Nhạc nền

** *
Photobucket* Photobucket *
PHÔI PHA

20 tháng 10, 2012

Chúa Nhật XXIX Thường Niên B

ĐƯỜNG DẪN TỚI VINH QUANG LỜI CHÚA: Mc 10, 35-45

1. Cảnh này xảy ra ở đâu? Chủ đề là gì?
Cảnh này xảy ra trên đường dẫn tới Giêrusalem: là thị xã vương triều Đavit, là thủ đô của Palestine, nơi mà Con Người sẽ sống lại vinh hiển sau 3 ngày, ngày như Đức Giêsu vừa nói tiên tri (c. 34). Có lẽ cảnh khải hoàn như vậy đã gợi ý cho mấy người con ông Giêbêđê đề xuất lời xin ngây ngô của họ. Đoạn Tin Mừng này nói về chức quyền nhưng dưới hai phương diện khác nhau, chúng ta sẽ tìm hiểu trong phần phân tích bản văn.
2. Phân đoạn: Bài này chia làm hai phần
  • cc. 35-40 : Đức Giêsu đối thoại với hai con Giêbêđê
  • cc. 35-37 : Lời thỉnh cầu
  • cc. 38-40 : Câu trả lời
  • cc. 41-45 : Đức Giêsu giáo huấn Nhóm Mười Hai : có chức quyền là để phục vụ chứ không phải để cai trị
3. Con đường tới vinh quang (cc. 35-40)
a. Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu điều gì ?
Xin cho chúng tôi được ngồi một người bên hữu, một người bên tả trong vinh quang của Thầy. Phải hiểu « vinh quang » như trong bản văn của Mt 20,21, là vương quốc sắp được thiết lập tại Giêrusalem theo kỳ vọng của các môn đồ. Hai anh em ông muốn Chúa Giêsu dành cho họ những vinh dự lớn nhất và uy quyền tối cao trong quyền tối thượng theo kiểu Đavit. Trong lời tiên báo của Chúa Giêsu về tương lai của Chúa ở các câu 33-34 có hai yếu tố là khổ nạn và phục sinh, thế mà hai anh em thì giữ lại một vế. Điều đáng chú ý là Đức Giêsu đã nói về khổ nạn khá dài và nói đến lần này là lần thứ ba, còn nói về Phục Sinh thì rất vắn thế mà hai anh em lại thích vắn hơn dài.
Qua lời yêu cầu của hai ông Giacôbê và Gioan, chúng ta thấy rõ ý hướng chưa trong suốt của họ khi theo Chúa Giêsu. Chính ý hướng này là cái cản trở, khiến họ không nghe lời loan báo khổ nạn của Ngài, mặc dầu đó là lời loan báo thứ ba.
Bên cạnh đó, tự bản chất, con người muốn làm lớn, muốn ở trên kẻ khác, muốn thống trị, thích tìm ngồi chỗ nhất. Xã hội chúng ta lại khuyến khích và khơi dậy ước muốn đó, một ước muốn mà mọi con người bình thường đều có. Xã hội sùng bái những người đứng đầu, chiều chuộng những kẻ giàu nhất, mạnh nhất, thông minh nhất, đẹp nhất, táo bạo nhất. Chỗ nhất! Đôi khi chẳng có gì mà người ta không làm để đạt tới đó. Không phải ai cũng đều thành công, nhưng ai cũng ao ước, ai cũng mơ ước được như vậy.
b. Từ ngữ “chén” và “phép rửa” Chúa Giêsu nói ở đây là gì?
  • Trong Cựu ước, “chén” đôi khi cũng dùng để chỉ phúc thái ơn lộc, nhưng qua thời các ngôn sứ, “chén” thường được dùng để chỉ đau khổ, bất hạnh. Trong vườn cây dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: xin Chúa Cha cất chén đau khổ, nhưng đừng theo ý Con, một theo ý Cha mà thôi.
  • “phép rửa” ở đây là cái chết đau thương của Ngài, đây là phép rửa bằng máu, cũng có nghĩa là đau khổ. Nói chung, điều kiện mà Chúa đòi hỏi hai anh em Giacôbê và Gioan là có sẵn sàng chịu đau khổ với Ngài không? Lúc ấy hai ông thưa được dù chưa hiểu, nhưng sự thật sau này hai ông đã uống chén và chịu phép rửa như đã cam kết với Chúa.
c. Chúa Giêsu dạy dỗ họ như thế nào ?
Phân tích các lời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài không bác bỏ lời xin của hai ông như vô nghĩa, vì thực ra đã có lần Ngài hứa với họ khi con người ngự lên ngai vinh hiển Ngài, cả các con nữa cũng sẽ ngồi trên 12 ngai, mà xét xử 12 chi tộc Israel (Mt 19, 28). Khi Chúa Giêsu nói tiếng « không » với hai ông, Ngài không nghĩ đến tham vọng của họ cho bằng đến điều họ bỏ qua : Con đường dẫn tới vinh quang tức là đau khổ, là chén Ngài uống và thanh tẩy Ngài chịu.
Ngài nói trước về cái chết của hai ông và cho biết việc cắt đặt tôn ti không thuộc về Ngài, đó là cách Ngài dạy các ông hãy bước theo Ngài trong phó thác vào bàn tay nhân lành của Cha, đừng theo Ngài với thái độ đổi chác mua bán.
4. Có chức quyền là để phục vụ chứ không phải để cai trị (41-45)
Chúa Giêsu không trách hai môn đệ của Ngài, vì muốn được gần Ngài trong vinh quang Thiên quốc. Ngài không từ chối những khát vọng và nỗ lực của họ, vì Ngài không muốn có những môn đệ mệt nhọc, thiếu năng lực; nhưng Ngài chỉ cho thấy mục tiêu đúng đắn của các khát vọng, là mục tiêu duy nhất phù hợp với sự hiệp thông đời sống với Ngài: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (cc. 43-44). Đây là nẻo đường duy nhất đưa tới uy tín và sự cao cả thật sự. Phục vụ là tiêu chuẩn duy nhất giúp đánh giá sự cao cả và thành công đích thực. Ai là người tôi tớ của mọi người, tức là phục vụ nhằm mưu ích cho kẻ khác, với trọn tâm hồn, với tất cả sức lực, thì thật sự là người đứng đầu mọi người. “Mọi người” đây là tất cả những ai mà họ có thể phục vụ, tất cả những ai lệ thuộc sự giúp đỡ của họ. Người môn đệ Đức Giêsu không được chọn người để phục vụ theo các mối thiện cảm của mình. Cuối cùng, chính Đức Giêsu khẳng định bổn phận phục vụ dựa trên nền tảng là lối cư xử của Người (c. 45).
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn giáo huấn các môn đệ rằng : Những kẻ cao trọng trước mặt Thiên Chúa không phải là những kẻ để cho người ta phục vụ mình, nhưng là những kẻ phục vụ; những kẻ xứng đáng chỗ tốt trong Nước Trời, không phải là những kẻ chỉ biết ước mơ xin xỏ, nhưng là những kẻ bắt chước Chúa Kitô, uống chén đắng mà Ngài đã uống, làm đầy tớ như Ngài, chịu thanh tẩy bằng đau khổ như Ngài.
Suy thêm
  1. Chúng ta đã thực sự chấp nhận giáo huấn của Chúa Giêsu chưa ?
  2. Chức quyền có đối lập với phục vụ không ?
  3. Gương của Giacôbê và Gioan cùng lời dạy của Đức Giêsu có nói gì với bản thân tôi không ?
Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh, OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét