Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

12 tháng 2, 2012

Người giơ tay đụng vào anh

CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN NĂM B Suy niệm Tin Mừng Mc 1, 40-45


            “Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo…
Kể từ cái kinh nghiệm nhỏ bé trải qua trong khóa học BISA VIII tại Bangkok - Thái Lan vừa qua trong dịp Tết Nhâm Thìn, tôi đã có suy nghĩ rất khác về ‘phép lạ’ đức Giê-su chữa người bị phong hủi.
BISA (Bishops’ Institute for Social Action) là khóa học dành cho các giám mục Á Châu về các đề tài liên quan tới phát triển con người theo Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội do OHD (Office of Human Development) thuộc FABC (Federation of Asian Bishops’ Conferences) tổ chức. Khóa VIII lần này có sự tham dự của khoảng 30 giám mục và 10 đại biểu linh mục, giáo dân đại diện cho 18 Hội Đồng Giám Mục và 06 tổ chức quốc tế. Tôi được mời tham dự trong tư cách đại diện cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vì đề tài học tập liên quan đến các di dân và thổ dân. Khóa học được chia làm hai phần: 04 ngày dành cho chương trình thực nghiệm (immersion program) và 04 ngày cho hội nghị thuyết trình và thảo luận. Trong phần thực nghiệm, các tham dự viên được chia thành từng nhóm 4-5 người đi thực tế trong một môi trường xã hội cụ thể. Nhóm tôi gồm 04 người, trong đó có 02 giám mục, đi làm việc tại một trung tâm PCU-AIDS (Palliative Care Unit for AIDS Patient Center) tại tỉnh Sayong miền đông nam Thái Lan, gần biên giới Kampuchia. Công việc của chúng tôi là cùng với các y công và y tá của trung tâm chăm sóc các bệnh nhân AIDS trong giai đoạn cuối.
Một trong các công việc tôi được trao là thay tã (tampers) và chùi rửa các bệnh nhân hoàn toàn bị liệt. Việc đụng chạm trực tiếp tới những con người này (một thứ phong hủi hiện đại) trong trạng thái dơ bẩn nhất về thân xác của họ, đã để lại nơi tôi một ấn tượng khó quên. Mọi cảm xúc tự nhiên của tôi hầu như muốn nổi loạn, buộc tôi phải gồng mình kiềm chế. Cảm nghĩ lóe lên trong đầu tôi lúc đó chính là: “Ôi tình yêu nhập thể, khủng khiệp quá!” Đức Giê-su đã đụng chạm trực tiếp tới thân xác thấp hèn và dơ dáy tột độ của con người - cụ thể ở đây là trường hợp người mắc bệnh phong cùi ghê tởm - mà không có bất cứ thiết bị bảo vệ nào như tôi lúc đó: khẩu trang, bao tay cao su, các thiết bị y tế, nước sát trùng… và cả tấm tã cực kỳ tiện lợi. Điều duy nhất Người có, và có tới độ siêu phàm nhất, điều mà tôi lại hoàn toàn thiếu, đó là ‘Người chạnh lòng thương’. Thế đấy, tình yêu nhập thể thực quá cụ thể và chạm tới được tận chỗ cùng cực nhất của kiếp người. Đức Giê-su đã làm điều đó với người phong hủi, và còn tiếp tục làm với từng người chúng ta, đặc biệt những ai bất hạnh và yếu kém nhất cả về thể lý lẫn luân lý. Bất cứ ai Người cũng chạm tới được miễn là họ biết ‘quỳ xuống và van xin…
Và cũng từ kinh nghiệm này tôi được biết việc chữa lành (hay phép lạ) không phải là điều quan trọng và cần nhấn mạnh nhất. Khi phục vụ tại CPU-AIDS tôi được cho biết, bệnh nhân nào tìm lại được ý chí muốn sống, người đó mới có cơ may tiếp tục sống, ngược lại bệnh nhân sẽ tàn lụi vô phương cứu chữa. Tác động lớn nhất trong việc điều dưỡng không phải là thuốc men hay phương tiện y tế, mà chính là trả lại cho bệnh nhân niềm tin và hy vọng. Tôi đã thấy vài trường hợp điển hình ngay nơi các bệnh nhân mà tôi phục vụ (thay tã, đút cơm hay nắn bóp), họ bắt đầu có các dấu hiệu hồi phục rõ ràng. Một bệnh nhân AIDS-TB nặng bị mọi người xa tránh vì dễ lây nhiễm, khi được tôi ân cần đút cơm cho, đã nở được nụ cười thật tươi sau nhiều ngày vật vã… Và bác sĩ cho biết bệnh tình anh đã khả quan hơn. Tác giả Mác-cô viết: ‘Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch…’ ôi sao mà xác thực quá! ‘Chạnh lòng thương’ còn quang trọng hơn nhiều việc đức Giê-su lấy quyền phép mà làm phép lạ… Nói cách khác chính ‘chạnh lòng thương’ đáp ứng được nỗi khát vọng thâm sâu nhất của bệnh nhân phong hủi này bị mọi người hắt hủi, và là tiền đề để chứng phong hủi biến khỏi anh. Sức mạnh của lòng thương xót thật vô song!
 Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết cảm tạ Chúa không ngừng, không phải vì các phép lạ hoặc các ơn trọng đại nhận được, nhưng vì đã biết tín thác vào lòng xót thương Chúa. Cho dầu không thể sửa trị được hết các yếu đuối phần hồn phần xác, con vẫn mừng vui khôn xiết vì Chúa đã chạnh thương chạm tới sự thấp hèn của con, qua đó trả lại cho con niềm hy vọng tràn trề và một sức sống vô biên. Amen
Tác giả bài viết: Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét