Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

20 tháng 10, 2012

CHÚA NHẬT XXIX TN B: TRUYỀN GIÁO BẰNG VIỆC HIẾN THÂN PHỤC VỤ

Thưa quý OBACE, có lẽ ngày nay, hai chữ phục vụ được sử dụng ở rất nhiều lãnh vực, nhiều trường hợp, song nó cũng là từ ngữ mang nhiều ý nghĩa khác nhau, kể cả nghĩa tốt lẫn nghĩa bóng.
 Từ ý nghĩa ban đầu, sự phục vụ nó nhắm đến một hành động được thực hiện vì lợi ích của người khác, mà người thực hiện không màng chi đến sư biết ơn đền đáp của người mà mình đã phục vụ, ví dụ ngày xưa, bác sĩ y tá phục vụ bênh nhân chỉ với mục đích duy nhất là cứu người đem lại an vui và hạnh phúc cho người bệnh. Bài ca Phục vụ đã đưa ra một định nghĩa rất đẹp về chữ phục vụ: Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không chờ… Tuy nhiên chữ phục vụ ngày nay đã bị bôi bẩn, biến dạng bởi những thực tế đang xảy ra trong xã hội: người ta gọi là phục vụ, nhưng vẫn phải có đi có lại, phải biết điều, phải có phong bì; ở cấp thông thường, người cho mình là người phục vụ, thì vẫn đòi hỏi quyền lợi và sự đáp đền tương xứng, ở cấp cao, cấp lãnh đạo thì hai chữ phục vụ còn ẩn chứa ở đàng sau bao nhiêu mối lợi về quyền lực, địa vị, tiền bạc…
Hai con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan cũng đã hiểu hai chữ phục vụ một cách méo mó như thế, nên họ mới ngập ngừng đến xin Chúa Giêsu: Chúng con muốn xin Thày điều này – Xin cho chúng con một người ngồi bên phải và một người ngồi bên trái Thày khi Thày được vinh quang. Điều này có nghĩa là, hai ông thấy mình đã đi theo Chúa mấy năm, đã có công trạng nhiều, cũng đã cùng Thày phục vụ, thì giờ đây họ cũng phải được lại một phần vinh quang nào đó chứ?
Chúa Giêsu đến trần gian là để phục vụ nhân loại, và vinh quang của Ngài không phải là thứ vinh quang trần thế, quyền lực của Ngài không phải là quyền lực của vua chúa trần gian, trái lại Ngài phục vụ nhân loại bằng con đường hiến thân trên thập giá, phục vụ cho đến tận cùng, đến trao ban cả mạng sống. Chính vì thế mà Chúa đã muốn đưa hai enh em ông Giacôbê và Gioan trở về với đúng nghĩa của từ phục vụ: Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi Chén Thày sắp uống và chịu được phép rửa Thày sắp chịu không? Tức là Chúa muốn các ông phải trở về với ý nghĩa cao đẹp của sự phục vụ, và bước vào con đường phục vụ như Chúa. Khi nói đến Chén Thày sắp uống và phép rửa Thày sắp chịu, Chúa Giêsu muốn nói đến cuộc khổ nạn thập giá là đỉnh cao của sư phục vụ mà các môn đệ của Chúa nếu muốn được thông phần vinh quang với Chúa thì cũng phải dám bước vào con đường thập giá, con đường phục vụ này.
Hai môn đệ này chắc chắn chưa hình dung hết Chén Thày sắp uống và phép rửa Thày sắp chịu là gì, song các ông vẫn thưa: Thưa được! Chúa Giêsu đã  đồng ý để cho các ông cùng uống chén và cùng chịu phép rừa với Chúa, tức là cùng bước theo con đường hiến thân phục vụ của Chúa nhưng còn về vinh quang và phần thưởng thì do Thiên Chúa sẽ ban tặng. Nhân dịp này Chúa Giêsu mới nói cho các ông về bài học phục vụ: Vua chúa các dân thì lấy quyền để cai trị dân, còn anh em thì không được như vậy, ai muốn làm lớn thì phải là người phục vụ anh em. Tức là Chúa muốn các môn đệ của Chúa không thể sống theo như kiểu của thế gian, ai làm lớn thì là người thống trị và bắt buộc người khác phục tùng, hầu hạ mình, người đời tranh giành làm quan làm tướng là để kiếm được nhiều bổng lộc, còn người môn đệ của Chúa thì ngược lại, không tìm kiếm bổng lộc ở trần gian, không chờ đợi người khác mang ơn và đền trả, mà phải biết phục vụ một cách vô vị lợi, phục vụ vô điều kiện.
Chúa Giêsu cũng đưa ra cho các tông đồ tấm gương của chính Ngài: Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Đúng như thế, Chúa Giêsu là Ngôi Lời con Thiên Chúa với đầy đủ quyền uy và vinh quang của một vị Thiên Chúa, vậy mà khi đến trần gian Ngài đã không đòi hỏi một địa vị một chức bậc nào, trái lại Ngài đã sống cùng với mọi người để chia sẻ. để nâng đỡ cho mọi người. Sứ mạng của Ngài đến trần gian là để phục vụ cho Tin Mừng và phục vụ con người, Đức Giêsu đã tận tâm để đem Tin Mừng cho mọi người mọi nơi, Ngài đã cúi xuống để phục vụ từ người nghèo đói rách rưới đến những người đau yếu tật nguyền, từ những người bị bỏ rơi đến những người quý tộc, và cuối cùng, vì muốn phục vụ cho đến tận cùng thánh ý của Thiên Chúa Cha, Ngài đã chấp nhận hy sinh cả mạng sống mình, để làm giá cứu chuộc cho muôn vật muôn loài, và ban tặng cả con người và sức sống của mình cho nhân loại. Đó mới là sự phục vụ đích thật.
Tiên tri Isaia đã nhìn thấy trước nơi Đức Giêsu là hình ảnh của một người tôi tớ tận tụy phục vụ cho Thiên Chúa, mà đã là người phục vụ thì luôn sẵn sàng làm theo ý muốn của Đấng mà Ngài phục vụ, người tôi trung này đã chấp nhận mang lấy đau khổ thiệt thòi vào bản thân mình, đem sự công chính thánh thiện của mình mà thánh hóa mọi người.
Còn tác giả Thư Do Thái thì lại nhìn thấy nơi Đức Giêsu như là một Thày Thượng Tế phục vụ trong đền thờ của Thiên Chúa, nhưng không giống như các thượng tế Do Thái, mà Đức Giêsu là một vị Thượng tế siêu việt phục vụ trong đền thờ Thiên quốc, đồng thời Ngài cũng lại là một người trong nhân loại chúng ta, vì thế, mỗi người hãy tin tưởng đến với Ngài để đón nhận được sự yêu thương và bênh vực của Ngài trước tòa thiên Chúa.
Thưa quý OBACE, sống trong một xã hội thực dụng, người ta luôn đặt ra vấn đề có đi có lại, nhờ nhau điều gì cũng phải biết đáp lễ, lại mặt lại quả, làm gì thì cũng mong được lợi về cho bản thân, thì người Kitô hữu chúng ta không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi những cách sống như thế. Cách sống này nó làm cho người ta trở nên ích kỷ hơn, hẹp hòi với nhau hơn, và nó cũng tạo nên một lối suy nghĩ rằng: trên đời này chẳng ai cho không ai cái gì…từ đó có thể nó cũng làm cho chính chúng ta, nhìn hành động phục vụ của anh em dưới cái nhìn này, khiến cho nhiều người ngập ngừng và không dám phục vụ, không dám xả thân vì anh em đồng loại. Bên cạnh những tấm gương xả thân phục vụ cứu người, chẳng hạn như những anh lính cứu hỏa trong vụ 11/9 chấp nhận hy sinh cả mạng sống, thì cũng còn rất nhiều người mang danh là những con người phục vụ nhân dân, phục vụ người nghèo, nhưng thực ra lại là những người đục khoét của dân và làm khó cho người nghèo.
Trong tâm tình của ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, là những môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta cũng phải dám uống cùng một chén với Thày và chịu củng một phép rửa với Thày, tức là chấp nhận bước vào con đường khổ giá và hy sinh vì hạnh phục của nhiều người, dám xả thân phục vụ mà không tính toán thiệt hơn, dám quên mình vì niềm vui và hạnh phúc của anh chị em, khi chúng ta dám phục vụ mọi người một cách quảng đại như thế, là chúng ta đang dem Tin Mừng của Chúa đến cho anh em, là giúp anh em gặp được Đức Kitô qua sự tận tâm phục vụ của chúng ta.
 Sự phục vụ cao cả trong cuộc sống thường ngày mà chúng ta có thể thấy đó là sư phục vụ và hiến thân mình của cha mẹ dành cho con cái. Chúng ta ghi nhận xung quanh ta có biết bao nhiêu người cha người mẹ tần tảo sớm hôm để lo cho con cái nên người, có những cha mẹ già hầu như không có một giây phút nghỉ ngơi, kể cả khi tuổi gì sức yếu, ngày ngày vẫn cần mẫn như con ong cái kiến để nuôi sống gia đình và cho con cái có cơ hội học hành bằng với anh em. Những sự hy sinh âm thầm ây của các bậc cha mẹ, bản thân các ngài chẳng kể là gì, và cũng chẳng bao giớ các ngài chờ đợi một món lợi nào từ nơi con cái, có chăng là chờ đợi để thấy con mình thành công và hạnh phúc thì các ngài đã mãn nguyện rồi.
Với nhiều người trẻ hôm nay, dường như họ đã dánh mất lý tưởng phục vụ, mà chỉ còn quan tâm đến việc kiếm tiền và làm sao để cho có nhiều tiền, và tiền bạc cũng như địa vị xã hội đang là một cám dỗ khủng khiếp mà ít người cưỡng lại được… Tuy nhiên, là những người trẻ Công Giáo, chúng ta phải dám là những con người lội ngược dòng, dám sống quảng đại giữa một xã hẹp hòi, dám sống vì người khác trong một xã hội ích kỷ, dám xắn tay lên để phục vụ thay vì ngồi đó để chờ đợi người khác phục vụ, dám nghĩ đến nhu cầu lợi ich của người khác hơn là chỉ nghĩ đến nhu cầu lợi ích của bản thân, dám ra khỏi lợi ích bản thân để bước đến với anh em… Điều mà chúng ta chờ đợi không phải là những lợi lộc của trần gian này,mà chúng ta chờ đợi Thiên Chúa sẽ trả lại cho chúng ta vinh quang và hạnh phúc nước trời.
Xin Chúa cho mỗi chúng ta thấm nhuần bài học yêu thương và phục vụ của Chúa , và noi gương Đức Maria, để chúng ta cũng dám sống và phục vụ như Chúa muốn mỗi chúng ta. Amen
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét