Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

20 tháng 10, 2012

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

ƯU TIÊN BỐN HẠNG NGƯỜI Thư mục vụ Năm Đức Tin của HĐGMVN viết: Cùng một nhịp bước với Giáo Hội toàn cầu, Năm Đức Tin phải là cơ hội thuận lợi cho mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam củng cố đức tin của mình, hoán cải và đổi mới đời sống, trở về với Chúa là Đấng Cứu độ duy nhất của thế giới. Khi chúng ta tái khám phá niềm vui đức tin, chúng ta sẽ hăng say dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá loan báo Tin Mừng cho 93% người Việt Nam chưa biết Chúa, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập mọi lĩnh vực đời sống, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh theo những giá trị Tin Mừng và truyền thống văn hoá của dân tộc. (Số 5).

Năm Đức Tin giúp cho Giáo Hội trở về cội nguồn của mình là chính Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa. Nhờ đó có thể canh tân đời sống và cách làm việc, nhằm thể hiện tốt đẹp hơn Sứ vụ Loan báo Tin Mừng.
Truyền giáo là chia sẻ cuộc sống, một cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, là yêu thương mọi người, và yêu thương đến cùng (x. Ga 13,11), yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu (x. Ga 15,13). Truyền giáo đồng nghĩa với làm chứng cho Chúa Kitô (x. Lc 24, 47, 48, Cv 1,8) bằng đời sống theo gương của Người.
1.     Truyền Giáo theo gương Chúa Giêsu
Giáo Hội luôn trong nỗ lực loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu cho toàn thể thế giới. Công đồng Vatican II đã phác họa hướng đi mục vụ truyền giáo: “Vui mừng và hy vọng, buồn sầu và lo sợ của con người ngày hôm nay, nhất là của người nghèo khổ, bị ruồng bỏ quên lãng, cũng là niềm vui, hy vọng, nỗi buồn sầu lo lắng của môn đệ Chúa Kitô...”( Hiến chế Giáo hội, số 1).
Sứ vụ truyền giáo của Giáo hội thời nào và ở đâu cũng bắt đầu từ mẫu gương Chúa Giêsu.
Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu ưu tiên để ý đến những người nghèo, người tội lỗi, người ngoại và những người bệnh tật. Chúa Giêsu áp dụng vào chính mình những lời tiên tri Isaia xưa đã nói: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Chúa đã xức dầu tấn phong tôi.Sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,17-20). Chúa Giêsu cũng đã xác định: “Thầy đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13).
Chúa Giêsu nói với người phụ nữ ngoại giáo Samaria: “Này chị, hãy tin tôi: Đã đến giờ, các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem... Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và trong sự thực. Vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,21-24).
Suốt đời, Chúa Giêsu đã sống gần gũi với 4 hạng người: người nghèo, người tội lỗi, người ngoại và những người bệnh tật. Chúa Giêsu đến với họ, cho họ thấy, Người rất thương họ, và tình thương đó là vô hạn, vô cùng. Thương đến đổ máu mình ra, chết cho họ, chết thay cho họ, và cho mọi người. Chúa Giêsu hiến thân đến tột cùng vì tình yêu. Chính ở điểm hiến thân trên thánh giá mà Người làm vinh danh Chúa Cha, và chính Người được tôn vinh. Chúa Giêsu đã nói trước khi hiến tế: “Lạy Cha, giờ đã đến. Xin Cha tôn vinh Con Cha, để con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1).
Chúa Giêsu muốn các môn đệ cũng hãy theo gương Thầy, đem Tin Mừng đến cho 4 hạng người đó.
Đây cũng là sứ mạng truyền giáo của mỗi kitô hữu.
ĐGH Gioan Phaolô II đã khẳng định trong Thông điệp ‘Sứ Vụ Đấng Cứu Độ’: “Truyền giáo là trình bày tình yêu của Thiên Chúa được tỏ bày trong Đức Giêsu Kitô.” (số 2)
Nói cách khác, truyền giáo là yêu như Chúa Giêsu yêu. Chúa dành tình yêu đặc biệt cho 4 hạng người: người ngoại, người tội lỗi, người bệnh tật và người nghèo.(x.Nhật ký truyền giáo, Lm Piô Phúc Hậu).
A. Yêu thương Lương dân
Chúng ta phải yêu thương và kính trọng Lương dân theo gương Chúa Giêsu.
-         Chúa Giêsu về thăm quê hương Nazareth. Đồng hương đang niềm nở đón tiếp Chúa thì bổng dưng đổi thái độ. Họ đã đảo và đòi giết Chúa vì Chúa đề cao người ngoại, coi người ngoại hơn người đạo (Do Thái Giáo).“Vào thời Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa trong nước Itrael, thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Sarépta miền Siđôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Itrael, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman người xứ Syri thôi” (Lc 4, 25-37).
-         Tại Caphanaum, Chúa đã đề cao một viên sĩ quan người ngoại, đề cao đến mức độ có thể bị hiểu lầm: “Tôi chưa thấy một niềm tin nào như thế trong dân tộc Israel” (Lc 7,9). Tại miền Tia và Xiđon, Chúa đề cao niềm tin người đàn bà xứ Canaan: “Này bà, lòng tin của bà lớn thật.”(Mt 15,21-28). Chúa Giêsu từng ngỡ ngàng trước lòng tin của viên bách quản (Mt 8,10-11).Giờ đây Chúa đối diện với lòng tin của một người mẹ thương con.Chính tình thương thêm sức mạnh cho lòng tin, khiến lòng tin trở nên kiên trì, bất chấp thinh lặng và từ chối.Lòng tin không mất hy vọng ngay khi có vẻ chẳng còn gì để hy vọng.Lòng tin mạnh mẽ và khiêm hạ của người mẹ đã chinh phục Chúa Giêsu,và cuối cùng đã chạm được vào trái tim của Chúa.
Thật ra ttrong nước Israel có nhiều người có niềm tin lớn hơn ông sĩ quan, người mẹ Canaan ấy nhiều. Bà Êlisabeth, Gioan Tẩy Giả, thánh Giuse và Đức Mẹ đều là người Israel. Chúa cường điệu lời khen để ta thấy Người thương người ngoại đến mức độ nào.
- Dụ ngôn người Samari tốt lành (Lc 10, 29-37) đề cao người ngoại hơn cả mấy ông trợ tế và tư tế. Đặc biệt là khi Chúa nói với ông kinh sư bậc thầy của Do Thái giáo: “Ông hãy về và làm như thế!”. Làm như thế tức là noi gương một người ngoại.
- Khi Chúa cho 10 người phong cùi được khỏi, chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa. Chúa bảo: “Không phải cả mười người được sạch sao? Thế thì 9 người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại đạo này?” (Lc 17,17-18).
1.     Yêu thương người tội lỗi.
Trong lịch sử loài người, từ trong gia đình ra ngoài xã hội, từ trong đạo ra tới ngoài đời, Chúa Giêsu yêu thương trìu mến người tội lỗi nhất.
Thánh vịnh 100, đòi “quét sạch thành đô, những đứa làm điều ác, không sót một tên”. Luật Do Thái loại trừ người tội lỗi, không cho tín đồ liên hệ với họ.
Còn Chúa Giêsu:
-         Đề cao người phụ nữ tội lỗi hơn ông Simon biệt phái.
-         Dụ ngôn con chiên bị mất (Lc 15,4-7) cho thấy chủ chăn khi tìm được con chiên lạc (người tội lỗi), không mắng, không đánh, mà còn âu yếm vác lên vai đưa về và còn mở tiệc mừng.
-         Dụ ngôn người cha nhân từ (Lc 15,11-32) cho thấy, Chúa yêu người tội lỗi tới mức nào. Chỉ thấy đứa con sám hối và trở về mà người cha quên hết bao tội lỗi của nó. Cha làm tiệc mừng vì con trở về. Cha đã quên con ngỗ nghịch phá tan tài sản với bọn đàng điếm.
-         Yêu người tội lỗi, để cứu họ, Chúa đã phải trả giá rất cao. Khi Chúa vào nhà ông Giakêu, thánh Luca đã ghi lại: “mọi người xầm xì với nhau: ông này lại vào trong nhà người tội lỗi”.
2.     Yêu người bệnh tật
Bệnh tật là một trong bốn nỗi khổ của kiếp người. Nó gắn liền với đời người vốn là hữu hạn.
Chúa Giêsu luôn tỏ ra đặc biệt quan tâm tới những người yếu đau. Nhiều câu chuyện chữa lành tuyệt vời được kể lại:
-“Thiên hạ đem đến cho người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ.” (Mt 4, 24).
-“Chúa Giêsu trên núi đi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Và kìa, một người phong hũi tiến lại…Người giơ tay đụng vào anh và bảo, tôi muốn, anh sạch đi. Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.” (Mt 8, 1-3)
-“Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa các bệnh hoạn tật nguyền.” (Mt 9, 35)
-“Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh nhân của họ”. (Mt 14, 14)
-“Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành… (Mt 15, 30)
-“Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.” (Mc 1, 34)

-“Chính giờ ấy, Chúa Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám và ban cho nhiều người mù được thấy…” (Lc 7, 21)

Quan niệm của Cựu Ước cho rằng bệnh gắn liền với tội. Bệnh tật như là một sự trừng phạt bởi tội lỗi gây ra. Vì thế, người ta xa lánh bệnh nhân, nhất là bệnh phong cùi. Đó là một bệnh nan y bị mọi người kinh tởm, không chỉ vì sự dơ bẩn “ô uế theo luật Do thái”, hay lây nhiễm, mà còn bị xa lánh như kẻ tội lỗi. Chính các Tông đồ vẫn còn mang cái nhìn ấy khi hỏi Chúa, người mù từ khi mới sinh là do tội của anh hay gia đình anh.(x. Ga 9, 2-3). Chúa đã trả lời không bởi tội, nhưng để làm vinh danh Thiên Chúa.
Chúa yêu người bệnh tật, và cứu họ khỏi nỗi đau thân xác tâm hồn. Thần học Do thái giáo cho rằng bệnh tật là hậu quả của tội. Chúa phản đối điều đó. Cứ mỗi lần Chúa chữa bệnh, Chúa lại gánh lấy nỗi khổ nhân loại.
Chúa đã thông truyền khả năng chữa lành cho các tông đồ : “Rồi Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10, 1). Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa cũng ra lệnh chăm sóc bệnh nhân : “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch và khử trừ ma quỷ”. (Mt 10, 8).
Sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu gắn liền với sứ vụ chăm sóc bệnh nhân. Chính các tông đồ nối tiếp công việc của Chúa Giêsu, vừa truyền giáo vừa chữa lành.
3.   Yêu người nghèo
Chúa yêu người nghèo và kêu gọi người giàu chia cơm sẻ áo cho người nghèo. Ai giúp người nghèo thì Chúa bảo là đã giúp Chúa. Ai từ chối người nghèo, thì Chúa bảo là từ chối Chúa (Mt 25, 31-46). Người giàu mà chỉ lo ăn xài, chứ không lo chia cơm xẻ áo thì Chúa gọi là đồ ngốc (Lc 12,20).
Yêu người ngoại, yêu người tội lỗi, yêu người nghèo và người bệnh tật như thế là truyền giáo theo gương Chúa Giêsu.
B.   Truyền Giáo như Mẹ Maria

Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Hội Thánh và là Ngôi Sao dẫn đường loan báo Tin Mừng (x.Sứ điệp Truyền Giáo 2012).
Truyền giáo là đem Chúa Giêsu đến cho tha nhân. Mẹ Maria là nhà truyền giáo đúng nghĩa nhất. Mẹ đã đón nhận Con Thiên Chúa và đưa Người vào trong thế gian. Đó là Tin Mừng.
Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của người mang tin vui, tin cứu độ, tin được Thiên Chúa đoái thương.
Người truyền giáo là người được Chúa Thánh Thần tác động và làm trổ sinh hoa trái giống như Mẹ: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ ngự xuống trên Bà” (Lc 1, 35). Hoa trái của Chúa Thánh Thần là “hoan lạc, bình an…”. Hân hoan trong Thánh Thần, từ đó: “Đức Maria lên đường vội vã” thăm Êlisabet (Lc 1,39), gợi lại hình ảnh ngôn sứ Isaia tiên báo: “Đẹp thay trên núi đồi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: “Thiên Chúa ngươi là vua hiển trị” (Is 52,7). Đức Maria mang trọn niềm vui Đấng Cứu Độ mà nhân loại đón đợi. Đức Maria trở nên người loan báo Tin Mừng vì Mẹ mang trọn niềm vui Chúa Thánh Thần. Ai để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong cuộc đời của mình cũng là người mang trọn niềm vui loan báo.
Đức Maria còn là người công bố Tin Mừng: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1, 49). Thấy được tình thương Thiên Chúa thể hiện trong cuộc đời mình nên lời công bố mang một niềm tin xác tín, đã gặp và đã thấy.
Để trở thành người loan Tin Mừng, Đức Maria đã “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 3,51). Cầu nguyện là chiêm ngắm những điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình. Cầu nguyện là cuộc trao đổi, đối thoại giữa những khó khăn và thử thách. Đức Maria trở thành người công bố Tin Mừng, bởi Mẹ đã chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa thực hiện cho dân tộc, cho chính Mẹ.
Đối với Đức Maria, truyền giáo là đem chính Chúa Giêsu cho nhân loại.
Chúa Giêsu là lẽ sống, là hạnh phúc, là niềm vui của cuộc đời mỗi kitô hữu. Chúng ta phải xác tín như Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1, 46). Tràn ngập niềm hân hoan bởi Mẹ đã gặp thấy và cưu mang chính niềm vui có Chúa Giêsu trong lòng Mẹ. Đức Maria reo ca: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 47). Đức Maria đã cưu mang chính Chúa Giêsu, quà tặng tuyệt hảo nhất của Thiên Chúa, nguồn ơn cứu rỗi duy nhất, công bố, trao tặng cho nhân loại.
Đức Maria luôn đặt mình dưới sự bảo trợ hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Đức Maria là công trình tuyệt hảo của Chúa Thánh Thần.
Người truyền giáo cũng như thế, không thể tách rời Chúa Thánh Thần với hoạt động của mình được. Ai có thể chinh phục sự sâu thẳm của lòng người quy hướng về Thiên Chúa, nếu đó không phải là tác động của Chúa Thánh Thần?

Giáo Hội không truyền giáo bằng cách áp đặt, cưỡng chế những người khác theo mình. Giáo Hội cũng không mua chuộc bằng tiền của bằng quyền lợi hay bằng những hứa hẹn. Giáo Hội cũng không dụ dỗ người khác theo đạo.
Truyền giáo hôm nay phải là giới thiệu, là trình bày, là minh họa, là thuyết phục. Chúng ta giới thiệu Chúa Giêsu cho những anh chị em mà mình gặp gỡ hàng ngày nơi môi trường mính sống và làm việc.
Truyền giáo là giới thiệu Chúa cho anh chị em mình bằng chính đời sống chứng tá yêu thương dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria. Hy vọng mỗi người chúng ta cũng có thể nói được như người Công Giáo Hàn Quốc với đồng bào lương dân của mình: "Anh chị em cứ nhìn chúng tôi sống thế nào, thì anh chị em bắt chước mà sống như thế".
2.     Vài gợi ý thực hành.
Đức Tin là một ân huệ được ban cho chúng ta để chia sẻ cho người khác; là một nén bạc chúng ta nhận được để sinh lời; là ánh sáng không được đem giấu đi, nhưng phải soi sáng cho cả nhà. Đức Tin là ân huệ quan trọng nhất được ban cho cuộc đời chúng ta mà chúng ta không được phép giữ lại cho riêng mình. (Sứ điệp Truyền Giáo 2012).
Cách riêng, trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, đức tin của người Công giáo cần được thể hiện qua việc thực thi bác ái. Đức Tin và Đức Mến cần đến nhau và hỗ trợ cho nhau: “Chính đức Tin giúp chúng ta nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu Chúa thôi thúc chúng ta chạy đến phục vụ Chúa mỗi khi Người trở thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống”. Được Lời Chúa soi sáng và tình yêu Chúa thấm nhập trong suy nghĩ cũng như hành động, chúng ta sẽ trở nên những chứng tá đáng tin trong xã hội ngày nay. (Thư Năm Đức Tin HĐGMVN, số 7).

Thực thi sứ vụ truyền giáo trong Năm Đức Tin bằng cách:
-         Mỗi Giáo xứ khởi động phong trào: mỗi thành viên phải làm sao giúp cho một người khác theo đạo.
-         Mỗi giáo dân nên kết thân với một Lương dân. Mỗi gia đình kết thân với một gia đình bên Lương. Kết thân để cầu nguyện, nâng đỡ nhau.
-         Các hội đoàn đi tìm người tội lỗi và người nghèo trong địa phương của mình. Nên có một danh sách cụ thể. Sau đó sẽ cùng nhau thăm viếng, an ủi và giúp đỡ.

          Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét