Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

4 tháng 10, 2012

ĐỨC GIÊSU GIÁO HUẤN CÁC MÔN ĐỆ

Suy Niệm Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm B

Lắng nghe: Mc 9,38-48
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.
Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt. 
1. Bối cảnh
Đây là một cuộc đàm thoại của Đức Giêsu và nhóm Mười Hai: Đức Giêsu ngồi (tư thế của vị thầy đang dạy dỗ). Câu chuyện diễn ra “ở nhà” (c. 33), một ngôi nhà mà chẳng ai biết vị trí và sở hữu chủ. Ở đây, ngôi nhà chỉ được xác định là tại Caphácnaum, nơi đây mang một ý nghĩa tượng trưng, nghĩa là nơi Đức Giêsu dạy dỗ riêng cho các môn đệ. Trong cuộc trò chuyện, Đức Giêsu nhấn mạnh rõ ràng đến mối nguy đe doạ cộng đoàn khi các môn đệ còn tìm cho được ăn trên ngồi trước.
Mc 9,35-50 nằm sau lời loan báo Thương Khó lần thứ hai. Từ chương 8,31-10,45, có ba lời loan báo Thương Khó, mỗi lời đều có kèm theo những mẩu chuyện minh họa tình trạng tăm tối không hiểu của các môn đệ, khiến Đức Giêsu lại có cơ hội ban lời giáo huấn. Riêng ở đây, sau lời loan báo lần hai, vì các môn đệ còn quan tâm đến việc “trên trước”, nên Đức Giêsu dạy cho họ biết đâu là đường lối của Thiên Chúa.
2. Bố cục: chúng ta có thể chia thành hai phần :
  • cc. 38-41 : điều quan trọng là hành động vì Đức Giêsu, nhân danh Đức Giêsu.
  • cc. 42-48 : phải quí chuộng sự sống Đức Giêsu trao ban hơn hết, vì thế đừng làm cho những người mới tin đánh mất sự sống ấy, và nếu những cái chúng ta quí nhất lại làm cho chúng ta đánh mất sự sống ấy thì hãy vất nó đi.

3. Phân tích bản văn 
3.1. Chúng ta có nhận xét gì về bản văn ? Bản văn có lộn xộn không ?
       Giáo huấn của Đức Giêsu trong Mc 9, 38-48 bàn đến nhiều vấn đề có vẻ rất khác biệt. Câu Gioan hỏi và lời Đức Giêsu đáp về kẻ trừ quỉ xa lạ với nhóm 12 làm nên một khối duy nhất (cc 38-40). Nhưng với câu nói về ly nước cho môn đồ (c. 41), chúng ta thấy đề tài đổi cách đột ngột. Và đoạn văn nơi câu 42 về gương xấu « cho một kẻ nhỏ đang tin này » cũng thấy lạc lõng. Bắt đầu câu 43 vẫn còn vấn đề gương xấu hay dịp tội nhưng trong một viễn ảnh luân lý cá nhân hoàn toàn.
Tuy nhiên, những tư tưởng được liên kết với nhau bằng những “từ nối”, câu 37 với 41 nối với nhau bằng thành ngữ « Vì danh Thầy ». Các câu 42 đến 48 những từ nối kết với nhau bằng cụm từ « Nên cớ vấp phạm ». Câu 37 và 42 : « kẻ nhỏ » và « trẻ nhỏ ». Các tông đồ được coi như là kẻ nhỏ. Mạch văn toàn bộ nói đến sự hòa thuận và yêu thương nhau (c. 50).
3. 2. Đoạn I : cc. 38-41 : Khi viết đoạn văn này, tác giả có hai mục tiêu :
- Cách xử sự của Gioan cung cấp một ví dụ khác về tình trạng thiếu hiểu biết của các môn đệ và sự cần thiết phải sửa chữa. Các môn đệ không những tranh nhau về chỗ trên trước (Mc 8,33-37), các ông còn khoe khoang về những đặc quyền. Đó là một điểm tiêu cực cần điều chỉnh.
- Kế đó, công thức “vì người ấy không theo chúng ta”, một cách vô thức, các môn đệ đã lấy « chúng tôi » làm chính, chứ không lấy người « nhân danh Đức Giêsu » làm chính. Chính vì thế, cách Đức Giêsu đánh giá hoạt động trừ quỉ cho chúng ta hiểu rằng : Người không nhắm thành lập một nhóm khép kín để hưởng các đặc quyền đặc lợi, nhưng là một nhóm biết phục vụ bất cứ ai, trong âm thầm, khiêm tốn.
Chúng ta có suy nghĩ gì về thái độ của Gioan và câu trả lời của Chúa Giêsu?
Trong câu hỏi của Gioan, ông đề cao việc thuộc về Chúa « theo chúng tôi » mà xóa mờ việc « nhân danh Đức Giêsu ». Còn trong câu trả lời của Đức Giêsu thì Ngài lại lấy việc « nhân danh Ngài », « vì Ngài » làm chính. Phải chăng sự chia rẽ sau này trong Giáo hội đã quá đề cao yếu tố “theo chúng tôi” mà không nhấn mạnh đủ đến thái độ “nhân danh Đức Giêsu” ?
Nguyên tắc “Ai không chống lại Ta thì phải kể như là thuộc về Ta” thật độc đáo, vì nó đi ngược lại với nguyên tắc người ta vẫn thường theo từ trước tới nay. Người ta thường nghĩ “Ai không theo ta tức là kẻ chống ta”, hoặc “Ai không phải là bạn ta thì là kẻ thù của ta”, hay hơn nữa “Ai làm bạn với kẻ thù ta thì cũng là kẻ thù của ta”. Những nguyên tắc vừa kể biểu lộ một tâm lý tự tôn và độc tôn: chỉ có phe nhóm của mình là hay, loại trừ tất cả những ai không thuộc về phe nhóm mình. Còn nguyên tắc của Đức Giêsu là một nguyên tắc cởi mở, rộng lượng, nới rộng vòng tay hợp tác: tất cả mọi người, miễn là họ không chống lại ta, cho dù người đó không thuộc đạo ta, cũng phải coi là bạn của ta; cũng phải hợp tác với họ. Vậy, muốn có sự đoàn kết trong Giáo hội, trong cộng đoàn của chúng ta, thiết nghĩ phải lấy yếu tố « nhân danh Đức Giêsu » làm chính yếu.
3.3. Đoạn II : cc. 42-48
- Làm cớ cho những kẻ bé mọn đang tin phải sa ngã (c. 42): “Những kẻ bé mọn” đây chính là những Kitô hữu yếu đuối hơn hoặc ít sáng suốt hơn những người khác. Phaolô có lưu ý rằng những người hiểu biết hơn cũng có thể trở thành cớ khiến người yếu phải sa ngã (x. 1 Cr 8,7-13; 9,22; 10,24-29; Rm 14,1-23). Giọng nghiêm khắc của Đức Giêsu khiến ta hiểu phải tôn trọng phẩm giá của những kẻ ấy và phải ân cần săn sóc họ.
- Các câu 43-48: Nếu tay … nếu chân … nếu mắt…cc. 43.45.47 có nghĩa gì ? Sao chỉ có ba chi thể đó ? Tay, chân, mắt là những bộ phận chính của cơ thể dùng để liên lạc. Mỗi bộ phận này đều tác động đến cả thân thể. Chắc hẳn vì chúng tiêu biểu cho những gì loài người thường vi phạm, đó là: trộm cướp, bạo lực, ước muốn xấu…” (Mc 7,21-22). Nếu một chi thể nào là cớ đưa anh em đến chỗ phạm tội, thì loại nó đi, để tránh được hoả ngục và được vào Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu không bảo chúng ta chặt chân, tay, móc mắt, theo nghĩa đen, vì loại bỏ những chi thể này đâu hẳn là loại trừ được mối nguy phạm tội. Chúng tượng trưng cho tất cả các dịp tội mà một Kitô hữu có thể khám phá nơi bản thân hoặc trong các quan hệ bên ngoài. Do đó, phải được hiểu là chúng ta phải triệt để trong sự lựa chọn của chúng ta cho Thiên Chúa và cho Tin Mừng. Ở đây, Đức Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối của “sự sống”, của “Nước Thiên Chúa”, đó là tiêu chuẩn tối hậu của mọi chọn lựa của con người.
Suy thêm :
1. “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Lời này có giá trị gì đối với bản thân tôi?
2. Chúng ta có biết canh chừng đối với bất cứ điều gì có thể khiến chúng ta đánh mất Nước Trời không?
3. Theo ý bạn, đâu là những gương xấu mà giới trẻ hôm nay chịu ảnh hưởng (nơi gia đình, trường học, giáo xứ, xã hội)?
Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh, OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét