Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Sau ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum. Nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn tới đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ. Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con, tội lỗi con được tha". Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: "Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa". Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: "Tại sao lòng các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: 'Tội lỗi con được tha' hay nói: 'Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi', đằng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất". Người nói với kẻ bất toại: "Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà". Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ".
Đó là lời Chúa.
2. Suy niệm
Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm Thiên Chúa đến với con người. Thiên Chúa đã đi bước trước trong một hành trình dài. Hành trình từ trời cao đến đất thấp, từ vô hạn đến hữu hạn, từ cõi thần thiêng đến đến chốn phàm trần. Bước còn lại là từ phía con người. Những bước đi này làm nên hành trình mang tính quyết định đến toàn bộ vận mạng của con người. Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một hành trình thật đẹp, hành trình của người bại liệt đến với Chúa Giêsu. Đây là hành trình làm nên cuộc gặp gỡ cứu độ.
- Hành trình ấy trước hết là hành trình của niềm tin.
Ta biết rằng thân phận của người được thánh Mác-cô nói đến ở đây là thân phận của người bại liệt. Đời sống của anh gắn liền với cái chõng. Cái chõng “dính chặt” vào lưng anh. Dính “chặt” đến độ khi đưa anh đến trước mặt Chúa Giêsu, người ta vẫn còn “khuyến mãi” cho Chúa Giêsu cả cái chõng ấy. Anh nằm đó, dẫu ý thức được mọi chuyện, nhưng tay chân bất động. Vì tay chân bất động nên có lẽ anh chưa bao giờ ra khỏi nhà. Nằm bẹp dí một chỗ, song có điều anh vẫn được nghe ngóng tin tức về một con người có tên là Giêsu Kitô. Tin tức ấy có khi là từ người nhà có khi là từ bà con lối xóm. Nay được người ta cho hay Đức Giêsu ấy đang xuất hiện trong thành của anh, thành Caphanaum, tâm hồn anh loé lên niềm tin và hy vọng. Anh tin tưởng rằng Đức Giêsu có thể cứu chữa anh, cho dẫu căn bệnh của anh là nan y, là botay.com đối với mọi thầy thuốc thời bấy giờ, kể cả những thầy thuốc đại tài của hoàng đế Cêsarê. Và vì tin tưởng như thế, nên anh đã để cho người nhà đưa mình đến với Chúa Giêsu cho bằng được. Anh tin vững vàng và những người thân trong gia đình của anh cũng hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Giêsu. Một niềm tin mãnh liệt. Điều này sẽ được chứng thực bằng những hành động đi kèm sau đó.
- Hành trình ấy còn là hành trình của tình tương thân tương ái.
Thánh sử Mác-cô, chỉ một vài dòng vắn vỏi đã phác hoạ rõ nét cái đẹp của tình tương thân tương ái trong hành trình đến với Chúa Giêsu của người bại liệt. Vì bại liệt, nên anh không thể tự mình đến với Chúa Giêsu được. Nói khác đi, vì bị “liệt” nên mọi nỗ lực của anh đều thất “bại”. Anh cần có tha nhân giúp đỡ. Anh cần không phải chỉ một người mà ít nhất là bốn người. Bốn người khiêng anh cùng với chiếc giường (Giường chứ làm gì có xe lăn như ngày nay. Vả lại không phải là giường hộp mà là giường tre nên mới gọi là cái chõng). Có lẽ anh không vận động được, nên thân thể phát phì; vì thế mà phải 4 người mới khiêng anh nổi. Hơn nữa, đoạn đường đến với Chúa Giêsu không phải là ngắn. Rõ ràng, nếu không có tình tương ái của người khác, chắc hẳn anh sẽ khó có cơ may gặp được Đức Giêsu, dù cho niềm tin của anh có mạnh đến mấy đi chăng nữa.
Trong ngày hành hương Đức Mẹ Tàpao nhân Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân vừa rồi, người ta cũng thấy được những hình ảnh tương tự, rất đẹp và rất cảm động của lòng nhân ái. Đó là dòng người thân cáng, đẩy, cõng, khiêng những người bị ốm đau liệt lào, leo từng bước một lên Linh Đài Mẹ. Làm sao những người tật nguyền liệt đau có cơ hội đến được với Mẹ Tàpao nếu không có người thân giúp đỡ!
- Sau nữa, hành trình của người bại liệt còn là hành trình của nỗ lực vượt khó.
Khó khăn trở ngại từ phía đám đông. Đám quần chúng rất đông đang bao vây Chúa Giêsu tứ phía, đến nỗi không còn chỗ chen chân (x. Mc 2,2). Cảnh tượng này khiến cho những người bệnh nặng không thể nào tiếp cận được Chúa Giêsu. Một người đi mình không đã còn khó, huống hồ nguyên cả một cái “cỗ xe” tám bánh…chân, cồng kềng vướng víu. Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”. Trở ngại ấy không làm họ chùn bước, càng không làm họ nhụt chí. Đi đường bộ không được, họ tìm đến đường “hàng không”: dỡ mái nhà, “thả dù” chiếc chõng xuống. Một hành động táo bạo khiến nhiều người hôm đó sửng sốt đến hoa cả mắt. Chúa Giêsu cũng bất ngờ đến ngỡ ngàng không kém. Tất cả sự việc diễn ra không kèm theo một câu nói hay một lời van xin nào, thế nhưng hành động ấy đã đủ diễn đạt tấm lòng của họ. Đức tin nơi anh và nơi những người khiêng anh cũng vì thế mà toả sáng hơn lên. Càng về cuối hành trình, đức tin càng toả sáng rực rỡ.
Và rồi cuối hành trình ấy, người bại liệt và thân nhân của anh đã gặp được một Giêsu Cứu Chúa như thế nào?
Anh và người thân anh đã gặp được một Đấng Cứu Thế giàu lòng yêu thương, sẵn sàng đáp lại mọi nỗ lực thiện chí của con người, sẵn sàng cúi xuống trên thân phận những người đau khổ như anh. Đấng cứu thế nhân hậu ấy cũng là một Cứu Chúa đầy quyền năng. Quyền năng chữa lành các bệnh nan y, chỉ đơn giản bằng một lời nói. Và quyền năng lớn lao hơn nữa: đó là quyền năng tha tội, quyền năng của một Thiên Chúa cứu độ, như tiên tri Isaia xưa kia đã loan báo: “Nhưng chính Ta đây, Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi” (Is 43,25).
Đây cũng chính là quyền năng mà anh đang rất cần được Chúa Giêsu thi thố. Vì đối với anh, cũng như với mọi người Dothái khác, tật bệnh là do tội lỗi. Được tha tội cũng có nghĩa là được loại trừ căn cội của bệnh tật. Bởi thế, việc được giải thoát khỏi bệnh tật chưa quan trọng bằng việc được giải thoát khỏi xích xiềng tội lỗi. Việc được chữa lành tình trạng bại liệt thân xác chưa đáng kể bằng việc được chữa khỏi tình trạng tê liệt về tâm linh. Chúa Giêsu đã cho anh những niềm vui lớn lao. Niềm vui vì được lành căn bệnh nan y quái ác đã gắn chặt anh với cái chõng mấy chục năm qua. Nếu trước kia cái chõng phải “cõng” anh hằng ngày, giờ đây anh có thể “cõng” cái chõng mà ung dung bước đi giữa mọi người trong niềm vui oà vỡ. Niềm vui đó là rất lớn. Tuy nhiên, niềm vui vì được ban ơn tha tội, tức được ban ơn cứu độ còn lớn hơn bội phần. Chẳng phải chính Chúa Giêsu đã công khai nói với anh trước mặt mọi người là tội anh đã được tha rồi còn gì: “Này con, tội con đã được tha rồi!” (Mc 2,5).
Con người là loài có xã hội tính. Vừa mở mắt chào đời, con người đã phải đón nhận sự nâng đỡ của người khác, rồi trong suốt cuộc đời, không ai có thể tự hào mình không cần nhờ vả đến ai. Sống là một luân lưu của những trao đổi và cảm thông. Tôi phải nhờ đến người khác và tôi cũng có bổn phận để người khác nhờ đến tôi. Đời sống đức tin cũng không ra ngoài định luật ấy. Ơn cứu độ được gửi đến cho tất cả, chứ không cho riêng một ai. Mỗi cá nhân đón nhận, nhưng rồi có bổn phận chia sẻ cho nhau.
Xin Chúa giúp chúng ta biết sống niềm tin của mình, dù cho có gặp nhiều cản trở, nhờ đó chúng ta sẽ nhận được nhiều ơn lành của Chúa, và củng cố niềm tin nơi những người chung quanh. Amen.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét