặt tên cho Ngài là Giêsu” (1,31).
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét