Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

12 tháng 2, 2012

CHÚA NHẬT VI – TN B

(Lv 13, 1-2.45-46; 1Cr 10 31-11,1; Mc 1, 40-45) NGƯỜI DỘT

Trong câu chuyện ngụ ngôn hiện đại của Trung Quốc “Thiếu Và Đủ” kể về hành trình một kẻ đi tìm “cái góc thiếu” của mình. Cuối cuộc hành trình Hắn ta đưa ra bài học cho riêng mình:
Chưa có ai có cuộc đời hoàn mỹ không khiếm khuyết cả. Mỗi người đều có khiếm khuyết.
Có người có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, thu nhập cao, nhưng lại mắc bệnh vô sinh.
Có người tài sắc vẹn toàn, giỏi giang, nhưng đường tình lại trắc trở.
Có người gia đình giàu có, nhưng con cháu không hiếu thuận.
Có người có vẻ tốt số, nhưng cả cuộc đời đầu óc rỗng tuếch.
Trong cuộc sống của mỗi người đều bị Thượng Đế cho một chỗ khuyết.
Bạn không muốn có nó, nó vẫn bám theo bạn như hình với bóng.
Trước kia tôi cũng đã từng hận những thiếu sót của cuộc đời tôi, nhưng bây giờ tôi đã mở rộng lòng để đón nó.
Bởi vì tôi hiểu rằng, khiếm khuyết trong cuộc đời, giống như cái gai trên lưng ta. Luôn nhắc nhở ta khiêm tốn và biết thương người hơn.
Nếu không có những buồn khổ. Chúng ta sẽ kiêu ngạo, không có những thay đổi, chúng ta  chẳng thể an ủi người bất hạnh bằng trái tim đồng cảm.
Người xưa từng bảo: “Thế nhân giai nhậm ốc / Lậu nhân hà sở tại?”. Nghĩa là người đời đều trú dưới mái nhà, nhưng người dột thì trú vào đâu? “Người dột” là con người giới hạn, khiếm khuyết, yếu đuối, mỏng giòn, nhiều cám dỗ, sa ngã, đam mê … cả thân xác và tâm hồn thì trú vào đâu? “Nhân vô thập toàn” mà!
Ba bài đọc phụng vụ hôm nay như nhắc nhở chúng ta về thân phận con người: “nhân vô thập toàn”, hay ai cũng là “người dột”, là kẻ có “cái góc thiếu” … Bởi đó, chúng ta phải luôn biết khiêm tốn đón nhận sự thật ấy và hướng cuộc đời về Đấng Tốt lành,Thiện hảo là Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô.
Bài đọc 1 chứa đựng một mặc khải chưa tròn đầy, nên sách Lêvi đưa ra một lối hành xử chưa hoàn hảo về bác ái. Vì quan niệm bệnh phong hủi là do hậu quả của tội, cho nên để bảo vệ cộng đoàn khỏi bị nhiễm uế, những người phong hủi phải bị cách ly ra khỏi cộng đoàn và không được gặp bất cứ một ai. Một kiểu loại trừ nhau!
Bài Tin Mừng diễn tả mặc khải tròn đầy của Thiên Chúa Tình Yêu bằng trình thuật biến cố Chúa Giêsu gặp, chạnh lòng thương, đụng chạm và chữa khỏi cho người bệnh phong hủi. Ngài không chỉ chữa khỏi bệnh thể lý mà cả về tinh thần: đưa anh ta trở về và hiệp thông với cộng đoàn.
Bài đọc 2 là lời khuyên sống chân lý Tin Mừng. Thánh phaolô mời gọi giáo đoàn Côrintô: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa Hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đức Kitô”.
Có khiêm tốn nhìn nhận thân phận con người giới hạn, yếu đuối, “vô thập toàn”, “người dột”, khiếm khuyết … thì chúng ta mới có thể chạy đến với Chúa và kêu xin cứu chữa như người phong hủi trong bài Tin Mừng để được Chúa Giêsu yêu thương cứu chữa.
Một khi đã được cứu chữa mạnh khỏe cả xác lẫn hồn thì đời sống chúng ta sẽ là lời chứng loan báo Tin Mừng cách hùng hồn nhất. Người phong hủi tuy bị Chúa Giêsu cấm nói về Ngài vì chưa đến thời đến buổi, nhưng bản năng của người khỏe mạnh cả xác lẫn hồn là luôn tôn vinh và ca tụng Thiên Chúa không ngừng bằng chính đời sống tốt lành, thánh thiện của mình.
Mỗi người chúng ta đều là “người dột” trước Thiên Chúa, bởi thế chúng ta cần chạy đến nương nấu nơi Chúa Giêsu mỗi ngày để được Ngài cứu chữa cho mạnh khỏe cả xác lẫn hồn hầu có thể “dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa”.


Tác giả bài viết: Thomas Nguyễn Văn Hiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét