Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

15 tháng 10, 2012

Lời Chúa thứ hai sau Chúa Nhật XXVIII thường niện

LỜI CHÚA: Lc 11, 29-32

Khi đám đông tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy một dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán xét, nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kế án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn ; mà đây còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.
SUY NIỆM:
Sau một thời gian dài rao giảng Tin Mừng Nước Chúa và chữa lành nhiều bệnh hoạn tật nguyền, xua trừ ma quỉ, nhưng Chúa Giêsu vẫn chưa chiếm được lòng tin của người Do Thái. Thật vậy, họ vẫn tìm đến để lắng nghe, mắt họ vẫn chứng kiến các dấu lạ nhưng lòng họ vẫn không chịu mở ra đón nhận ơn cứu độ. Bài Tin Mừng hôm nay là dẫn chứng cụ thể.
Mở đầu bài Tin Mừng, thánh sử Luca giới thiệu Chúa Giêsu bị đám đông vây quanh. Họ xúm lại để xin Ngài một dấu lạ, vì họ quan niệm dấu lạ là tỏ hiện kỳ công Thiên Chúa đã làm trong thời kỳ xuất hành, khi Thiên Chúa dẫn dân ra khỏi Ai cập, tiến về vùng đất hứa chảy sữa và mật... Chúa Giêsu lên án mưu đồ của họ và Ngài gọi họ là “thế hệ gian ác”. Dấu lạ họ xin như muốn thử thách Thiên Chúa. Họ đi theo dấu vết của tổ tiên họ xưa kia trong Sa mạc. Chúa Giêsu cảnh cáo hành vi của họ và Ngài tuyên bố : “ Chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na” (c.29). Thoạt nghe, chúng ta thấy có vẻ trái nghịch. Chúa Giêsu đã, đang và sẽ làm biết bao phép lạ cho dân. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu muốn nói rằng : Tất cả những dấu lạ mà Ngài đã làm, đang làm và sẽ làm chỉ qui về một dấu chỉ duy nhất: đó là con người và hành động của Chúa Giêsu. Ngài là Thiên Chúa đã xuống thế làm người, sống cùng họ, chia vui sẽ buồn và nhất là đã chết để cứu họ, đó khống đáng là dấu lạ vĩ đại đó sao ?
“Ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê ... thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy” ( c.30). Như  chúng ta đã thấy trong Cựu Ước, dân thành Ni-ni-vê sống trong tội lỗi đến nỗi khi Chúa sai Giôna đến rao giảng, kêu mời họ sám hối, ông đã khước từ và nói với Chúa: cứ phạt cho họ chết. Nhưng vừa nghe Giô-na rao giảng, từ vua chúa quan quyền lẫn thường dân, súc vật... đều mặc áo nhặm, ngồi trên đống tro mà khóc lóc van xin. Do đó, ông Giô-na trở thành một dấu lạ cho dân Ni-ni-vê. Ở đây, Chúa Giêsu so sánh mình với Gio-na, dân Israel với dân Ni-ni-vê. Ni-ni-vê đã hối cải, còn Israel thì sao ? Con Người đã là một dấu chỉ tuyệt hảo cho người Do Thái, nhất là sau biến có phục sinh. Câu 30 như một lời tiên tri vì sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng khi sự việc xảy ra. Con Người được chôn trong lòng đất 3 ngày và sau đó sẽ sống lại....Họ vẩn không chịu tin mà sám hối trở về.
“ Trong cuộc phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên... kết án thế hệ này, vì bà từ tận cùng trái đất đến nghe lời của Sa-lô-môn”. Sa-lô-môn một vị vua nổi tiếng là khôn ngoan. Ông có sự khôn ngoan là do ơn Chúa ban, chứ không do khả năng con người tìm kiếm. Thiên Chúa đã nói khi ông xin có được sự khôn ngoan : trước ngươi và sau ngươi, không có ai bằng ngươi ( x. 1V 3,12). Nghe danh tiếng của Sa-lô-môn, nữ hoàng phương nam đã cất công lên đường tìm đến học hỏi. Nhưng ở đây còn hơn vua Sa-lô-môn nữa, vậy mà người Do Thái nghe mà không hiểu, nhìn mà chẳng thấy điều gì. Nữ hoàng lên án người Do Thái vì bà chỉ đến để nghe và tiếp nhận sự khôn ngoan của một con người. Còn đây là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Chính` Thiên Chúa thân hành đến với con người, mời gọi họ lắng nghe, thế mà họ vẫn chối từ.
“ Trong cuộc phán xét...”ta thấy thánh sử lập đi lập lại cụm từ này ý nói điều sẽ xảy ra trong tương lai. Đây chính là lời tiên tri cho số phận của người Do Thái, những người  cứng lòng chối từ và gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời họ. “dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy và lên án thế hệ này, vì họ đã sám hối khi nghe Gioan giảng, ở đây còn hơn Giôna nữa” ( c.32). Dân thành Ni-ni-vê đã khiêm tốn và nhận ra tội lỗi của mình. Họ thống hối thực tâm trở về chỉ vì nghe theo lời của mình ngôn sứ, một con người. Còn dân Do Thái, họ cùng sống, được nghe biết bao lời giảng dạy của Chúa Giêsu, nhưng họ vẫn không chịu thay đổi lối sống để trở về lãnh nhận ơn tha thứ.
Toàn bộ bài Tin Mừng, chúng ta thấy nổi bật chủ đề “Sám hối”. Chủ đề này đã được Giáo Hội nhắc đến trong năm đức tin. Ngày nay, con người ít sám hối, thậm chí không tỏ ra sám hối ví tự ái, vì xem trọng cái tôi của mình vì khẳng định quyền  làm chủ và muốn gạt Thiên Chúa ra khỏi đời họ. Họ không tin vào Đức Kitô và chỉ xem Ngài như một con người lịch sử. Sám hối là nhận ra con người bất tòan của mình, với những yếu đuối, vấp ngã, giới hạn. Sám hối là đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, là Cha hằng yêu thương tha thứ. Sám hối còn nói lên tương quan huynh đệ tốt đẹp, thay cho lối sống vị kỷ bằng tấm lòng vị tha, quảng đại.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nhận ra các dấu chỉ của thời đại mà thực tâm trở về với Chúa, để trong ngày phán xét chúng con không bị lên án, kết tội vì đã không lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy trong cuộc đời chúng con. Amen.
                                                                                         Nữ Tỳ Thánh Thể

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét