Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

14 tháng 12, 2011

TÌNH YÊU TÌM KIẾM TÌNH YÊU


Một thanh niên xem cụ già hàng xóm 80 tuổi đang trồng một cây đào nhỏ. Anh hỏi: “Ở tuổi cụ, trồng đào thì bao giờ mới được ăn?”

 Cụ chống xẻng, trả lời: “Ở tuổi tôi trồng cây nào nghĩ đến ăn, nhưng cả đời tôi thưởng thức không biết bao nhiêu trái đào do người khác trồng tỉa. Làm sao tôi có đào ăn nếu không có ai làm công việc tôi đang làm đây, tôi chỉ trồng đào để trả ơn những người đã trồng đào cho tôi ăn”.
Lúc đã thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nữa, Đa-vít nghĩ đến xây một đền thờ cho Chúa, thì tiên tri Nathan đến nói cho ông biết tình yêu bao la của Chúa: Chúa không màng chi đến việc được Đa-vít phụng sự: “Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao?”
Vâng, từ lâu trước khi ông nghĩ đến làm một điều gì cho Chúa thì Ngài đã chăm sóc ông như một người con: “Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en. Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi” (2Sm 7,8-9).
Việc phụng thờ của con người chẳng thêm chút gì cho Chúa! Thế nhưng tại sao Chúa lại dạy người ta phải phụng thờ Chúa?
Vì đó là nguồn gốc đem lại an bình, thư thái cho con người.
Một sứ điệp Chúa sai Na-than gửi cho Đa-vít để nói về tình yêu và những việc Chúa đã thực hiện cho ông và cho Ít-ra-en; một sứ điệp khác Chúa sai sứ thần Gabriel gửi đến Đức Maria để bày tỏ tình yêu và những điều Chúa sẽ thực hiện cho Mẹ và cho Dân Chúa.
Hai sứ điệp khác nhau, nhưng có một điểm chung được nhấn mạnh: cội rễ và nền tảng của hạnh phúc con người là được Chúa ở cùng. Với Đa-vít: “Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi”, còn với Đức Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà!”. 
Sự hiện diện của Chúa là nền tảng vững chắc cho mọi an vui: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23,4).
Chúa luôn hiện diện giữa Dân Người, nhưng không phải lúc nào người ta cũng nhận ra ân phúc đó. Ngay sau khi được giải thoát khỏi Ai cập một cách lạ lùng, Ít-ra-en đã không còn nhớ đến bàn tay của Chúa nữa. Môsê gọi chỗ đó là Masa và Mơ-ri-va, là thử thách và gây sự, “vì con cái Ít-ra-en đã gây sự và thử thách Đức Chúa mà rằng: "Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?”(Xh 17,3.7).
Vì thế mà niềm tin cần được thử thách để niềm tin thực sự là một chọn lựa tự do của con người. Vẫn ở cùng dân, nhưng có lúc Chúa như ngoảnh mặt đi: “Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ còn ngoảnh mặt làm ngơ?” (Tv 13,2). Có Chúa ở cùng là một ân sủng nhưng không, nhưng cũng đòi hỏi người ta phải tích cực tìm kiếm.
Trong bài giảng lễ Giáng sinh năm 1998, ĐHY Joseph Ratzinger, nay là Đức Benedicto XVI, đã kể chuyện cậu bé Jeschiel chạy tất tưởi tới phòng của ông mình, một Rabbi nổi tiếng, sướt mướt kêu gào:
- Ông ơi, bạn của con đã bỏ rơi con hết rồi. Nó thật chẳng tốt chút nào và chơi xấu với con quá!
- Ông hiểu, con có thể kể thêm một chút nữa không?
- Dạ, chúng con chơi trốn tìm năm mười với nhau. Con trốn thật là kỹ, đến nỗi bạn con không tìm được con. Tự nhiên bạn con nghỉ chơi, không tìm con nữa, và nó đi mất tăm luôn. Chơi thật là xấu, phải không ông?
Và ông đã an ủi cháu: Thực là chẳng đẹp chút nào. Nhưng con ơi, mình với Thiên Chúa cũng vậy đó. Chúa đã chơi với chúng ta trò chơi trốn năm mười, Ngài đã trốn, còn chúng ta thì lại chẳng chịu đi tìm Ngài gì cả. Con cứ thử nghĩ xem, Thiên Chúa ẩn mình, còn chúng ta thì chẳng một lần chịu đi kiếm Ngài.
Kể chuyện xong, ĐTC tiếp lời: “Thiên Chúa không chỉ cho chúng ta thấy hào quang sáng chói của Ngài. Ngài muốn rằng giữa Ngài với chúng ta một tình yêu cần được nảy sinh, và tình yêu này luôn đòi hỏi sự tự do... Và Ngài ước ao chúng ta có được... kinh nghiệm của sự tự do, của tìm kiếm, của khám phá và của lời Xin Vâng với tình yêu”.
Như một món quà của tình yêu, ơn cứu độ được ban nhưng không, nhưng cũng phải có sự tìm kiếm. Chúa tìm kiếm con người, và Đức Maria thay mặt mọi thụ tạo tìm kiếm và đón nhận Chúa khi thưa Xin vâng, và ơn cứu độ đã bừng sáng lên!                                                                                       
Lm. HK
Tác giả bài viết: Lm. HK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét