Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

29 tháng 12, 2011

PHÉP LẠ “CHO ĐI”

Tại nhiều nơi, dần dà vào dịp mừng Lễ Gia Thất lại trở thành một dịp để các gia đình Công giáo kỷ niệm 10 năm, 25 năm, 50 năm thành hôn. Đây là một nét hay cần nhân rộng. Bởi qua dịp này, nhiều người sẽ khám phá lại chiều kích hôn nhân mà mình đã sống, con cháu cũng vì đó sẽ hiểu hơn về đời sống chúng sắp bước vào. Tại các buổi lễ kỷ niệm, cảm nghiệm chung của nhiều người trong quãng thời gian dài chung sống đó là “Hồng Ân”. Bởi chỉ sức riêng con người thì không thể tưởng tượng được điều mà thời gian đã làm.

Phép lạ!!??
Với ông N.V.B., ông không thể nào tưởng tượng rằng mình đã cùng vợ dìu dắt, nương tựa nhau đi qua nửa thế kỷ. Còn cô, T.T.D. những tưởng cuộc hôn nhân đã tan vỡ trong 5 năm đầu tiên, ấy vậy mà sợi dây hôn phối đã không đứt trong suốt 20 năm kế tiếp. Ngẫm lại, ai ai cũng cho rằng cuộc hôn nhân của mình là một phép lạ. Mà quả là phép lạ thật! Có ai lường trước được sự quen biết, gặp gỡ giữa hai con người xa lạ, rồi yêu nhau, rồi cưới nhau, rồi gắn bó trọn đời? Có ai dám chắc rằng cuộc hôn nhân của mình sẽ bền chặt, không lục đục, rạn nứt? Có ai dám khẳng định con cái họ sinh ra sẽ hoàn toàn lành lặn? Có ai dám đinh ninh mình sẽ dạy con cho ngoan cho tốt?... Quả thực có rất nhiều sự bấp bênh trong đời sống gia đình mà nếu bình tâm, người ta có thể thấy thật nhiều phép lạ. Thế nhưng, vì những phép lạ xảy ra thường xuyên nên nhiều khi người ta coi thường. Dù vậy, chăm chú một chút, ta cũng sẽ nhận ra ngay những biến đổi kỳ diệu mà ta có thể gọi được là:
Phép lạ giữa đời thường
Trong số nhiều “phép lạ” ấy, theo chúng tôi, có một phép lạ lớn nhất: trở nên cha mẹ. Sở dĩ chúng tôi gọi đây là phép lạ lớn nhất là vì phép lạ này chẳng những tạo nên điều chưa có, quan trọng hơn là chúng tạo nên sự biến đổi của chính người tạo ra nó. Cụ thể, trong thân phận con người, ai cũng mong cho mình “được”, cái được của một lối nhìn lấy mình làm trung tâm: được có, được yêu, được chấp nhận, được hạnh phúc... Đó là quy luật chung của thái độ con người. Và trước khi làm cha mẹ ai cũng có thái độ ấy. Thế nhưng, khi một thanh niên làm cha, một thiếu nữ làm mẹ, tất cả những cái được ấy đều dần dần thay đổi. Thay vì mong muốn được chiều chuộng, cha mẹ bắt đầu biết chiều chuộng đứa con bé bỏng của mình. Thay vì mong muốn được yêu, cha mẹ bắt đầu yêu, yêu vô điều kiện đối với đứa con của mình. Và thay vì được muốn thêm thu nhập, muốn được sung sướng hơn, khi làm cha làm mẹ, người ta kinh nghiệm như đời mình bị đảo lộn tất cả: sẵn sàng hao tổn thu nhập vì con, sẵn sàng chịu vất vả khổ sở vì con. Cuối cùng, người cha người mẹ còn nghe thấy lời thúc bách như thể dám chấp nhận “chấm dứt tương lai” của mình để mở đường cho tương lai của con cái.
Nhìn vào cuộc đời ấy, chúng ta nhận ra nét đẹp vô cùng của cuộc đời làm cha mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà tình mẫu tử là tình cảm đẹp nhất trong tâm hồn con người. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà ca dao ca ngợi tình yêu của cha mẹ luôn là mảng ca dao phong phú nhất trong kho tàng văn chương nhân loại. Nhìn vào phép lạ ấy, chúng ta nhận ra nét đẹp của cuộc đời cho đi.
“Cho đi” - Phép lạ vẫn đang diễn ra
Có thể nói bất cứ khi nào còn con người, còn có những kẻ dám dấn thân trong đời sống hôn nhân, dám đón nhận con cái, thì lúc ấy “phép lạ” vẫn diễn ra trên địa cầu này. Quả thực, hiện nay có rất nhiều người “sợ” phải dấn thân cho một cuộc phiêu lưu trong đời sống hôn nhân; có rất nhiều người “sợ” phải sinh con đẻ cái; có rất nhiều người sợ lãnh trách nhiệm phải chăm nom con cái của mình. Họ muốn tự do, thoát khỏi những ràng buộc của gia đình.
Thế nhưng có một điều họ không chịu hiểu rằng con người họ đã được đón nhận bao nhiêu hồng ân để lớn lên; họ phải có trách nhiệm phát triển và sáng tạo cho gia sản ấy phong phú thêm; rồi cuối cùng cuộc sống của họ sẽ trở nên đẹp khi lại mang tất cả vốn liếng và “phần lời” ấy để tiếp tục cho đi, cho đi cả bản thân mình. Như thế, từ quan điểm đời người là cho đi, chúng ta có thể khẳng định rằng “đỉnh cao” đời người không phải là tuổi trẻ, nhưng trong thực chất, chính là tuổi cho đi, là tuổi làm cha mẹ, hay là chính tuổi già. Quả thật, theo quan điểm này, chúng ta mới thấy được nét đẹp của những nếp nhăn trên trán, nét đẹp của những sợi tóc bạc, nét đẹp của một cuộc đời cho đi trọn vẹn. Ở đây, chúng ta thấy cuộc đời con người không bi đát nhưng tràn đầy ý nghĩa, bởi vì khi đó, con người thể hiện được điều mà Thiên Chúa muốn nơi họ ngang qua Mầu nhiệm Nhập Thể.
Tạm kết
Hằng năm chúng ta kỷ niệm biến cố Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Đứng trước biến cố ấy, ta vui mừng vì kỷ nguyên cứu độ khởi đi từ mầu nhiệm này mang lại. Thế nhưng nếu chỉ dừng lại ở chuyện lễ hội tưng bừng, dừng lại ở chuyện “được cứu” thay vì cộng tác vào chương trình cứu độ, e rằng ta làm mất đi ý nghĩa đích thực của lễ này. Quả thực, nếu Đức Kitô chỉ nghĩ cho riêng mình, không “xin vâng” trước thánh ý Chúa Cha; nếu Đức Maria và Thánh Giuse không “xin vâng” trước ý định Thiên Chúa thì đến khi nào ta mới được cứu độ. Vậy nên “cho đi” là nét đẹp trong Kitô giáo và là nét đẹp trong mỗi gia đình chúng ta. Không dừng lại ở nét đẹp, “cho đi” còn có khả năng tạo nên những phép lạ giữa đời thường. Ước mong trong Mùa Giáng Sinh này mỗi người trong chúng ta càng biết trân trọng hơn tình yêu đã đón nhận và biết quảng đại trao ban tình yêu ấy ngay chính trong gia đình mình.
(CSTMHĐGDĐM tháng 12-2011)

Tác giả bài viết: Phêrô Phạm Duy Khánh, OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét