Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

6 tháng 2, 2012

Người lại gần, cầm lấy tay mà đỡ dậy”

Hiệu quả trực tiếp của sự tiếp xúc với Đức Giêsu và của kinh nghiệm về sức mạnh của Người, chính là hành động được cụ thể hóa trong việc phục vụ những người xung quanh.
Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 1,29-39) gồm ba phần: Đức Giêsu chữa cho bà mẹ vợ ông Simon khỏi sốt (cc.29-31), Người chữa bệnh và trừ quỷ cho đám đông dân chúng “xúm lại ở cửa” (cc.32-34) và Người âm thầm rời Caphacnaum đi rao giảng Tin Mừng khắp miền Galilê (cc.35-39).
1. Trong nhà ông Simon (cc.29-31)
“Vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo” (c.29). Đức Giêsu ra khỏi hội đường sau khi đã chữa lành một người bị quỷ ô uế ám và đang khi dân chúng còn kinh ngạc và chưa hiểu ý nghĩa của phép lạ trừ quỷ ấy. Sau đó, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Hình như tác giả Mc cố ý đặt đối lập hội đường với nhà ông Simon, được coi như hình ảnh của Hội Thánh. Sự kiện ra khỏi hội đường, vì thế, có thể hiểu là một sự kiện mang tính biểu tượng, có ý nói rằng cần phải ra khỏi hội đường thì người ta mới có thể trở thành đồ đệ của Đức Giêsu được.
“Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường” (c.30a). Người xưa thường hiểu những cơn sốt, vốn đôi khi đưa đến tử vong, là một trong các hình phạt mà YHWH giáng trên kẻ bất trung. Người ta ưa gán cơn sốt cho một nguồn gốc thuộc thế giới ma quỷ. Bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt, đó là hình ảnh của một người đang phải sống dưới sự tác động và khuấy khuất của sự ác; điều đó khiến bà phải nằm bất động trên giường, hình ảnh của một tình trạng không có sức lực để hoạt động, hình ảnh của một người như đã chết rồi.
“Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay” (cc.30b.31a). Đức Giêsu lập tức hành động vừa khi nhận được thông tin về tình trạng của bà mẹ vợ ông Simon. Người đàn bà bị sốt nằm trên giường, không thể đến gần Đức Giêsu để xin Người chữa lành. Đối diện với tình cảnh đó của bà, Đức Giêsu đã chủ động lại gần bà. Hành động này cho thấy tình yêu, sự quan tâm ân cần và niềm ao ước của Người muốn chấm dứt tình cảnh bi đát của bà. Người muốn giải thoát bà khỏi những sức ép đang khiến bà thiếu sức sống và không thể hoạt động được.
Khác với hành động tại hội đường lúc trước, ở đây, Đức Giêsu không nói một lời nào. Người chỉ cầm lấy tay bà mà đỡ dậy. “Đỡ dậy”, trong bản văn Hy Lạp của Mc là động từ egeirō ở dạng ngoại động, có nghĩa là “làm cho trỗi dậy”, đã trở thành một thuật ngữ để diễn tả sự sống lại. Đức Giêsu ban sức sống của Người cho người đàn bà đang phải nằm bẹp trên giường vì sốt cao và giúp bà trỗi dậy; cơn sốt biến mất ngay lập tức.
“Và bà phục vụ các ngài” (c.31b). Đây là dấu hiệu cho thấy cơn sốt đã thực sự biến mất. Hiệu quả trực tiếp của sự tiếp xúc với Đức Giêsu và của kinh nghiệm về sức mạnh của Người, chính là hành động được cụ thể hóa trong việc phục vụ những người đang hiện diện. Phục vụ các thành viên của cộng đoàn là hành động đặc trưng của những đồ đệ Đức Giêsu và là dấu chỉ của sự hiện diện của Nước Trời giữa nhân loại.
Với phép lạ chữa bà mẹ vợ ông Simon khỏi sốt này, vốn là phép lạ chữa lành bệnh đầu tiên trong Tin Mừng Mc, Đức Giêsu cho thấy Người chính là sứ giả của Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia đã loan báo. Thời cánh chung đã đến. Thời thiên sai đã điểm: Đức Giêsu hành động với quyền năng và sức mạnh của chính Thiên Chúa.
2. Trước cửa nhà ông Simon (cc.32-34)
“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người” (c.32). Động từ “đem” (pherō) được chia ở thời vị hoàn, chỉ sắc thái kéo dài và liên tục của hành động, có nghĩa là “người ta vẫn cứ đem đến...”. Dân chúng biết Đức Giêsu đang ở nhà ông Simon, nhưng họ đã chờ cho đến khi ngày sabat qua đi để không vi phạm luật giữ ngày sabat, rồi mới đưa những kẻ ốm đau và những kẻ bị quỷ ám đến cho Người. Đức Giêsu đã chữa lành cho bà mẹ vợ ông Simon dù chưa hết ngày sabat, nhưng đối với dân chúng, ngày sabat, vốn là thời gian thánh và là ngày của phúc lành (St 2,3), trong thực tế đã trở thành như ngày của sự chúc dữ, ngăn cản họ đạt được ơn giải thoát và sự chữa lành!
“Cả thành xúm lại trước cửa” (c.33). Đây là trước cửa nhà ông Simon, nơi Đức Giêsu đang hiện diện. Đám đông dân chúng này đã chứng kiến sự kiện Đức Giêsu trục xuất quỷ khỏi một người bị quỷ ám tại hội đường Caphácnaum; nhưng ở đó, họ chỉ kinh ngạc và bàn tán với nhau, chứ chưa tin vào Đức Giêsu, dù đã nhận thấy uy quyền của Người (1,27). Sau đó, họ cẩn thận giữ ngày sabat (c.32), tức là họ vẫn tiếp tục ở dưới sự kềm tỏa của Luật. Rõ ràng họ chưa thay đổi nhận thức về các nguyên tắc và giá trị. Họ chưa sẵn sàng sống những thực tại mới mẻ do Đức Giêsu đem lại, mà chỉ tìm đến với Người như đến với một vị thầy mới. Họ chưa biết căn tính đích thực của Người. Họ chưa thể bước vào nhà, mà mới chỉ có thể “xúm lại trước cửa”.
“Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” (c.34a). Không có bất cứ điều kiện nào được đưa ra cho việc chữa lành và trừ quỷ. Tác giả Mc cũng không mô tả cách thức Đức Giêsu thực hiện những công việc đó, mà chỉ tập trung chú ý trên hành động và kết quả của hành động. Điều quan trọng là quyền năng, lòng nhân lành và sự quan tâm của Đức Giêsu đối với tình trạng bi đát của nhân loại được thể hiện nơi đám đông đau khổ này. “Nhưng Người không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai” (c.34b). Quỷ muốn nói về Đức Giêsu, tức là, như trong hội đường Caphácnaum vài giờ trước (x.c.24), chúng muốn hô lên rằng Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là Đấng Mêsia mà dân chúng đang mong đợi. Nhưng Đức Giêsu không cho phép chúng làm như thế. Có thể nói đến hai lý do. Thứ nhất, Người không muốn có sự hiểu lầm, vì dân chúng chưa thể hiểu đúng căn tính của Người. Thứ hai: quỷ không đủ tư cách công bố về căn tính của Đức Giêsu, cho dù chúng biết Người là ai.
3. Đức Giêsu âm thầm rời Caphácnaum và đi khắp miền Galilê (cc.35-39)
Sau những gì Đức Giêsu đã thực hiện tại Caphácnaum, thật dễ hiểu những toan tính của dân chúng trong thành muốn giữ Người như là một thủ lãnh quyền thế ở giữa họ, bảo đảm cho họ không còn phải bệnh tật và đau đớn. Họ hiểu sai về sứ mạng của Đức Giêsu. Người không phải là một thầy lang tài năng, có thể chữa bá bệnh. Người là Đấng công bố Tin mừng về Nước Thiên Chúa đã đến gần (1,15). Vì thế, Người phải âm thầm nhưng cương quyết rời đi. Sự kiện này cho thấy rõ sự căng thẳng giữa điều mà Người phải thực hiện theo ý muốn của Chúa Cha với điều mà dân chúng mong mỏi nơi Người.
“Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (c.35). Nơi hoang vắng là nơi đối ngược với tình cảnh của phố thị, tức là nơi không người cư ngụ và là nơi xa cách xã hội con người. Nơi hoang vắng này nhắc người ta nhớ đến hoang địa, nơi Đức Giêsu đã được Thần Khí đẩy vào (1,12.13) và nhắc đến một thực tại: sự cắt đứt đối với những giá trị và thực tại trong xã hội Do Thái đương thời. Đức Giêsu đi vào “nơi hoang vắng” và cầu nguyện ở đó.
“Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy!" (cc.36-37). “Mọi người” ở đây là dân chúng thành Caphácnaum, những kẻ đã xúm lại trước cửa nhà vào buổi chiều hôm trước. Ông Simon và các bạn ông chia sẻ và ủng hộ cái ước muốn của dân chúng. Họ tự biến mình thành phát ngôn viên của đám đông và tự gán cho mình vai trò làm trung gian giữa những người hâm mộ và Đức Giêsu. Họ tự cho mình nhiệm vụ phải tìm cho được Đức Giêsu, trình bày với Người ý muốn của đám đông dân chúng và tìm cách giữ Người lại Caphácnaum. Động từ “zēteō” (tìm/xin), trong Mc, thực ra luôn có sắc thái tiêu cực, tiền giả định một ý định sai lầm hoặc không tốt, ví dụ trong 3,32; 8,11t; 16,6; trong các đoạn văn khác, động từ này luôn có chủ ngữ là các nhà lãnh đạo Do Thái hoặc Giuđa, những người tìm cách đẩy Đức Giêsu vào chỗ chết: 11,18; 12,12; 14,1.11.55.
Trong lời ông Simon và các bạn nói với Đức Giêsu khi gặp Người, ta không thấy có bất cứ yếu tố lễ phép nào. Không có lời thưa gửi, không có tước hiệu nào được thưa lên, họ chỉ nói với Người bằng một câu nói có giọng điệu khiển trách. Họ không nói nhân danh chính mình, mà là nói lên ý muốn của đám đông.
Trả lời cho câu nói ấy, “Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó" (c.38). Đối ngược lại với ý muốn của đám đông, Đức Giêsu quyết định tiếp tục cuộc hành trình của Người, và bằng cách đó, Người từ chối tất cả những gì người ta tính toán khi đi tìm Người. Người không ở lại Caphácnaum, cũng không rơi vào cạm bẫy của quyền lực và sự thành công nhất thời. Hơn nữa, Người còn mời gọi những người vừa đi tìm Người hãy đi cùng với Người (“Chúng ta hãy đi...”), tức là ngầm mời gọi họ từ bỏ những toan tính và chủ đích trước đây của họ. Sau cùng, Người khéo léo nhắc họ: điều căn bản trong sứ mạng của Người là loan báo Tin Mừng. “Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ” (c.39).
Để kết luận bài suy niệm, có thể nói: liên quan đến những hành động quyền năng của Người, Đức Giêsu thấy trước một nhiệm vụ kép. Với các hành động quyền năng đó, Người muốn khẳng định và cho thấy sứ điệp Tin Mừng của Người, nhưng đồng thời Người cũng muốn và phải cho thấy những sai lầm của những ai tưởng rằng đích nhắm của sứ mạng mà Người đang thực hiện thì nằm ở trong những công trình quyền năng đó. Điều đó giải thích sự kiện rằng một đàng, Người đón tiếp những bệnh nhân và những người cần được giúp đỡ với tất cả quyền năng của Người, nhưng đàng khác, Người cố tình giữ khoảng cách với những người đặt khía cạnh phép lạ lên tầng thứ nhất của công trình mà Người đang thực hiện.
Thái độ đúng đắn khi đã được hưởng nhờ những hành động quyền năng và những ơn huệ của Người, có lẽ là thái độ của bà mẹ ông Simon trong phần thứ nhất của bài Tin Mừng hôm nay: phục vụ (c.31b). Hiệu quả trực tiếp của sự tiếp xúc với Đức Giêsu và của kinh nghiệm về sức mạnh của Người, chính là hành động được cụ thể hóa trong việc phục vụ những người xung quanh.
Việc phục vụ các thành viên của cộng đoàn chính là hành động đặc trưng của những đồ đệ Đức Giêsu và là dấu chỉ của sự hiện diện của Nước Trời giữa nhân loại.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, DCCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét