Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

25 tháng 2, 2012

‘Sám hối’ liên quan gì tới ‘tin vào Tin Mừng’?

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B Suy niệm Tin Mừng Mc 1, 12-15


            Sứ điệp Mùa Chay xem ra đã rõ ràng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!”. Công việc phải làm trong thời gian này cũng đã từng được xác định từ thời xa xưa, là phải giữ chay tịnh trong suốt bốn mươi đêm ngày trước lễ Phục Sinh, noi gương đức Giê-su ‘được Thần Khí thúc đẩy, Người ở trong hoang điạ bốn mươi ngày’ [như Thánh Giáo hoàng Lê-ô (+461) đã viết: “ut apostolica institutio quadraginta dierum jejuniis impleatur” (P.L., LIV, 633)]. Ngày nay thì ‘apostolica institutio’ đó hầu như đã biến mất, đồng thời tôi cũng được nhắc nhở: sứ điệp nói trên không chỉ dành cho Mùa Chay, mà là cho toàn thể đời Ki-tô hữu. Chính vì thế mà tôi càng muốn tìm hiểu rõ, mình cần làm gì trong thời gian 40 ngày này (NB. Tiếng Anh gọi thời gian này là Lenten Season; trong ngôn ngữ Celt cổ nó có nghĩa là ‘spring time - mùa xuân’, không như các ngôn ngữ Âu Châu khác dùng các từ có gốc La tinh hay Hy lạp liên quan tới con số 40 như Carême hay Quaregima).
            Nếu trong thời gian được gọi là ‘Mùa Chay’ mà giữ chay tịnh lại không phải là điều chính yếu, và nếu Tin Mừng không hệ tại ở việc hãm mình ép xác, giữ tiết độ hay diệt dục (xem Lc 5, 33-39), thì trong thời gian cao điểm này nói riêng và suốt đời Ki-tô hữu nói chung, điều gì mới thực là chính yếu? Nói cách khác, sứ điệp ‘hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’ phải được hiểu theo nghĩa nào?
            Thoạt tiên ta có thể hiểu sám hối và tin vào Tin Mừng như hai hành động song hành, hai điều cần làm để được cứu rỗi. Trước hết ‘hãy sám hối’ thường được hiểu như một lời kêu mời có nội dung luân lý, hãy từ bỏ con đường gian tà, hãy chỉnh đốn đời sống để làm cho mình lại được nên công chính như xưa. Hiểu như thế, và rất thường khi ta vẫn hiểu như vậy, nên quả thực ta cho sám hối là điều tối cần, thiết yếu tới độ chỉ cần sám hối chân thành đã đủ để một người có thể được lên thiên đàng. Đức Giê-su đến để kêu gọi sám hối , và trước Ngài, nhiều tiên tri - cao điểm là Gio-an Tiền Hô - cũng đã từng kêu gọi như thế. Nếu vậy sứ điệp này có gì là quan trọng? Thứ đến ‘tin vào Tin Mừng’, nếu được hiểu là giữ đạo, là sống các điều răn để có thể được rỗi linh hồn, thì vai trò của đức Giê-su cũng lại rất mờ nhạt mà thôi. Đơn thuần Người chỉ đóng vai trò một ông thầy dạy đỗ những điều phải làm, chỉ bảo cho biết các điều phải giữ… rồi thì Người không còn cần thiết nữa; vì người ta có thể được cứu rỗi căn cứ vào các việc giữ và làm (tương tự như Mô-sê trong Cựu Ước, với bộ giới răn và lề luật của ông). Chắc hẳn sứ điệp không thể hiểu như thế, nếu không muốn Tin Mừng đức Giê-su trở thành điều gì quá tầm thường.
Sức mạnh của sứ điệp đưa ta tới thẳng Thiên Chúa thứ tha, và đặt niềm tin tuyệt đối vào đức Giê-su Ki-tô thập gía cứu độ. Trong nội dung đó, ‘hãy sám hối’ phải được hiểu là ‘hãy chân thành nhìn nhận mình thấp hèn trong tội lỗi, để cảm thấy khát vọng và nhu cầu được cứu vớt thứ tha. Lúc đó hối nhân sẽ không nhất thiết phải là người đã cải tà qui chính, cho bằng là người tuyệt đối tin tưởng đón nhận ơn cứu độ. Trong nội dung này hai vế ‘hãy sám hối’ và ‘tin vào Tin Mừng’ sẽ có liên hệ mật thiết với nhau. Một người càng khiêm tốn sám hối bao nhiêu thì càng tin vào Tin Mừng cứu rỗi bấy nhiêu, và ngược lại người tin vào Tin Mừng, trong bất kì hoàn cảnh nào cũng sẽ luôn trong tư thế khiêm nhường sám hối. Đồng thời cả hai hành động chỉ có một mục tiêu duy nhất là đón lấy ơn cứu độ nơi Thiên Chúa từ nhân được thực hiện trong thập giá đức Ki-tô Giê-su. Tác giả Mác-cô quả thật có lý khi dành cho sứ điệp này một tầm quan trọng tuyệt đối vì nó gói ghém toàn bộ nội dung rao giảng và hành động của đức Giê-su. ‘Sau khi ông Gio-an bị bắt, đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã viên mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối, và tin vào Tin Mừng”.
Trong tư cách là một tu sĩ - linh mục đã lớn tuổi, tôi có thật sự vẫn xác tín rằng mình cần phải khiêm nhường sám hối? Và tôi có đánh giá sự thánh thiện của mình theo thước đo của khát vọng đón nhận hồng ân cứu độ? Mùa Chay chính là thời gian dành cho tôi để kiểm điểm lại hai điều này.
Lạy Thiên Chúa cứu độ của con, Chúa kêu gọi con sám hối không phải để con được xứng đáng đến gần Chúa, nhưng để càng cảm thấy mình bất xứng và do đó khao khát đón lấy hồng ân cứu độ do lòng nhân lành thương xót Chúa trao ban. Xin cho sứ điệp “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’ luôn vang vọng ngày càng mãnh liệt hơn trong suốt đời Ki-tô hữu của con, và đặc biệt cấp bách và khẩn thiết hơn trong mỗi Mùa Chay thánh. Xin hãy luôn mở rộng tâm hồn con đón lấy tình thương vô biên Chúa. Amen 
Tác giả bài viết: của Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB của Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét