Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

17 tháng 12, 2011

ĐÓN CHÚA CÁCH NÀO?

ĐÓN CHÚA CÁCH NÀO? ĐÓN CHÚA CÁCH NÀO?
CHÚA NHẬT IV MV B Trong những ngày này nhiều người khi gặp nhau thường hỏi nhau: Noel có chương trình gì không? Câu trả lời thường là cái lắc đầu, người khác thì chuẩn bị cho bữa liên hoan với bạn bè, có người lại lên kế hoạch cho một đêm ở đâu đó, và dịp giáng sinh đối với họ đã trở thành một dịp vui chơi
. Còn ở các siêu thị, các đường phố ở Sài Gòn người ta thấy các hình thức trang trí Noel hết sức sặc sỡ đẹp mắt, và vào đêm Giáng sinh mọi người đổ ra đường để đến các tụ điểm đó, ở những nơi ấy cũng có những hang đá, cũng có bộ tượng Chúa Giáng sinh, mà thực ra những hang đá ấy không hề có Chúa, mà chỉ là hình thức để dụ khách hàng đến vui chơi mua sắm. Còn đối với thanh thiếu niên, kể cả những em có đạo, khi hỏi về ngày lễ Giáng sinh là ngày gì có em không biết, mà chỉ biết ngày đó là ngày lễ Noel. Vâng, chính vì ngày nay người ta nhấn mạnh đến chữ Noel hơn là chữ Giáng Sinh, nên nhiều thanh thiếu niên cho rằng ngày lễ này là ngày lễ của Ông già Noel, vì đâu đâu cũng thấy hình ảnh ông già Noel hơn là thấy hình ảnh Giáng Sinh của Con Thiên Chúa. Và nếu trong tương lai, chính phủ công nhận ngày lễ Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ như bên phương tây thì e rằng, lúc ấy mùa Giáng sinh sẽ mất đi ý nghĩa tôn giáo mà chỉ còn là mùa mua sắm, mùa lễ hội và mùa du lịch mà thôi.
Thưa quý OBACE, ở các nhà thờ những ngày này cũng đang tất bật chuẩn bị cho hang đá, đèn sao, cho những trang trí đẹp mắt bên ngòai, nhưng cứ thử hỏi chúng ta trang trí để làm gì, và chúng ta làm gì để đón chúa Giáng sinh, hay nói cách khác, chúng ta đón Chúa Giáng sinh như thế nào? Có lẽ sẽ có nhiều câu trả lời rất khác nhau tùy thuộc tâm tình mỗi người.
Lời Chúa hôm nay đưa ra cho chúng ta những mẫu gương đón Chúa đến. Ngày nay khi cộc sống khá hơn, thì việc trang hòang Giáng Sinh cũng đẹp hơn và tốn phí hơn. Điều đó ngày xưa vua Đavít cũng đã từng muốn làm như thế, khi ông được bằng yên từ bề không còn chiến tranh, đất nước đang lên đến thời cực thịnh, thì ông nghĩ ngay đến việc phải làm cho Thiên Chúa một ngôi nhà cho xứng đáng, ý nghĩ tốt lành của ông thể hiện tấm lòng đạo đức biết ơn của ông đối vối Thiên Chúa: Tôi ở trong nhà làm bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa lại ở trong lêu bằng vải ư! Ông không thể an lòng khi nhìn thấy như thế, với một lòng thành, ông dự định làm cho Chúa một cung điện nguy nga.
Thiên Chúa chỉ cần tấm lòng chân thành biết ơn của ông, chứ Thiên Chúa không cần một ngôi đền, chính Thiên Chúa đã nhắc lại cho Đavít thấy bàn tay của Ngài đã dẫn đưa ông từ một đứa bé chăn chiên trở thành vua của một quốc gia cường thịnh, và Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương và đáp trả lại cho lòng thành và sự biết ơn của ông bằng một lời hứa: Ta sẽ xây dựng cho người một dòng dõi kế vị người, một người do chính ngươi sinh ra, đối với nó, Ta sẽ là Cha, đối với Ta, nó sẽ là con… nhà của người và vương quyền của người sẽ muôn đời bền vững. Thiên Chúa đã quảng đại gấp ngàn ngàn lần những gì vua Đavít quảng đại và dự định làm cho Chúa, ông mới chỉ nghĩ rằng sẽ làm cho Chúa một ngôi đền, thì Thiên Chúa lại làm cho ông một triều đại vững bền mãi mãi. Thiên Chúa chỉ cần tấm lòng của chúng ta đối với Chúa mà thôi.
Nếu như ngày xưa Đavít đã có một tấm lòng thành muốn xây một cung điện cho Thiên Chúa, thì hôm nay Đức Maria qua câu chuyện trong Tin Mừng đã không chỉ có tấm lòng đối với Chúa, mà Mẹ còn dâng cho Chúa trọn cả cung lòng của mình để cho Thiên Chúa chuẩn bị và làm nên cung điện cho Con của Ngài cư ngụ. Mẹ đã đón Chúa đến không phải bằng hình thức bên ngoài mà bằng một thái độ hoàn toàn vâng phục và phó thác cho quyền năng và kế họach của Thiên Chúa.
Tác giả Tin Mừng đã giới thiệu đến Giuse là hậu duệ nhà Đavít, để kết nối lời hứa của Thiên Chúa trong bài đọc một với biến cố quan trọng này và Đức Maria là nhân vật chính trong câu chuyện hôm nay. Sự xuất hiện của Sứ thần đã là điều gây bất ngờ cho Mẹ, nhưng lời chào của sứ thần càng gây bất ngờ khó hiểu hơn: Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.Với một thôn nữ tuổi 15-17 thì không thể hiểu được ý nghĩa của lời chào và càng không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra. Sứ thần đã đem đến cho mẹ một sứ điệp, một thông tin: Thưa bà, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa, bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai và đặt tên con trẻ là Giêsu, Ngài sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao, Người sẽ cai trị đời đời trên ngai Đavít… Một lời loan báo quả là lạ lùng và vượt sức tưởng tượng của con người, lời loan báo này đã khẵng định người con của mẹ sẽ cưu mang là Con Thiên Chúa và thuộc dòng dõi vua Đavít.
Trước một màu nhiệm cao cả như thế, Maria xin thêm một lời giải thích: Việc ấy sẽ xảy đến thế nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng? Và Sứ thần đã giải thích hết sức vắn tắt: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con thiên Chúa. Chắc chắn những lời giải thich này không thể thỏa mãn cho sự hiểu biết của Maria, và cũng vượt sức tương tượng của chúng ta hôm nay, mặc dù không hiểu hết điều gì sắp xảy ra cho mình, nhưng Maria đã khiêm nhường thưa với sư thần: Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời Sứ thần nói.
Như thế, trước biến cố Ngôi Lời Con Thiên Chúa đến với nhân loại, Thiên Chúa đã phải đích thân ngỏ lời hỏi ý kiến của một trinh nữ và Mẹ đã đáp lại bằng một thái độ hết sức khiêm nhừơng và quảng đại: Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời Sứ thần nói. Với lời thưa xin vâng này, trước khi sinh con nơi hang Belem, thì Đức Maria đã để cho Thiên Chúa “sinh” con mình nơi cung lòng của mẹ. Mẹ đã dâng hiến cho Thiên Chúa cả cung lòng trinh trong của mình để cho Thiên Chúa biến thành một cung điện cho Con của Ngài. Không chỉ sẵn sàng để cho Thiên Chúa thực hiện chương trình của Ngài, mà Mẹ còn dâng cả máu thịt của mình để làm nên máu thịt Con Thiên Chúa- Một sự sẵn sàng và một sự quảng đại tuyệt vời!
Thưa quý OBACE, Đại lễ Giáng Sinh đã gần kề, chúng ta đón Chúa bằng cách nào, chúng ta đã chuẩn bị những gì cho Chúa? Các hình thức bên ngoài là tốt, nhưng chưa đủ, điều mà Thiên chúa mong đợi chính là một tấm lòng, một thái độ cần thiết chúng ta dành cho chúa. Chúa không cần cung điện của Đavít, nhưng Chúa cần tấm lòng của ông, Chúa không cần một nơi sang trọng nhưng Chúa cần thái độ khiêm nhường và quảng đại của Đức Maria.
Như thế cách đón mừng Đại lễ Giáng Sinh tốt nhất vẫn là việc đón Chúa vào tâm hồn của mình. Chúa chỉ có thể đi vào một tâm hồn thực sự sãn sàng muốn đón tiếp Chúa, Chúa chỉ có thể đi vào những gia đình biết mở cửa và đợi chờ Ngài. Những gì là kiêu căng tự mãn thì không thích hợp với Chúa, những gì còn bận vướng làm cho tâm hồn chúng ta không thanh thản như giận hờn, thù oán, tội lỗi, dục vọng đam mê, chơi bời, lười biếng... nó chính là những vật cản trở khiến cho chúng ta không thật sự ước muốn chân thành và quảng đại đón Chúa, những điều ấy cần phải được gỡ bỏ để cuộc tiếp đón Chúa được thoải mái hơn và thân mật hơn.
Đối với các bạn trẻ thanh thiếu niên thái độ đón Chúa của chúng ta như thế nào, chúng ta chuẩn bị những gì? Thưa- Đừng đánh mất ý nghĩa ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người bởi những cuộc vui, cuộc ăn nhậu thâu đêm, để rồi đi đến thác loạn và những hậu quả nghiêm trọng khác nữa. Đừng vô tình biến ngày đại lễ của chúng ta thành ngày lễ hội hình thức bên ngoài; Đừng biến nó trở thành ngày của ông già noel. Để tránh những thái độ như thế. Các bạn cần quay về với tâm tình tôn giáo và bầu khí đạo đức của giáo xứ, của gia đình, bằng chuẩn bị riêng cho tâm hồn mình sự thanh sạch nhờ Bí tích Giải tội và niềm vui thâm sâu nhờ Bí Tích Thánh Thể, bằng việc xum họp gia đinh. Khi có Chúa ở trong tâm hồn thì các bạn sẽ không cần đến niềm vui nào khác nữa, khi có một bầu khí gia đình ấm cúng, các bạn sẽ cảm nhận được niềm vui Giáng Sinh, và nếu tham dự các lễ hội trần gian các bạn sẽ là người đem Chúa vào các lể hội ấy, sống và thực hành như thế là cách chuẩn bị tốt nhất để đón Chúa. Amen
Tác giả bài viết: Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét