Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

3 tháng 2, 2012

KIẾP NGƯỜI

(Chúa Nhật V Thường Niên, năm B)

Sách Huấn ca gọi con người là “kiếp khốn khổ”: “Kể từ khi từ lòng mẹ sinh ra cho đến lúc trở về lòng đất mẹ, mang thân phận con người, ai cũng canh cánh bên lòng một nỗi lo, là con cháu Ađam, nợ phong trầnđương nhiên phải trả. Điều không ngừng ám ảnh khiến lòng người sợ hãi âu lo là cứ phải nghĩ rằng mình đang chờ chết. Từ bậc vua chúa trên ngai vinh hiển đến kẻ cùng đinh chân lấm tay bùn, từ người cân đai áo mão đến kẻ khố rách áo ôm, ai cũng đều giận dữ, ghen tương, băn khoăn, lo lắng, rồi sợ chết, rồi hận thù cãi cọ (Hc 40,1-4). Nghe mà “não lòng” quá! Tuy nhiên, “Chúa vẫn xót thương, thứ tha, không tiêu diệt, nén giận đã bao lần, chẳng khơi bùng nộ khí. Người vẫn nhớ thân phận chúng bọt bèo mỏng mảnh, gió thoảng qua, không hẹn ngày về” (Tv 78,38-39).

GIAN KHỔ

Ông Gióp đặt vấn đề: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê?” (G 7,1), và đó cũng chính là câu trả lời. Ông so sánh: “Tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công. Gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề” (G 7,2-3).Đó là thực tế của kiếp người, vì ai sinh ra cũng tay trắng và khi chết ai cũng trắng tay, thế mà người ta vẫn tìm cách giành giật và kèn cựa nhau đủ cách -thậm chí có thể giết người để mình hưởng lợi!

Kiếp người như giọt nước mắt, buồn nhiều hơn vui, và luôn bị giằng co dữ dội, như Thánh Phaolô thú thật: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,9). Trong ca khúc “Một cõi đi về”, cố Ns. Trịnh Công Sơn cũng trăn trở: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”. Và rồi ông lại tự nhủ: “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!”. Hoặc như cố Ns. Y Vân than thở: “Buồn như ly rượu đầy, không có ai cùng cạn. Buồn như ly rượu cạn, không còn rượu để say”. Còn Thi sĩ Cao Bá Quát có cái nhìn khác: “Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy? Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười”.
Ông Gióp tiếp tục băn khoăn: “Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: “Khi nào trời sáng?” Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: “Bao giờ chiều buông?” Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng” (G 7,4). Lý do? Vì “thịt tôi chai ra, giòi bọ lúc nhúc, da tôi nứt nẻ, máu mủ đầm đìa. Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng” (G 7,5-6). Và ông chỉ còn biết cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ” (G 7,7). Tín thác vào Chúa thì mới khả dĩ an tâm mà sống, và khả dĩ cảm tạ Chúa trong mọi sự:

Cảm tạ Ngài đã để con sống nghèo thê thảm
Nhờ đó con mới cảm nhận đêm Chúa giáng trần
Cảm tạ Ngài đã để con bị hàm oan
Nhờ đó con mới cảm nhận lúc Ngài bị xét xử
Cảm tạ Ngài đã để con bị người ta ghét bỏ
Nhờ đó con mới thấy cảm thương những người cô đơn
Cảm tạ Ngài đã để con là người bình thường
Nhờ đó con mới cảm nhận thế nào là mơ ước
Cảm tạ Ngài đã để con bị thua thiệt
Nhờ đó con mới biết khao khát vươn lên
Cảm tạ Ngài đã để con không hiểu thấu những điều cao siêu hơn
Nhờ đó con mới không sa vào hố kiêu ngạo
Cảm tạ Ngài đã để con được là người Công giáo
Nhờ đó con mới cảm nhận mầu nhiệm Lòng Chúa Xót Thương
Cảm tạ Ngài đã để con tha phương
Nhờ đó con mới có thể hòa đồng với người xa, kẻ lạ
Cảm tạ Ngài đã để con con mồ côi cả Cha lẫn Mẹ
Nhờ đó con mới biết trân quý tình cảm gia đình
Cảm tạ Ngài đã để con “lạc loài” giữa cuộc đời loanh quanh
Nhờ đó con mới cảm nhận thế nào là bóc lột, áp bức.
Chính Chúa Giêsu cũng đã phải qua gian khổ mới tới vinh quang. Tất cả là hồng ân (x. Rm 4,16), nhờ Lòng Chúa Xót Thương, vì “nếu Chúa chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130,3). “Thiên Chúa giàu lòng thương xótvà rất mực yêu mến chúng ta” (Ep 2,4) cho nên “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136).

Do đó, “hãy ca ngợi Chúa đi! Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào! Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy!” (Tv 147,1). Chính Chúa “chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, và băng bó cho lành những vết thương” (Tv 147,3). Chúa đã “ấn định con số các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một” (Tv 147,4). Chúa còn “nâng đỡ kẻ thấp hèn và hạ bọn gian ác xuống đấtđen” (Tv 147,6).

PHẦN THƯỞNG

Với kinh nghiệm đầy mình, Thánh Phaolô nói: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Vì “tự ý làm việc ấy thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công, còn nếu không tự ý thì đó là một nhiệm vụThiên Chúa giao phó” (1 Cr 9,17). Với Thánh Phaolô, phần thưởng là “rao giảng Tin Mừng không công”. Thánh Phaolô xác định: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1 Cr 9,22-23). Vậy mới thực sự hành động vì sáng Danh Chúa, vì nếu không khéo thì chỉ sáng danh chúng ta mà thôi!

Có chuyện kể về Thánh Tôma Tiến sĩ (Thomas Aquinas, 1225-1274) thế này: Có tiếng nói từ Thập giá: “Tôma, con đã viết hay về Ta. Con muốn phần thưởng gì cho công việc của con”. Thánh Tôma trả lời: “Lạy Chúa, con chỉ muốn chính Ngài”. Và đó là phần thưởng tuyệt vời nhất!

Phúc Âm cho biết rằng nhạc mẫu của ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Chúa Giêsu lại gần, “cầm tay bà mà đỡ dậy”, thếlà “cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1,31). Chiều đến, khi mặt trờiđã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Chúa Giêsu chữa. Ngài đã chữa khỏi đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ. Ngài không cho quỷ nói, vì chúng biết Ngài là ai.

Sinh, lão, bệnh, tử là quy trình tự nhiên của con người. Đức Phật là người sống sung sướng trong hoàng cung, nhưng ông đã “giác ngộ” sau khi ra khỏi hoàng cung và thấy thực tế cuộc đời, thế là ông có tứ diệuđế: sinh là khổ, lão là khổ, bệnh là khổ, và khổ là khổ.

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã dậy,đi ra một nơi hoang vắngcầu nguyện ở đó (Mc 1,35). Tĩnh lặng và cầu nguyện là hai điều cần thiết, nhất là khi thức dậy mỗi sáng, đối với những người muốn giao tiếp mật thiết với Thiên Chúa. Trước khi làm gì thì phải đắn đo suy nghĩ. Cũng vậy, trước khi hành động thì phải cầu nguyện. Các môn đệ kéo nhau đi tìm Ngài thì Ngài bảo: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,38). Ngài đã đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường và trừ quỷ.

Chúng ta cũng có trách nhiệm rao giảng về Chúa mọi nơi và mọi lúc, tuỳ theo hoàn cảnh và cương vị của mình, chính cách sống của chúng ta sẽ “nói” nhiều và có tác dụng nhất. Nói ít và làm nhiều luôn tốt hơn nói nhiều mà làm ít. Chúa cũng rất muốn ngôn hành song song: “Hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em, nhưng bên trong họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai. Ở bụi gai làm gì có nho mà hái? Trên cây găng làm gì có vả mà bẻ? Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu”(Mt 7,15-17; Lc 6,43-45).

Lạy Chúa, xin giúp chúng con cố gắng vẽ bức-tranh-cuộc-đời bằng nét-cọ-số-phận của chính mình hoàn toàn vì Chúa, thực sự mong làm sáng Danh Chúa, và sinh hoa kết trái tốt. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Trầm Thiên Thu
Tác giả bài viết: Trầm Thiên Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét