Mới đọc đoạn Tin Mừng này tôi có ấn tượng đức Giê-su coi việc chữa lành người bệnh tật ốm đau chỉ là một công tác phụ, trong khi sứ mệnh chính của Người là rao giảng. “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Về phía đám quần chúng bình dân thì rõ ràng, phần đa họ tìm đến với Ngài trước hết vì được chữa lành khỏi bệnh hoạn tật nguyền. “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Và cũng chính vì được chứng kiến các việc chữa lành mà dân chúng tin vào lời Ngài giảng dạy. ‘Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền’ (c.22).
Tuy nhiên hình như chính đức Giê-su cũng ý thức rõ hơn ai hết: không lời giảng dạy nào về một Thiên Chúa nhân ái đối với con người nhân loại lại hữu hiệu và hùng hồn cho bằng nhân danh Thiên Chúa rộng tay chữa lành các thương đau phần xác cũng như phần hồn của con người cùng khốn. Ngay cả đối với các môn đệ mới chiêu mộ, Người cũng đã hoàn toàn chủ động chữa bà mẹ vợ ông Si-mon khỏi cơn sốt, cho dù không được ai yêu cầu. Phải chăng đó chính là để ‘các môn đệ tin vào Người’, theo cách nói của Gio-an sau khép lạ nước hóa rượu tại tiệc cưới Ca-na (Ga 1, 18)? Khi dài dòng thuật lại rất nhiều phép lạ đức Giê-su đã thực hiện, tác giả Mác-cô muốn tô đậm nét ông thầy thuốc nơi Người ‘chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật’; đó chính là hình ảnh mà Người sẽ dùng để tự giới thiệu: “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mc 2, 17).
Như vậy đối với đức Giê-su, rao giảng và chữa bệnh không phải là hai công việc tách biệt nhau. Bởi nếu nội dung sứ điệp Tin Mừng Người chính là <Thiên Chúa nhân ái quan tâm đến số phận con người yếu hèn trong cả lãnh vực thể lý lẫn tinh thần>, thì chắc chắn lời rao giảng hùng hồn và sắc bén nhất sẽ phải là ‘chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền’ và ‘sua trừ ma quỉ’. Đức Giê-su hẳn có ý nói điều này khi bảo các môn đệ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa.” Mác-cô còn ghi nhận thêm ‘Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỉ’ (NB. Người Do Thái thời đức Giê-su cho rằng mọi bệnh tật đều do ma qui gây ra). Người chỉ muốn cho toàn thể nhân loại được biết: Thiên Chúa từ nhân đang thật sự ở giữa họ, đồng hành với họ, cảm thông nỗi thống khổ của họ, và tích cực can thiệp theo cách thức của Người.
Suy niệm trên chẳng có gì là quan trọng cho lắm, tuy nhiên nó sẽ giúp tôi tránh được điều mà nhiều tín hữu thường mắc phải, đó là cho rằng Tin Mừng hệ tại ở các tín điều cao siêu lắm (công thức phức tạp của Kinh Tin Kính chẳng hạn)… Và cho rằng làm bác ái là tùy nghi, tùy khả năng mỗi người, và chỉ có mục đích gia tăng công nghiệp trước mặt Chúa hầu đảm bảo phần rỗi linh hồn mình. Khi đọc Phúc Âm tôi sẽ không còn nghĩ là đức Giê-su thực hiện các phép lạ chẳng qua chỉ vì muốn chứng tỏ quyền phép vượt trội hầu thúc ép dân chúng tin lời mình..; khi mà các học thuyết Người dạy thì chủ yếu gồm toàn các qui định luân lý và giới luật này nọ. Hơn bao giờ hết tôi nhận ra Lời Tin Mừng thật nhất quán, chặt chẽ và đầy thuyết phục. <Đức Giê-su - Lời> nói lên sứ điệp tình yêu của ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi…’ và tình yêu đó thật cụ thể ‘Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ’ (Ga 3, 16.17). Toàn thể cuộc đời đức Giê-su chỉ là Lời tình yêu cứu độ: Lời trong sứ điệp, Lời trong hành động, Lời nơi các phép lạ, Lời trong cái chết tự hiến trên thập giá, và Lời trong sự Phục Sinh chứa chan niềm hy vọng. Tóm lại tôi nhận ra rất rõ nội dung duy nhất của sứ vụ đức Giê-su trên trần gian là quảng bá và thể hiện mọi nơi mọi chốn một ‘Thiên Chúa yêu mến thế gian’ với trọn con người Ngài.
Là tu sĩ Sa-lê-diêng, tôi dám áp dụng cho đức Giê-su câu nói mà chúng tôi vẫn thường dùng để ám chỉ Don Bosco: “Người không đi một bước, không nói một lời, không bắt tay vào bất cứ việc gì, mà không phải vì…(phần rỗi giới trẻ)… chứng tỏ và thể hiện Thiên Chúa yêu mến thế gian tột độ”.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con được chia sẻ khát vọng Chúa muốn cho Tin Mừng tình yêu nhân ái được thể hiện và nhận biết ‘ở các nơi khác… các làng xã chung quanh nữa’. Con muốn rằng, là linh mục của Chúa, con không chỉ giảng dạy sứ điệp này bằng lời nói suông, mà phải bằng cả thái độ và hành động của mình. Xin cho con quảng đại dấn thận phục vụ mọi nơi và với hết mọi người. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét