Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

3 tháng 2, 2012

CHÚA CÓ MUỐN CON NGƯỜI ĐAU KHỔ VÀ BỆNH TẬT ?

CHÚA NHẬT V TNB:

Thưa quý OBACE, ngày nay khoa học kỹ thuật đã tiến bộ vượt bậc và góp phần cải thiện cuộc sống con người, tuy nhiên con người vẫn không cam thấy an tân khi ngày càng thấy sự bất lực của mình trước vấn đề đau khổ và bệnh tật. Cùng với sự phát triển của y khoa thì người ta lại thấy càng ngày càng có nhiều căn bệnh lạ lùng và nhiều bệnh hiểm nghèo hơn. Cách đây vài chục năm chẳng mấy khi nghe nói đến bệnh béo phì, tiểu đường, sida, ung thư, các thứ bướu, di căn… còn ngày nay cơ quan, bộ phận nào trong con người cũng có thể bị ung thư và nếu ai bị kết luận là ung thư thì đồng nghĩa là nhìn thấy cái chết trước mặt. Người ta cũng biết rằng nguyên nhân của các căn bệnh hiểm nghèo là do ô nhiễm môi trường sống, do lạm dụng hóa chất và các thứ thuốc bảo vệ thực vật, do chế độ ăn uống dư thừa hoặc không điều độ gây ra.
Như vậy, có phải Thiên Chúa định cho con người gặp phải những đau khổ bệnh tật hiểm nghèo không? Thưa nếu nhìn vào các nguyên nhân như đã nêu ở trên, thì không phải Thiên Chúa tạo ra những bệnh tật như thế để khoác lên cho con người, mà bênh tật đau khổ là do chính con người gây ra cho nhau, là hậu quả của sự chọn lựa và hành động sai lầm của con người, và đồng thời cũng là hậu quả của sự ích kỷ và tham lam của con người; nói theo ngôn ngữ của Thánh kinh: đau khổ bênh tật là do bởi tội lỗi và ma quỷ gây ra cho con người.
Bài đọc một thuật lại những lời than vãn của ông Gióp về thân phận con người, chúng ta còn nhớ câu chuyện ông Gióp bị rơi vào thử thách đến cùng cực; từng là một người giàu có nhất trong vùng, thế mà chỉ sau một thời gian ngắn ông đã trở về tay không, từ một người phong lưu yến tiệc hằng ngày với vạn bè, ông trở thành người bị mọi người hất hủi, và ông còn mang trong mình căn bệnh lở loét ghê sợ, khiến không ai muốn đến gần ông. Trong hoàn cảnh như thế, ông Gióp có dịp gẫm suy về thân phận con người và về màu nhiệm của đau khổ. Ông nhìn thấy cuộc sống con người dường như quá vắn vỏi, mong manh, của cải vật chất thật chẳng khác gì của phù du nay còn mai mất, thân phận con người dường như quá vất vả đầu tắt mặt tối như kè làm thuê; con người khát khao tìm kiếm hạnh phúc nhưng dừơng như chỉ gặp toàn bất hạnh, ngày sống của con người thật đơn điệu nhàm chán chỉ còn biết mở mắt dậy là bắt đầu công việc cho tời khi chiều tà ngả lưng nằm ngủ không còn biết đến hy vọng ngày mai. Nhìn cuộc đời như thế, nhưng ông Gióp không hề bi quan thất vọng và nhất là dù trong đau khổ tột cùng ông vẫn hoàn toàn tin tưởng vào Chúa và cầu xin Chúa nhớ đến ông.
Sự bất lực của con người trước đau khổ và bệnh tật dường như không thể thay đổi, và cho đến ngày hôm nay vấn đề đau khổ và bệnh tật vẫn cứ là một câu hỏi lớn dằn vặt con người: Tại sao con người lại phải gánh chịu đau khổ và bệnh tật? Tại sao Thiên Chúa tốt lành Ngài không tiêu diệt hết đau khổ bênh tật để đem lại sự giải thoát và hạnh phúc cho con người?
Tin Mừng hôm nay không trả lời trực tiếp câu hỏi trên nhưng lại cho chúng ta nhìn ở một góc độ khác để khẳng định cho chúng ta rằng: Thiên Chúa không dựng nên đau khổ bệnh tật, mà đau khổ bệnh tật chính là hậu quả của tội lỗi và hành động của con người gây ra cho nhau, Thiên Chúa đã không hề dửng dưng trước đau khổ của con người, mà Ngài đã đến để yêu thương chia sẻ, xoa dịu những đau khổ của con người và chữa lành bệnh tật của con người và đem lại cho con người niềm vui, hạnh phúc và hy vọng. Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Thánh Marcô muốn cho chúng ta thấy nước Trời đã đến nơi con người của Đức Giêsu, Ngài mở ra một thời đại mới, thời của ơn tha thứ chữa lành và giải thoát, Đức Giêsu đã miệt mài với sứ vụ của người từ sáng sớm tới chiều tà để xua trừ bênh tật và xoa dịu đau khổ của con người.
Chúa Giêsu bắt đầu công việc giảng dạy của Ngài sau khi ra khỏi hội đường, là nơi Ngài thường vào để cầu nguyện, đọc sách luật và sách các ngôn sứ, Chúa Giêsu đã vào nhà mẹ vợ của ông Simon Phêrô, bà này đang bị sốt nặng, Chúa Giêsu cầm tay đỡ bà dậy và bà đã khỏi bệnh. Như đã chia sẻ chúa nhật tuần trước, đối với người Do Thái các thứ bệnh tật đều liên quan đến tội và các thần dữ, nếu như chúa nhật tuần trước thần ô uế nhìn thấy Chúa Giêsu thì đã khiếp sợ và khi Ngài ra lệnh thì nó phải nghe theo, thì hôm nay Chúa Giêsu chỉ cần cầm tay người bệnh nâng dậy, thì người bệnh đã được chữa lành cả thể xác và trong tâm hồn.
Chiều hôm đó, người ta đem đến cho Chúa Giêsu nhiều người với nhiều thứ bệnh khác nhau và cả những người bị quỷ ám, tất cả đều được Chúa chữa lành, không những thế, Ngài còn khóa miệng không cho ma quỷ và thần dữ nói điều gì nữa. Qua chi tiết này, tác giả Marco cho thấy Chúa Giêsu chính là hiện thân của lòng thương xót của thiên Chúa, Ngài đến để chia sẻ và chữa lành những đau đớn bệnh tật thể xác của con người, giải thoát con người khỏi sự ràng buộc của ma quỷ và tội lỗi, Ngài chữa lành tận căn nguyên gây ra đau khổ cho con người. Không chỉ như thế, Chúa Giêsu còn chia sẻ đến tận cùng đau khổ của con người, khi chấp nhận cuộc hành hình và đau khổ thập giá, chấp nhận cả cái chết để mãi mãi tiêu diệt sự chết, để bẻ gãy quyền lực của Satan và để đem con người vào nơi hạnh phúc, đó chính là sứ mạng của Chúa Giêsu.
Một chi tiết hết sức quan trọng mà thánh Marco muốn ghi nhận cho chúng ta đó là ngày sống và làm việc của Chúa Chúa Giêsu bắt đầu bằng việc cầu nguyện và kết thúc bằng việc cầu nguyện. Khi trời còn mờ tối Chúa Giêsu đã thức dậy, tìm đến nơi thanh vắng để cầu nguyện, để trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Cha, ngài nhận được sức mạnh cũng như nhận ra thánh ý của Thiên Chúa cho ngày sống của mình, và chiều về, Chúa Giêsu cũng tìm gặp thiên Chúa Cha với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa trong cầu nguyện.
Thưa quý OBACE, Sứ mạng của Chúa Giêsu là đem Tin Mừng yêu thương cứu độ cho thế gian như Ngài đã công bố: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương dập nát, và Ngài đã miệt mài với sứ mạng ấy; Tin Mừng của Thiên Chúa không hề bị giới hạn bởi không gian thời gian, cũng không là sở hữu riêng của một nhóm người mà được ban tặng miễn phí cho hết mọi người. Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi tiếp tục đem tin mừng yêu thương đến cho mọi người. Sứ mạng đem tình yêu thương và Tin Mừng của chúa cho anh em không chỉ là lời mời gọi mà nói như thánh Phaolô trong bài đọc hai, thì đó là một bổn phận và là trách nhiệm của mỗi Kitô hữu chúng ta và vì: khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng…
Đem Tin mừng yêu thương cho mọi người, có nghĩa là mỗi chúng ta sẽ phải tiếp tục sứ mạng yêu thương và là cánh tay nối dài của Chúa Giêsu, là hiện thân của tình yêu Chúa cho anh em. Bên cạnh chúng ta còn bao người đang phải chiến đấu với bệnh tật, đau khổ, và còn nhiều người đang bị những căn bệnh, đau khổ dằn vặt trong tâm hồn, chúng ta sẽ phải là người đưa tay ra, là người chia sẻ và xoa dịu những vết thương ấy cho anh em. Những người đau khổ có khi là chính những người thân trong gia đình mình đang phải chiến đấu với đau khổ bệnh tật kéo dài, chúng ta hãy là những người an ủi nâng đỡ và thông cảm chia sẻ với họ.
Hãy làm giảm bớt đi những đau khổ của người vợ người chồng bằng việc chung tay góp sức cùng giải quyết những khó khăn thử thách, hãy an ủi và chăm sóc cho người cha người mẹ gìa đau yếu để các ngài khỏi tủi thân và có thể an vui với tuổi già; những ng
ười làm con, hãy chia sẻ sự nhọc nhằn của cha mẹ bằng việc cùng chung tay vun đắp cho gia đình, và bằng việc chăm chỉ học hành và nghe theo lời giáo huấn của các Ngài.
Để làm được việc đó, để có thể đem tình yêu của Chúa đến cho người chung quanh, hãy noi gương Chúa Giêsu, sống gắn bó với Thiên Chúa và đón nhận sức mạnh từ nơi Thiên Chúa qua việc cầu nguyện, chính Thiên Chúa đang muốn dùng chúng ta trở thành những người đem tình yêu của Chúa đến cho anh em. Amen

Tác giả bài viết: Lm. Đỗ Đức Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét