Anh hùng ca Odysseus - một trong những tác phẩm cổ xưa của nhân loại có khoảng từ 2500 tới 3000 năm do nhà thơ vĩ đại Homer sáng tác, dài hơn 12 ngàn câu thơ, kể lại cuộc hành trình trở về quê nhà của người anh hùng Odysseus sau khi quân Hy Lạp hạ được thành Troy. Đó là một cuộc hành trình vượt biển đối diện với nhiều nguy hiểm mà Odysseus và các bạn hữu phải vượt qua. Giữa hành trình, có cuộc vượt đảo Sirens - đảo của cám dỗ. Trên đảo đó có các thần nữ hiện hình mỹ nhân đẹp tuyệt trần với lời hát quyến rũ ngây ngất. Mỗi khi một chiếc tàu chạy qua, các thần nữ cất tiếng hát cực kỳ mê đắm, quyến rũ đoàn thủy thủ làm cho họ mê hồn theo tiếng hát và không thể làm chủ được mình khiến tàu đâm vào đá, tàu đắm, đoàn thủy thủ thì làm mồi cho cá. Chỉ có hai lần tàu đi qua bằng an:
- Tàu của Odysseus, vị thuyền trưởng, ông nghe nói về đảo quyến rũ này nên ra lệnh dán sáp vào tai đoàn thủy thủ để không nghe được những tiếng hát quyến rũ của ma nữ, còn ông thì cho thủy thủ trói chặt vào cột buồm khi tàu qua đảo và ra lệnh không được cởi ông ra bất cứ vì lý do gì. Khi tàu từ từ đi ngang qua đảo, tiếng hát quyến rũ của ma nữ Siren cất lên, các thủy thủ đã được sáp dán kín tai nên không nghe tiếng hát của ma nữ. Chỉ có Odysseus nghe tiếng hát mê hồn khiêu gợi, ông chống cự đến mồ hôi hột đổ ra, gân và bắp thịt cổ nổi phồng lên, lòng ham muốn đam mê nơi ông nổi lên mãnh liệt, nhưng ông đã bị cột vào cột buồm. Nhờ thế mà ông không bị lôi kéo của các nàng ma nữ Siren khuất phục…
- Tàu thứ hai đã đi qua đảo cám dỗ an bình là tàu do Jason khôn ngoan làm thuyền trưởng, đã nài nỉ Orpheus đi cùng (Orpheus con trai của vua Oeagrus xứ Thrace và nữ thần thi ca (muse) Calliope). Tiếng hát cua Orpheus có thể làm xiêu lòng vạn vật, và khiến cho đất trời, thần linh phải rơi lệ. Khi chiếc tàu đến gần đảo cám dỗ, âm nhạc của các ma nữ Siren quyến lòng nổi lên làm Jason và đoàn thủy thủ mê đắm sắp đầu hàng… Orpheus cầm lấy chiếc thụ cầm, lên dây và bắt đầu ca hát. Tiếng nhạc của Orpheus hay và trong sáng hơn âm nhạc từ đảo cám dỗ; âm nhạc tuyệt vời của ông biến tiếng nhạc từ đảo thành những âm thanh chói tai. Lúc này đoàn thủy thủ lắng nghe Orpheus đàn hát át hẳn tiếng hát của ma nữ Siren nên chiếc tàu đã vượt qua đảo cám dỗ bình yên.
Hình ảnh ẩn dụ vượt đảo Siren trên gợi cho chúng ta thực tế về cám dỗ: chỉ có sức mạnh, mạnh hơn sức bình thường của con người mới giúp cho chúng ta vượt qua được cám dỗ. Nếu chỉ dựa vào sức riêng mình, chúng ta sẽ bị chước cám dỗ đánh bại. Chúng ta không thể có được sức mạnh giúp đỡ cho đến khi hạ mình cầu xin ơn Chúa giúp ta chống trả chước cám dỗ…
Chúa Giêsu bi cám dỗ trong sa mạc (Mc 12-13) cả ba Tin Mừng Nhất Lãm (x. Mt 4,1-11; Lc 4,1-13) đều tường thuật việc Chúa Giêsu bị Satan cám dỗ trong hoang địa trước lúc khởi đầu sứ mạng rao giảng, để đối chiếu với việc ông bà nguyên tổ bị cám dỗ trong vườn địa đàng thuở hoang sơ. Đức Kitô ở trong hoang địa với dã thú như là một đối trưng của Ađam trong vườn Địa đàng năm xưa: Adam và Eva bị cám dỗ và vấp ngã đã gây nên tình trạng thù nghịch giữa loài người và dã thú, một hậu quả của sự sa ngã của Ađam. Đức Giêsu bị cám dỗ nhưng đã chiến thắng, nên Ngài ở trong hoang địa sống hài hoà với muôn loài và quan hệ thân tình với Thiên Chúa cho thấy đó là hoàn cảnh của nhân loại nếu Ađam đã không phạm tội. Một hoang địa biến thành địa đàng là hình ảnh mà ngôn sứ Isaia dùng để mô tả ơn cứu độ: "sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ, bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng" (Is 11,6), (xem thêm Is 11,6-9; 32, 14-20; 65,25).
Tin Mừng của Marco không nói đến chi tiết về các cuộc cám dỗ nhưng hai Tin Mừng Mattheu và Luca nói đến ba cuộc cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang địa (x. Mt 4,1-11; Lc 4,1-13), là những cơn cám dỗ hết sức tinh vi và nguy hiểm vì nó đánh đúng vào ba nhu cầu thiết yếu của con người: nhu cầu hưởng thụ vật chất, quyền lực cai trị và cái tôi muốn đề cao mình của con người.
Ngay từ thưở ban đầu có vũ trụ vạn vật, con người đã đối diện với chước mưu cám dỗ của Satan : ông tổ Adam Eva đã bị cám dỗ và sa ngã. Trong hành trình về đất hứa, đi trong hoang địa dân Israel đã gặp nhiều cám dỗ: Cám dỗ trở lại Ai cập để có bánh ăn. Cám dỗ bỏ Chúa khi thờ tượng con bê vàng. Cám dỗ thử thách sức mạnh Thiên Chúa. Và họ đã sa ngã vào những cám dỗ đó. Nay Đức Giêsu chính là hình ảnh của Israel mới, Ngài cũng sống trong sa mạc thời gian 40 ngày, bị cám dỗ nhưng đã chiến thắng…
Chúa Giêsu chịu cám dỗ, “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân’’ (Pl 2, 6-7).
Vì trở nên người phàm như chúng ta, “Chúa Giê-su đã từng chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta’’ (Dt 4,15).
Vì trở nên người phàm như chúng ta, “Chúa Giê-su đã từng chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta’’ (Dt 4,15).
Ngài bị cám dỗ nhưng đã chiến thắng, để dẫn đưa chúng ta đối diện với cám dỗ, chiến đấu cậy nhờ ơn Thiên Chúa và chiến thắng. Ma quỉ rất khôn ngoan, chúng có những cách lừa đảo rất tinh vi giống như tiếng hát mê hồn của ma nữ Siren hay sự ngọt ngào của trái cấm mà nguyên tổ bi quyến rũ. Thật thế, cám dỗ nào cũng ngọt ngào hấp dẫn gây ra sự ảo tưởng để đánh lừa người ta, để đưa người ta vào bẫy và lúc đó không còn thể ra được. Nhưng đàng sau những cám dỗ chúng, khi đã bị khuất phục sa ngã hiện ra thực tế thật thảm hại như sự sa ngã của nguyên tổ Adam Eva với trái cấm là bị ra khỏi vườn địa đàng, gây hậu quả liên đới cho cả con người mọi thời đại… như mê theo tiếng hát của ma nữ Siren là sẽ bị chìm sâu giữa lòng đại dương…
Trong cuộc sống thường này, con người luôn phải đối diện với cám dỗ, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh thánh Phêrô: “Phêrô ơi, ma quỉ nó sàng con như sàng gạo ấy”(Lc 22,31). Chính những kinh nghiệm chiến đấu với cám dỗ, Phêro đã lưu ý anh chị em tín hữu: “ ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé » (1P 5,8)
Cám dỗ đưa chúng ta xa cách Thiên Chúa, nhưng nếu con người vững tin dựa vào ơn Chúa, dịp cám dỗ là dip thử thách lòng trung thành của ta với Chúa. Tuy nhiên sức con người yếu đuối không thể thắng được các chước của Satan nếu không có sự hỗ trợ của Chúa, cho nên Thánh Phaolô khẳng định: “ tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13).
Trong kinh Lạy Cha chúng ta cầu nguyện mỗi ngày:“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6, 13; Lc 11, 4), có nghĩa là “đừng cho phép chúng con bước vào” cám dỗ, cũng nghĩa là đừng để ưng thuận theo cám dỗ hay “đừng để chúng con ngã gục trước sự cám dỗ” (Giáo lý Công giáo số 2846).
Một trong những phương thế giúp ta vượt qua được cám dỗ là thanh tẩy tâm hồn không ngừng, sống lại như Lời dạy của Thầy Giêsu:
“…Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1, 15).
Sám hối nhìn nhận bất toàn, tội lỗi xin ơn thanh tẩy tâm hồn để đón nhận Tin Mừng - nền tảng cho niềm vui và sự tin tưởng của chúng ta. Ai đón tiếp Tin Mừng và lưu tâm nghiền ngẫm, thì biết rằng Thiên Chúa ở gần bên để ban ơn cứu độ. Tin tưởng vào Tin Mừng - Lời Chúa thì luôn đứng vững; nếu không tin tưởng vào Lời Ngài thì sẽ sụp đổ. Đức Giêsu luôn trung thành với Thiên Chúa, Ngài đã dùng Thánh Kinh mà chiến đấu với cám dỗ Satan: như có Lời Kinh Thánh chép… (x. Mt 4, 4.7.10) và Ngài đã chiến thắng Satan.
Thật thế, khi dối diện với cám dỗ, luôn mang tâm tình sám hối đón nhận Tin Mừng là sức mạnh vượt sóng cám dỗ, thử thách vì :
"Với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con"
(Tv 50, 17).
Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 25/02/2012
Tác giả bài viết: Lm. Vinh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét